'Mổ xẻ' tên lửa đối hạm của Trung Quốc

'Mổ xẻ' tên lửa đối hạm của Trung Quốc
TPO - Trung Quốc hiện đang chế tạo và cung cấp các hệ tên lửa có khả năng sử dụng trong tác chiến từ phòng thủ bờ biển, môi trường biển nông/duyên hải và tác chiến tầm xa ngoài đường chân trời.

'Mổ xẻ' tên lửa đối hạm của Trung Quốc

> Huyền thoại 'siêu tiêm kích' đánh chặn Mig-31
> Khởi đóng chiến hạm Gepard-3.9 mới cho Việt Nam

TPO - Trung Quốc hiện đang chế tạo và cung cấp các hệ tên lửa có khả năng sử dụng trong tác chiến từ phòng thủ bờ biển, môi trường biển nông/duyên hải và tác chiến tầm xa ngoài đường chân trời.

Triển lãm hàng không Trung Quốc tháng 11/ 2006 tổ chức ở Chu Hải (Zhuhai), đánh dấu một bước ngoặt trong lộ trình phát triển tên lửa đối hạm Trung Quốc. Lần đầu tiên, Tập đoàn công nghiệp và khoa học hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC) đã trưng bày bốn tên lửa khác nhau tất cả đều đã được khẳng định là qua thử nghiệm, đang trong giai đoạn chế tạo và sẵn sàng xuất khẩu. Thông lệ tiêu chuẩn của Trung Quốc là chỉ chào hàng một vũ khí khi đã có một hệ thống kế tiếp sẵn sàng đáp ứng nhu cầu trong nước.

Tại Chu Hải, CASIC đã giới thiệu một cách chi tiết một khái niệm hệ thống phòng thủ bờ biển tích hợp có khả năng giao chiến với các mục tiêu ở tầm từ 8 km đến 280 km - chưa từng thấy một hệ thống nào như vậy từ trước tới nay.

Có bốn thiết kế tên lửa cơ bản trong khái niệm phòng thủ này, ít nhất hai trong số bốn mẫu thiết kế tên lửa đó đã được xuất khẩu và tất cả các mẫu tên lửa đều sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của bất kỳ khách hàng nào đặt mua.

Trung Quốc đang ngày càng tập trung những nguồn lực vào thiết kế và chế tạo hàng loạt hệ thống vũ khí tiên tiến khác nhau. Về lĩnh vực phát triển tên lửa chiến thuật, thì chỉ có tên lửa đối hạm được đánh giá là phát triển có chiều sâu và tốc độ nhanh nhất.

Vì vậy, cơ sở công nghiệp và nghiên cứu của Trung Quốc hiện nay có nhiều trung tâm đầu tư hiện đại chuyên thiết kế tên lửa đối hạm, và những ngày mà khả năng tiến công trên biển của Trung Quốc dựa vào những thiết kế tên lửa đối hạm cổ điển của Liên Xô thập niên 60 đã đi vào dĩ vãng.

Hiện nay, Trung Quốc đã có đủ năng lực chế tạo tất cả các phân hệ then chốt cần thiết của một tổ hợp tên lửa hiện đại, bao gồm từ động cơ phản lực cỡ nhỏ, các loại đầu tìm, hệ thống đạo hàng, đến các đường truyền dữ liệu tầm xa. Kết quả là một họ họ vũ khí đa dạng chưa từng có được thiết kế để phóng từ trên bộ (mặt đất), trên không (máy bay), trên biển (tàu chiến), ít nhất về lý thuyết, có đủ khả năng tiêu diệt bất kỳ kiểu loại mục tiêu trên biển nào.

Trung Quốc hiện đang chế tạo và cung cấp các hệ tên lửa có khả năng sử dụng trong tác chiến từ phòng thủ bờ biển, môi trường biển nông/duyên hải và tác chiến tầm xa ngoài đường chân trời (ngoài khơi xa). Thành công này đạt được là nhờ một quá trình tiến hoá với sự tiến bộ theo từng giai đoạn.

Đồng thời Trung Quốc đã cho thấy rằng họ có thể đi vào những khái niệm vũ khí hoàn toàn mới đáp ứng yêu cầu tác chiến cơ bản của lục quân, hải quân và không quân Trung Quốc.

Khả năng sử dụng tên lửa đường đạn chống các mục tiêu trên biển là một minh chứng điển hình cho đánh giá này và ý đồ thúc đẩy tiến trình thể hiện khá rõ qua việc Trung Quốc đã dành nhiểu thời gian phân tích phương thức tốt nhất để có thể vô hiệu hoá lực lượng hải quân Mỹ trong vùng biển Thái Bình Dương - đặc biệt là các cụm tàu sân bay tấn công.

Hơn nữa, quân đội Trung Quốc không hề giảm tốc độ mua sắm các hệ thống vũ khí của nước ngoài nhằm lấp những khoảng trống về khả năng quốc phòng, ngược lại họ còn đẩy mạnh việc khuếch trương giới thiệu các hệ thống tên lửa phát triển trong nước ra thị trường xuất khẩu quốc tế.

Tóm lại, Trung Quốc đã cho thấy rằng họ có khả năng gia tăng các chu trình phát triển các sản phẩm truyền thống, đặc biệt khi phối hợp hoặc liên doanh với các đối tác nước ngoài, và việc thiết lập các chương trình hợp tác phát triển tên lửa cho các khách hàng nước ngoài sẽ là bước khởi đầu mới đối với Trung Quốc.

1, Tổ hợp tên lửa đối hạm C-701

Trưng bày công khai lần đầu tiên vào cuối thập kỷ 90 của thế kỷ 20, tên lửa C-701 (ký hiệu của Trung Quốc là YJ-7) là một tên lửa khối lượng nhẹ, kết cấu vững chắc, sử dụng trên các tàu tấn công nhỏ hoặc triển khai trên các bệ phóng cơ động trên mặt đất. Các quan chức Trung Quốc đã giới thiệu về một phiên bản phóng từ trên không sử dụng trên các máy bay lên thẳng, nhưng chưa thấy có bằng chứng cho thấy sự hiện diện của phiên bản tên lửa này.

Tên lửa C-701 nặng 100 kg, tầm bắn tối đa 15 km, đầu chiến đấu bán xuyên giáp nổ phá nặng 30 kg. Hai phiên bản đã được phát triển: C-701T với đầu tìm quang điện tử hoặc truyền hình (EO/TV) và C-701R với đầu tìm rađa chủ động.

C-701 chưa thấy xuất hiện trong trang bị của quân đội Trung Quốc nhưng đã được bán cho I-ran, để trang bị cho số lượng lớn tốc hạm tấn công và lắp trên các bệ phóng đặt trên xe vận tải.

C-701R (Kosar) trong diễn tập của QĐ Iran
C-701R (Kosar) trong diễn tập của quân đội Iran.
 

Như là một dấu hiệu về sự thay đổi chiến lược của Trung Quốc, phiên bản tên lửa tiên tiến C-701R đã được xác nhận là có trong trang bị của quân đội I-ran xuất hiện trong cuộc diễn tập mang tên Zarbet - eZolfaghar tháng 10/2006. Các phiên bản của tên lửa C-701 trong trang bị của quân đội I-ran là một phần của họ tên lửa Kosar.

2, Tên lửa đối hạm C-704:

Những tin đồn về hệ tên lửa này chỉ mới chấm dứt, sau khi CASIC lần đầu tiên trưng bày công khai tên lửa với tên gọi C-704 vào tháng 11/2006. Hiện nay, với tư cách là một bộ phận của họ sản phẩm này được quảng cáo, tên lửa C-704 còn là một phiên bản khác của các vũ khí được chế tạo theo đơn đặt hàng riêng cho I-ran và có nhiều tên gọi khác nhau. Năm 2004, Tập đoàn công nghiệp hàng không Hongdu Trung Quốc đã trưng bày hai thiết kế tên lửa được ký hiệu là TL-6 và TL-10. Những tên lửa này giống với hai tên lửa của I-ran là Nasr (TL-6) và Korsa (TL-10) - cả hai tên lửa đều được công bố là những sản phẩm chế tạo trong nước của Tổ hợp công nghiệp hàng không vũ trụ I-ran (IAIO).

Tuy nhiên, dư luận cũng nhanh chóng nhận ra rằng hai chương trình tên lửa bí mật đã được CATIC (Công ty xuất nhập không công nghệ hàng không quốc gia Trung Quốc) công khai cách đây hai năm (TL - 8 và TL - 9) chính là tên lửa TL-10 và TL- 6 dưới một tên gọi mới.

Vào năm 2006, tên lửa TL-6 và TL-10 một lần nữa lại không thấy xuất hiện (biến mất). Thực tế, tên lửa TL-10 đã được trưng bày tại Triển lãm hàng không Trung Quốc 2006, mà không được nhận biết, nó được treo dưới cánh của một máy bay tấn công hạng nhẹ hoặc máy bay huấn luyện hiện đại L-15 Hongdu.

Còn tên lửa TL-6 không thấy có một dấu hiệu nào, ngoại trừ việc CASIC trưng bày một tên lửa giống một cách cơ bản nhưng lại mang một ký hiệu khác, đó là C-704. Các quan chức CASIC phủ nhận một cách quyết liệt rằng C-704 không hệ có liên quan đến bất kỳ chương trình tên lửa nào trước đây của Trung Quốc, đồng thời khước từ đưa ra bất kỳ những chi tiết nào về tên lửa hay lịch sử phát triển của chúng.

Tuy nhiên, số liệu kỹ thuật do CPMIEC (Công ty xuất nhập khẩu máy chính xác Trung Quốc - một tổ chức của chính phủ Trung Quốc chịu trách nhiệm về xuất khẩu tên lửa ra nước ngoài) cung cấp, lại cho thấy tên lửa C-704 và TL-6 là gần như giống nhau hoàn toàn. Một vài tham số tính năng của tên lửa C-704 "thực" được cải thiện khi so với thiết kế tên lửa TL-6 vào năm 2004, còn những khía cạnh khác thì hai tên lửa hoàn toàn giống nhau (không thể phân biệt được).

Vì nhiều lý do đã bị chìm lấp trong mớ bùng nhùng của thói quan liêu trong ngành công nghiệp của Trung Quốc, chương trình C-704/TL-6 giờ đây được đặt dưới sự chỉ đạo của CASIC, và công ty này đã phát triển đến giai đoạn đưa vào chế tạo và đưa ra thị trường xuất khẩu.

Thông tin do CPMIEC công bố cho thấy rằng C-704 thực chất đang được chế tạo quy mô (số lượng lớn) và khi tên lửa TL-6 được bàn thảo với các nhà thiết kế Hongdu năm 2004, họ đã khẳng định rằng đó là một chương trình xuất khẩu cho I-ran. Từ đó đến nay, hãng Janes đã có thêm bằng chứng khẳng định rằng sự hợp tác của Trung Quốc và I-ran đã tiến thêm một bước.

3, Tên lửa đối hạm C-801 và C-802:

Loạt tên lửa C- 801 và C-802 - sản phẩm của một quá trình tiến triển lâu dài và bền bỉ - là hệ tên lửa đối hạm của Trung Quốc có ý nghĩa nhất trong kho vũ khí trang bị hiện có và đang chế tạo cho tới nay.
Phiên bản đầu tiên C-801 (YJ-8) được đưa vào trang bị cuối những năm 1980 của thế kỷ 20 và đã được xuất khẩu cho nhiều nước trên thế giới kể cả cho Thái Lan.

Tên lửa C-801 được mô tả như là “Exocet Trung Quốc” vì nó bắt chước thiết kế tên lửa MM38/MM39 Exocet của Pháp.

Phiên bản phóng từ trên không C-801 K (YJ - 8K) được trang bị cho máy bay cường kích JH -7 của không quân hải quân Trung Quốc, còn phiên bản phóng từ tàu ngầm (C-801 Q/YJ - 8Q) đã được đưa vào trang bị của hải quân Trung Quốc trên các tàu ngầm Type - 039 lớp Song, và có thể đã xuất khẩu cho I-ran.

Mẫu tên lửa tiếp sau C - 802 (YJ-82) là một cải tiến đáng kể của thiết kế cơ bản. Tên lửa C-802, dài hơn và nặng hơn, sử dụng động cơ đẩy tuabin phản lực để tầm bắn xa hơn và tầm hiệu quả đạt trên 120 km. Tính năng này đạt được có thể là nhờ lắp thêm động cơ tua bin siêu nhỏ TRI-60-2 Microturbo do Pháp chế tạo, (sau này, động cơ TRI-60-2 đã được chế tạo tại Trung Quốc).

C-802 bắn từ bệ phóng mặt đất
C-802 bắn từ bệ phóng mặt đất.
 

Năm 2005, tên lửa C-802 đã được cải tiến theo tiêu chuẩn C-802A với tầm bắn tăng lên tới 180 km và được lắp một đường truyền dữ liệu để cập nhật số liệu chỉ điểm mục tiêu cho tên lửa trên đường bay. Tên lửa C-802A hiện nay đóng vai trò tên lửa đối hạm phòng tuyến bên trong tầm xa của Trung Quốc với khối đầu đạn bán xuyên giáp nổ phá nặng 165 kg.

