Mòn mỏi chờ thi hành án

Cơ quan THADS TPHCM trong một lần tống đạt quyết định thi hành án. Ảnh: Huy Thịnh
Cơ quan THADS TPHCM trong một lần tống đạt quyết định thi hành án. Ảnh: Huy Thịnh
TP - Ðược xử thắng kiện, chặng đường đi đòi công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong các vụ kiện dân sự vẫn chưa hết chông gai bởi hầu hết các khổ chủ chờ đến mỏi mòn vẫn chưa được thi hành án.

Khó như… hái sao trên trời

Ngày 4/8, tại chương trình Lắng nghe và trao đổi với chủ đề “Công tác thi hành án dân sự trên địa bàn - Thực trạng và giải pháp”, thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) TPHCM đã yêu cầu làm rõ 11 vụ việc điển hình liên quan đến công tác thi hành án dân sự (THADS) trong thời gian qua.

Tại chương trình, cử tri Nguyễn Văn Hóa bức xúc cho biết, được người thân ủy quyền yêu cầu thi hành một bản án dân sự tòa án đã tuyên buộc một đương sự phải trả cho phía ông hơn 1 tỷ đồng. Bản án có hiệu lực từ năm 2010 và cơ quan thi hành án đã kê biên một căn nhà, nhằm đảm bảo thi hành án nhưng suốt 9 năm qua chưa thi hành xong.

Còn cử tri Nguyễn Ngọc Minh cho hay gia đình ông mua một căn nhà ở quận 10 từ năm 2002. Vậy mà đến nay, gia đình ông vẫn chịu cảnh ở nhà thuê, còn người bán nhà cho ông vẫn thản nhiên đem căn nhà ông đã mua cho thuê. “Gia đình tôi mua căn nhà, giấy tờ sang nhượng hợp pháp. Sau đó người bán tiếp tục bán căn nhà cho người khác. Tôi kiện ra tòa, qua nhiều cấp xét xử, năm 2018, tòa án tuyên phải giao nhà cho gia đình tôi nhưng từ đó đến nay, việc thi hành án vẫn giậm chân tại chỗ”, ông Minh bức xúc trình bày.

Cử tri Lê Văn Linh (ngụ quận Thủ Đức) cho hay năm 2012, ông mua đấu giá căn nhà trên đường Tôn Thất Thuyết (quận 4) và đã thanh toán tiền nhưng 4 năm qua vẫn chưa được giao nhà. Tháng 8/2016, ông Linh khiếu nại và Chi cục THADS quận 4 yêu cầu phải giao tài sản cho ông nhưng đến nay gia đình ông vẫn chưa được thi hành. “Để có tiền mua nhà, gia đình tôi phải bán căn nhà ở Thủ Đức và vay mượn thêm. Tiền lãi vay phải trả hơn 20 triệu đồng/tháng. Tôi mua nhà vì muốn con sắp vào lớp 1 học trường gần nhà, vậy mà bây giờ cháu vào cấp 2 rồi mà nhà vẫn chưa có”, ông Linh nói.

Cử tri Tiết Tố Nữ (ngụ quận 11) cho hay bà là giáo viên nghỉ hưu. Năm 2006, bà nghe lời đường mật gom hết số tiền dành dụm hơn 146 triệu đồng cho một cá nhân mượn, đến nay vẫn chưa trả. Bà Nữ khởi kiện và tòa án đã xét xử, tuyên buộc người mượn phải trả tiền cho bà. “Cơ quan thi hành án cho biết người mượn tiền không có tài sản. Tuy nhiên, tôi đi tìm hiểu, xác minh mới biết bà ấy có rất nhiều nhà đất, ô tô, cửa hàng vật liệu xây dựng… Số tiền vay mượn của tôi đối với họ là rất nhỏ, trong khi tôi đã lớn tuổi, đang ở nhà thuê và bị bệnh tim, nay ốm mai đau”, bà Nữ bức xúc.  

