Mở rộng Hà Nội : Dừng quy hoạch các tỉnh liên quan để rà soát

Mở rộng Hà Nội : Dừng quy hoạch các tỉnh liên quan để rà soát
Ngày 25/4, bên lề Hội nghị góp ý kiến vào phương án mở rộng địa giới hành chính, định hướng quy hoạch Thủ đô mở rộng do Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính đã trao đổi với báo chí về phương án phát triển Thủ đô.

- Xin ông cho biết căn cứ nào để xây dựng quy hoạch Thủ đô mở rộng?

Hà Nội hiện có 921 km2, với yêu cầu phát triển là một Trung tâm tổng hợp bao gồm chính trị, văn hoá và đặc biệt là kinh tế, không gian đó không đáp ứng được. Xây dựng quy hoạch vùng Thủ đô để có một Hà Nội hiện đại gắn kết quy hoạch với các địa phương. Lâu nay chúng ta không làm được việc đó, mỗi tỉnh, mỗi địa phương đều “cát cứ” để làm quy hoạch cho riêng mình, nên không có sự thống nhất đồng bộ về hệ thống hạ tầng, về quản lý đất đai, không gian phát triển và sự đồng bộ trong chiến lược giao thông và kinh tế của cả nước.

Theo tôi, phương án phát triển Thủ đô hiện tại là phương án tối ưu nhất. Theo phương án đó, hướng phát triển chính của Thủ đô là về phía Tây, bởi vì phía Tây đất đai rộng lớn, phần gò đồi có diện tích lớn, cảnh quan đẹp, đáp ứng yêu cầu về không gian cho các khu chức năng.

Với phương án này sẽ lấy toàn bộ tỉnh Hà Tây, 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Những xã đó là nơi chúng ta đang xây dựng Đại học quốc gia Hà Nội, Làng văn hoá dân tộc Việt Nam. Nếu không lấy diện tích đó, sau này công tác quản lý sẽ rất phức tạp. Huyện Mê Linh hiện nay nằm trong vùng Hà Nội phát triển, vì vậy diện tích 3.320 km2 là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển của Thủ đô.

Với Hà Tây, nếu chỉ lấy một nửa, thì tỉnh chỉ còn lại diện tích không lớn, điều kiện phát triển kinh tế rất khó khăn. Vì thế phương án lấy toàn bộ tỉnh Hà Tây là phù hợp.

- Có rất nhiều ý kiến băn khoăn về công tác quản lý Hà Nội sau khi mở rộng, xin ông cho biết quan điểm về việc này?

Trước hết phải có quy hoạch tối ưu. Muốn có quy hoạch Hà Nội tốt, không chỉ cần đội ngũ chuyên gia giỏi của Việt Nam mà còn phải có chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm. Cuối tháng 5 tới, chúng ta sẽ mời một tổ chức chuyên gia quốc tế tốt nhất để cùng làm việc này.

Như vậy, khi đã có quy hoạch tốt, có nghĩa là không gian phát triển Hà Nội phù hợp với đất nước và có tầm nhìn xa. Khu vực nào làm gì, chức năng từng khu đất như ra sao phải được tính toán hết sức khoa học và tiết kiệm, phù hợp với yêu cầu tự nhiên của từng vùng.

- Việc mở rộng Hà Nội về hướng Tây có phải là một trong những điều chỉnh quy hoạch hay không ?

Hà Nội hiện nay đã trải qua nhiều lần điều chỉnh cục bộ. Điều chỉnh cục bộ nói lên việc phát triển không bền vững. Hà Nội đã có quy hoạch năm 1998, nhưng thời điểm đó chúng ta cũng chưa biết là đất nước sẽ phát triển ở tầm cao như thế này. Do đó, mặc dầu đã có quy hoạch, nhưng so với tầm nhìn phát triển thì vẫn là quy hoạch lạc hậu. Hà Nội vẫn quy hoạch trong diện tích khoảng 921 km2, nên phải điều chỉnh cục bộ và cứ luẩn quẩn như thế.

Bây giờ, khi có điều kiện mở rộng, chúng ta phải có tầm nhìn rộng hơn và điều quan trọng là phải gắn kết được giao thông. Với việc mở rộng Hà Nội, chúng ta chỉ làm một lần quy hoạch để phát triển Hà Nội hài hòa. Quy hoạch lần này đã giải quyết một cách thỏa đáng, hay nói các khác là hoàn chỉnh nhất cho một Thủ đô mới.

- Hà Tây sáp nhập Hà Nội, vậy có diễn ra tình trạng quy hoạch đè quy hoạch, dự án chồng dự án không, thưa ông?

Khi xây dựng quy hoạch, mỗi địa phương làm theo đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương mình và chưa tính toán đến sự kết nối trong vùng, bởi lúc đó quy hoạch vùng Thủ đô mới đang được xem xét. Bây giờ chúng ta mở rộng Hà Nội, việc đầu tiên Chính phủ đề nghị các tỉnh phải dừng lại một thời gian để Bộ Xây dựng rà soát tất cả các quy hoạch của các địa phương.

Trên tinh thần đó, những dự án nào đã được cấp hoặc phê duyệt thì tiếp tục làm và sẽ xử lý sau nếu chưa phù hợp. Đối với những dự án chưa được duyệt thì dừng lại xem xét nếu phù hợp với quy hoạch mới của Thủ đô sẽ được tiến hành ngay.

Theo Bích Thuỷ
TTXVN

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG