ự phát triển của du lịch, sự ra đời của những công trình và hệ sinh thái du lịch đẳng cấp được kiến tạo bởi những Tập đoàn lớn khắp các địa bàn tiềm năng trên cả nước đã làm thay đổi diện mạo những vùng đất, những cuộc đời…

Người ta nói đến thủ phủ du lịch miền Trung mà chưa ghé bánh xèo, nem lụi bà Dưỡng thì coi như chuyến du lịch tới Đà Nẵng chưa trọn vẹn. Dù nằm trong con hẻm nhỏ trên phố Hoàng Diệu (Q. Hải Châu) nhưng quán luôn đông nghịt khách từ 6 giờ sáng đến 22 giờ khuya. Hàng chục chảo đổ bánh bốc khói nghi ngút với hơn 30 người phục vụ vẫn không “tải” nổi lượng khách kéo đến ngày một đông. Quán bánh là niềm tự hào của gia đình 3 thế hệ. Bà Lai có 6 cô con gái thì 5 cô theo nghề mẹ. Với riêng bà Lai, đó còn là cơ ngơi không dễ gì có được sau bao năm vợ chồng bà bôn ba, vật lộn rồi dựng nghiệp cùng sự đổi thay, phát triển của thành phố.

Nhớ về tuổi thơ nghèo khó bên bờ đông sông Hàn, đến thời con gái, rồi cả khi đã có chồng, ngày ngày cô Lai vẫn đi đò “sang phố” để làm kẹo bọc thiếc thuê cho xưởng sản xuất của người Hoa. Quần quật 10 tiếng mỗi ngày, hai bàn tay chằng chịt vết xước cả cũ lẫn mới, nhiều vết nứt sâu rướm máu xót lịm. Chỉ đến khi mặt trời tắt hẳn, cả thành phố chìm sâu trong màn đêm tĩnh mịch mới là lúc mái chèo bì bõm đưa cô về lại xóm nghèo. Nơi ấy, anh Dưỡng – chồng cô vẫn chờ vợ về phụ hàng may vá.

"Đứng bên ni Hàn ngó bên tê Hàn nước xanh như tàu lá,
Đứng bên tê Hàn ngó bên ni Hàn phố xá thênh thang"...

Câu ca xưa là dẫn chứng hùng hồn cho hình ảnh đối lập giữa đôi bờ Đông- Tây của sông Hàn một thời. Từ xóm nghèo bờ Đông, mỗi khi có việc sang bờ Tây người dân vẫn gọi là “lên phố”. Để duy trì cuộc sống và nuôi 9 đứa con ăn học, cô Lai từng phải chấp nhận xa nhà, chân trần quảy quang gánh đi dọc chiều dài 2000 cây số của đất nước buôn mắm, buôn gạo, buôn tiêu… Nghề bán bánh xèo cô học được trong một dạo đi buôn mắm qua Quảng Ngãi. Cả gia tài của người phụ nữ tần tảo ấy khi đó chỉ vỏn vẹn có đôi bếp lò và bàn gỗ con, cái ghế băng vừa đủ 4 người ngồi, thế mà giờ đã là một trong 5 điểm ăn uống duy nhất của thành phố có diện tích hơn 1000 km2.

Đà Nẵng những năm 80-90 làm gì có điểm vui chơi giải trí nào! Vắt sang đầu thế kỷ này, niềm vui lớn nhất của nhiều cư dân vẫn là đi xem xây cầu. Cuối tuần, vài nhà rủ nhau lên đỉnh Bà Nà hóng mát nhưng “lên cũng cực xuống cũng cực mà đâu có gì!” – bà Lai nhớ lại. 7 giờ tối, nhà nhà tắt đèn. Khái niệm du lịch hầu như không tồn tại.

Vậy nhưng từ khoảng năm 2007 trở đi thì mọi thứ dần đổi khác. Hàng trăm dự án quy hoạch, xây dựng hạ tầng đô thị được triển khai, vùng đất bên kia sông Hàn bắt đầu thay da đổi thịt, đưa xóm nhà chồ lên phố. Du lịch bắt đầu phát triển, khách thập phương mới nhìn ra Đà Nẵng. Những con đường mới được thắp sáng thông đêm, lấp lánh đủ loại đèn màu, và những món quê kiểng, dân dã như bánh xèo, nem lụi của bà Lai bỗng trở thành đặc sản hút khách.

Năm 2013, lần đầu bà Lai được con gái dẫn lên Bà Nà Hills. “Ui cha cơ man nào là đẹp, đẹp như cung trăng!”, bà nhắc lại câu cảm thán quen thuộc. Bà không tin rằng đây chính là ngọn núi ngày xưa cũng có lần lên hóng mát.

Giờ thì Núi Chúa hoang vu đã thành nơi “tiên cảnh”. Có hẳn một Làng Pháp nguy nga, tráng lệ ở trên đó với hàng trăm loài hoa thơm cỏ lạ. Bà Nà Hills đã trở thành khu du lịch hàng đầu Việt Nam. Năm 2017, toàn thành phố đón 5 triệu lượt khách du lịch thì riêng lượng khách lên Bà Nà đã chiếm ngót 60%. Năm nay, nhờ cây cầu Vàng nổi tiếng, khách Tây đến Bà Nà, Đà Nẵng ngày càng đông..

Hơn 20 năm phát triển du lịch, nay thành phố đáng sống đã được ca ngợi là “thủ phủ du lịch của miền Trung”. Những xóm nghèo xưa giờ đã có các “đại gia” chuyên hàng thủ công mỹ nghệ, kinh doanh homestay, cánh lái xe taxi nay đời cũng khác – có những tài xế chỉ cần chạy chuyên tuyến từ trung tâm thành phố lên Bà Nà thôi cũng đủ mỗi tháng “nộp tô” cho vợ đôi chục triệu...

Thành phố giàu lên nhờ du lịch, người dân khấm khá lên cũng nhờ du lịch, mấy anh taxi khi nói với khách cũng tự hào về điều đó.

“Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt hả anh... Em đã lang thang mọi miền, giờ trở về Hạ Long quê mình, vẫn thấy đây là nơi dễ sống nhất!” – Tuyến vừa cầm vô lăng chở tôi lòng vòng quanh khu Hòn Gai, Bãi Cháy, vừa hàn huyên như một người quen lâu ngày gặp lại. Tuyến bảo mỗi đêm khi thành phố lên đèn, cũng là lúc cánh taxi đưa khách ngược xuôi hối hả, đó là thời cơ kiếm được nhiều tiền nhất trong ngày ở một thành phố du lịch đã quen với nhịp sống về đêm.

Sinh ra ở thành phố mỏ. Đã từng học cơ điện, rồi làm đủ các nghề, từ vào lò, phụ bếp nhà hàng đến order cho một nhà phân phối thực phẩm... nhưng rồi năm 2007, Đoàn Minh Tuyến (phường Hồng Hà, TP.Hạ Long) vẫn phải xách ba lô ra đi. Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Nội... cứ nơi nào có người giới thiệu việc làm là Tuyến lại lập tức lên đường với hy vọng có thể tìm thấy cơ hội khá hơn. Suốt 10 năm ròng, nghề cuối cùng Tuyến trụ được cho đến giờ là nghề taxi. Ba năm chạy thuê ở Hà Nội, cuộc sống chật vật vẫn đeo bám anh như một duyên nợ không thể dứt bỏ. Năm 2016, Tuyến quyết định trở về quê nhà, vay mượn anh em, họ hàng đầu tư một chiếc Vios 4 chỗ gần 600 triệu đồng để làm nghề. “Lúc em về thấy thành phố đã đổi khác lắm rồi, không còn cảnh 7 - 8 giờ tối đường xá tối om. Bây giờ đêm nườm nượp người tứ xứ, từ khách du lịch, dân nhập cư, người buôn bán... nên taxi cũng đắt khách”, Tuyến kể.

Vừa chịu khó, vừa có kinh nghiệm cầm lái ở thành phố lớn, Tuyến kiếm vài chục triệu đồng/tháng không quá khó. Tuyến thường đón khách gần công viên Sun World Halong Park ở khu Bãi Cháy. Chưa đầy 2 năm, Tuyến đã trả hết nợ vay mua xe, và bây giờ thì “đều đều nộp cho “Osin nhà” không dưới 15 triệu đồng mỗi tháng” – Tuyến cười hào hứng, mời tôi đi ăn bánh mỳ cay ở phố Vườn Đào.

Về khuya, bờ tây Hạ Long đường vẫn sáng trưng, dập dìu người dạo chơi, mua sắm và ăn đêm. Cô hàng bánh mì đầu phố Vườn Đào tíu tít với gần 30 thực khách ngồi quanh trên ghế nhựa, thật thà: “Cái ô bé xíu này, mấy năm nay nuôi sống cả nhà em đấy!”.

Là anh taxi tên Tuyến, hay anh Phạm Tuấn Dũng (phường Hồng Hải, TP.Hạ Long)- ông chủ chuỗi Local Homestay thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi tháng, hay cô hàng bánh mì đầu phố Vườn Đào đêm khuya vẫn tấp nập khách, thì người Hạ Long giờ cũng đều phấn khởi lắm. Họ hiểu, khách Tây, khách ta nườm nượp đổ về là nhờ đâu. Cuộc sống của họ đã thay đổi, cái sự giàu có thể còn chưa tới với nhiều người, nhưng khấm khá lên thì trông thấy rõ.

Hơn chục năm trước, mà chả cần nhiều thế đâu, chỉ 7 năm trở lại đây thôi, Hạ Long khác lắm. Người trẻ trung thích du ngoạn, ham vui chả mấy khi chọn chốn này, Hạ Long khi ấy giữ sự quyền quý của một bà hoàng trên ngôi cao di sản, già nua, buồn tẻ.

Từ ngày đón những dự án lớn, các tổ hợp vui chơi giải trí hàng đầu khu vực và thế giới, những khu nghỉ dưỡng 5 sao sang trọng, hệ thống dịch vụ tiện ích cải thiện, hạ tầng hiện đại… “bà hoàng” ấy bỗng như được trẻ hóa thành một “nàng công chúa tuổi xuân thì” rực rỡ. Du khách nội địa, sau nhiều năm bỏ rơi “thành phố biển không bãi tắm”, thì nay về đây mỗi cuối tuần, để thư giãn, để sum vầy vui vẻ, bởi đường xá thênh thang, phố phường sống động cả ngày lẫn đêm. Khách quốc tế cũng ngỡ ngàng vô công viên nước Typhoon Park, dạo chơi trên vịnh biển không phải bằng tàu thuyền mà bằng cáp treo. Có nhiều thứ rất khác ở Hạ Long, kéo khách về vùng di sản.

Theo báo cáo của Sở Du lịch, 10 tháng năm 2018, ước tính tổng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt trên 10,7 triệu lượt, gần gấp rưỡi số khách cả năm 2014. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 19.000 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. Trong đó, thành phố Hạ Long luôn dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng và sức hấp dẫn.

Từ giờ đến hết năm 2018, Quảng Ninh, Hạ Long lại có thêm cơ hội đón những dòng khách khủng, khi Cảng hàng không Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế chuyên biệt Hạ Long và tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn đồng loạt đi vào vận hành.

Thêm khách, nghĩa là có thêm cơ hội làm giàu. Người Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Ninh cũng chỉ mong có thế.

N gày nộp đơn vào làm nhân viên an ninh tại khu du lịch Sun World Fansipan Legend, khoản nợ hơn 30 triệu đồng đang siết chặt cuộc sống của Má A Tông (người H’ Mông, ở Sa Pa) và gia đình. Trong nhà, vợ làm nông không đủ sức cùng Tông lèo lái kinh tế, gánh vác nuôi con. Hai đứa con thơ thì một đứa mắc chứng tự kỷ, thể trạng yếu ớt, một đứa đang tuổi đòi ăn, đòi học. Cuộc sống và tương lai trước mắt Tông tối om như hũ nút, như đêm xóm núi dài dằng dặc mãi không thấy bình minh.

Ấp ủ ước mơ làm hướng dẫn viên du lịch, Má A Tông đã đi vay lãi 7 triệu đồng để đóng học phí, nhưng rồi kiến thức bản thân không đủ để theo lớp, theo trường, Tông đành bỏ cuộc. Số nợ còn lại là anh vay để dựng tạm căn nhà lán áp bên sườn đồi cho vợ con có chỗ trốn nắng mưa. “Nếu không được nhận vào làm ở Fansipan, tôi không biết đời mình sẽ ra sao. Nghĩ lại đã thấy khó khăn rồi!” – Tông chia sẻ.

Sau 3 năm làm cho khu du lịch, Tông không những trả hết nợ nần, được công ty hỗ trợ mua xe máy, xây tặng nhà, có lương ổn định để nuôi vợ nuôi con, mà thi thoảng còn được lên đỉnh trời nhìn ngắm núi non hùng vỹ. “Người H’Mong vốn thích sống trên cao. Mỗi lần đứng trên đỉnh, thấy quê hương mình được du khách yêu mến, ngưỡng mộ, truyền thống văn hóa dân tộc mình được mọi người ca ngợi, gìn giữ, tôi thấy tự hào!” – chàng cán bộ an ninh tâm sự với chúng tôi bên hiên căn nhà kiên cố vừa được xây mới vào năm trước.

Từ ngày có cáp treo, chẳng những Tông mà nhiều bà con người Mông có cơ hội “đổi đời” ấy chứ. Nói đâu xa, anh chàng Chảo Láo Sử, trước kia, cũng đã loay hoay tính bỏ xứ mà đi tìm cơ hội. Vào Sun World Fansipan, từ chỗ chỉ làm nhặt rau, phụ bếp, thế mà giờ lên hàng bếp phó, được ở nhà Sun home. Vợ Sử cũng mới được nhận vào làm ở khu du lịch. Hai vợ chồng tính gắn đời với nơi này thôi.

Trên đường vào Ga đi cáp treo Fansipan, có một khu chợ quê xinh xắn. Rất nhiều bà con dân tộc vùng cao tới buôn bán sản vật, du khách cũng háo hức mua bán xôm tụ lắm. Từ ngày vô đây, bà con nhiều người chẳng còn phải lẽo đẽo chạy theo khách bán từng món đồ thổ cẩm. Khu du lịch mở chợ miễn phí, ai đăng ký gian hàng thì cứ đến. Những gian hàng mái lá che nắng che mưa, che cả những phận đời long đong.

Ông Nguyễn Xuân Chiến, Giám đốc khu du lịch cho biết, có tới 1/3 nhân sự làm việc ổn định tại khu du lịch là người dân tộc sinh sống tại địa phương và các khu vực xung quanh, trong đó, người H’Mong, người Dáy, người Thái chiếm đa số. Bên cạnh các công việc lao động thủ công, nhiều người trong số họ còn nắm giữ một số vị trí quản lý quan trọng, một số là kỹ sư bảo dưỡng cáp, nghệ sĩ trong đoàn biểu diễn văn hóa nghệ thuật…

Từ ngày có cáp treo, người dân quanh khu vực cũng… được nhờ. Khách du lịch tăng trưởng liên tục ở mức 2 con số. Lượng khách du lịch tới Lào Cai tính đến hết tháng 9/2018 đạt trên 3,5 triệu lượt, tăng 75% so với 2015 – thời điểm trước khi có Cáp treo Fansipan và khu du lịch Sun World Fansipan Legends. Doanh thu từ du lịch của Lào Cai đạt tới 10.803 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2018, tăng 151% so với năm 2015. Nhà hàng, khách sạn mọc lên như nấm. Bà con địa phương làm ăn khấm khá hẳn lên. Gia đình bà Nguyễn Thị Làn ở tổ 11B, thị trấn Sa Pa, trước đây cũng chẳng khá giả gì. Thấy người lao động tới Sa Pa làm ăn ngày một đông, bà xây 7 phòng trọ cho thuê, kiếm thêm thu nhập. Cũng chẳng phải chỉ có bà Làn mới thức thời, chớp thời cơ nâng cao cuộc sống mà “riêng tổ 11B, có 130 gia đình thì có tới 100 hộ có nhà cho công nhân thuê, có khách sạn cho thuê”, bà Làn cho biết.

Lào Cai, Sa Pa rồi đây sẽ còn có nhiều du khách cao cấp hơn nữa, nhất là khi Hotel de la Coupole Sapa, MGallery by Sofitel – một tuyệt tác nữa của Bill Bensley và Tập đoàn Sun Group vừa mới khai trương, hứa hẹn khơi nguồn khách mới và kiến tạo nên một khái niệm du lịch sang trọng trên vùng đất này.