Mổ ‘lậu’ trong bệnh viện công

Ngày 17-12, đoàn thanh tra giải quyết đơn phản ảnh, kiến nghị của viên chức Bệnh viện (BV) Răng hàm mặt TƯ TP.HCM của thanh tra Bộ Y tế đã làm việc với các bác sĩ là trưởng, phó hoặc phụ trách các khoa của BV.

Mổ ‘lậu’ trong bệnh viện công

Ngày 17-12, đoàn thanh tra giải quyết đơn phản ảnh, kiến nghị của viên chức Bệnh viện (BV) Răng hàm mặt TƯ TP.HCM của thanh tra Bộ Y tế đã làm việc với các bác sĩ là trưởng, phó hoặc phụ trách các khoa của BV.

Căn nhà 279 Nguyễn Tiểu La, phường 8, quận 10, TP.HCM trước đây là phòng khám Thiện Mỹ. Ảnh: Minh Đức
 

Nội dung xung quanh vụ đơn kiến nghị liên quan đến giám đốc Lâm Hoài Phương.

Dự kiến hôm nay 18-12, đoàn thanh tra làm việc tiếp với bốn lãnh đạo khoa phòng khác của BV.

Sau bài viết “Mổ ở BV công, đóng tiền cho phòng khám tư” ,nhiều CB-CNV của BV tiếp tục phản ảnh: còn rất nhiều bệnh nhân khác cũng bị mắc bẫy đường dây mổ “lậu” này.

Một ca mổ hàm mặt được bà Lâm Hoài Phương, giám đốc bệnh viện, chỉ đạo cán bộ, nhân viên thu 30-50 triệu đồng nhưng viện phí mà Nhà nước thu được chỉ là những khoản lặt vặt như tiền giường, giặt ủi, vật tư tiêu hao... vài triệu đồng.

“Nạn nhân” của giám đốc

Ông Nguyễn Văn Nhơn - cha của bệnh nhân Nguyễn Tấn T. (18 tuổi, xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) - xác nhận ngày 19-3-2012 ông đưa con trai đến BV Răng hàm mặt trung ương TP.HCM khám bệnh. Sau khi làm xong các thủ tục xét nghiệm, bà Phương nói với ông nếu chờ theo thứ tự một tuần sau mới được mổ. Nếu mổ ngoài giờ, bà Phương sẽ mổ ngay. Ngày 20-3, bà Phương mổ cho T. tại BV với chẩn đoán trước mổ là “Encoche môi, biến dạng mũi”.

Mổ xong, bà Phương cho T. về phòng khám Thiện Mỹ với lý do “để tiện chăm sóc”. Phiếu thu ngày 20-3-2012 của phòng khám Thiện Mỹ thể hiện bệnh nhân T. phải đóng 22 triệu đồng “chi phí phẫu thuật môi + mũi”. Người lập phiếu thu là điều dưỡng Thái Thị Bích Thủy (một điều dưỡng của BV). Ngày 21-3, bệnh nhân T. được cho về, kèm theo toa thuốc của phòng khám trên do bác sĩ Phạm Phi Lân (một bác sĩ của BV) kê. Qua xác minh, bệnh nhân T. có hồ sơ mổ tại BV với mã số bệnh nhân 12459135. Trước mổ một ngày, bệnh nhân đóng 530.000 đồng tiền khám bệnh, xét nghiệm mê tiền phẫu và chụp X-quang phổi.

Tương tự, bệnh nhân Nguyễn Hồng Hữu T. (26 tuổi, cư xá Thanh Đa, P.27, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cũng xác nhận ngày 20-4-2007, anh đến BV Răng hàm mặt trung ương TP.HCM khám và điều trị nhưng lại bị nhân viên BV hướng dẫn đến phòng khám Mỹ Thiện (tên một phòng khám cũ của bà Phương trước đây) để điều trị chỉnh nha với số tiền 9 triệu đồng.

Sau năm năm chỉnh nha, ngày 28-2-2012 anh T. được bà Phương phẫu thuật tại BV. Tổng cộng anh T. phải đóng 45 triệu đồng, trong đó điều dưỡng Lộc thu của anh 30 triệu đồng tại BV, điều dưỡng Thái Thị Bích Thủy thu thêm 15 triệu đồng nữa tại phòng khám Thiện Mỹ. Theo hồ sơ, bệnh nhân Nguyễn Hồng Hữu T. nhập viện ngày 28-2-2012, bảng kê chi phí khám chữa bệnh nội trú của bệnh nhân này tại BV tổng cộng hơn 8,6 triệu đồng, trong đó cột phẫu thuật hàm mặt chỉ ghi “Thời gian phẫu thuật trên 1 giờ đến 3 giờ” với số tiền tượng trưng 2 triệu đồng. Trong khi thực tế anh T. đóng số tiền lên đến 45 triệu đồng.

Quy trình “lậu”

Theo tìm hiểu, khi bệnh nhân đến khám tại BV về thẩm mỹ (sứt môi hàm ếch, sửa mũi, sẹo xấu, chỉnh hình cằm...) sẽ được nhân viên BV làm hồ sơ ngoại trú tại quầy tiếp đón bệnh nhân. Sau đó bệnh nhân vào khám tại phòng khám hàm mặt (có phiếu thu tiền) và có mã bệnh nhân. Sau khi bệnh nhân được bà Phương hoặc bác sĩ khám, tư vấn xong, một điều dưỡng sẽ thỏa thuận tiền trực tiếp với bệnh nhân tổng chi phí ca phẫu thuật gồm tiền phẫu thuật, chi phí phòng mổ và thuốc sử dụng trong quá trình phẫu thuật và nằm viện (nếu có). Nếu bệnh nhân đồng ý sẽ được đưa đi làm xét nghiệm trước mổ. Sau đó bệnh nhân được hẹn ngày phẫu thuật hoặc có thể phẫu thuật ngay hôm sau. Với “quy trình” này nên có nhiều bệnh nhân không có lịch mổ và hồ sơ bệnh án vẫn được đưa vào phòng mổ để phẫu thuật.

Theo đúng quy trình, bệnh nhân vào phòng mổ phải có hồ sơ nhập viện nội trú nhưng do đi “đường tắt” nên để hợp thức hóa những bệnh nhân này, điều dưỡng thân cận của bà Phương sẽ làm một hồ sơ nội trú với mã hồ sơ thường là NV1, NV2... kèm theo phiếu điều trị ngoại trú. Nhờ đó các bệnh nhân này được lên chương trình mổ. Sau khi phẫu thuật, nằm hồi sức, bệnh nhân được cho xuất viện rất sớm. Trường hợp khó hơn, bệnh nhân được chuyển lên trại bệnh nằm theo dõi thêm một, hai ngày rồi cho chuyển sang phòng khám Thiện Mỹ thu tiền mổ của bệnh nhân như những bệnh nhân trên.

Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ bằng cách gọi điện thoại, nhắn tin nội dung cần liên hệ làm việc với bà Lâm Hoài Phương để khách quan, chính xác nhưng bà Phương đều không nghe điện thoại, không trả lời tin nhắn. Gọi điện thoại cho phó giám đốc BV là ông Lê Trung Chánh, ông Chánh cũng không nghe máy. Chúng tôi nhắn tin xin hẹn làm việc với lãnh đạo BV thì ông Chánh nhắn tin trả lời: “Tôi đã nói với chị Phương rồi nhưng chị nói bận không tiếp và cũng không để tôi tiếp chị. Tôi báo cho chị biết”.

Theo một số bác sĩ của BV, một mình bà Phương không thể tự tung tự tác dùng cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực... của BV để mổ “lậu” trong chính BV do bà làm giám đốc và thu viện phí bệnh nhân với giá cắt cổ. Trợ giúp đắc lực cho bà Phương còn có một số bác sĩ, điều dưỡng khác của BV để lôi kéo bệnh nhân mổ dịch vụ trong BV. Hồ sơ “Bảng kê chi phí khám, chữa bệnh nội trú” bệnh án của hàng trăm bệnh nhân thể hiện tiền phẫu thuật hàm mặt được ghi một câu chung chung là “thời gian phẫu thuật trên 1 giờ đến 3 giờ” với đơn giá là 1-2 triệu đồng.

Theo Lê Thanh Hà
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại