Mổ xẻ 5 loại xe tăng của quân đội Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Xe tăng Type 99A
Xe tăng Type 99A
TPO - Trung Quốc có ngành công nghiệp sản xuất xe tăng chiến đấu từ giữa những năm 1950. Loại xe tăng được sản xuất nhiều nhất là Type 59 (phiên bản Trung Quốc của dòng T-54 Liên Xô). Đã có hơn 10.000 chiếc được chế tạo cho cả mục đích sử dụng trong nước và xuất khẩu cho hơn một chục khách hàng trên ba lục địa.

Mặc dù xe tăng thời Chiến tranh Lạnh của Trung Quốc tương đối khiêm tốn so với các thiết kế tiên tiến nhất của nước ngoài, nhưng sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi sự phát triển của một số thiết kế xe tăng có năng lực hàng đầu thế giới. Nước này ngày nay có 3 mẫu thiết kế xe tăng riêng biệt được sản xuất cho các lực lượng vũ trang và 2 mẫu xe tăng khác được sản xuất dành riêng cho xuất khẩu.

Xe tăng chiến đấu hàng đầu của Trung Quốc là Type 99A, được đưa vào trang bị từ năm 2011. Xe được trang bị giáp phản ứng nổ và composite tiên tiến, hệ thống liên lạc laser, pháo 125mm với nhiều loại đạn chuyên dụng và thiết bị laser được thiết kế để gây nhiễu tên lửa dẫn đường bằng laser của đối phương. Tháp pháo góc cạnh với các tấm composite và lớp giáp mô-đun cách nhau mang lại mức độ bảo vệ rất cao và một số nhà phân tích cho rằng chiếc xe tăng này có khả năng sống sót tốt nhất trên thế giới trong “hạng cân” của nó. Type 99A cũng có các hệ thống bảo dưỡng kỹ thuật số tương tự như những hệ thống gần đây đã được lắp đặt trên các thế hệ xe tăng mới nhất của phương Tây, cho phép quân đội Trung Quốc (PLA) duy trì tỷ lệ sẵn sàng chiến đấu cao hơn. Các tính năng của Type 99A đã khiến nó được xếp vào nhóm xe tăng có khả năng nhất thế giới bên cạnh các xe của Hàn Quốc và Nga - cả hai quốc gia đều chú trọng đến lực lượng mặt đất hơn nhiều so với Trung Quốc. Tất nhiên tất cả mới là đánh giá của một số chuyên gia, và điều này còn cần được kiểm chứng trên chiến trường.

Mổ xẻ 5 loại xe tăng của quân đội Trung Quốc ảnh 1

Xe tăng Type 96

Thời gian qua, Trung Quốc ưu tiên cho hải quân và không quân hơn nhiều so với lục quân, phần lớn vì lý do địa lý: bất kỳ cuộc tấn công nào có thể xảy ra đều sẽ đến bằng đường biển. Do vậy, PLA đã không đầu tư mạnh vào việc triển khai Type 99A do chi phí rất cao. Song song với Type 99A, Trung Quốc còn sản xuất xe tăng Type 96 được sử dụng rộng rãi nhất trong lục quân PLA. Type 96 nhẹ hơn và dễ vận hành hơn Type 99, sản xuất cũng rẻ hơn đáng kể trong khi được hưởng lợi từ nhiều công nghệ tương tự.

Đây là xe tăng hiện đại duy nhất của Trung Quốc đã được thử nghiệm trong chiến đấu và được triển khai bởi khách hàng xuất khẩu duy nhất của họ là Quân đội Sudan chống lại xe tăng T-72 do Nam Sudan triển khai. Các xe tăng Type 96 được nói là đã tiêu diệt 4 chiếc T-72 mà không bị tổn thất gì và có lợi thế về hiệu suất đáng kể. Xét về số lượng được triển khai, Type 96 là một trong những loại xe tăng hậu Chiến tranh Lạnh nhiều nhất thế giới, chỉ sau T-90 của Nga, với 2.500 chiếc trong biên chế PLA, bao gồm 1.500 biến thể Type 96A cải tiến và 1.000 chiếc Type 96 đời đầu.

Xe tăng thứ ba và thứ tư của Trung Quốc là VT-4 và Type 15. VT-4 là xe tăng có trọng lượng trung bình được chế tạo dành riêng cho xuất khẩu.

Mổ xẻ 5 loại xe tăng của quân đội Trung Quốc ảnh 2

Type 15

Type 15 là xe tăng hạng nhẹ được chế tạo để chuyên tác chiến núi đồi và chiến tranh đổ bộ. VT-4 đã được xuất khẩu sang Thái Lan, Nigeria và Pakistan, được quảng cáo là sử dụng chung nhiều hệ thống và công nghệ được chia sẻ từ Type 99. Loại xe tăng này tương đối rẻ, nhưng nó được quảng cáo là có năng lực xuyên 700mm giáp mà chỉ một phần nhỏ xe tăng trên thế giới có thể làm được. Lớp bảo vệ kép bao gồm giáp composite và giáp phản ứng nổ mang lại khả năng sống sót cao.

Mổ xẻ 5 loại xe tăng của quân đội Trung Quốc ảnh 3

Xe tăng VT-4

Type 15 nhẹ hơn Type 99 khoảng 40% và là loại xe tăng hiện đại duy nhất của Trung Quốc không sử dụng pháo 125mm, thay vào đó là pháo 105mm. Xe tăng này mang theo các loại đạn chuyên dụng như tên lửa chống tăng dẫn đường bằng laser và thiết bị xuyên động năng để bù lại kích thước của vũ khí được trang bị. Type 15 có khả năng hoạt động hiệu quả ở các khu vực miền núi phía tây Trung Quốc, mang lại lợi thế đặc biệt quan trọng so với nước láng giềng Ấn Độ vốn không có bất kỳ loại xe tăng chuyên tác chiến miền núi nào tương tự. Type 15 có một hệ thống treo khí nén thủy lực rất tiên tiến có thể điều chỉnh độ cao của gầm xe để tối đa hóa khả năng cơ động và hiệu quả chiến đấu ở địa hình gồ ghề.

Mặc dù đã phát triển xe tăng hiện đại nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục sản xuất các phiên bản nâng cấp của dòng tăng Type 59, một sản phẩm xuất khẩu có chi phí và yêu cầu bảo trì thấp. Các biến thể đáng chú ý nhất là Al Zarrar được phát triển cho Pakistan và Al Kafil-1 được phát triển cho Iraq.

Mổ xẻ 5 loại xe tăng của quân đội Trung Quốc ảnh 4

Al Kafil-1

MỚI - NÓNG
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
TPO - Hiện nay dòng máy bay Airbus A321 Neo có phần linh kiện đang trong thời gian bảo trì bảo dưỡng. Theo yêu cầu của nhà chế tạo, hàng loạt máy bay đã phải triệu hồi, phải dừng các chuyến bay bằng dòng máy bay này. "Các hãng nội địa của chúng ta dùng dòng máy bay này là chính nên dẫn đến việc hạn chế, thiếu hụt máy bay. Đây là một tác nhân cho việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian qua" - Cục Hàng không thông tin tới lãnh đạo TP. Đà Nẵng. 
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.