'Mổ' lụt ở Hà Nội

'Mổ' lụt ở Hà Nội
TP - 3.000 tỷ đồng là con số sơ bộ về thiệt hại trận ngập lịch sử tại Hà Nội tuần qua. 3.000 tỷ đồng cũng ngang mức đầu tư của dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn I và gần bằng với thu ngân sách trong một năm của Hà Tây cũ!

Số tiền này cũng tương đương 10% thu ngân sách của Hà Nội khi chưa mở rộng.

'Mổ' lụt ở Hà Nội ảnh 1
Ảnh: Hồng Vĩnh

Nhà giàu đã khóc…

Hà Nội luôn được coi là nơi “an toàn” nhất trước những biến cố của thời tiết như bão, lũ, sạt đất, lở núi. Hà Nội cũng luôn tự hào là địa phương luôn dang rộng vòng tay nhân ái “nhường cơm, sẻ áo” cùng các địa phương luôn bị thiên tai hoành hành.

Thế nhưng, sự thật là giữa lòng Hà Nội văn minh, hiện đại, trong những ngày qua hàng ngàn người dân phải nhận những ổ bánh mỳ, những gói mỳ tôm mang tên “hàng cứu trợ”; hàng đoàn người, nháo nhác leo lên trên những chiếc xe tải tại cửa ngõ phía Nam, phía Tây Nam và phía Tây  như cảnh thời chiến...

Theo ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thì đợt mưa vừa qua là lớn nhất trong vòng 35 năm tại Hà Nội và 48 năm qua tại Hà Tây (cũ). Lượng mưa của Hà Nội đã đạt trung bình 540mm, trong đó có những nơi mưa đạt gần 1.000mm và thậm chí có điểm đạt trên 1.000mm.

Cơn mưa quá lớn và trên diện rộng bắt đầu từ đêm 30/10 và kéo dài đến ngày 3/11, lớn đến mức vượt ra khỏi tầm suy nghĩ của nhiều người đã gây “bất ngờ” cho Hà Nội.  Và đó dường như là nguyên nhân hoàn toàn chính đáng để xảy ra một đợt ngập lịch sử.

Tại nội thành, hàng trăm tuyến phố bị tắc nghẽn do có đến trên 50 điểm bị ngập sâu. Nhiều người giàu của Hà Thành đã bị đói, khát trên những chiếc ô tô sang trọng giăng kín phố vì đường tắc.

Ngay ngày 31/10 phố phường Hà Nội như đàn ong vỡ tổ. Trên nhiều đường phố ô tô nổi lềnh bềnh, hàng trăm chiếc xe chết lịm trong nước.

Trong đợt ngập lớn vừa qua, người ta cũng đã phải “cười ra nước mắt” khi có hàng chục xe ô tô bị dìm trong hầm ngầm để xe, nhiều ô tô chìm ngỉm trong mương rãnh và cũng có những câu chuyện đau lòng “chết ngạt trên ô tô” khi đường ngập.

Hàng ngàn chiếc xe máy cũng khùng khục chết tức tưởi mỗi khi gia chủ bắt chúng làm việc như những chiếc thuyền máy. Xe buýt gầm cao được xem là “người hùng” trong lũ cũng đã phải chào thua trước những con phố ngập sâu trong nước. Gần một ngàn lượt xe buýt bỏ bến, hàng chục xe bị chập điện, hư hỏng. Kéo theo đó là hàng ngàn thượng đế đã nháo nhác khi mưa và bóng đêm ập xuống.

Những cái tên phố chắc hẳn mỗi khi nhắc đến sẽ mãi gợn nỗi ám ảnh với hàng triệu người Hà Nội: Phố Thái Hà mênh mông biển nước, đường Giải Phóng nước ngập quá bụng sóng dạt dào như hồ Tây. Phố Phạm Hùng, xe khách không dám đi qua, đường Trần Duy Hưng như con sông dài…

Hàng chục con phố khác cũng ngập lút bánh xe và mệnh danh là những đoạn đường “tử thần” như: đường Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Phong Sắc, Cầu Chui, ngã Năm Bà Triệu, Tôn Thất Tùng, Trường Chinh, Phạm Ngọc Thạch…

Tại thành phố Hà Đông, lượng mưa lớn cũng nhấn chìm nhiều tuyến phố làm cho thành phố trẻ phải oằn trong nước, có đến  4.500 nhà bị ngập. Cùng cảnh ngộ, nhiều cư dân sống trên những căn hộ bạc tỷ tại các khu đô thị mới như: Trung Hoà - Nhân Chính, Mỹ Đình, Mễ Trì, The Manner, Định Công… cũng ngậm ngùi ngắm biển nước xung quanh mà không dám bước ra khỏi nhà.