Ngoài ra, đã có thông tin cho rằng một hệ thống dẫn đường qua vệ tinh đã được phát triển cho tên lửa C- 802A, đem lại khả năng tấn công mục tiêu mặt đất cho hệ tên lửa này.

Năm 2006, CASIC đã trưng bày một phiên bản tên lửa C-802 phóng từ trên không lần đầu tiên với tên gọi C-802KD, mặc dù sự tồn tại của một phiên bản tên lửa phóng từ trên không đã được nhắc đến một đôi lần và người ta cho rằng nó đã được xuất khẩu cho I-ran và được lắp trên các máy bay Su-24 của không quân.

Sự xuất hiện của phiên bản C-802KD đã được một số nhà phân tích coi đó là bằng chứng khẳng định về một phiên bản mới có điều khiển chính xác của tên lửa C-802 hiện đã tồn tại và được sử dụng để chống các mục tiêu mặt đất và trên biển.

Trung Quốc có thể đang phát triển một phiên bản tên lửa bay với vận tốc siêu âm thế hệ kế tiếp của họ tên lửa này, được mang ký hiệu C-803 (YJ -83), mặc dù có những bằng chứng ban đầu và thông báo liên tục về hệ vũ khí này, nhưng chắc chắn hệ tên lửa này chưa có trong trang bị và không được khẳng định.

4, Tên lửa đối hạm C - 602:

Tên lửa C - 602 được xem là một đột phá về tên lửa đối hạm của Trung Quốc bởi vì đây là một sự khởi đầu quan trọng về độ chính xác và tầm bắn. Thực chất đây là một tên lửa hành trình, được thiết kế lại để dùng cho vai trò tấn công mục tiêu trên biển. Thiết kế cơ bản của tên lửa rõ ràng là một bước tiến và tính năng của C- 602 hiện nay có thể mới đạt ở mức thấp trong những khả năng theo lý thuyết của cấu hình này tên lửa. Kể từ năm 2005 tên lửa C- 602 đã được tiếp thị trên thị trường xuất khẩu.

Về hình dáng, tên lửa xuất khẩu C- 602 khá giống với tên lửa cổ điển C- 601 (họ tên lửa YJ -6/YJ-61), một thiết kế của Trung Quốc vào thập kỷ 60 dựa trên mẫu tên lửa SS-N-2 Styx của Liên Xô. Tuy nhiên, C- 602 lắp động cơ tuabin phản lực lại là một thiết kế hoàn toàn mới, rất hiện đại với tầm bắn tới 280 km.

Tên lửa C-602
Tên lửa C-602.
 

Được phát triển tại Trung Quốc với tên gọi YJ -62, tên lửa hiện nay đang được đưa vào trang bị cho các tàu khu trục lớp Lan Châu Type 052C của hải quân Trung Quốc, được hạ thuỷ đầu tiên vào năm 2004. Khi triển khai trên biển, hệ thống tên lửa sử dụng các bệ phóng 4 tên lửa được bố trí thành từng cặp. Khi triển khai trên bờ một đơn vị chiến đấu gồm 4 xe bệ phóng, mỗi xe ba tên lửa, cùng với các xe chỉ huy và bảo đảm khác.

Động cơ đẩy thuốc phóng rắn sẽ phóng tên lửa C-602 từ ống phóng hình trụ, trước khi động cơ tua bin phản lực (với một cửa hút khí bố trí dưới thân tên lửa) khởi động để duy trì đường bay. Tên lửa được thiết kế để bay hành trình ở độ cao 30 m trước khi hạ thấp xuống độ cao tấn công nằm trong khoảng từ 7 m đến 10 m. Vận tốc bay thay đổi trong khoảng 0,6 và 0,8 Mach.

Tên lửa có thể tác chiến trong điều kiện biển động cấp 6 để chống các mục tiêu di chuyển với vận tốc 30 hải lý /giờ, tiết diện phản xạ rađa hiệu dụng 3000 m2. Đầu tìm rađa xung đơn, linh hoạt tần số của C- 602 có tầm hiệu quả 40 km và góc quan sát (+ -) 40 độ.

Để dẫn đường giai đoạn giữa, tên lửa được lắp một hệ thống đạo hàng quán tính hướng xuống dưới và một máy thu GPS kết hợp. Đầu chiến đấu nửa xuyên giáp nổ phá nặng 300 kg sử dụng ngòi tiếp xúc giữ chậm cơ điện tử.

Phần lớn những gì Trung Quốc đạt được trong phát triển những khả năng của tên lửa đối hạm đều ngang tầm với những phát triển của Mỹ, Tây Âu và các quốc gia khác. Nhưng một thành tố trong chiến lược diệt tàu chiến của Trung Quốc nổi bật lên đó là việc ứng dụng công nghệ một cách hoàn hảo, và đó là một mối đe doạ không lường trước được.

Theo cách nói của người Trung Quốc, đây là vũ khí tấn công - vũ khí vạn năng (viên đạn bạc) - mà hiểu theo nghĩa đen nó sẽ rơi từ trên trời rơi xuống.

Theo một báo cáo của Cơ quan tình báo hải quân Mỹ năm 2004 cho thấy Trung Quốc đang phát triển khả năng sử dụng các tên lửa đường đạn chiến thuật DF -21 để chống các mục tiêu trên biển. Tên lửa DF-21 mang một đầu đạn nặng khoàng 500/1000 kg, tầm bắn 1500 km đến 2000 km hoặc xa hơn.

DF-21 của TQ
DF-21 của TQ.
 

Được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân, song tên lửa DF -21 cũng có thể lắp đầu đạn thông thường. Nếu đây là sự thực, thì hệ tên lửa này sẽ là một vũ khí diệt tàu sân bay mà không một vũ khí nào có thể sánh được.

Đầu năm 2002 các kỹ sư Trung Quốc công bố tên lửa DF-21 sử dụng một đầu tìm radar giai đoạn cuối cho phép tác chiến chính xác với các mục tiêu tương đối nhỏ, nhưng kể từ đó, Trung Quốc đi vào phát triển các đầu đạn cỡ khả năng vận động sử dụng cho tên lửa đường đạn chiến thuật có khả năng thích ứng với cả nhiệm vụ phòng thủ tên lửa đột nhập hoặc có thể sử dụng để đánh tàu chiến.

Sự khác biệt về vận tốc tương đối giữa các đầu đạn đang bay đến và mục tiêu sẽ khiến cho mọi sự vận động nhằm tẩu thoát của tàu trở thành vô nghĩa.

Để làm cho hệ tên lửa này tác chiến hiệu quả, Trung Quốc không chỉ cần một tên lửa hiện đại mà còn cần một hệ thống phát hiện và chỉ thị mục tiêu tầm xa tinh vi tương xứng. Vì vậy, quân đội Trung Quốc đang có những nỗ lực quan trọng nhằm triển khai các vệ tinh trinh sát radar và giám sát quang điện tử vào cuối thập kỷ này.

Mạng lưới chỉ điểm mục tiêu đặt trên vũ trụ của Trung Quốc dựa trên họ vệ tinh Kondor, được chế tạo tại Nga bởi NPO Mash. Loạt vệ tinh radar và quang điện tử đầu tiên này được Trung Quốc đặt tên là KJ-1, dự kiến sẽ được phóng lên quỹ đạo vào năm 2007, số lượng theo kế hoạch là mỗi loại bốn quả sẽ đưa vào hoạt động trong những năm tiếp theo.

Radar đặt trên vũ trụ của hãng NPO Mash (Nga), theo công bố có khả năng cung cấp ảnh độ phân giải 1 m, quá đủ để tìm và định vị một cụm tàu sân bay chiến đấu, nhưng Trung Quốc còn đưa ra những khái niệm tác chiến tinh vi hơn như: các vệ tinh mang radar bay thành từng cặp trong đội hình đảm bảo cung cấp dữ liệu chỉ thị mục tiêu cực kỳ chính xác.

Vệ tinh sẽ là một phần của hệ thống giám sát và điều khiển lớn hơn gồm các loại máy bay và tàu mặt nước, được thiết kế với mục đích duy nhất đem lại thời cơ chiến đấu cho các tên lửa của Trung Quốc.
Nguồn tin của hãng Jane’s cho rằng nhiều lần thử kiểm chứng DF-21 trong vai trò đối hạm đã được tiến hành. Ngoài ra, một đầu đạn chứa đạn con mới đã được phát triển cho tên lửa DF- 21, sử dụng chuyên cho vai trò đối hạm.

Để thực hiện vai trò này, đầu đạn tiêu chuẩn được thay bằng một chùm các thanh xuyên hình tên không phát nổ, được thiết kế để tung ra một trận mưa đạn bắn vào tàu với vận tốc cao. Các thanh xuyên hình tên không tiêu diệt kíp thuỷ thủ không được bảo vệ, và điều quan trọng hơn là phá huỷ radar, thiết bị thông tin và các mạng xenxơ khác của tàu. Nếu hệ vũ khí này có đủ độ chính xác, thì chỉ với số lượng tên lửa khiêm tốn (tương đối ít) Trung Quốc cũng có thể loại khỏi vòng chiến những tàu chủ lực của đối phương chỉ bằng một chiến thuật “diệt mềm” không cần đánh đắm chúng nhưng làm cho chúng trở thành vô dụng.

Cũng có một đánh giá không được công bố của Trung Quốc rằng việc ngăn chặn lực lượng đối phương (đặc biệt là lực lượng Mỹ) mà không đánh chìm hoặc tiêu diệt nhiều sinh lực sẽ là thay đổi cục diện chính trị của cuộc xung đột, và có thể làm chậm hoặc đánh đòn phủ đầu tất cả các đổi thủ.

Mặc dù những thành đạt của Trung Quốc trong phát triển tên lửa trong nước là không thể phủ nhận, song Nga vẫn là đối tác cung cấp trang bị quân sự quan trọng nhất cho Trung Quốc, ngược lại Trung Quốc được quyền lựa chọn những vũ khí và công nghệ quân sự tốt nhất mà Nga chào hàng.

Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực tên lửa đối hạm, một lĩnh vực mà những mua sắm từ phía Nga đã được sử dụng để lấp vào những khoảng trống về khả năng trong kho vũ khí trang bị của quân đội Trung Quốc. Ba loại tên lửa đứng đầu danh mục mua sắm của Trung Quốc là: tên lửa 3M80 Moskit của Raduga (SS-N-22 "Sunburn"), Kh-59 MK (AS-18 "Kazoo") và Kh-31 Zvezd Strela (AS-17 "Krypton").

Tên lửa 3M80 là một tổ hợp vũ khí lớn phóng từ tàu dùng động cơ đẩỷ phản lực dòng khí thẳng (ramjet) vận tốc cao, có tầm bắn 250 km. Tên lửa có khối lượng phóng gần 4 tấn, với một đầu đạn nổ phá/ nổ mảnh nặng 300 kg. Kích thước tương đối nhỏ của đầu đạn tên lửa Moskit được thiết kế với ý đồ khai thác hiệu ứng động năng được tạo bởi vận tốc đâm vào mục tiêu đạt trên 2 Mach.

Vận tốc bay giai đoạn cuối rất cao của các tên lửa như Moskit (Nga hiện tại đã có những vũ khí lớn, vận tốc bay rất cao khác trong trang bị) có nghĩa là nếu bị các vũ khí tầm gần trên tàu bắn chặn thành công, thì tàu mục tiêu vẫn có thể có nguy cơ bị các mảnh đầu đạn tên lửa bay với vận tốc siêu âm đánh trúng.
Hiện nay, hải quân Trung Quốc có bốn tàu khu trục lớp Soveremenny Project 956 được trang bị tổ hợp tên lửa 3M80 Moskit và hai tàu mới đóng (số hiệu 138 và 139) có thể đã được chuyển giao trang bị một phiên bản cải tiến, tầm xa mới của hệ Moskit (tầm bắn tới 250 km); Trung Quốc có ý định mua thêm hai tàu lớp Sovremenny nữa.

Gần giống như tên lửa 3M80 nhưng nhỏ hơn, tên lửa Kh - 31 theo công bố có tính năng vận tốc bay tương tự (trên 2 Mach), cấu hình nhỏ gọn để phóng từ trên không (máy bay). Giống như Moskit, Kh - 31 là tên lửa bay là là mặt biển, dùng động cơ phản lực dòng khí thẳng, phương Tây không có hệ vũ khí nào tương tự.
Trung Quốc đã đặt mua cả hai mẫu tên lửa: Kh-31A lắp đầu tìm radar chủ động; Kh-31P lắp đầu tự dẫn radar thụ động.

Tên lửa Kh-31 P là một tên lửa chống radar vận tốc bay lớn được thiết kế để tiến công các hệ thống radar của phương Tây, kể cả hệ radar hải quân SPY-1 của Mỹ. Do đây là hệ vũ khí thụ động, tự dẫn theo nguồn phát radar của tàu mục tiêu, nên Kh-31 không bị các hệ thống trinh sát điện tử phát hiện.

Những phiên bản đầu tiên của Kh-31được đặt hàng với các đầu tìm tách riêng bao quát các dải tần của nguồn phát đặc biệt, nhưng trong các phiên bản nâng cấp của tên lửa Kh-31PM/PMK mới nhất, đầu tìm nhiều băng tần đã được tích hợp, tầm hiệu quả mở rộng tới khoảng 200 km.

Trung Quốc đã tiếp nhận tên lửa Kh-31 để trang bị cho các máy bay tiêm cường kích hạng nặng Su-30MK2, được phân công đảm nhận vai trò tiến công mục tiêu trên biển đặc thù trong lực lượng không quân hải quân Trung Quốc. Tên lửa Kh-31 có thể còn được trang bị cho máy bay JH-7 Xian.

Trong trang bị của không quân Trung Quốc, Kh-31 được biết đến với tên gọi YJ-91 và hiện nay Trung Quốc đã chế tạo trong nước mẫu tên lửa này. Các chiến thuật tiến công hạm tàu của Nga áp dụng cho tên lửa Kh-31 đòi hỏi nhiều tên lửa cùng đánh (một tập hợp các tên lửa đầu tìm chủ động và thụ động), tất cả tiếp cận từ nhiều hướng khác nhau và thời gian tiếp cận mục tiêu gần như đồng thời để phá vỡ các hệ thống phòng thủ.

Hai loại tên lửa 3M80 Moskit và Kh-31 đều không có gì độc đáo đối với Trung Quốc, chỉ có tên lửa đối hạm thứ 3 của Nga: Kh-59MK là đáng chú ý hơn cả. Đây là một phiên bản tầm xa, dẫn bằng radar của mẫu tên lửa cơ bản Kh-59 (AS-13 "Kingbolt") được phát triển dành riêng cho máy bay Su -30 MK2 của Trung Quốc. Trong năm 2005, đại diện của công ty chế tạo tên lửa cho biết sẽ đưa vào sản xuất hệ tên lửa này vào năm 2006 và truyền hình Trung Quốc cũng đã phát đi những hình ảnh về các đợt bắn thử tên lửa Kh-59MK từ máy bay Su-30 MK.

Tên lửa đối hạm X-59MK
Tên lửa đối hạm X-59MK.
 

Điều đáng chú ý của phiên bản tên lửa Kh-59MK là hiện nay tầm bắn của tên lửa đã đạt được từ 250 km đến 300 km nhờ một động cơ tua bin phản lực mới và một đầu tìm rađa được kết nối dữ liệu.

Trung Quốc và Iran

Trung Quốc và Iran đã có sự hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ tên lửa. Cả hai quốc gia đã chuyển thẳng từ quan hệ bên mua - bên bán sang mối quan hệ chuyển giao công nghệ, và cùng phối hợp phát triển vũ khí.

Iran bắt đầu các mối quan hệ với Trung Quốc trong những năm giữa thập kỷ 80 khi nước này bắt đầu mua các hệ thống tên lửa đối hạm lạc hậu, nhưng vẫn hiệu quả như tên lửa đối hạm CSS-C-2 ‘Silkworm’ (HY-1) và CSS-C-3 ‘Seersucker’ (HY-2).

Năm 1990, Trung Quốc và Iran theo thông báo đã ký một hiệp định hợp tác trong lĩnh vực công nghệ quân sự trong 10 năm. Ý nghĩa nhất trong hiệp định này là việc Iran mua các tên lửa đối hạm C-801 và C-802 do Trung Quốc chế tạo.

Ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Iran (IAIO) sau đó bắt đầu chế tạo tên lửa C-802 trong một dự án mang tên Project Noor.

Hiện nay, Iran không chỉ đơn thuần lắp ráp các tên lửa C-802 từ các cấu kiện do Trung Quốc chế tạo mà còn đang chế tạo tất cả các cấu kiện cần thiết trong nước, kể cả động cơ turbin phản lực nhỏ quan trọng của tên lửa. Hệ thống đẩy này - chính bản thân Trung Quốc sao chép từ thiết kế động cơ Tri - 60 -2 Microturbo của Nga - giờ đây được Tổ hợp công nghiệp chế tạo động cơ turbin (TEM) đặt tại Tehran chế tạo tại Iran, với một tên gọi mới Toloo 4 (Sunrise 4).

Iran đã vận dụng kinh nghiệm rút ra được thông qua chương trình hợp tác này để phát triển động cơ tiên tiến tốc độ cao có thể dùng làm động cơ cho tên lửa siêu âm. Sự tồn tại của chương trình này, giờ đây đang trong giai đoạn thiết kế chi tiết, đã được công khai vào tháng 1/2005 và đã được tổ hợp công nghiệp TEM khẳng định lại một lần nữa vào cuối năm 2006. Có thể là Iran có kế hoạch phát triển một tên lửa mới vận tốc bay cao có liên quan đến dự án tên lửa C-803 của Trung Quốc.

