Ngày 31/7, chị Huỳnh Bảo Ngọc đi xe máy lưu thông đến trước cổng chợ Lái Thiêu thuộc thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Lúc này, tài xế một xe ô tô đang đỗ bên lề đường bất ngờ mở cửa xe khiến chị Ngọc loạng choạng tay lái ngã ra đường, bị xe buýt cán qua người tử vong.
Trước đó, khoảng 7h40 ngày 10/5, anh Nguyễn Văn Hải (SN 1982, trú tại phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) điều khiển xe máy trên đường Yên Phụ hướng Trần Nhật Duật bị chiếc mũ lưỡi trai của người đàn ông lưu thông trên xe máy phía trước bay trúng mặt, khiến anh Hải ngã xuống đường, tử vong.
Có thể xử lý tội vô ý làm chết người
Theo luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), trong các vụ tai nạn trên, lỗi chủ yếu xuất phát từ sự bất cẩn của những người tham gia giao thông, dẫn đến hậu quả đau lòng.
“Dưới góc độ pháp lý, tôi thấy rằng, các vụ việc nêu trên có dấu hiệu cấu thành của tội vô ý làm chết người, theo Điều 98 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Với trường hợp làm chết một người, người thực hiện hành vi phạm tội có thể phải đối diện với mức hình phạt cao nhất là năm năm tù. Trường hợp làm chết từ hai người trở lên, người thực hiện hành vi phạm tội có thể phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất lên đến mười năm tù” – luật sư Tuấn Anh chia sẻ.
Cũng theo luật sư Trần Tuấn Anh, trong cả hai vụ tai nạn thương tâm trên, mặc dù người thực hiện hành vi đều là vô ý, tuy nhiên, họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình. Trong khoa học về pháp luật hình sự, lỗi vô ý được phân thành hai loại là vô ý do cẩu thả và vô ý do quá tự tin.
- Lỗi vô ý vì quá tự tin là lỗi của người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
- Lỗi vô ý do cẩu thả là lỗi của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội tuy không thấy trước hành vi của mình có thể gây hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng pháp luật buộc họ “phải thấy trước và có thể thấy trước” hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ xảy ra.
“Trong trường hợp này, cả người mở cửa xe ô tô và người đội chiếc mũ lưỡi trai để tuột ra khi tham gia giao thông đều có lỗi vô ý do cẩu thả. Họ đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội và pháp luật buộc họ phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ xảy ra. Do đó, họ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình” – luật sư Tuấn Anh nói.
Dừng đỗ xe, mở cửa như thế nào an toàn?
Trao đổi với PV, thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, căn cứ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, trước khi dừng đỗ xe phải có tín hiệu báo trước cho các phương tiện khác biết. Tức là khi lái xe muốn dừng ở chỗ nào đó thì phải bật tín hiệu xi nhan để đảm bảo an toàn và không được vi phạm giao thông.
Theo thượng tá Quỹ, khi đã dừng đỗ, lái xe phải nhìn qua gương chiếu hậu quan sát phía sau có phương tiện đi tới hoặc có gì trở ngại hay không thì mới mở cửa xe đảm bảo an toàn.
“Đối với xe chở khách khi đã dừng đỗ xe an toàn thì hành khách chỉ được phép mở cửa phía bên phải của người điều khiển mà không được mở cửa phía bên trái. Do hành khách không quan sát được gương chiếu hậu, khi đó cửa xe đã sát vỉa hè và đảm bảo an toàn cũng như thực hiện quy định của pháp luật về việc dừng đỗ phương tiện. Còn đối với người điều khiển phương tiện, khi đã dừng đỗ xe đảm bảo an toàn, phải quan sát qua gương chiếu hậu xem có phương tiện phía sau hoặc những phương tiện đang tiến đến gần, đến khi không có chướng ngại vật hoặc các phương tiện khác đang đi tới mới được mở cửa ra khỏi phương tiện” – thượng tá Quỹ cho biết.
Về việc xử lý hành vi vi phạm, thượng tá Quỹ cho biết, những trường hợp dừng đỗ xe sai quy định như ở nơi có biển cấm dừng cấm đỗ, hoặc nơi có biển cấm đỗ, hoặc trong phạm vi 5m đường giao nhau, hoặc trong phạm vi 5m trước cửa lối vào cơ quan xí nghiệp và có bố trí xe ra vào, hoặc nơi dùng đỗ xe buýt, nơi có vạch sơn dành cho người đi bộ,… khi lái xe vi phạm tương ứng với mức xử phạt dừng đỗ xe sai quy định từ 600-800 nghìn đồng.
Còn khi đã xảy ra tai nạn giao thông thì lái xe sẽ bị xử phạt với hành vi khác, nếu vi phạm đó có lỗi của người điều khiển phương tiện dẫn đến tai nạn nghiêm trọng thì cơ quan điều tra sẽ lập biên bản xác định lỗi để có căn cứ xử lý sau này.
Để tham gia giao thông một cách an toàn, ông Quỹ khuyến cáo người điều khiển phương tiện giao thông khi muốn dừng đỗ, đặc biệt là các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách như taxi, Uber, Grab… khi dừng đỗ phải đảm bảo an toàn và đúng nơi quy định. Khi hành khách xuống phải mở cửa bên tay phải của người lái để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông phía sau. Người lái xe phải nhìn qua gương chiếu hậu, khi tuyệt đối an toàn mới được mở cửa xe rời khỏi phương tiện để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc.