Mỏ than Phấn Mễ từng bị xử phạt

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Đặng Viết Thuần trao đổi với Chủ tịch tỉnh Dương Ngọc Long (người đội mũ vàng) về phương án tìm kiếm nạn nhân Ảnh: Tuấn Nguyễn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Đặng Viết Thuần trao đổi với Chủ tịch tỉnh Dương Ngọc Long (người đội mũ vàng) về phương án tìm kiếm nạn nhân Ảnh: Tuấn Nguyễn
TP - Hôm qua, ngày thứ ba sau vụ sập bãi thải mỏ than Phấn Mễ (Đại Từ, Thái Nguyên), thi thể 5 nạn nhân bị chôn vùi vẫn chưa được tìm thấy. Theo tìm hiểu của PV, năm 2010, đơn vị quản lý mỏ than từng bị xử phạt 10 triệu đồng.

> Chia nhỏ hiện trường tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp

Phát hiện nhiều đồ dùng của người dân

Đến tối qua, 5 nạn nhân bị chôn vùi dưới lòng đất vẫn chưa được tìm thấy. Hơn 200 cán bộ chiến sĩ quân đội, công an cùng với các lực lượng khác tiếp tục nỗ lực tìm kiếm.

Ban chỉ huy tìm kiếm đã huy động 15 máy xúc hoạt động hết công suất. Lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy một số đồ dùng cá nhân của người dân như xe đạp, bình gas, quần áo và xác một con chó…

Ông Đặng Viết Thuần (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, Trưởng ban chỉ huy tìm kiếm) có mặt ở hiện trường từ 3 ngày nay.

Ông Thuần cho biết, sau khi mời các nhà khoa học, sử dụng chó nghiệp vụ tìm kiếm nạn nhân không thành, lãnh đạo tỉnh quyết định thay đổi phương pháp tìm kiếm.

Lượng tìm kiếm chia hiện trường thành 4 rãnh chạy song song. Các rãnh được đào tới sát mặt đất, mỗi rãnh cách nhau 5 m.

Đào xong 4 rãnh nhưng nếu chưa tìm thấy các nạn nhân mắc kẹt thì lại lật đống đất đá sang rãnh bên cạnh, tạo ra 4 rãnh mới.

Cùng ngày, báo cáo tại cuộc họp thường kỳ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, lãnh đạo tỉnh đã trưng cầu ý kiến của các chuyên gia mỏ - địa chất để tìm kiếm người.

Tỉnh đã chỉ đạo di dời tiếp 8 hộ dân có nguy cơ bị sạt lở. Ông Long cũng cho biết, nguyên nhân gây sạt lở có thể do bãi đổ thải nằm trên khu vực có nền đất yếu trong khi đó mỏ đã được khai thác hơn 30 năm nay, lượng đất đá thải lớn.

Mỏ than từng bị xử phạt 10 triệu đồng

Liên quan đến mỏ than Phấn Mễ, theo tìm hiểu của PV, năm 2010, Sở TN&MT Thái Nguyên thành lập một đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên môi trường.

Đoàn đã chỉ ra diện tích đổ bãi thải của mỏ cơ bản giải phóng xong mặt bằng và đưa vào sử dụng từ năm 2007, nhưng chưa báo cáo cơ quan có thẩm quyền để bàn giao đất và làm thủ tục thuê đất.

Đoàn đã đề nghị xử phạt đơn vị quản lý mỏ than Phấn Mễ 10 triệu đồng.

Đoàn thanh tra cũng đã yêu cầu đơn vị quản lý mỏ than Phấn Mễ hoàn thiện thủ tục báo cáo cơ quan có thẩm quyền để bàn giao đất theo quy định trước ngày 28-2-2011.

Thế nhưng, đến cuối năm 2011, khi kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, mỏ than Phấn Mễ vẫn chưa bàn giao đất tại thực địa ở khu bãi thải số 3 và vành đai 2.

Ngoài ra, đoàn thanh tra cũng đã chỉ ra nhiều tồn tại khác trong việc chấp hành pháp luật tài nguyên môi trường của mỏ than Phấn Mễ.

Trao đổi với PV Tiền phong, ông Hoàng Ngọc Diệp (Phó TGĐ Cty Gang thép Thái Nguyên, đơn vị chủ quản mỏ than Phấn Mễ) cho biết: Năm 2008, phía Cty cũng đã đề nghị huyện, người dân di chuyển đến nơi ở mới và có phương án đền bù tái định cư.

Cty vẫn còn lưu các văn bản đo đếm diện tích nhà ở, cây trồng… Ông Diệp cũng cho rằng, khai thác mỏ ở Thái Nguyên là bài bản, chỉnh chu nhất.

“Đây là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, hoạt động có nền tảng, truyền thống lâu đời. Trước khi khai thác chúng tôi đều có phương án cụ thể và được phê duyệt” - ông Diệp nói.

Người dân kêu cứu

Chiều 16-4, cầm tờ đơn khiếu nại trên tay tới nhà Văn hóa xóm Khuôn 1 (xã Phục Linh, huyện Đại Từ), chị T. – một hộ dân nằm ngay chân bãi thải ở xóm Khuôn 2 cho biết, gia đình chị đã 2 lần mang đơn kiến nghị về việc đền bù, giải tỏa cho gia đình để di dời đi nơi khác an toàn hơn.

Tuy nhiên, phía chính quyền xã vẫn chỉ nói sẽ xem xét, chưa có phương án thỏa đáng.

Anh Nguyễn Văn Hoan (ở xóm Khuôn 2) cũng cho biết, gia đình anh mong muốn được đền bù, di dời đi nơi khác. Hằng ngày, gia đình anh phải sống trong lo sợ, mỗi khi trời mưa gió đều phải sơ tán đi nơi khác ở.

Nhiều hôm, gió thổi tung bụi bặm bay vào nhà, giếng nước cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tháng 6-2011, anh Hoan đã làm đơn cầu cứu chính quyền nhưng đến nay chưa được trả lời.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG