“Nếu VEC đăng thông tin tuyển nhà đầu tư công khai, lúc đó chỉ có duy nhất một nhà đầu tư tham gia rồi VEC chỉ định thầu sẽ không có vấn đề gì. Nếu bưng bít thông tin, ai cũng có quyền nghi ngờ lợi ích nhóm, trục lợi. Riêng các trạm dừng nghỉ vị trí đắc địa, lưu lượng xe đông, đấu thầu sẽ chọn được nhà đầu tư tốt, mang lại lợi nhuận cho VEC” - ông Đức nói.
Trao đổi về việc VEC là doanh nghiệp được đặc quyền chỉ định là nhà đầu tư đầu tư các tuyến cao tốc, được nhà nước bảo lãnh vay vốn các tổ chức tín dụng quốc tế (với các điều kiện khắt khe về sử dụng nhà thầu, công nghệ của nước ngoài…), ông Đức cho rằng: Mô hình vận hành của VEC là rất khác thường, không theo quy luật kinh tế thị trường. “Nếu là doanh nghiệp tư nhân, thua lỗ họ phải chịu trách nhiệm. Còn mô hình như VEC, chỗ nào tốt, có tiềm năng họ sẽ làm, có thể tư lợi, còn những chỗ thua lỗ, không biết ai chịu” - ông Đức nói.
Ông Đức cũng cho rằng, VEC được xem là doanh nghiệp hàng đầu về cao tốc của ngành GTVT, tuy nhiên, nếu so sánh với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (do Tổng Cty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Widifi) thực hiện thì một trời một vực. “Không biết cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thời gian tới sẽ như thế nào, còn cao tốc Hà Nội - Hải Phòng qua mấy năm sử dụng đã chứng minh được chất lượng, thậm chí cả thẩm mỹ” - ông Đức nói.