Mới nhất vụ doanh nghiệp dọa kiện Trung tâm Đăng kiểm tàu cá

TP - Trước việc ông Lê Văn Thục, Chủ tịch HĐTV Cty TNHH Đại Nguyên Dương dọa kiện Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) mới đây, ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá cho Tiền Phong biết, việc dọa kiện như thế là sai và không có cơ sở. 

Lý do ông Thục dọa kiện liên quan việc UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Cty TNHH Đại Nguyên Dương thay toàn bộ phần thép do không đạt Mac A, vì thành phần Mn (Mangan) của 4 con tàu (theo Nghị định 67 - PV) không đảm bảo. Những phương án do Cty Đại Nguyên Dương đưa ra như tháo phần thép không đúng chuẩn Mac A (thép Trung Quốc) và thay  bằng thép Hàn Quốc Mac A (đúng với hợp đồng); hoặc sơn lại toàn bộ phần vỏ thép để “lấp” gỉ sét đều không được chấp nhận.

Ông Thục cho rằng, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá là đơn vị cắt mẫu thép đi kiểm tra, rồi cho phép công ty đóng, giờ lại bắt tháo ra thay lại. Do đó, công ty dọa kiện Trung tâm Đăng kiểm tàu cá và thậm chí kiện 5 ngư dân nếu không thể thỏa thuận.

Tuy nhiên, theo ông Đức, ý kiến của ông Thục đưa ra trước khi diễn ra buổi làm việc của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT với UBND tỉnh Bình Định, Cty TNHH Đại Nguyên Dương và ngư dân (ngày 22/8) để giải quyết vấn đề trên.

Ông Đức cho rằng, trong quá trình đóng tàu, đăng kiểm viên kiểm tra an toàn kỹ thuật, có công đoạn kiểm tra vật liệu. Trong đó, các bước kiểm tra vật liệu này, đăng kiểm viên không làm thay việc của nhà máy là lấy mẫu thép đi kiểm tra…“Do ông Thục nghĩ là đăng kiểm viên đã lấy mẫu thép đi kiểm định, nên mới phải chịu trách nhiệm về kết quả đó, vì thế mới đòi kiện Trung tâm”- ông Đức nói.

Chiều 29/8, trao đổi với PV Tiền Phong liên quan việc xử lý việc vỏ tàu thép không đủ thành phần Mn của Cty Đại Nguyên Dương, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, Bộ đã ban hành quy chuẩn, điều kiện và có các hướng dẫn cụ thể cho địa phương. “Việc giải quyết các vấn đề trên thuộc UBND tỉnh Bình Định. Nếu tỉnh chưa quyết định được, có thể thuê chuyên gia tư vấn”- ông Tám nói.

“Quan điểm của Bộ NN&PTNT là sớm phải sửa chữa tàu cho ngư dân và nếu trong quá trình sửa, ngư dân chưa ra khơi được, cơ sở đóng tàu phải chịu trách nhiệm bồi thường phần thiệt hại cho ngư dân do tàu nằm bờ”- ông Tám nói.

Liên quan đến việc thuê chuyên gia, ông Đạo Văn Hùng, Phó GĐ Sở NN&PTNT cho PV Tiền Phong biết, hai chuyên gia công tác tại ĐH Bách khoa TPHCM mà tỉnh đã thuê về thẩm định chất lượng thép đóng tàu trước đó chỉ nhận lời về tư vấn. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh muốn có kết luận độc lập, nên phải tìm các chuyên gia khác.

“Tỉnh muốn ký hợp đồng với chuyên gia đầu ngành về luyện kim và muốn chuyên gia phải chỉ ra được hàm lượng Mn và các thành phần khác trong vỏ thép đóng tàu là bao nhiêu, có đảm bảo tiêu chuẩn hay không và có quan điểm độc lập. Sau đó, tỉnh sẽ nghiên cứu quy chuẩn của Bộ NN&PTNT và làm việc lại với Cty TNHH Đại Nguyên Dương để ra quyết định”- ông Hùng nói.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Quảng Nam trả lời việc doanh nghiệp xin cấp phép thăm dò vàng
Chủ tịch Quảng Nam trả lời việc doanh nghiệp xin cấp phép thăm dò vàng
TPO - Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khu vực doanh nghiệp đề xuất khoan thăm dò không thuộc khu vực cấm, khu vực thuộc đất quốc phòng an ninh, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Vấn đề ô nhiễm môi trường hay không do Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu đánh giá, việc xem xét cấp phép hay không do Trung ương quyết định.