Mở lối cho hình thức đầu tư PPP

Hội nghị xúc tiến đầu tư Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết tại singapore
Hội nghị xúc tiến đầu tư Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết tại singapore
TP - Không chỉ tạo cú hích lớn trong việc phát triển kinh tế, Dự án đầu tư đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết còn là công trình mở đường cho hình thức đầu tư PPP tại Việt Nam.

Trong số gần 10 đầu công trình hạ tầng đã được xác định sẽ đầu tư theo hình thức PPP, hiện Dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết là công trình hạ tầng duy nhất đã hoàn thành các thủ tục pháp lý, cũng như việc thu xếp nguồn vốn.

Tuyến đường bộ cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có chiều dài toàn tuyến 101,28 km, trong đó phần cao tốc chính tuyến dài 98,7 km, phần tuyến kết nối dài 2,58 km.

Theo dự án được duyệt, khi hoàn thành tuyến đường này không chỉ rút ngắn hành trình từ TPHCM đến khu vực Nam Trung Bộ, khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xảy ra trên Quốc lộ 1, mà còn tạo điều kiện để hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch sinh thái cao cấp dọc theo bờ biển của các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà.

Được biết, lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đặt rất nhiều kỳ vọng vào Dự án bởi hiện đây là dự án duy nhất, hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để triển khai dự án, được nhà tài trợ thống nhất chọn thí điểm triển khai theo hình thức PPP.

“Những kinh nghiệm quý báu trong quá trình chuẩn bị, triển khai Dự án bao gồm việc xây dựng hệ thống pháp lý, cơ chế chia sẻ rủi ro, cơ cấu nguồn vốn,… sẽ giúp Việt Nam nhân rộng mô hình huy động vốn theo hình thức PPP”, bà Victorya Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - nhà tài trợ vốn cho Dự án đánh giá.

Ông Vũ Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Quản lý dự án đối tác công tư PPP, Bộ Giao thông vận tải cũng cho rằng: “PPP sẽ giúp Việt Nam tháo gỡ khó khăn trong việc huy động vốn cho các dự án hạ tầng giao thông trong thời gian tới khi nguồn vốn đầu tư công có xu hướng giảm dần”.

Là công trình đường cao tốc đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sẽ có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài thành lập Doanh nghiệp Dự án để xây dựng Đường cao tốc. Tổng chi phí xây dựng dự kiến là 757 triệu đô la Mỹ với nguồn vốn cho dự án nhận được từ vốn chủ sở hữu của các Nhà đầu tư, vốn vay của WB và từ Chính phủ của Việt Nam.

“Chúng tôi cam kết quá trình tuyển chọn sẽ được diễn ra công khai, minh bạch”

Ông Hoàng Đình Phúc Tổng giám đốc PMU1 cam kết

Nguồn vốn từ Chính phủ Việt Nam được hỗ trợ từ khoản tín dụng của Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) và khoản vay từ Ngân hàng tái thiết và phát triển quốc tế (IBRD) để tài trợ nguồn vốn cho Doanh nghiệp Dự án. Khoản vay IDA được Chính phủ sử dụng để đóng góp vào dự án đảm bảo tính khả thi của dự án (VGF). Khoản vay IBRD được Chính phủ cho Doanh nghiệp dự án (PE) vay lại.

Nhà đầu tư thứ nhất đã được lựa chọn là Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco với 60% vốn chủ sở hữu trong Doanh nghiệp dự án. Nhà đầu tư thứ 2 chiếm 40% vốn chủ sở hữu và sẽ được lựa chọn thông qua hình thức đấu thấu cạnh tranh quốc tế.

Bitexco là tập đoàn sở hữu 100% vốn tư nhân, đầu tư đa dạng từ bất động sản tới hạ tầng. Năm 2007, Bitexco đã đề xuất với Chính Phủ xin được thực hiện dự án này theo hình thức BOT. Chính phủ đã đồng ý cho Bitexco xây dựng Báo cáo nghiên cứu tính khả thi của Dự án. Xây dựng xong, Bitexco đã mời các nhà tư vấn đầu tư Quốc tế tới rà soát về tính khả thi của dự án.

Vào thời điểm này, World Bank đã quan tâm và nhận thấy dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết hội tụ đủ các tiêu chuẩn nên đã quyết định lựa chọn Dự án này để đầu tư và đề nghị với Chính phủ Việt Nam chọn Bitexco là nhà đầu tư thứ nhất. Để đảm bảo tính cạnh tranh, Nhà đầu tư thứ hai sẽ được đấu thầu Quốc tế và Bitexco phải chấp nhận toàn bộ mức giá của dự án sẽ được Nhà đầu tư thứ hai bỏ giá. Bitexco sẽ ký một hợp đồng liên kết với Nhà đầu tư thứ hai để thành lập Doanh nghiệp dự án và thực hiện toàn bộ mức giá mà Nhà đầu tư thứ hai đề ra”.

Hiện Dự án đang trong giai đoạn tuyển chọn nhà đầu tư thứ hai. Ban quản lý dự án1 (PMU1) - đơn vị điều hành Dự án sẽ hoàn thành việc đánh giá các hồ sơ dự sơ tuyển vào cuối tháng 12/2013.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).