Mô hình đào tạo sư phạm có vấn đề!

Các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo
Các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo
TPO - Sinh viên sư phạm có đầu vào rất cao nhưng khi ra trường, ngoài công việc giảng dạy thì các kỹ năng khác như tính năng động, sáng tạo… lại yếu hơn sinh viên các trường khác rất nhiều. 

Đó là đánh giá của các chuyên gia tại hội thảo “Đổi mới phương pháp giảng dạy trong các trường sư phạm theo hướng phát triển năng lực người học” do trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức ngày 24/6 tại TPHCM.

Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền, Trưởng Khoa Giáo dục Mầm non, trường Đại học Sư phạm TPHCM cho biết, trong môi trường sư phạm cốt lõi là giáo viên, sinh viên có phát triển hay không không phải ở chương trình học mà là ở giáo viên. “Chương trình giáo dục và đào tạo các cấp đang được tái cấu trúc, hoàn thiện để đạt được các chuẩn năng lực người học, nhưng chuẩn đầu ra sẽ không thể thực hiện nếu chỉ dừng ở đổi mới chương trình mà không có sự đổi mới đồng bộ của phương pháp giảng dạy”, TS Hiền nói.

Theo TS Hiền, dù thực tế dạy học rất đa dạng và sự khác biệt thể hiện rõ trong cùng một nền giáo dục, một mái trường, các lớp học nhưng chỉ có thể xếp vào một trong hai cách tiếp cận chính đó là lấy giáo viên làm trung tâm hoặc lấy người học làm trung tâm. Với cách tiếp cận lấy giáo viên làm trung tâm sẽ dẫn đến cách dạy truyền đạt kiến thức một chiều, cản trợ hình thành ở người học khả năng linh hoạt, giải quyết vấn đề, tự đánh giá, tư duy phản biện… 

“Vì thế, cần giúp các giảng viên sư phạm hiểu thấu đáo bản chất và biểu hiện của cách tiếp cận lấy người học làm trung tâm, đây mới thật sự là nền móng vững chắc cho việc ứng dụng hiệu quả phương pháp dạy học cụ thể để giúp sinh viên phát huy sự tích cực, chủ động và hình thành các năng lực cần thiết”, TS Hiền nói và cho rằng: “Không có người trò dở, chỉ có người thầy dở. Không có người thầy dở chỉ có trường sư phạm dở”.

Thạc sĩ Lê Tấn Thái Bình, giáo viên tỉnh Sóc Trăng cho rằng, giáo viên hiện nay còn có quá nhiều hạn chế. “Từ khi thay SGK (năm 2007 đến nay), giáo viên đứng lớp hầu như chỉ dùng 1 giáo án dẫn đến trì trệ, thiếu thực tiễn, hứng thú với học sinh. Bên cạnh đó, giáo viên đứng lớp chỉ chăm chăm những kiến thức liên quan đến bản thân mình mà không chú trọng đến những kiến thức ở các môn học khác”, thạc sĩ Bình nói.

PGS- TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, trường Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng: “Giáo viên không sáng tạo, không là người nghệ sĩ trên bục giảng thì học sinh không thể nào phát triển được”.

Theo ông Oanh, hiện có hai mô hình chọn giáo viên đó là mô hình sinh viên từ các trường sư phạm và sinh viên từ các trường khác, qua đào tạo nghiệp vụ sư phạm hoặc thạc sĩ giáo dục. Với mô hình chọn sinh viên các trường khác là thạc sĩ giáo dục thì giáo viên có độ chính về nghề, phong cách thông thái, năng động hơn trong khi sinh viên các trường sư phạm thì gò bó, nghiêm túc, năng lực xã hội, kỹ năng giao tiếp… vẫn còn nhiều vấn đề. 

“Trong 5 năm đầu hành nghề, giáo viên chủ yếu bắt chước những người thầy cô của mình ở giảng đường đại học và đến những năm về sau mới bắt đầu tạo được dấu ấn riêng của mình. Đều đó cho thấy, mô hình đào tạo giáo viên sư phạm có vấn đề, đổi mới giáo viên luôn đi sau đổi mới phổ thông”, ông Oanh nói.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.