Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội:

Mỗi năm xử lý 1.000 cán bộ, đảng viên sai phạm là bình thường

Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội - Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri ngày 24/4. Ảnh: Nguyễn Tú
Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội - Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri ngày 24/4. Ảnh: Nguyễn Tú
TP - Ngày 24/4, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội - Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nói rằng, mỗi năm Hà Nội xử lý khoảng 1.000 cán bộ, đảng viên có sai phạm là điều bình thường; thành phố khuyến khích các cấp ủy xử lý kỷ luật càng nghiêm càng tốt.

Ngày 24/4, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII. Tại buổi tiếp xúc, cử tri 2 quận Hai Bà Trưng và Đống Đa phản ánh, kiến nghị nhiều vấn đề còn tồn tại, vướng mắc, gây bức xúc.

Nhiều dự án “rùa bò”

Cử tri các phường thuộc quận Hai Bà Trưng phản ánh tình trạng nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ như dự án đường vành đai 1, vành đai 2, dự án đường Nam Đại Cồ Việt. Đề cập dự án giao thông đô thị đường vành đai 1 đoạn Trần Khát Chân - Nguyễn Khoái, cử tri Đỗ Đình Số ở phường Thanh Lương cho biết, cử tri đã đề nghị nhiều lần nhưng tiến độ triển khai dự án vẫn rất chậm, dẫn tới nhếch nhác, ô nhiễm môi trường. Dự án đường vành đai 2 đoạn Minh Khai - Chợ Mơ cũng đang chậm tiến độ. Cử tri phường Minh Khai kiến nghị đẩy nhanh tiến độ dự án này càng nhanh càng tốt để chấm dứt tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra.

“Các cấp ủy cần phải nhận thức rõ rằng, không phải vì xử lý kỷ luật nhiều cán bộ thì bị cắt thi đua hay bị đánh giá thấp, thành phố khuyến khích các cấp ủy xử lý kỷ luật càng nghiêm càng tốt”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị

Ông Nguyễn Minh Hào, đại diện cử tri phường Vĩnh Tuy, kiến nghị chia đôi phường Vĩnh Tuy vì dân số của phường đã trên 4 vạn, chưa kể dân cư các khu đô thị lớn nằm trên địa bàn như khu đô thị Time City, dự án nhà ở Hòa Bình Green khi lấp đầy. Theo ông Hào, nếu tính đầy đủ thì dân số phường Vĩnh Tuy thời gian tới có thể lên đến trên 8 vạn.

Đề cập việc cải tạo các tòa nhà tại khu tập thể Trung Tự, cử tri Trần Văn Nam ở phường Trung Tự cho biết, dự án này được triển khai từ năm 2002, các hộ dân đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên, đến giờ, các hộ dân tại khu tập thể này vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội - Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nói rằng, các cuộc tiếp xúc cử tri cho thấy trên địa bàn vẫn còn một số vụ việc tồn đọng kéo dài gây bức xúc cho người dân. Theo ông Nghị, những dự án chậm tiến độ ở quận Hai Bà Trưng có nhiều nguyên nhân, song phải thẳng thắn nhìn nhận có nguyên nhân do thẩm quyền quản lý, chính quyền các cấp làm chưa hết trách nhiệm, chưa nghiêm. Vì vậy, cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt  hơn nữa để có thể triển khai, đáp ứng yêu cầu tiến độ.

Về kiến nghị tách phường Vĩnh Tuy ông Nghị nói: “Theo luật hiện hành, việc chia tách phường thuộc thẩm quyền của Chính phủ và hiện Chính phủ, Bộ Nội vụ chủ trương hạn chế việc chia tách địa giới hành chính, nhằm tinh giản biên chế, bộ máy. Song với một phường có diện tích dân cư quá lớn như vậy thì việc chia tách là hết sức cần thiết, thành phố sẽ tiếp thu ý kiến cử tri báo cáo lên Chính phủ việc này”. Về phản ánh của cử tri tại khu tập thể Trung Tự, ông Nghị đề nghị các đơn vị liên quan sớm cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân. “Chủ trương này đã trở thành một quyết định, có tư cách pháp nhân đầy đủ thì dân phải được hưởng”, ông Nghị nói.

Đại biểu vắng mặt, không phát biểu, xử lý sao?

Đề cập công tác của các ĐBQH, cử tri Nguyễn Khắc Phúc ở phường Minh Khai nêu vấn đề, trong phiên họp ngày 20/11/2014, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu con số đại biểu vắng mặt lên đến 102 người. “Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội vắng bao nhiêu người? Hay việc có những đại biểu cả nhiệm kỳ không phát biểu thì làm thế nào để phản ánh ở trên?”, ông Phúc hỏi.

Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Phạm Quang Nghị cho hay, tất cả các đại biểu đều cố gắng thực hiện trách nhiệm của mình, tuy nhiên, với một kỳ họp kéo dài hơn 1 tháng, trong số đó đại biểu chuyên trách chỉ khoảng 30%, còn lại 70% không chuyên trách, nhiều đại biểu vừa phải họp Quốc hội vừa phải giải quyết công việc khác. “Bản thân tôi là Trưởng đoàn ĐBQH nhưng phải chủ trì họp Thường vụ, họp Thành ủy, giao ban quý..., dù cố gắng đến đâu cũng vẫn có buổi phải xin phép nghỉ họp Quốc hội. Từng buổi chúng tôi có danh sách đánh dấu ai vắng, ai không vắng, vắng có lý do hay không”, ông Nghị trả lời.

Về xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm, ông Nghị cho biết, bất cứ đơn vị, cá nhân nào vi phạm đều bị xử lý kỷ luật theo đúng quy định. Theo ông Nghị, Hà Nội có 60 đầu mối Đảng bộ trực thuộc Thành ủy, trong đó có 30 quận, huyện; mỗi năm, Hà Nội xử lý trung bình trên dưới 1.000 cán bộ, đảng viên có sai phạm. “Hà Nội có trên 39 vạn đảng viên thì 1 năm xử lý cỡ 1.000 cũng là bình thường. Theo tôi, phải thấy việc xử thế này là tốt, nếu vi phạm mà 1 năm không xử lý được ai thì thành ra đấu tranh phê bình kém quá”, ông Nghị nói. Ông Nghị cho hay, thành phố đang tiếp tục khuyến khích các cấp ủy Đảng xử lý nghiêm các vi phạm.

MỚI - NÓNG
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
TPO - Hiện nay dòng máy bay Airbus A321 Neo có phần linh kiện đang trong thời gian bảo trì bảo dưỡng. Theo yêu cầu của nhà chế tạo, hàng loạt máy bay đã phải triệu hồi, phải dừng các chuyến bay bằng dòng máy bay này. "Các hãng nội địa của chúng ta dùng dòng máy bay này là chính nên dẫn đến việc hạn chế, thiếu hụt máy bay. Đây là một tác nhân cho việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian qua" - Cục Hàng không thông tin tới lãnh đạo TP. Đà Nẵng. 
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.