Iran cũng đã đưa vào trang bị tên lửa đối hạm tầm xa Ra’ad. Mẫu tên lửa này dường như là sự cải tiến của tên lửa CSS-C -3 Seersucker, mà Iran đã đặt mua hàng trăm quả.

Tên lửa Ra’ad đã được lắp một động cơ đẩy turbin phản lực và có thể được tích hợp một khối dẫn đường cải tiến gồm một đầu tìm radar chủ động để dẫn giai đoạn cuối.

CSS-C-3 (HY-2) của Iran
CSS-C-3 (HY-2) của Iran.
 

Báo chí Iran đưa tin tên lửa có tầm bắn 150 km - một sự cải thiện chút ít so với tên lửa HY-2 dùng động cơ đẩy rocket - nhưng thiết kế cơ bản của tên lửa Ra’ad rõ ràng tối ưu hơn ở tầm xa hơn. Tên lửa có thể được phóng từ tàu hoặc phóng từ bờ, có thể có cả phiên bản phóng từ trên không được chế tạo, tương tự như Trung Quốc đã làm với tên lửa YJ-6 ( một tên lửa đối hạm phóng từ trên không dựa trên tên lửa HY-2).

Một hướng phát triển khác trong mối quan hệ hợp tác chế tạo tên lửa giữa Iran và Trung Quốc, hai nước đang nghiên cứu một họ tên lửa hải quân chiến thuật mới, có thể đã được chính phủ Iran ký hợp đồng, sau khi hoàn thành thiết kế và phát triển tại Trung Quốc.

Tên lửa đầu tiên trong họ tên lửa này là C-701, được chào hàng bởi công ty CASIC Trung Quốc, nhưng cũng được IAIO trưng bày tại Iran, và công bố đây là một chương trình phát triển hoàn toàn trong nước. Tên lửa C-701T được dẫn đường bằng đầu tìm quang điện tử đã được chuyển giao cho Iran với tên gọi mới Kosar 1, còn C-701R dẫn đường bằng đầu tìm rađa được biết đến với tên gọi Kosar 3.

Một điều khá phức tạp là, thiết kế tên lửa TL-10 mới của Trung Quốc cũng được gán tên gọi là Kasar ở Iran (mà không có bất kỳ kí hiệu phía sau). Thông tin do Tập đoàn công nghiệp hàng không Iran (IAIO) tiết lộ cho ta những bằng chứng và những chỉ tiêu kỹ thuật cho ba loại tên lửa Kosar nói trên, tất cả đều rất giống với những tên lửa cùng loại của Trung Quốc.

Trong số hai tên lửa mới cung cấp cho Iran xuất hiện trong khoảng thời gian từ năm 2004 và 2006 là TL-6/C-704 và TL-10 - thiết kế TL-10 của Hongdu hiện đại hơn. Quá trình nghiên cứu phát triển bắt đầu vào giữa thập kỷ 90 và tài liệu công khai của Hongdu (năm 2004) cho thấy tên lửa TL-10 đã được phóng thử từ một tàu hải quân không công bố số hiệu.

Cũng năm đó, đại diện của công ty Hongdu tiết lộ rằng việc chuyển giao phiên bản tên lửa TL-10A đầu tìm quang điện tử (EO) cho một khách hàng nước ngoài đã được tiến hành.

Năm 2004, Hongdu còn lưu ý rằng phiên bản tên lửa lắp đầu tìm radar của cả TL-10 và TL-6 (C-704) cũng sẽ được chuyển giao sau hai năm, và năm 2006 tên lửa C-704 đã xuất hiện. Tên lửa C-704 của Trung Quốc rất giống với tên lửa Nasr của Iran và là một phần trong chương trình phát triển song song (với tên lửa TL-10/Kosar) dường như đã kết thúc thành công. Tên lửa C-704/Nasr hiện nay đang đưa vào sản xuất cùng với tên lửa TL-10/Kosar.

Tên lửa C-701/Kosar 1 và 3, C-704/Nasr và TL-10/Kosar cho thấy Trung Quốc đã thiết lập vị thế của mình như thế nào để trở thành một nhà cung cấp tên lửa đối hạm cho những nước có nhu cầu để tránh lệ thuộc vào vũ khí của phương Tây. Những tên lửa này cũng chứng minh khả năng làm chủ công nghệ tên lửa một cách hiệu quả của Trung Quốc nhằm đáp ứng với mối đe doạ trên biển mà Trung Quốc dự kiến sẽ phải đối phó.

TPO tổng hợp

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG