Mỏ vàng bạc có thể khiến Himalaya nóng lên

Dãy Himalaya. Ảnh minh họa: Internet
Dãy Himalaya. Ảnh minh họa: Internet
TP - Trung Quốc đang triển khai hoạt động khai thác mỏ quy mô lớn ở khu vực thuộc vùng biên giới tranh chấp với Ấn Độ trên dãy Himalaya, nơi trữ lượng lớn vàng, bạc và các loại đá quý khác được cho là có trị giá lên đến 60 tỷ USD. 

Dù hoạt động khai mỏ trên dãy núi cao nhất thế giới đã diễn ra từ hàng ngàn năm nay nhưng những khó khăn trong tiếp cận vùng núi non xa xôi và lo ngại phá hoại môi trường khiến công việc này đến nay mới được tiến hành ở quy mô hạn chế.

Nhưng Trung Quốc đang cho khai thác tài nguyên với quy mô chưa từng có ở đây sau nhiều năm đổ tiền đầu tư mở đường và các cơ sở hạ tầng khác ở khu vực này. 

Hầu hết những khoáng sản quý, trong đó có các loại đất hiếm phục vụ chế tạo sản phẩm công nghệ cao, nằm ở một căn cứ quân sự tại huyện Long Tử, nơi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm từ Ấn Độ gần 60 năm trước. Chỉ trong vòng mấy năm, địa phương xa xôi với phần lớn dân cư là người du mục Tây Tạng này đã biến thành một trung tâm khai khoáng tấp nập. 

Báo South China Morning Post (SCMP) có trụ sở ở HongKong dẫn lời những người được xem là hiểu rõ kế hoạch khai mỏ của Trung Quốc cho biết tốc độ phát triển chóng mặt ở Long Tử, một khu vực quân sự được quân đội Trung Quốc canh giữ cẩn mật, là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giành quyền kiểm soát hoàn toàn vùng Nam Tây Tạng, tức bang Arunachal Pradesh giàu tài nguyên thiên nhiên mà Ấn Độ đang kiểm soát. 

Cùng một kế sách

Trải dài qua 5 quốc gia gồm Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan, Trung Quốc, Bhutan và Nepal - dãy Himalaya đã chứng kiến nhiều cuộc xung đột đẫm máu. Đằng sau khả năng vùng núi cao nhất thế giới biến thành điểm nóng là những phát hiện về giá trị nguồn tài nguyên quý giá nằm dưới vùng núi này. 

GS Zheng Youye, công tác tại ĐH Địa chất Trung Quốc ở Bắc Kinh và là người dẫn đầu cuộc khảo sát địa chất ở vùng phía bắc Himalaya, xác nhận với SCMP rằng hàng loạt phát hiện trong những năm gần đây ước tính giá trị nguồn quặng nằm dưới Long Tử (Lhunzc) và khu vực xung quanh đạt khoảng 58 tỷ USD. “Đó mới chỉ là ước tính ban đầu. Nhiều cuộc khảo sát khác đang được tiến hành”, GS Zheng nói. 
Có thể sẽ còn những phát hiện lớn khác trong tương lai khi các nhà nghiên cứu Trung Quốc hiểu rõ hơn về vùng này. Được chính phủ hỗ trợ lớn về tài chính, họ sử dụng những phương pháp thăm dò mới để phát hiện trữ lượng khoáng sản mà các phương pháp truyền thống không tìm ra được. Theo GS Zheng, những mỏ quặng mới được tìm thấy có thể làm cân bằng quyền lực giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực. Trung Quốc chiếm Nam Tây Tạng sau cuộc chiến với Ấn Độ trong đầu những năm 60 của thế kỷ trước. “Nhưng quân đội của chúng tôi phải rút nhanh chóng vì không có dân ở đó để giữ đất”, ông Zheng nói.

 Các hoạt động khai mỏ sẽ giúp tăng nhanh chóng dân số Trung Quốc ở khu vực này, từ đó cung cấp sự hỗ trợ ổn định và lâu dài cho bất kỳ chiến dịch ngoại giao hay quân sự nào của Trung Quốc nhằm từng bước đẩy lực lượng của Ấn Độ ra khỏi vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh đòi chủ quyền, ông Zheng nói. 

Ông Hao Xiaoguang, một nhà nghiên cứu về địa chất tại Viện Khoa học Trung Quốc ở tỉnh Hồ Bắc và cũng là một chuyên gia cấp cao của chính phủ Trung Quốc, nói khi sức mạnh kinh tế, địa chính trị và quân sự của Trung Quốc tiếp tục tăng lên, “việc giành quyền kiểm soát Nam Tây Tạng chỉ còn là vấn đề thời gian”, ông Hao nói. 

MỚI - NÓNG