Mở cửa

TP - Quyết định “mở cửa” của Bộ GD-ĐT cho phép Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, được đào tạo hệ chính quy ngành Y đa khoa và Dược học khiến dư luận dậy sóng.  

Việc trúng tuyển học ngành Y, dược, vốn là thách thức lớn, khi nhiều thí sinh dù đạt trung bình 8,5 điểm/môn vẫn phải ngậm ngùi sang trường khác học, đang trở lên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Cho phép một trường tư thục “ngoại đạo”, chưa kể vốn bị xếp vào top những trường khó tuyển sinh nhất cả nước năm học 2015-2016, được đào tạo chuyên ngành liên quan đến sinh mạng của các bệnh nhân là nỗi băn khoăn chung không chỉ của những người trong ngành mà cả lãnh đạo nhiều trường đại học không có liên quan đến ngành y trên cả nước.

Người dễ tính, ngại va chạm thì nhẹ nhàng: Chất lượng đầu vào thấp, đầu ra sao có thể cao? Người khó tính, thẳng thắn thì khẳng định: Sự dễ dãi hôm nay sẽ để hậu quả lâu dài mai sau. Thậm chí nặng nề hơn, như lời Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, ông Trần Ngọc Lương: “Nếu cứ mở rộng đào tạo bác sĩ như thế này, có thể tạo ra một thế hệ bác sĩ ra trường mà chẳng biết làm gì. Tương tự như nhiều điều dưỡng hệ trung cấp và cao đẳng đào tạo rất nhiều gần đây, nhiều vô số kể và trình độ cũng vô số kể. Phần lớn trong số đó phải học thêm rất nhiều mới có thể làm việc được”.

Những lời cảnh báo đầy tâm huyết của lãnh đạo các cơ sở y tế trên toàn quốc, dù khá nặng nề với đơn vị đang muốn mở trường, rất đáng lưu tâm. Cũng đã đến lúc đặt vấn đề về việc không thể biến đào tạo một ngành đòi hỏi kỹ thuật cao, chính xác như ngành y thành một ngành kinh doanh đơn thuần theo kiểu “đào tạo vét” sinh viên cho đủ quân số, đủ chỗ ngồi trong những tòa nhà rộng rãi nhưng thiếu học sinh.

Cũng có ý kiến, việc mở khoa, mở ngành đào tạo mới phải chăng là giải pháp tình thế, thậm chí là “cứu cánh” cho trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ trong bối cảnh số lượng sinh viên tuyển vào trường ngày càng ít? Mở thêm ngành cũng đồng nghĩa, trường có thể có thêm nguồn thu để bù đắp chi phí cho việc thuê cơ sở vật chất cũng như trả lương cho bộ máy giảng viên, hành chính và nhiều khoản tiền khác. 

Tuy nhiên, với ngành đào tạo liên quan đến mạng sống hàng ngày của các bệnh nhân, chỉ một quyết định sai lầm từ những người được đào tạo không bài bản, chỉ chú trọng vào bằng cấp, chất lượng không tốt, sẽ để lại hậu quả khó lường, thậm chí vĩnh viễn không sửa chữa được. Thực tế cho thấy, với bất cứ ngành đào tạo nào, việc chất lượng đào tạo luôn là tiêu chí số 1 và phải được đặt trên cả vấn đề lợi nhuận.

Lời giải thích: “Nếu không cho mở là cửa quyền, mang tiếng xin cho”… của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển trong buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 11 về quyết định cho phép ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được đào tạo ngành Y đa khoa, Dược trình độ đại học chính quy vì dường như cho thấy cơ quan quản lý trong lĩnh vực giáo dục cũng chịu sức ép, sợ bị mang tiếng gây khó dễ vì trường hoàn toàn đáp ứng điều kiện mở ngành Y Dược. Cách lý giải này cũng khiến người nghe liên tưởng tới sự “dễ dãi” nào đó trong việc chấn hưng chất lượng đào tạo đại học ở Việt Nam của Bộ GD-ĐT. Nên chăng đã đến lúc Bộ GD-ĐT phải biết nói không với những lời đề nghị mở trường, mở ngành “không phù hợp”.