Người giàu đã “bật khóc”.

'Mổ' lụt ở Hà Nội ảnh 2
Người dân ngoại thành nhặt những cây rau còn lại sau lũ  Ảnh: Nguyễn Hương

Dân nghèo càng nghèo thêm

Nếu như Hà Nội chưa mở rộng, thì tỷ lệ nông thôn và nông dân chỉ chiếm khoảng 25%, nhưng khi mở rộng, thì tỷ lệ này tăng lên 60-70%. Vì lẽ đó, trận lụt lịch sử đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người nông dân.

Anh Cuông, xã Vạn Phúc- Thanh Trì đã trắng tay khi gần 1ha ao cá của anh (tại huyện thường Tín) sau cơn mưa đã hoà vào biển lớn. “Cá đi rồi, nợ nần ở lại, gia đình chưa xoay sở thế nào”- Anh ngậm ngùi nói.

Tại huyện Thường Tín sau trận mưa đã có 400 ha diện tích nuôi thủy sản đã bị ngập. Tuy nhiên, khu vực các huyện ngoại thành của Hà Nội thiệt hại về thủy sản nặng nề phải kể đến: Ứng Hòa (1,560 ha), Mỹ Đức (1.400 ha), Chương Mỹ (1.150 ha) , Thanh Trì (813 ha), Phúc Thọ, Quốc Oai mỗi huyện thiệt hại 600 ha…

Theo số liệu của UBNP TP Hà Nội tính đến ngày 6/11 toàn thành phố có trên 9.400ha diện tích thủy sản bị ngập. Ước tính thiệt hại khoảng 810 tỷ đồng.

Bên cạnh thiệt hại lớn về thủy sản, gần như toàn bộ diện tích cây trồng vụ đông của Hà Nội bị thiệt hại hoàn toàn với 55.000 ha. Thiệt hại ước tính khoảng 500 tỷ đồng.

Các huyện thiệt hại nặng nề như: Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hoà, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Mê Linh, Thường Tín, Sóc Sơn. Trong những ngày vừa qua đi qua bất kỳ địa phương nào của Hà Nội người ta cũng chứng kiến cảnh nước ngập trắng đồng.

Tính đến ngày 5/11 đã có 64.500 hộ dân khu vực ngoại thành bị ngập nặng trong đó 10.200 hộ dân đã phải tự di dời lên những khu đất cao, an toàn. Trong đó nhiều xã gần như nhà dân bị ngập hết: Xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ) có 500 trên 700 hộ bị ngập, xã Tân Tiến (Chương Mỹ) có 900 nhân khẩu phải sơ tán…

Trong lúc cơ nghiệp của người nông dân là thửa ruộng, mảnh vườn, ngôi nhà…thì nay chúng đều ngập trong nước. Nhà cửa, xóm thôn tiêu điều và cái đói cái nghèo đã gõ cửa hàng vạn nông dân. Người nghèo sẽ lại nghèo hơn.

'Mổ' lụt ở Hà Nội ảnh 3
Ảnh: Hồng Vĩnh

Một trạm bơm đem “chọi”  với trời (?)

Thiên tai bất khả kháng, thế nhưng tiên lượng được thiên tai để có những dự báo, đưa ra những giải pháp chủ động đối phó thì lại là điều chúng ta có thể làm được. Chúng tôi chỉ xin đề cập đến việc chống ngập tại khu vực nội thành.

Trước hết là công tác dự báo. Trận mưa kỷ lục diễn ra trong đêm 30, ngày 31/10 và các ngày 1, 2, 3/11 thế nhưng trong bản “Dự báo thời tiết ngày và đêm 30-31/10/2008” của Đài khí tượng Thuỷ văn khu vực đồng bằng Bắc bộ ngày 30/10 gửi Cty Thoát nước Hà Nội lại nêu: “Ngày và đêm 30/10: Nhiệt độ cao nhất 27-29 độ, lượng mưa 10 đến 20 mm”; “Ngày và đêm 31/10: Nhiều mây, có lúc có mưa rào”.

Một bản dự báo thời tiết được xem là quá sơ sài và sai quá nhiều so với thực tế đã trở nên vô cùng tai hại khi nó được cung cấp cho đơn vị duy nhất tham gia thoát nước chống ngập cho Thủ đô Hà Nội với dân số 4 triệu người.

Cơn mưa đêm 30/10 chắc chắn đã quá bất ngờ với Cty Thoát nước Hà Nội. Khẳng định điều này không chỉ do Cty này tự tin với bản “dự báo sai” kia mà còn có lý do: Ngày 31/10 là ngày Cty tổ chức buổi tổng kết: “Thực hiện kế hoạch thoát nước mùa mưa năm 2008”.

Tất nhiên, do mưa lớn nên buổi tổng kết phải hoãn lại. Hơn nữa, do đã kết thúc công tác thoát nước mùa mưa nên tất cả các hồ điều hoà (44 hồ) của Hà Nội đã được đặt trong trạng thái giữ nước. Khi mưa đổ ập xuống, các hồ này đã không còn khả năng điều hoà. Hà Nội vì thế ngập nhanh hơn, ngập sâu và lâu hơn.

Hơn nữa, khi xảy ra ngập hầu như các đơn vị chức năng đã lúng túng để xảy ra hỗn loạn giao thông. Người dân tự bươn chải với lũ và bị “chặt chém” vì những dịch vụ ăn theo lũ.

Một người có đầu óc mạo hiểm cũng không thể tưởng tượng rằng trong đợt mưa lịch sử vừa qua “sinh mệnh” của Thủ đô được đặt cược vào duy nhất một trạm bơm Yên Sở.

Do sông Nhuệ nước đã tràn bờ nên hướng tiêu thoát quan trọng này đã không thể hoạt động. Trên 40 triệu m3 nước đã tràn vào các con sông Lừ, Sét, Kim Ngưu, Tô Lịch, kênh và 5 hồ điều hòa Yên Sở.

Lúc này trạm bơm Yên Sở là cửa thoát duy nhất tiêu nước cho Hà Nội. Nhưng một điều làm thót tim hàng triệu người khi nước đổ về trạm bơm quá lớn đã làm ngập trạm bơm  trên 1 mét so với cốt thiết kế.

Tình huống xấu xảy ra khi 2 trạm điện của trạm bơm sắp bị nhấn chìm. Khi đó, một là buộc phải ngắt điện ngừng bơm hoặc là phải tiếp tục bơm và có thể xảy ra sự cố chập điện?

Nếu sự cố này xảy ra thì Hà Nội sẽ thành biển nước, và không biết đến bao giờ mới hết ngập. Cũng may, Hà Nội đã kịp phản ứng bằng cách huy động lực lượng đắp bờ hút nước khỏi trạm bơm. Vì vậy trạm bơm mới an toàn để có thể hoạt động hết công suất 4 triệu m3/ngày cứu Hà Nội khỏi ngập sau khoảng 10 ngày.

Có thể chưa có sự cố đáng tiếc xảy ra với trạm bơm như: chập điện, hư hỏng trong 10 ngày qua nhưng việc trông chờ duy nhất vào một trạm bơm trong công tác thoát nước như vừa qua, dư luận cho rằng Hà Nội quá “phiêu lưu, mạo hiểm”.

Bao nhiêu tỷ đô thì Hà Nội mới hết ngập?

Trận mưa lịch sử đã “đánh thức” tư duy của những nhà quản lý đô thị. Theo quy hoạch tổng thể thoát nước Hà Nội được phê duyệt từ năm 1995, tổng giá trị dự án vào khoảng 1,2 tỷ USD và được phân kỳ đầu tư.

Từ năm 1997 đến 2005, thành phố đã thực hiện hoàn thành dự án giai đoạn I (200 triệu USD) với việc cải tạo hệ thống 4 sông: Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu; cải tạo một số hồ như: Thiền Quang, Thanh Nhàn, Giảng Võ…, xây dựng trạm bơm Yên Sở công suất 45 m3/s và một số tuyến cống tại khu vực quận Hoàn Kiếm.

Mục tiêu của giai đoạn I là đảm bảo thoát nước cho những trận mưa có cường độ 172mm/ 2 ngày. Phải thừa nhận rằng khi giai đoạn I của dự án đi vào hoạt động đã cải thiện tình hình úng ngập của Hà Nội. Tuy vậy, do dự án mới hoàn thành cục bộ một số hạng mục trong khi toàn hệ thống chưa được cải tạo dẫn đến hiệu quả phát huy chưa cao.

Một số thiệt hại chính

Diện tích hoa, rau, màu bị ngập 56.000ha, lúa muộn bị ngập 2.385ha, thủy sản 9.700ha. Tổng số hộ bị ngập nhà: 68.000 hộ; có 10.200 hộ phải di dời; 37 nhà bị sập. Thiệt hại ước tính trên 3.000 tỷ đồng. Thành phố đã cứu trợ khoảng 8 tỷ đồng và hàng chục tấn mỳ tôm cho các hộ dân vùng ngập.

Đã có 22 người bị chết.

Giai đoạn II của dự án sẽ được triển khai vào tháng 11/2008 với kinh phí khoảng 300 triệu USD. Mục tiêu là đảm bảo thoát nước cho những trận mưa 310mm/2 ngày.

Giải thích về nguyên nhân gây ngập nặng vừa qua, nhiều lãnh đạo thành phố đã cho rằng: do mưa quá lớn rất ít khi xảy ra, trong khi chúng ta đầu tư dự án lại phải theo giai đoạn và tính đến hiệu quả kinh tế.

Và rằng “ngay cả khi hoàn thành giai đoạn II, III thì Hà Nội vẫn ngập nếu mưa lớn như vừa qua”.  Điều này đúng, song mưa lớn như vừa qua dù rất ít khi xảy ra nhưng không có nghĩa là không xảy ra.

Hơn nữa, xét góc độ kinh tế thì ngăn ngừa thiên tai cũng chính là một biện pháp kinh tế. Vì lý do đó, chúng ta phải chủ động đối phó để hạn chế tổn thất ở mức tối thiểu.

Ví như, trận mưa 5 ngày qua tại Hà Nội sơ bộ làm thiệt hại khoảng 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế thiệt hại cho toàn xã hội (ngừng trệ sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ, sửa sang nhà cửa, phương tiện, môi trường, y tế và môi trường đầu tư…) còn cao hơn nhiều.

Số tiền này bằng số tiền đầu tư cho toàn bộ dự án thoát nước. Và nếu như Hà Nội đã đầu tư hoàn chỉnh thì ngay cả không ngăn ngừa hoàn toàn tác hại của thiên tai thì cũng có thể hạn chế được 50% thiệt hại. Đó không phải là hiệu quả kinh tế sao?

Hiện Hà Nội đã mở rộng, hàng trăm dự án khu đô thị đã được triển khai, cấp phép đầu tư xuyên suốt từ đường Láng đến Hoà Lạc. Thế nhưng Hà Nội đã chuẩn bị gì cho việc thoát nước tại các khu đô thị này?

Trận mưa vừa qua đã nhấn chìm hạ tầng, đường sá ở các khu đô thị hiện đại phía Tây như: Trung Hoà - Nhân Chính, Mỹ Đình, Mễ Trì, An Khánh, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông…Vì sao?

Vì các khu đô thị này lệ thuộc vào việc thoát nước từ sông Nhuệ. Khi sông Nhuệ dâng cao, các khu đô thị ngập trong nước. Trong khi đó, dự án thoát nước của Hà Nội được lập từ 15 năm trước đã không đề cập gì đến các khu đô thị này và việc Hà Nội mở rộng. Rõ ràng Hà Nội không thể phát triển đô thị bền vững mà công tác thoát nước lại phụ thuộc vào thiên nhiên?

Diễn biến trận mưa

Trận mưa bắt đầu từ đêm 30/10. Đến 10h ngày 31/10 lượng mưa tại nội thành là 106mm, Hà Đông là 433mm, đến cuối chiều 31/10 lượng mưa tăng lên 190mm (nội thành) và 492mm ( Hà Đông), thành phố bị ngập nhiều tuyến đường.

Ngày 1/11, lượng mưa tại nội thành đã tăng lên 475mm và hàng chục địa bàn của thành phố bị nhấn chìm. Trạm bơm Yên Sở có nguy cơ bị chập điện do nước ngập trên 1m.

Đến ngày 3/11, lượng mưa tại nội thành đạt 545mm, Hà Đông đạt 817mm.

Đến ngày 4/11 lượng mưa tại nội thành là 558mm, Thanh Oai 965mm, Sơn Tây 703mm.

Đây là trận mưa lớn nhất kể từ 35 năm qua tại Hà Nội và lớn nhất kể từ 48 năm qua tại Hà Tây (cũ).

MỚI - NÓNG