''Mổ xẻ'' bức xúc về nhà triệu đô bán dưới 1 tỷ

''Mổ xẻ'' bức xúc về nhà triệu đô bán dưới 1 tỷ
Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Đặng Hùng Võ, phân tích khía cạnh pháp luật để đọc đúng tên sự việc ''hoá giá'' nhà công vụ.

Ngày 5/7/1994, Chính phủ đã ban hành Nghị định 61/CP về mua bán và kinh doanh nhà ở. Nghị định này đóng vai trò của một dấu mốc quan trọng trong việc chấm dứt cơ chế bao cấp về nhà ở để chuyển sang cơ chế kinh doanh sao cho từng bước phù hợp với thị trường.

Một nội dung rất cơ bản của Nghị định này là "bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê" nhằm giải quyết thực tại còn lại của cơ chế bao cấp trước đây về nhà ở, chuyển phần nhà ở thuộc sở hữu nhà nước đã phân phối, giao, cho thuê trước đây sang sở hữu tư nhân của người đang ở nếu phù hợp với quy hoạch về nhà ở.

Nghị định còn đưa ra cơ chế kinh doanh nhà ở dưới dạng bán và cho thuê bao gồm cả nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

Nội dung "bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê" thuộc phạm vi nhạy cảm vì có liên quan nhiều đến quyền lợi của cán bộ, công chức.

Thứ nhất, người đang thuê được mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước được ưu đãi về giá vì chỉ phải trả 40% tiền sử dụng đất theo giá đất do Nhà nước quy định, hơn nữa lại được tính theo giá đất cũ tại thời điểm 31/12/2004 (theo quy định tại Nghị quyết số 23/2006/NQ-CP ngày 07/09/2006 của Chính phủ).

Thứ hai, khái niệm "người đang thuê" chưa được giải thích rõ là "đang thuê" tại thời điểm Nghị định 61/CP có hiệu lực thi hành hay gồm cả trường hợp sẽ được thuê sau ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành rồi ngay lập tức trở thành "đang thuê", nếu có trường hợp sẽ được thuê thì người nào sẽ được thuê.

Từ sự nhạy cảm này mà Nghị định 61/CP đã quy định khá cụ thể đối với những trường hợp được mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước với giá ưu đãi, thực tế vẫn quen gọi là "được hoá giá nhà theo Nghị định 61".

Về mặt tổ chức, mỗi địa phương cấp tỉnh đều phải thành lập Hội đồng bán nhà ở có nhiệm vụ lập đề án bán nhà ở, đề án phải xác định rõ các khu vực nhà ở thuộc diện được bán, đề án phải được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua (riêng đề án của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh phải được Thủ tướng phê duyệt). Đề án được duyệt phải được công bố rộng rãi để nhân dân biết.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực Nhà nước đang nắm giữ quỹ nhà ở phải bàn giao ngay cho UBND cấp tỉnh để đưa vào quản lý thống nhất tại địa phương.

Như vậy, có thể thấy phạm vi "bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê" gồm chủ yếu là những trường hợp đã thuê nhà ở của Nhà nước, đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước phân phối nhà ở trước ngày Nghị định 61/CP có hiệu lực thi hành mà thuộc quy hoạch nhà ở được bán. Sau ngày này những trường hợp sẽ được Nhà nước cho thuê phải có trong đề án bán nhà được xét duyệt và phải công bố rộng rãi để nhân dân biết.

Trong thực tế triển khai, thường không xảy ra vướng mắc đối với những trường hợp đã thuê nhà ở, đã được phân phối nhà ở trước ngày Nghị định 61/CP có hiệu lực thi hành.

Dư luận không hay thường tập trung vào những trường hợp được thuê nhà sau ngày Nghị định 61/CP có hiệu lực thi hành rồi được bán ngay với giá ưu đãi; nếu trường hợp cụ thể không có trong đề án bán nhà ở được xét duyệt hoặc không được công bố rộng rãi để nhân dân biết thì đều là vi phạm pháp luật.

Các trường hợp thuê nhà ở, mua nhà ở không thuộc đề án bán nhà ở thì phải thực hiện theo đúng cơ chế thị trường.

Trong quá trình thực hiện chuyển đổi từ cơ chế bao cấp về nhà ở sang kinh doanh nhà ở theo cơ chế thị trường đã phát sinh một số nhu cầu liên quan đến nhà ở phải giải quyết mà chưa được dự báo trong Nghị định 61/CP. Đó chính là nhu cầu nhà ở xã hội cho các đối tượng là người lao động có thu nhập thấp và nhà ở công vụ cho các cán bộ cao cấp và cán bộ thuyên chuyển công tác theo yêu cầu của Nhà nước.

Mặc dù chưa có khung pháp lý nhưng vấn đề nhà ở xã hội và nhà ở công vụ đã được triển khai bước đầu rất tự nhiên trong thực tế cuộc sống theo các dự án với sự hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước và được miễn tiền sử dụng đất.

''Mổ xẻ'' bức xúc về nhà triệu đô bán dưới 1 tỷ ảnh 1
Một Ngôi nnhà công vụ nằm trên con phố trung tâm nhất của Thủ đô được hoá giá bằng tiền mua 1 căn hộ chung cư.

Tại sao có nhà triệu đô bán giá dưới tỷ đồng?

Báo chí trong vài ngày qua đã làm công luận nóng lên khi phát hiện một số trường hợp được mua biệt thự thuộc sở hữu của Nhà nước với giá ưu đãi mà khoản ưu đãi có thể lên tới cả triệu đô la Mỹ một căn. Đây là điều bất hợp lý ngay từ hình thức.

Trước hết là hai người có cùng điều kiện mà sao người này thì được mua nhưng người kia không được mua. Thứ nữa là khoản ưu đãi quá lớn cho một người trở thành một phi lý có tính xã hội.

Vậy tại sao đã để xảy ra tình trạng bất hợp lý như vậy? Do có những "khoảng trống" pháp luật hay việc áp dụng pháp luật không đúng hay quản lý nhà nước còn bị buông lỏng, và đó có phải là biểu hiện của tham nhũng?

Trước hết nói về "khoảng trống" pháp luật. Nhà ở công vụ thì phải hình thành, triển khai từ nhu cầu thực tế, trong khi cho đến nay chưa có văn bản khung pháp luật để quản lý thống nhất (mới chỉ có một Quyết định số 75/QĐ-TTg ngày 17/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý và sử dụng nhà ở công vụ tại khu Hoàng Cầu).

Đối với việc "bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê" theo Nghị định 61/CP thì quy trình thực hiện là rất rõ ràng trong các trường hợp đã được Nhà nước cho thuê, đã được cơ quan phân phối từ thời kỳ bao cấp về nhà ở mà nay đang ở, nhưng quy định lại quá không rõ ràng đối với trường hợp Nhà nước cho thuê sau ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành: Thuê theo giá thị trường hay tiếp tục theo giá bao cấp, ai thuộc diện được Nhà nước cho thuê, diện tích được thuê là bao nhiêu, thuê xong có được bán hoá giá ngay không.

Thực sự, đây là những "khoảng trống" pháp luật đáng kể và có thể gây thất thoát rất lớn cho Nhà nước, không làm yên lòng dân.

Tiếp theo cần nói về cách áp dụng pháp luật. Khi hệ thống pháp luật không cụ thể, thiếu chi tiết, đặc biệt là khi tồn tại những "khoảng trống" pháp luật thì các kịch bản có thể xảy ra rất đa dạng trong áp dụng luật pháp. Hậu quả có thể là rõ nhưng truy tìm điểm vi phạm pháp luật lại thấy rất lờ mờ.

Ví dụ, một quan chức hôm nay xin thuê nhà của Nhà nước thuộc quy hoạch được bán, tuần sau viết đơn xin mua nhà đang thuê theo Nghị định 61/CP, tháng sau được Nhà nước bán với giá chỉ bằng 1/10 giá thị trường.

Cách làm như vậy không được quy định cụ thể trong Nghị định 61/CP, tức là không thể kết luận là sai về áp dụng pháp luật, nhưng hậu quả là Nhà nước mất đi tới cả chục tỷ đồng và nhân dân lại ấm ức nhiều hơn hàng trăm lần.

Nhiều nơi, lúc cho thuê thì người quản lý giới thiệu là cho thuê nhà ở công vụ, rồi vài năm sau lại đem ra hoá giá theo Nghị định 61/CP cho người đang thuê mà chẳng ai biết.

Cách áp dụng muôn vẻ như vậy gây hậu quả lớn cả về kinh tế lẫn xã hội. Người dân chỉ nín lặng mà trông đợi vào trách nhiệm đạo lý của cán bộ giải quyết và nhân cách của cán bộ có nhu cầu chỗ ở.

Tiếp nữa có thể bàn về trách nhiệm quản lý Nhà nước. Sự thực, đến nay cũng chưa rõ là cơ quan nhà nước nào thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về nhà ở công vụ.

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã trả lời trước công luận là chưa biết nhà ở công vụ do Bộ Xây dựng quản hay Bộ Tài chính quản. Vậy việc "mất trật tự" vừa qua thuộc trách nhiệm của ai.

Khi có một hiện tượng mới phát sinh trong thực tế thì Bộ có chức năng quản lý liên quan nhất cần có đề xuất ngay khung pháp lý để Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định để tránh đi các tổn thất không đáng có.

Cuối cùng, nhiều người đặt vấn đề liệu hiện tượng về nhà ở cho cán bộ vừa qua có thuộc phạm vi tham nhũng, lãng phí không. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật Phòng, chống tham nhũng đã được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2005 và nay đã có hiệu lực thi hành. Căn cứ vào các Luật này, mỗi cán bộ có thể tự thấy mình có biểu hiện lãng phí trong quản lý, biểu hiện vụ lợi trong cương vị công tác hay không.

Qua hiện tượng này, chúng ta có thể thấy để tránh những hậu quả xấu gây ra từ quản lý cần thường xuyên rà soát pháp luật, đổi mới cách xây dựng pháp luật; tăng cường kiểm tra, thanh tra để phát hiện sớm và ngăn chặn cách áp dụng pháp luật không đúng; hoàn thiện bộ máy hành chính theo hướng tích cực cải cách hành chính; nâng cao trách nhiệm giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội; khuyến khích các cơ quan báo chí và mọi người dân phát hiện, kiến nghị về các hiện tượng tiêu cực trong hệ thống quản lý.

Người dân vừa qua rất phấn khởi về cách chỉ đạo giải quyết rất cương quyết, nhanh chóng của Thủ tướng Chính phủ. Hậu quả đã được khắc phục cả về kinh tế lẫn xã hội.

Dư luận hiện nay đang đặt câu hỏi là còn bao nhiêu trường hợp tương tự nữa mà chưa được biết đến. Vấn đề là cần giải quyết cả gói một hiện tượng trong một thể chế thống nhất, làm nên một điểm sáng trong nỗ lực xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh ở nước ta.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ
Theo VietNamNet

MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.