Nguồn hàng ở vỉa hè Sài Gòn lúc bấy giờ là những vật dụng gia đình, từ quần áo, ly chén, tách đĩa đến cái đồng hồ, radio, tivi, xe đạp, xe Honda, cả thuốc chữa bệnh… có từ trước ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975).
Do nhu cầu kiếm sống, bung ra mặt đường quá lớn nhưng mặt bằng vỉa hè có hạn nên buôn bán vỉa hè chỉ tập trung ở khu vực chợ Cũ, chợ Trần Quốc Toản (nay là đường 3 tháng 2), Lăng Cha Cả, quận Tân Bình, Hai Bà Trưng, quận 3, khu Lê Đại Hành, quận 11 (nay trở thành chợ trời Nhật Tảo)…
Trăm năm còn một chút này
Ở thời bao cấp đó, nhìn chung tất tần tật người lao động ở Sài Gòn đều lao ra vỉa hè kiếm sống, nhằm kiếm thêm để trang trải cho gia đình... và lúc này đây xuất hiện nhiều chuyện bi hài. Các tầng lớp “con nhà tiểu thư” như: Nhà giáo, bác sĩ, kỹ sư, nội trợ cho đến người công nhân tan ca cũng đều tranh thủ buôn bán vặt ở vỉa hè để kiếm “thêm lon gạo”, cho nồi cơm gia đình.
Vỉa hè quá tải nên sản sinh ra một tầng lớp dân “ve chai” di động, chuyên đi rao thu mua từ: Bàn ghế, đồng hồ, phim chụp hình phổi, răng vàng, đồng tiền xưa… đến tivi, quạt máy, máy xay sinh tố, đầu đĩa… Đến tận bây giờ, thỉnh thoảng người dân trong các hẻm ở các quận trung tâm thành phố cũng còn thấy, còn nghe tiếng rao thu mua của những “tiểu thương” ve chai di động.
Trên thực tế vỉa hè cưu mang, giúp đổi đời nhiều phận người tha phương cầu thực, đó là một giá trị nhân văn mà thành phố Sài Gòn ngày trước - TPHCM bây giờ đã hàm ẩn trong máu thịt của mình.
Chuyên gia kinh tế
Lê Bá Chí Nhân
Theo dòng thời gian, qua những biến chuyển của thời cuộc, các kiểu chợ trời buôn bán đủ mọi thứ trên đời này ở thành phố như đã kể ở trên đã được “biên tập” đi rất nhiều. Theo đà tăng trưởng, thu nhập của người dân ngày một khấm khá lên…, và hàng hóa nơi vỉa hè không còn là lựa chọn duy nhất như ngày trước. Giờ chỉ tồn tại một số chợ trời “thượng vàng hạ cám” bán đủ thứ linh tinh, chủ yếu là các mặt hàng dân dụng hoặc đồ xưa cũ…
Các “chợ” ấy hiện hữu trên đường Nguyễn Kiệm (giáp ranh giữa địa bàn phường 9, quận Phú Nhuận và phường 1, quận Gò Vấp). Hay chợ điện tử Nhật Tảo, quận 11 họp từ sáng sớm cho đến tận chiều tối, nhưng nhộn nhịp nhất là vào khoảng 11 giờ đến 16 giờ trong ngày. Thời gian này là lúc dân “ve chai” di động từ khắp các hang cùng ngõ hẻm ở thành phố tụ về để “đổ hàng”.
Ở hai phiên chợ trời này, người mua có thể kiếm bất cứ thứ gì cho mình, dù tiền ít đến đâu. Cái cục sạc điện thoại di động thời “tiền sử” cũng có, giá chỉ 5 - 7 ngàn đồng. Một cái muỗng hay cái ca bằng inox của lính Mỹ cũng không phải khó tìm, giá cũng chỉ 10 - 20 chục ngàn đồng...
Sinh viên muốn mua cái xe đạp “Thống nhất” giá khoảng 100 - 200 ngàn đồng cũng được các tiểu thương vỉa hè “chiều ngay”. Rồi một cái máy lạnh, hay cái quạt máy, rồi cái tivi màn hình phẳng “hàng dạt” (nhưng vẫn xài tốt, do người dân xây, sửa nhà, mua nhà mới… thải ra) giá khoảng vài trăm ngàn cũng hiện diện đầy đủ. Nói chung là ngàn thứ mà người bình dân có nhu cầu có thể ra đây là được đáp ứng đầy đủ!
Sơn (35 tuổi), một tay buôn “ve chai” di động đã có thâm niên trên dưới 15 năm ở chợ Nhật Tảo cho biết: “Hàng “ve chai” ở đây chủ yếu bán ra thành hai luồng, vùng ngoại thành, vùng ven đô như Bình Chánh, Cần Giờ, Hóc Môn, Thủ Đức… cho công nhân là chính. Họ mới có “đủ tiền” mua mấy thứ người ta đã vứt đi, để xài. Nguồn tiêu thụ thứ hai là đưa về vùng sâu, vùng xa các tỉnh miền Tây, miền Đông và Tây Nguyên”.
Với gánh cháo lòng bán cạnh sân vận động Thống Nhất gần 20 năm qua, chị Phương nuôi hai đứa con đang học đại học.
Khách hàng mua linh kiện điện tử ở đây phần lớn là sinh viên, tưởng rẻ nhưng không ngờ mình bị “ăn hiếp và “hớp giá”. Cần cảnh giác, bởi hàng hóa được bán ở đây phần nhiều là đồ “chôm” của mấy “nhóc” bụi đời, giang hồ vặt”, ông Hà (45 tuổi) một “đồng môn” với Sơn tiết lộ.
Thành phố bao dung
Bất luận thế nào, từ hàng trăm năm qua, và nhất là trong thời buổi cuộc còn khó khăn vất vả khó như hiện nay, vỉa hè là nơi mưu sinh của có thể không chỉ hàng ngàn, hàng chục mà là hàng trăm ngàn người Sài Gòn. Nhưng chốn mưu sinh “đầu đường xó chợ” ấy giờ đây đang là áp lực cho cả các tiểu thương và chính quyền sở tại.
Nhiều tiểu thương bán buôn vỉa hè mà chúng tôi tiếp xúc kêu trời khi chính quyền sở tại ra quân, nỗ lực dẹp nạn buôn bán lòng lề đường, vỉa hè. Những gì chúng tôi ghi nhận được cho thấy, việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ cũng chỉ là tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa”, mà nói như nhiều người hiểu chuyện là “điệp vụ bất khả thi”.
Như chợ đêm bán quần áo, giày vớ trên đường Hoàng Văn Thụ (từ cầu vượt Lăng Cha Cả đến đầu đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình), đêm nào cũng “đỏ đèn đến sáng” tấp nập cảnh mua bán tràn cả xuống lòng đường. Không ít lần, cảnh mua bán náo nhiệt này nhất là những ngày cuối tuần thường xuyên gây ra cảnh ùn tắc, kẹt xe ở đây kéo dài cho đến các tuyến đường lân cận.
Tháng 4/2016 vừa qua, UBND Quận 1 vừa có chủ trương “gom” những người buôn gánh bán bưng, buôn bán hàng ăn trên vỉa hè về một khu vực nhất định, buôn bán theo những giờ giấc định sẵn. Theo khảo sát của quận 1, trên địa bàn hiện có khoảng 600 hộ buôn bán hàng rong vỉa hè. UBND quận sẽ hỗ trợ họ về thuế, kỹ năng xử lý vệ sinh an toàn thực phẩm, trật tự và vệ sinh môi trường. Để đảm bảo mỹ quan đô thị tại một quận trung tâm, Quận 1 sẽ “kiếm” cho mỗi hộ kinh doanh khoảng 6m2 gian hàng để buôn bán. Đây là chủ trương rất được nhiều người, nhiều ngành ủng hộ vì vừa có tình lại có lý.
Điện thoại từ thời khai sinh cũng có ở khu chợ này.
Nó hình thành một nếp sống, một nét văn hóa khó có thể xoá bỏ trong tâm thức, thói quen của người dân. Hơn nữa, ít nhiều nó cũng đóng góp nhiều giá trị cho nền kinh tế thành phố. Quan trọng hơn, phần lớn nhân lực của “nền kinh tế” vỉa hè này là dân tha hương từ nhiều tỉnh thành của cả nước vì kế sinh nhai họ ly nông, ly hương vào TPHCM kiếm cơ hội, trước tồn tại sau hy vọng đổi đời”.
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân nhìn nhận: “Trên hành trình Nam tiến ấy, đã có không ít cá nhân, gia đình, họ tộc đã thành công và thành công rực rỡ ở miền đất này sau một vài chục năm chịu khổ, chịu khó làm ăn từ vỉa hè và mở rộng đầu tư. Trên thực tế vỉa hè cưu mang, giúp đổi đời nhiều phận người tha phương cầu thực, đó là một giá trị nhân văn mà thành phố Sài Gòn ngày trước - TPHCM bây giờ đã hàm ẩn trong máu thịt của mình. Vì đây là một vùng đất bao dung, phóng khoáng, luôn cưu mang, luôn chia sẻ với người dân mọi miền đất nước, như chính cha ông mình đã tâm niệm, đã thực hiện trong quá khứ, khi đi vào mở cõi đất phương Nam”.