Một người nam trưởng thành, sinh hoạt tình dục bình thường và sống chung với vợ lâu hơn 2 năm mà không có con, cần được thực hiện một số điều sau:
- Xét nghiệm máu tổng quát và đo lượng hormone testosterone, FSH.
- Thử nghiệm tinh trùng, tinh dịch.
- Tinh trùng được quan sát dưới kính hiển vi trong khoảng 1 giờ sau khi xuất. Bình thường, khối lượng tinh dịch là 2-6 ml, số lượng tinh trùng trong mỗi ml phải có khoảng 20 triệu con hoặc nhiều hơn. Trong đó, có ít nhất 50% tinh trùng linh hoạt, bơi nhanh và có ít nhất 70% tinh trùng có hình dạng bình thường.
Số lượng tinh trùng ít và chất lượng kém có thể do:
- Thiếu hormone nam.
- Ảnh hưởng các kim loại nặng.
- Ảnh hưởng sức nóng quá độ (tắm nước nóng, làm việc trong môi trường quá nóng).
- Dùng rượu hay thuốc lá quá độ.
- Từng bị mắc bệnh quai bị hồi nhỏ làm viêm tinh hoàn.
- Bị mắc một số bệnh tình dục làm hư nghẽn ống dẫn tinh.
- Bị khuyết tật bẩm sinh.
- Bị ứ tĩnh mạch trong bọc tinh hoàn.
- Đã cắt ống dẫn tinh (để ngừa thai) và không sửa lại được.
Theo Đông y, ngoại trừ những trường hợp tổn thương thực thể hoặc khuyết tật bẩm sinh ở cơ quan sinh dục, vô sinh nam thường được cho là có nguyên nhân từ các bệnh lý như:
1. Thận dương hư
Dương khí không đủ làm lưng gối lạnh đau, đại tiện lỏng, có khi tiêu chảy vào lúc sáng sớm, tai ù mắt hoa, sợ lạnh, thích uống nước ấm, tự ra mồ hôi, có khi đi tiểu đêm nhiều lần, mất ngủ, di hoạt tinh, liệt dương, tinh thần suy sụp.
Bài thuốc dùng có công dụng bổ thận dương như Thận khí hoàn, Hữu quy hoàn, Ban long hoàn…
2. Thận âm hư
Người gầy khô, đổ mồ hôi trộm, đau lưng, mỏi gối, chân run, hoa mắt, ù tai, trong người nóng bức rức, đại tiện táo, tiểu tiện nóng, nước tiểu vàng, khó ngủ, dễ cáu gắt, mộng tinh, sinh hoạt tình dục yếu.
Bài thuốc dùng có công dụng bổ thận âm như: Lục vị địa hoàng hoàn, Tả quy hoàn… hoặc có công dụng bổ thận tinh như Đại bổ nguyên tiễn, Đại tạo cố chân hoàn, Ban long bách bổ hoàn...
3. Đàm thấp tích trệ
Người mập, cơ thể tích trữ nhiều mỡ, nhất là ở bụng và mông, thường có nhiều đàm nhớt, chóng mặt, nhức đầu, cao huyết áp, mỡ trong máu tăng, xơ vữa động mạch…
Bài thuốc dùng có công dụng hóa đàm, trừ thấp, tiêu tích trệ như: Nhị trần thang, Tiêu dao tán, Bối mẫu qua lâu tán, Tiểu hãm hung thang, Bán hạ Bạch truật thiên ma thang…
4. Thấp nhiệt hạ tiêu
Do ảnh hưởng của hai khí Thấp và Nhiệt nên gây ra viêm nhiễm ở các bộ phận của hệ sinh dục tiết niệu (thận, bàng quang, tuyến tiền liệt và đường tiết niệu).
Bài thuốc dùng thuốc có công dụng thanh nhiệt, hoá thấp như Đạo xích tán, Tư thận hoàn, Cam lộ tiêu độc đan…
Bên cạnh việc dùng thuốc, cần lưu ý đến chế độ sinh hoạt, chế độ ăn uống, luôn giữ tinh thần nhẹ nhàng, vui tươi, thoải mái. Kết hợp tập luyện một phương pháp dưỡng sinh phù hợp với thể trạng và điều kiện làm việc của mình (thái cực quyền, yoga, khí công, đi bộ, bơi lội, cầu lông, đá cầu…).
Một số món ăn có ích cho các trường hợp vô sinh nam
1. Thận dê nấu thuốc
Cách làm: Thận dê (hoặc tinh hoàn dê) làm sạch, các loại dược liệu rửa sạch, cho vào túi vải buộc kín. Cho tất cả vào nồi đất cùng với lượng nước vừa đủ, đun lửa lớn cho sôi, sau đó để lửa riu riu đến khi thận chín mềm là được. Nêm gia vị vừa ăn. Lấy túi thuốc ra, dùng ăn nóng vào lúc đói bụng. Một tuần có thể ăn 2-3 lần.
Món ăn này có tác dụng bổ thận dương, rất tốt cho trường hợp vô sinh do thận dương hư.