Vướng đủ thứ

Trình bày với HĐND TPHCM về trường hợp của cử tri Nguyễn Văn Hóa, bà Nguyễn Thị Lương, Chấp hành viên Cục THADS TPHCM cho biết theo bản án của tòa năm 2010, ông Hóa được nhận hơn 1 tỷ đồng. Cục THADS TPHCM đã triệu tập các đương sự để thỏa thuận nhưng không có kết quả. Năm 2011, Cục THADS kê biên căn nhà tại phường 12 (quận 10) để thi hành án. Tuy nhiên, tại buổi kê biên, con gái người có nghĩa vụ trả nợ xuất hiện và thông báo bà bỏ tiền xây căn nhà trên nên sẽ khởi kiện cha mình, yêu cầu xác lập quyền sở hữu tài sản. Tòa án nhân dân (TAND) quận 10 đã thụ lý vụ kiện giữa hai cha con nên cơ quan thi hành án buộc phải hoãn thi hành án.

“TAND quận 10 đã chuyển vụ kiện của hai cha con lên TAND TPHCM vì có yếu tố nước ngoài. TAND TPHCM đã định giá xong căn nhà và đang trưng cầu chứng cứ. Chúng tôi sẽ tổ chức thi hành án ngay khi có phán quyết cuối cùng từ tòa án”, bà Lương khẳng định.

“Nhiều vụ việc thi hành án chậm trễ do cán bộ thiếu ý thức chấp hành kỷ cương, ngại khó, làm việc chưa khoa học. Lãnh đạo một số đơn vị thiếu sâu sát. Tình trạng đương sự chống đối cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ việc kéo dài”.

ông Phạm Huy Hoàng, Phó Cục trưởng Cục THADS TPHCM

Giải trình về trường hợp của ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS quận 10 Lê Văn Kiệt cho biết cơ quan thi hành án chưa thể bán đấu giá tài sản trên do vướng thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Mảnh đất có căn nhà nằm trên khu đất do Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Quốc phòng) quản lý. Cơ quan này cho phép người dân xây nhà ở trên khu đất. Tuy nhiên, UBND quận 10 không cấp giấy chứng nhận vì căn nhà xây sai quy hoạch, sai phép (cấp hơn 40 m2 nhưng kiểm tra thực tế thì căn nhà có diện tích hơn 60m2). Ngoài ra, trường hợp này được cấp nhà 2 lần và theo quy định là vi phạm.

Tại chương trình, Chủ tịch UBND quận 10 Trần Xuân Điền cho biết, đã có văn bản đề nghị Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng kiểm tra, xác định trường hợp trên có được cấp nhà hay không nhưng đến nay chưa có văn bản trả lời.

Về vụ việc của ông Lê Văn Linh, đại diện Chi cục THADS quận 4 cho biết, quá trình thi hành bản án năm 2011 của TAND TPHCM, đương sự không tự nguyện nên cơ quan thi hành án phải phát mãi căn nhà để thu hồi tiền và ông Linh đã mua và trúng đấu giá. Tuy nhiên, ông Linh đã nộp tiền mua nhà không đúng tiến độ. Chi cục xin ý kiến và được chỉ đạo tiếp tục giao nhà cho ông Linh. “Tuy nhiên, những người đang sử dụng căn nhà không tự nguyện bàn giao nhà và chi cục đang xây dựng kế hoạch cưỡng chế, bàn giao nhà cho ông Linh trong tháng 9”, đại diện Chi cục THADS quận 4 cho hay.

Đối với trường hợp bà Tiết Tố Nữ, đại diện Chi cục THADS quận Bình Tân cho biết ngay trong ngày bà Nữ yêu cầu, chi cục đã có quyết định thi hành. Tuy nhiên, qua xác minh, các nhà đất được cho là của người nợ tiền chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận, trong khi người này đang nợ nhiều nơi và hiện đã bỏ trốn. “Chúng tôi đang tiếp tục xác minh các căn nhà, lô đất và nếu đúng là của đương sự thì sẽ kê biên, trả nợ cho bà Nữ. Còn cửa hàng vật liệu là tài sản của con trai đương sự”, ông này cho hay.

Ngăn chặn việc tẩu tán tài sản

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu, cơ quan THADS có giải pháp phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc các đương sự tẩu tán tài sản, đặc biệt là nhà đất. Các cơ quan chức năng cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ quan, từ thẩm định giá, bán đấu giá tài sản kê biên nhằm đảm bảo tính minh bạch.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.