Mở rộng Hà Nội không chỉ để... to ra

Mở rộng Hà Nội không chỉ để... to ra
Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn - chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng - cảnh báo rằng việc mở rộng Hà Nội không chỉ để Hà Nội to ra mà phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của thủ đô.
Mở rộng Hà Nội không chỉ để... to ra ảnh 1
Khu vực nội thành đông người, kẹt xe, ô nhiễm... nên việc mở rộng Hà Nội là cần thiết - Ảnh: TTO

Ông Vạn nói:

Việc mới đây Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí với đề xuất mở rộng địa giới của thủ đô Hà Nội lên diện tích 3.200km vuông đang mở ra cho Hà Nội cơ hội phát triển nhanh hơn để có thể sánh ngang với thủ đô các nước.

Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn cho biết xét về diện tích thì Hà Nội chỉ bằng khoảng 1/3 Bangkok (Thái Lan), bằng 1/4 Manila (Philippines), 1/5 Jakarta (Indonesia) và so với Tokyo (Nhật Bản) thì Hà Nội còn rất nhỏ.

Là một trong những thủ đô có chiều dài lịch sử lâu đời nhất trong khu vực Đông Nam Á nhưng rõ ràng Hà Nội lại phát triển chậm hơn rất nhiều thủ đô các nước. Chậm cả về tốc độ đô thị hóa lẫn về vai trò trung tâm phát triển kinh tế.

Theo ông, vì sao Hà Nội phát triển chậm?

Xưa nay Hà Nội phát triển với tư thế của một trung tâm chính trị, hành chính chứ chưa biến thành một trung tâm kinh tế. Tất nhiên thủ đô nước nào cũng mang tính chính trị nhưng cùng với đó phải đạt đến tầm một trung tâm tài chính, thương mại, giao dịch, du lịch, văn hóa...

Hà Nội không có cửa ngõ thông thương phát triển kinh tế quốc tế. Đến nay vẫn chưa có một cảng hàng không thương mại (sân bay Nội Bài chủ yếu là sân bay hành khách), chưa có hải cảng thương mại.

Hà Nội từng hai lần mở rộng và lần này tiếp tục phải mở rộng. Liệu có phải do tầm nhìn qui hoạch hạn chế nên các lần mở rộng trước đây chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của Hà Nội?

Trước đây chúng ta khó khăn về kinh tế và nguồn lực quản lý đô thị nên sau khi mở rộng lần thứ hai, Hà Nội đã phải điều chỉnh lại một số vùng về Hà Tây, Vĩnh Phúc.

Bây giờ điều kiện đã thay đổi, tiềm lực đã khác, bức xúc cho phát triển gay gắt hơn nên yêu cầu mở rộng Hà Nội sẽ là đòi hỏi tất yếu phải thực hiện.

Theo ông, Hà Nội nên mở rộng ra hướng nào?

Mở rộng Hà Nội không chỉ để... to ra ảnh 2
Ông Nguyễn Tấn Vạn - Ảnh: TTO

Ranh giới của Hà Nội mở rộng không phải là phép cộng của những ranh giới các huyện hoặc tỉnh nhập lại mà từ nhu cầu phát triển hạ tầng khung, dự báo dân số, dự báo phát triển... mà xác định.

Tức mở rộng ranh giới hành chính Hà Nội không nên hiểu để Hà Nội to ra mà phải xem nhu cầu thế nào.

Chẳng hạn Hà Nội hiện cần di chuyển 5 triệu mộ nằm rải rác trong toàn thành phố, cần một nhà máy nước, cần một bãi rác...

Mặt khác, phát triển vùng thủ đô chỉ có thể tốt khi thiết lập được các lực hút tương tác giữa các đô thị thành viên trong vùng. Do đó, việc mở rộng ranh giới cũng gắn với quá trình phát triển vùng Hà Nội, phát triển các đô thị trong vùng đi cùng với giải quyết các vấn đề của Hà Nội.

Theo phương án Bộ Xây dựng lập thì Hà Nội sẽ phát triển về phía tây, ông nghĩ sao về phương án này?

Phía tây có lợi thế về quĩ đất, cảnh quan, môi trường. Ở đó có đất khô ráo để phát triển đô thị, có thể xây dựng các trường đại học, trung tâm khoa học, có những vùng có thể xây dựng cơ sở hạ tầng khung cho Hà Nội... So với phía nam thì điều kiện địa chất phía tây lợi thế hơn nhiều.

Nhưng cũng không nên quên phía bắc. Phía này hiện nay còn kém phát triển vì bị ngăn bởi con sông Hồng. Trong tương lai gần thì phía bắc sẽ phát triển rất mạnh.

Khi chúng ta có cầu Chương Dương, cầu Thăng Long, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân... nối trung tâm Hà Nội với phía bắc sẽ tạo điều kiện tốt để phát triển khu vực này. Phía bắc có lợi thế gần sân bay, gần hành lang kinh tế.

Hà Nội muốn phát triển phải tiếp cận với hành lang liên kết vùng. Đó sẽ là hành lang từ Vân Nam (Trung Quốc) ra cảng Hải Phòng và cảng Cái Lân (Quảng Ninh) để vận chuyển hàng hóa.

Theo ông, sông Hồng đóng vai trò như thế nào trong quá trình mở rộng Hà Nội?

Chỉ tiếc chúng ta để sông Hồng chưa phục vụ TP mà còn gây "tai quái" cho TP. Như vậy muốn làm được thì phải giải quyết tốt vấn đề trị thủy của cả hệ thống sông Hồng.

Vấn đề nào cần lưu ý để việc mở rộng đáp ứng được nhu cầu phát triển của thủ đô?

- Để làm việc này cần hội tụ các yếu tố: có một bản qui hoạch chất lượng, một thể chế phát triển đủ mạnh, năng lực tổ chức thực hiện, tiềm lực cần và đủ, sự đồng lòng của xã hội.

Hình thành một Hà Nội mới

Theo qui hoạch chung của thủ đô đến năm 2020, hướng phát triển lâu dài của Hà Nội chủ yếu về phía tây, hình thành chuỗi đô thị Miếu Môn - Xuân Mai - Hòa Lạc - Sơn Tây (Hà Tây); phía bắc là cụm đô thị Sóc Sơn (Hà Nội) - Xuân Hòa - Đại Lải - Phúc Yên (Vĩnh Phúc) và các đô thị khác.

Trước mắt, hướng mở rộng TP Hà Nội trung tâm về phía tây bắc, tây nam và phía bắc; trong đó ưu tiên cho đầu tư phát triển khu vực phía bắc sông Hồng. Tại đây hình thành một Hà Nội mới, gồm các khu vực Bắc Thăng Long - Vân Trì, Đông Anh - Cổ Loa, Gia Lâm - Sài Đồng - Yên Viên và tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư phát triển tại khu vực Nam Thăng Long.

Theo Khiết Hưng
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG