Mới nhất vụ 2 máy bay mất liên lạc vì kiểm soát viên ngủ quên

Mới nhất vụ 2 máy bay mất liên lạc vì kiểm soát viên ngủ quên
TPO - Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh cho hay, các biện pháp đình chỉ, rút giấy phép, phát tiền kiểm soát viên không lưu chỉ là biện pháp tức thời. Cục Hàng không đang rà soát để xử lý hệ thống, tránh sự cố tái diễn.

Tước giấy phép, phạt 7,5 triệu đồng

Sáng 22/3, Cảng vụ Hàng không miền Bắc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với kíp trực Đài Kiểm soát không lưu Cát Bi vì để xảy ra sự cố mất liên lạc với 2 máy bay Vietjet Air đêm 9/3.

Kiểm soát viên Lương Thị Minh Thư (31 tuổi) bị phạt 7,5 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép kiểm soát viên không lưu trong 2 tháng. Hình phạt tương tự áp dụng đối với kiểm soát viên trực hiệp đồng Nguyễn Văn Chanh.

Cảng vụ Hàng không miền Bắc cũng yêu cầu Công ty Quản lý bay miền Bắc tổ chức bình giảng với các kiểm soát viên không lưu, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, tránh xảy ra sự cố tương tự. Kết quả bình giảng và xử lý kỷ luật phải được báo cáo bằng văn bản trước ngày 25/3.

Theo báo cáo, nữ kiểm soát không lưu Lương Thị Minh Thư được phân công nhiệm vụ trực chính từ 19h tối 9/3 đến 7h30 sáng 10/3, trong đó có nhiệm vụ điều hành chuyến bay VJ921 cất cánh từ Hải Phòng đi Seoul (Hàn Quốc) và chuyến bay VJ 292 từ TP HCM về Hải Phòng.

Tuy nhiên, quá trình trực chính, chị Thư đã ngủ quên, không duy trì các kênh liên lạc từ 21h40 đến 23h15 ngày 9/3. Việc này khiến hoạt động điều hành bay bị gián đoạn hơn 30 phút, phi công 2 chuyến bay 39 lần liên lạc không có tín hiệu trả lời.

Nhân viên Nguyễn Văn Chanh được phân công trực hiệp đồng, nhưng không có mặt tại vị trí làm việc từ 21h40 ngày 9/3 đến 5h40 ngày 10/3.

Mới chỉ xử lý tạm thời

Trả lời câu hỏi của Tiền Phong về việc lỗi vi phạm đe doạ uy hiếp an toàn bay nhưng các biện pháp xử lý được nhiều người cho rằng chưa thích đáng, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho hay, các biện pháp đình chỉ công tác, tước giấy phép phạt tiền và thay thế nhân viên không lưu chỉ là biện pháp tức thời với mục tiêu duy trì điều hành không lưu, không làm gián đoạn dịch vụ hàng không.

“Chúng tôi đang cùng Tổng Cty Quản lý bay Việt Nam rà soát toàn bộ hệ thống để tránh tình trạng tái diễn. Còn việc xử lý các nhân viên cụ thể chỉ là bước đầu” – ông Thanh cho hay.

Nói về nguy tai nạn của việc kiểm soát viên không lưu làm thiệt hai như thế nào cho hãng hàng không? đe doạ an toàn bay ra sao, ông Thanh cho hay, thiệt hại đối với hãng khi phải bay chờ, máy bay dưới đất chờ cất cánh là có nhưng chưa tính toán được cụ thể.

Về uy hiếp an toàn bay, ông Thanh cho hay, trong trường hợp phi công không liên lạc được với không lưu tại sân bay Cát Bi sẽ chuyển kênh liên lạc với không lưu phụ trách đường dài hoặc không lưu các khu vực lân cận như Nội Bài. “Việc máy bay bay chờ dẫn đến hết xăng là một giả thuyết. Tuy nhiên, trong trường hợp này, phi công có trách nhiệm tính toán để đủ khả năng bay về sân bay dự phòng, nhất là sân bay Hà Nội và Hải Phòng không xa nhau” – ông Thanh nói.

Lãnh đạo Tổng Cty Quản lý bay cũng cho hay, việc xử lý các nhân viên không lưu là tạm thời để phục vụ điều tra. Các công việc liên quan đang được Tổng công ty tiến hành.

MỚI - NÓNG