Như Tiền Phong thông tin, số lượng người giao hàng đăng ký hoạt động khi Thành phố cho phép lưu thông liên quận huyện đã tăng vọt từ gần 20.000 người lên hơn 90.000 người. Người giao hàng sẽ phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 mỗi ngày, kết quả âm tính mới được phép hoạt động. Khi số lượng tăng cao, cả Sở Y tế và Sở Công thương đều rơi vào lúng túng.
Ghi nhận của phóng viên báo Tiền Phong sáng 20/9 cho thấy, rất đông shipper đã tập trung tại các trạm y tế để chờ xét nghiệm. Thực trạng trên gây ra vấn đề tập trung đông người, tăng nguy cơ lây nhiễm. Bên cạnh đó, người giao hàng phải chờ xét nghiệm mất nhiều thời gian ảnh hưởng tới hiệu quả công việc và thu nhập.
Shipper xếp hàng dài chờ xét nghiệm trong sáng 20/9 (ảnh: Ngô Bình) |
Tại buổi họp báo diễn ra chiều 20/9, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM thẳng thắn nhìn nhận: “Các thông tin hai ngày qua shipper xét nghiệm gặp khó khăn, quá tải là thực tế đang diễn ra”.
Theo ông Phương, qua theo dõi thực tế, khi mới có chủ trương hoạt động lại có gần 20.000 shipper đăng ký hoạt động thì các phương án xét nghiệm mỗi ngày đáp ứng tốt. Suốt thời gian qua, phương án tổ chức đi chợ hộ cho người dân gặp nhiều khó khăn nhưng khi thành phố cho phép shipper hoạt động lại các đơn hàng đã được chuyển tải tốt, mỗi ngày có tới khoảng 700.000 đơn hàng được giao giúp thành phố vận chuyển hàng hóa, đảm bảo lưu thông.
Tuy nhiên, 2 ngày qua số lượng người giao hàng đăng ký hoạt động tăng cao. Sự gia tăng đột biến khiến các đơn vị quản lý, tổ chức xét nghiệm có sự bị động.
Để tháo gỡ khó khăn trên, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết: “Chiều nay, Thành phố đã họp và thống nhất cách thức giải quyết. Theo đó việc xét nghiệm cho shipper sẽ được thực hiện ở tất cả 312 trạm y tế cố định và hơn 500 trạm y tế lưu động. Thời gian xét nghiệm sẽ được mở rộng từ 6 giờ đến 21 giờ mỗi ngày thay vì 5 giờ đến 6 giờ như trước đây. Shipper có thể hoạt động và tìm bất kỳ trạm y tế nào vắng đều thực hiện xét nghiệm được”.