Mơ một Ngự Bình núi hoa

0:00 / 0:00
0:00
Hoàng mai Huế sẽ có mặt ở núi Ngự Bình trong một ngày không xa để tạo thành một hoa sơn thắng cảnh
Hoàng mai Huế sẽ có mặt ở núi Ngự Bình trong một ngày không xa để tạo thành một hoa sơn thắng cảnh
TP - Ngự Bình, ngọn danh sơn biểu tượng xứ Huế đứng trước khả năng phục hồi diệu kỳ về cảnh quan môi trường và phát huy giá trị, thông qua cuộc “cách mạng” di dời hàng trămnghìn mồ mả dưới chân núi để hình thành nên trung tâm văn hóa đặc trưng, cùng một khu rừng “hoàng mai hoa” có một không hai ở đất Cố đô.

Hương Bình biểu tượng Huế

Một thuở, cứ dịp Nguyên tiêu hay tiết Thanh minh, ngọn Ngự Bình xứ Huế luôn rực sáng với muôn ánh đèn ánh nến về đêm; trở thành nơi tụ hội của bao tao nhân mặc khách, văn nghệ sĩ, giới trẻ… Họ cùng tìm lên đây để được đắm chìm vào không gian yên bình và tận hưởng khí trời vào xuân trên cao mát lành, thanh khiết của ngọn núi mang linh hồn xứ Huế.

Theo thời gian, những người thích khám phá Ngự Bình trong tiết xuân xứ Huế cứ ít đi, một phần do cảnh quan nơi đây không còn vẹn nguyên, cây cối trơ trụi dần, bị đốt cháy vì người dân đi thăm mộ thắp hương bất cẩn gây nên. Trong khi, dưới chân núi lại lổn nhổn những mồ mả lớp lớp điệp trùng ảnh hưởng cảnh quan của ngọn danh sơn từng có tên trong 20 cảnh đẹp đất Thần kinh thuở xưa.

Những năm gần đây, việc leo đỉnh Ngự Bình thưởng ngoạn tiết trời Xuân mỗi dịp Nguyên tiêu đã bị nhà chức trách tại Huế cấm triệt vì lo ngại tập trung đông người dễ dẫn đến cháy rừng, ảnh hưởng an ninh trật tự… Người dân Huế từ đó có cảm giác trở nên xa xôi với một nơi rất nổi tiếng như ngọn Bằng Sơn này.

Mơ một Ngự Bình núi hoa ảnh 1 Ven đường Ngự Bình - Núi Bân (TP Huế) dày đặc mồ mả được chôn cất từ hàng chục, thậm chí cả 100 năm trở lại đây

Có lẽ, đến bây giờ trong đám nam thanh nữ tú một thuở từng leo lên đỉnh Ngự Bình vãn cảnh những đêm xuân ấy có người vẫn chưa biết tên của ngọn danh sơn này có từ khi nào, ý nghĩa ra sao, hay vì sao nơi đây lại được xem là biểu tượng của xứ sở “Hương Bình”...

Quay ngược thời gian vào năm 1687, chúa Nguyễn Phúc Trăn khi còn ở ngôi (1687-1691) đã cho dời thủ phủ Đàng Trong từ làng Kim Long (thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên) về làng Phú Xuân (Kinh thành Huế ngày nay). Chúa Nguyễn Phúc Trăn đã dùng núi Ngự Bình để làm án (chắn ngang) trước thủ phủ. Đây được xem là yếu tố phong thủy của người xưa. Núi Ngự Bình còn có tên là Bằng Sơn, cao 105 mét, dáng cân đối uy nghi. Hai bên Bằng Sơn có hai ngọn núi nhỏ chầu vào gọi là Tả Bật Sơn và Hữu Bật Sơn. Về sau này, khi chúa Nguyễn Phúc Khoát xây dựng đô thành Phú Xuân (hoàn tất năm 1739), và vua Gia Long xây dựng Kinh thành Huế (1805) cũng chọn đặt núi Bằng làm án trong yếu tố phong thủy của vùng đất định đô.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử quán triều Nguyễn: Ở phía đông bắc Hương Thủy, nổi vọt lên ở quãng đất bằng như hình bức bình phong làm lớp án thứ nhất trước Kinh thành Huế, tục gọi là núi Bằng, đời Gia Long đặt cho tên hiện nay (Ngự Bình), đỉnh núi bằng phẳng, khắp nơi trồng thông…

Ngự Bình từng là một trong 20 thắng cảnh của Kinh đô Huế (Thần kinh Nhị thập cảnh). Nơi đây không chỉ có ý nghĩa về yếu tố phong thủy mà còn là chốn ngắm cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của xứ Huế.

Từ đỉnh Ngự Bình, một bức tranh thu nhỏ về thành phố Huế thơ mộng với cung điện đền đài cổ kính, những mái chùa trầm mặc và dòng sông Hương hiền hòa… dễ dàng được thu vào tầm mắt. Người Huế tự hào rằng, cùng với sông Hương, tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất này một món quà vô giá khác là núi Ngự Bình, đem lại sự giao hòa hữu tình của núi sông non nước tạo nên một biểu tượng thiên nhiên riêng có của Huế, của “xứ sở Hương Bình”.

Ngự Bình danh sơn mang yếu tố phong thủy địa linh nhân kiệt, biểu tượng của Huế là vậy, nhưng từ bao nay, dưới chân núi cứ dày đặc thêm những mồ mả, lăng mộ do người dân chôn cất tự phát hết đời này sang đời khác. Thông xanh ven sườn núi và trên đỉnh ngọn cứ chết dần chết mòn do những vụ cháy rừng bởi sự vô ý của con người gây nên.

Khoảng 10 năm trước, tỉnh TT-Huế từng có chủ trương xây dựng một khu bảo tàng dưới chân núi Ngự Bình, cạnh khu tượng đài Quang Trung gần với núi Bân di tích. Những tưởng, các khu lăng mộ nơi đây sẽ được di dời để trả lại cảnh quan vốn có của vùng danh thắng Ngự Bình rộng lớn. Tuy nhiên, chủ trương này sau đó đã không được thực hiện, xung quanh danh thắng Ngự Bình vẫn là một vùng hoang hoải lăng mộ âm u hiu hắt…

Mơ một Ngự Bình hoa sơn

Mới đây, vào một ngày đầu xuân Tân Sửu, nhiều người dân Huế đi trên đường Ngự Bình (TP Huế) dẫn lên phía tượng đài Quang Trung - Núi Bân không khỏi tò mò khi chứng kiến một đoàn công tác gồm những người đứng đầu chính quyền tỉnh TT-Huế và TP Huế lên thị sát giữa muôn trùng lăng mộ dưới chân ngọn Ngự Bình.

Hỏi ra mới hay, một đề án xây dựng công viên văn hóa Ngự Bình nay mai sẽ được thực hiện trên những khu đồi trập trùng rộng lớn bao quanh ngọn Bằng Sơn tiếp giáp qua chân ngọn Bân Sơn, lâu nay vốn là “thế giới” của người chết.

Hiện nay, việc di dời một lượng rất lớn lăng mộ dưới chân núi Ngự Bình và khu nghĩa địa gần với núi Bân, là một bài toán khó đối với chính quyền các cấp tại TT-Huế. Được biết, năm 2005, UBND tỉnh TT-Huế từng phê duyệt quy hoạch “Trung tâm văn hóa phía Tây Nam của TP Huế”. Tuy nhiên, đến nay vùng quy hoạch này mới thực hiện được không gian văn hóa núi Bân, bao gồm tượng đài Quang Trung (phường An Tây, TP Huế).

Ông Hoàng Hải Minh, Chủ tịch UBND TP Huế cho hay, năm 2015, nhận thấy phạm vi quy hoạch của đề án năm 2005 quá rộng, ảnh hưởng số lượng lớn dân cư, khó tìm được nguồn lực để thực hiện sẽ trở thành quy hoạch treo. UBND TP Huế đã trình đề nghị UBND tỉnh phê duyệt lại quy hoạch và được chấp thuận.

Cụ thể, theo kế hoạch xây dựng không gian văn hóa Ngự Bình, địa phương sẽ phải giải tỏa mặt bằng gần 34 ha, trong đó di dời khoảng 100.000 ngôi mộ. Tổng kinh phí cho việc giải phóng mặt bằng là rất lớn, khoảng 1.000 tỷ đồng. Hiện nay, UBND tỉnh TT-Huế chỉ đạo Sở Xây dựng và các địa phương liên quan đẩy nhanh thực hiện việc di dời ở khu vực núi Ngự Bình.

Nhiều người tin rằng, chính quyền tỉnh và TP Huế sẽ thực hiện thành công đề án công viên văn hóa này, dù nơi đây hiện có khoảng 100.000 lăng mộ được chôn cất qua nhiều thời kỳ khác nhau. Trước mắt, chính quyền TP Huế sẽ thực hiện thí điểm đề án trên diện tích khoảng 9ha.

Người ta kỳ vọng đề án thành công. Bởi hơn 10 năm trước, cách không xa chân núi Ngự Bình, chính quyền TP Huế từng thực hiện một cuộc “đại di dời” lăng mộ, mồ mả ở vùng núi Bân để chỉnh trang, tạo vùng cảnh quan cho di tích cấp quốc gia này cũng như xây dựng nên tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ uy nghi như hiện nay.

Núi Bân ở Huế từng là nơi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ cho lập đàn (đàn Nam Giao Tây Sơn) để làm lễ tế cáo trời, lên ngôi Hoàng đế và xuất quân ra Bắc Hà đánh quân Thanh xâm lược vào cuối năm Mậu Thân 1788.

Mơ một Ngự Bình núi hoa ảnh 2

Khu di tích núi Bân nơi Nguyễn Huệ lập đàn đăng quang Hoàng đế

Từ Ngự Bình đến núi Bân, hai ngọn núi thắng tích gần nhau này trong tương lai sẽ có thêm những thiết chế văn hóa tạo ra sức hút lớn đối với du khách, công chúng đam mê khám phá những địa chỉ văn hóa nổi tiếng bậc nhất xứ Huế. Cùng với núi Bân đang ngút ngàn xanh bởi rừng thông cảnh quan và cây bản địa, khu quảng trường, tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ hiện là điểm dừng chân tham quan của du khách đến Huế, vừa là điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao cộng đồng của dân địa phương.

Mới đây, khi ra lời kêu gọi toàn dân trên địa bàn hưởng ứng phong trào "Mai vàng trước ngõ" tiến tới xây dựng Huế thành “xứ sở mai vàng” của Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Phan Ngọc Thọ yêu cầu UBND TP Huế nghiên cứu phát triển rừng mai vàng (Hoàng mai) ở khu vực núi Ngự Bình sau khi giải tỏa khu vực nghĩa địa theo đề án kể trên. Từ đây, nhiều người có thể mơ về một “Ngự Bình hoa sơn” trong một tương lai không xa!

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.