Mối quan hệ nào giữa ĐBQH Mạc Kim Tôn và siêu lừa Trần Thị Ánh ?

Mối quan hệ nào giữa ĐBQH Mạc Kim Tôn và siêu lừa Trần Thị Ánh ?
Dư luận tỉnh Thái Bình lại "nóng" lên khi Cơ quan điều tra quyết định khởi tố "siêu lừa đảo" Trần Thị Ánh có liên quan tới ông Mạc Kim Tôn- Đại biểu Quốc hội, nguyên Giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh Thái Bình.
Mối quan hệ nào giữa ĐBQH Mạc Kim Tôn và siêu lừa Trần Thị Ánh ? ảnh 1
Đại biểu Quốc hội, nguyên Giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh Thái Bình Mạc Kim Tôn

Trần thị Ánh (tên thường gọi là Hà) sinh năm 1967, thường trú tại số nhà 10, tổ 15 phường Quang Trung- TP.Thái Bình

Trước những bằng chứng ông Tôn có hành vi phạm tội mà Cơ quan điều tra đưa ra, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã ký quyết định tạm đình chỉ chức vụ Giám đốc Sở GD- ĐT đối với ông Mạc Kim Tôn.

Hiện vụ án đang được tiếp tục mở rộng điều tra... Song, qua vụ việc trên có rất nhiều câu hỏi được đặt ra đối với các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình vì trước đây đã có nhiều vụ việc bê bối, không minh bạch xảy ra trong ngành GD- ĐT tỉnh, nhưng không hiểu sao sự việc cứ chìm vào quên lãng mà không hề có câu trả lời thoả đáng, trước hàng trăm câu hỏi bức xúc của nhân dân(?).

Xin điểm lại một số vụ việc nổi cộm trong ngành: Năm 2002, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình được cấp 3,525 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để mua máy vi tính cho các trường học. Theo kế hoạch, số kinh phí này được cấp làm 2 đợt: đợt 1, theo Kế hoạch 291 ngày 24/6/2002 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình đã giao trách nhiệm cho Công ty sách thiết bị Trường học Thái Bình tổ chức tư vấn, đấu thầu theo quy định của Nhà nước.

Sau khi có Kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình, Hội đồng tư vấn đấu thầu đã được thành lập do ông Lại Hồng Kha- Trưởng phòng Kế hoạch Tài vụ (Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình) làm chủ tịch, ông Phạm Văn Minh – Giám đốc công ty Phát hành sách làm Phó chủ tịch, ông Bùi Hữu Cừ - Phó giám đốc Công ty phát hành sách làm thư ký... Tuy nhiên, theo xác minh của Công an Thái Bình, tất cả các thành viên Hội đồng không ai có kiến thức về chuyên môn máy vi tính(?).

Không những vậy, Hội đồng tư vấn đấu thầu lại “tự chọn” hình thức đấu thầu hạn chế, chỉ mời 4 nhà thầu “quen biết”. Trong đợt đấu thầu này, Công ty cổ phần Thương mại Thành Đô đã trúng thầu, tổng trị giá gói thầu 2,25 tỷ đồng.

Ngày 25/8/2002, tại văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình, Công ty cổ phần Thương mại Thành Đô đã ký hợp đồng kinh tế với 19 trường học được trạng bị máy vi tính, tổng số máy 319 chiếc, trong đó 11 bộ máy IBM và 308 bộ máy nhãn hiệu TDCOM.

Song điều đáng nói ở đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình chỉ định các trường được trang bị máy tính ký hợp đồng với Công ty cổ phần Thương mại Thành Đô theo ngày tháng và nội dung đã đề sẵn. Chưa dừng lại ở đó, đợt 2 Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình đã không tổ chức đấu thầu mà cho phép Hội đồng tư vấn đấu thầu chỉ định thầu việc cung cấp máy vi tính cho 17 trường học với số tiền 1,275 tỷ đồng (vi phạm điều 4 Nghị định số 88/1999/NĐ- CP và Nghị định số 14/2000/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đấu thầu, chỉ những gói thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp dưới 1 tỷ đồng mới được phép chỉ định thầu).

Và 3 đơn vị “quen biết’ được chọn để chỉ định thầu là Công ty TNHH Thái Việt, Công ty TNHH Hải Anh, Trung tâm phổ biến kiến thức và văn hoá cộng đồng UNESCO. Thật bất ngờ, theo điều tra của Công an Thái Bình, trong 3 đơn vị trên chỉ có công ty TNHH Thái Việt là có hàng thực sự để bán cho các trường học. Hai công ty còn lại không hề có chiếc máy vi tính nào để bán vẫn được chọn để chỉ định thầu? Và để có hàng bán cho các trường học, 2 công ty này đã phải mua lại máy của Thái Việt rồi bán cho các trường để hưởng chênh lệch.

Cụ thể: Trung tâm phổ biến kiến thức và văn hoá cộng đồng UNESCO được chỉ định bán cho 6 trường 66 máy tính CMS trị giá 450 triệu đồng, do không có hàng cung cấp đã mua lại máy của Công ty Thái Việt; đồng thời thuê lắp đặt, bảo hành hết 352 triệu đồng, hưởng chênh lệch gần 98 triệu đồng.

Công ty TNHH Hải Anh cũng mua lại máy của Công ty Thái Việt hưởng chênh lệch gần 35 triệu đồng. Riêng nguồn gốc máy của Công ty Thái Việt qua xác minh của Công an Thái Bình, giá bán thực chỉ có 306 USD/bộ, trong khi đó Hội đồng tư vấn đấu thầu ấn định giá bán 422 USD/bộ. Như vậy, nếu tính cả chi phí lắp đặt, vận chuyển chênh lệch mỗi máy là 1.480.000 đồng. Tổng số tiền chênh lệch trong đợt bán máy lần 2 là gần 271 triệu đồng...

Rồi những khuất tất trong việc thi tuyển công chức ngành GD- ĐT ở huyện Đông Hưng đã gây dư luận xôn xao một thời. Và gần đây, vào cuối năm 2005, cơ quan điều tra đã khám phá đường dây chuyên "chạy" biên chế ở Trường Cao đẳng sư phạm Thái Bình... Nhưng rồi mọi việc cũng dần chìm vào quên lãng mà chưa có lời giải đáp thoả đáng?

Ngoài ra, còn rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho các cơ quan chức năng trong tỉnh Thái Bình, như: Trước cơ quan điều tra, ông Mạc Kim Tôn chỉ thú nhận một cách "ngây ngô" rằng: "Tôi đã bị lừa và cũng chỉ là nạn nhân của Trần Thị Ánh...".

Vậy thử hỏi, bản thân là một Đại biểu Quốc hội, một Tỉnh uỷ viên Tỉnh uỷ Thái Bình, giám đốc Sở GD- ĐT; thường xuyên làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh... nhưng tại sao ông Tôn lại không biết Văn phòng Tỉnh uỷ, cũng như Văn Phòng UBND tỉnh Thái Bình không hề có ai tên là Trần Thị Ánh?

Vả lại, tại sao ông Tôn lại tin vào một dự án trị giá nhiều tỷ đồng mà thực tế không hề có? Phải chăng đã có sự liên kết làm ăn bất chính giữa ông Mạc Kim Tôn và Trần Thị Ánh?... Còn rất nhiều câu hỏi khác được đặt ra. Hy vọng rồi đây sẽ sớm có câu trả lời thoả đáng từ các cơ quan chức năng trong tỉnh Thái Bình.

Theo Phạm Hoàng Điệp
TTXVN

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.