Có thể dùng thịt dê 500 g làm sạch, xắt miếng vừa ăn, tẩm ướp gia vị vừa đủ. Nấu với các loại dược liệu nói trên, có gia thêm hoài sơn (củ khoai mài) 50 g, lá dâm dương hoắc 30 g, đương quy 10 g, nhục quế 8 g, gừng tươi 3 lát. Đến khi thịt dê chín mềm là được. Dùng ăn nóng vào lúc đói bụng, ăn với mì sợi hoặc bánh mì. Một tuần ăn khoảng 1-2 lần.
2. Cháo tôm, rau hẹ
Nguyên liệu: Tôm sú 100 g, rau hẹ 50 g, hành tím 5 củ, hạt tiêu sọ 10 g, gạo tẻ 50 g, gia vị các loại.
Cách làm: Tôm làm sạch, ướp gia vị. Rau hẹ và hành rửa sạch, xắt nhỏ. Nấu gạo tẻ thành cháo. Khi cháo chín, cho tôm vào, đảo đều rồi cho hẹ, hành vào, quậy đều và nêm gia vị vừa ăn. Dùng ăn nóng vào lúc đói bụng, Một tuần ăn 2-3 lần.
Món ăn này rất tốt cho người nam vô sinh do thận dương hư.
3. Gà hầm câu kỷ, hoàng tinh
Cách làm: Gà làm thịt, rửa sạch, cho vào nồi đất cùng với lượng nước vừa đủ, cho 2 vị thuốc trên vào hầm nhừ. Nêm gia vị vừa ăn. Dùng ăn vào lúc đói bụng. Một tuần ăn 1-2 lần.
Món ăn này thích hợp với trường hợp vô sinh nam do thận dương hư, có các triệu chứng lưng, gối lạnh đau, mỏi nhừ, miệng khô, hoa mắt và chóng mặt.
4. Thịt rùa vàng hầm thuốc
Nguyên liệu: Thịt rùa vàng (hoặc thịt ba ba) 150 g, thục địa 12-15 g, câu kỷ tử 30 g, hoài sơn 30 g, nữ trinh tử 15 g, gia vị các loại...
Cách làm: Thịt rùa làm sạch, cắt miếng nhỏ. Các vị thuốc rửa sạch, cho vào túi vải, buộc miệng túi lại. Đổ nước vừa ngập, tất cả đem hầm nhừ, lấy túi bã thuốc ra, nêm gia vị vừa ăn. Dùng ăn vào lúc đói bụng. Một tuần ăn 2-3 lần.
Hoặc dùng thịt rùa 150 g, bong bóng cá 30 g, gia vị các loại. Thịt rùa rửa sạch, xắt miếng nhỏ, bong bóng cá rửa sạch, xắt nhỏ. Tất cả bỏ vào nồi với lượng nước vừa đủ. Đun sôi rồi hầm nhỏ lửa cho nhừ, nêm nếm gia vị vừa ăn. Dùng ăn vào lúc đói bụng. Một tuần ăn 2-3 lần.
Món ăn này rất có ích cho trường hợp vô sinh do thận âm hư.
5. Cháo sinh địa, táo nhân
Nguyên liệu: Sinh địa 30 g, toan táo nhân 30 g, gạo tẻ 50 g.
Cách làm: Sinh địa và táo nhân rửa sạch, nấu với lượng nước vừa đủ, sôi khoảng 30 phút. Lấy nước, bỏ bã, sau đó cho gạo vào nấu cháo ăn. Dùng ăn vào lúc đói bụng. Một tuần ăn 2-3 lần.
Sinh địa có tác dụng tư âm, thanh nhiệt. Táo nhân có tác dụng dưỡng huyết an thần. Dùng hai vị thuốc nấu cháo ăn có tác dụng bổ trợ cho việc chữa trị những trường hợp vô sinh nam do thận âm hư, can hỏa vượng.
6. Móng giò heo hầm củ hành
Cách làm: Móng giò heo làm sạch, chẻ nhỏ, cho vào nồi, thêm nước, hành và gia vị. Đun sôi, giữ nhỏ lửa cho đến khi chín nhừ. Nêm gia vị vừa ăn. Dùng ăn vào lúc đói bụng. Một tuần ăn 2-3 lần.
Móng giò heo có tác dụng tư âm dưỡng huyết, hành có tác dụng thông tinh quan. Hai thứ phối hợp với nhau làm cho món ăn có tác dụng bổ trợ cho việc chữa trị những trường hợp không vô sinh do thận âm, âm huyết suy hư.
7. Canh cá mực, đào nhân
Nguyên liệu: Cá mực (mặc ngư) 1 con, đào nhân 6 g, gia vị các loại.
Cách làm: Cá mực làm sạch, đào nhân rửa sạch. Cho hai thứ vào nồi, nấu với lượng nước vừa đủ. Khi mực chín thì nêm gia vị vừa ăn để làm món canh.
Dùng ăn trong bữa cơm. Một tuần ăn 2-3 lần. Cá mực có tác dụng thông huyết, đi vào kinh can, phối hợp với đào nhân nên tác dụng thông ứ huyết càng mạnh.
Món ăn này có thể dùng trong trường hợp vô sinh nam do huyết ứ gây nên.
8. Thịt thỏ nấu tam tử
Nguyên liệu: Thịt thỏ 250 g, kim anh tử 30 g, nữ trinh tử 20 g, thỏ ty tử 20 g (ba loại hạt này bọc trong túi vải), gừng tươi 15 g, đại táo 5 quả, gia vị các loại.
Cách làm: Thịt thỏ bỏ mỡ, xắt lát, gừng tươi giã nát, rửa sạch, tất cả cho vào nồi hầm 1-2 giờ, nêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.
Món ăn này có tác dụng tư bổ thận âm, cố tinh, thích hợp cho các trường hợp vô sinh nam thuộc thể thận âm bất túc, tinh quan bất cố (dễ xuất tinh, di tinh).
9. Đuôi heo nấu thuốc
Nguyên liệu: Đuôi heo 150 g, thục địa 30 g, tỏa dương 30 g, đỗ trọng 30 g, đại táo 10 quả, gừng tươi 15 g, gia vị các loại.
Cách làm: Đuôi heo cạo bỏ lông, rửa sạch, chặt khúc ngắn. Các loại gia vị rửa sạch cho vào túi vải, buộc kín. Gừng tươi giã nát. Tất cả cho vào nồi đất với lượng nước vừa đủ, hầm lửa nhỏ 2-3 giờ, nêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.
Món ăn này có tác dụng tư bổ thận tinh, rất tốt cho các trường hợp vô sinh nam khác nhau, có tình trạng tinh trùng ít, tinh trùng yếu.
11. Trứng cút nấu long nhãn
Trứng chim cút 4-6 quả, đánh lẫn với thịt 5-10 quả long nhãn, nấu chín lên ăn.
Món ăn này thích hợp với các trường hợp vô sinh nam khác nhau, có tình trạng tinh trùng ít hoặc tinh trùng hoạt động yếu.
12. Cật dê nấu tiểu hồi, đậu đen, đỗ trọng
Nguyên liệu: Cật dê 2 quả, tiểu hồi hương 8 g, đậu đen 100 g, đỗ trọng 15 g, gia vị vừa đủ.
Cách làm: Cật dê rửa sạch, xắt từng miếng nhỏ. Tiểu hồi hương, đậu đen, đỗ trọng rửa sạch, để ráo, cho vào túi vải gạc. Cho tất cả vào nồi, thêm lượng nước vừa đủ, nấu 30-60 phút, thêm gia vị cho vừa ăn. Món này rất tốt cho những người dương hư, đau lưng, chân gối mỏi, sinh hoạt tình dục yếu.
13. Hải sâm chưng nhục thung dung
Nguyên liệu: Hải sâm 50 g, nhục thung dung 60 g, thịt heo nạc 100 g, câu kỷ tử 30 g, gia vị vừa đủ.
Cách làm: Tất cả vị rửa sạch. Nhục thung dung ngâm mềm, xắt mỏng. Hải sâm xắt sợi. Thịt heo xắt lát vừa trộn chung với ít muối, tiêu, đường vừa ăn, cho vào thố, chưng cách thuỷ đến khi thịt mềm là được. Dùng ăn nóng trong bữa ăn.
14. Canh thịt dê - đương quy
Nguyên liệu: Thịt dê 150 g, đương quy 15 g, gừng tươi 3 lát.
Cách làm: Thịt dê rửa sạch cắt miếng nhỏ, chần qua nước sôi rồi cho vào nồi cùng với đương quy và gừng. Nấu với 500 ml nước đến khi thịt chín mềm là được. Nêm gia vị vừa ăn, dùng ăn trong bữa cơm.
15. Canh hàu
Nguyên liệu: Thịt con hàu 100 g, long nhãn nhục 25 g, đảng sâm 30 g (hoặc nhân sâm 10 g), đường phèn 30 g.
Cho tất cả nguyên liệu vào nồi đất, nấu với 500 ml nước, để sôi khoảng 30 phút. Dùng ăn vào lúc đói bụng.
16. Cật heo nấu câu kỷ - hoài sơn
Nguyên liệu: Cật heo 2 quả, xương heo 500 g, câu kỷ 20 g, hoài sơn 30 g. Muối, đường, nước tương vừa đủ để nêm.
Cật heo làm sạch, xương heo chặt miếng, câu kỷ, hoài sơn rửa sạch để ráo. Cho tất cả vào nồi, đổ nước vừa đủ, nấu lửa lớn cho sôi sau đó để lửa nhỏ. Khi thấy chín mềm thì cho gia vị vào nêm vừa miệng.
Món ăn này có công hiệu bổ thận, ích tinh, làm mạnh sinh lực.
Lương y Đinh Công Bảy
Tổng thư ký Hội Dược liệu TP HCM
Theo VnExpress