Mở cửa nền kinh tế có lộ trình

0:00 / 0:00
0:00
Hạn chế giao thương, đi lại - nguy cơ nền kinh tế bị đứt gãy (Ảnh chốt kiểm soát dịch COVID-19 gần cầu Phù Đổng, Hà Nội). Ảnh: Mạnh Thắng
Hạn chế giao thương, đi lại - nguy cơ nền kinh tế bị đứt gãy (Ảnh chốt kiểm soát dịch COVID-19 gần cầu Phù Đổng, Hà Nội). Ảnh: Mạnh Thắng
TP - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, các chính sách, biện pháp thích ứng với đại dịch COVID-19 phải dựa trên cơ sở khoa học, thận trọng, kỹ lưỡng, đánh giá tổng thể và có lộ trình thực hiện phù hợp. Cần có một chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch, có sự phân chia giai đoạn cụ thể.

Lao động: Vấn đề đại sự

Sáng 27/9, tại toạ đàm tham vấn chuyên gia do Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Kinh tế tổ chức, ông Jacques Morisset - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã bị mất “điểm sao” vì tình hình y tế xấu đi, tiêm chủng chậm và yêu cầu hạn chế di chuyển nghiêm ngặt.

Để trở lại trạng thái bình thường mới, theo chuyên gia WB, Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin kết hợp xét nghiệm, nhằm kiểm soát dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại kinh tế. Đồng thời, việc quản lý hạn chế di chuyển cần thông minh hơn, trong đó cần xem cách ly có mục tiêu là giải pháp hiệu quả nhất về chi phí.

Trong khi đó, T.S Cấn Văn Lực, chuyên gia Ngân hàng BIDV và một số đại biểu đều có cùng quan điểm, cần thêm gói hỗ trợ khác, do các gói hiện nay “chưa chạm đến lao động tự do”.

Theo ông Lực, các quốc gia phát triển thường chi 16% GDP để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Các nước mới nổi như Việt Nam bình quân hỗ trợ 7,7% GDP. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của ông Lực cho biết, thực chi của Việt Nam trong năm 2020 chỉ khoảng 2% GDP, còn năm 2021 chỉ dưới 1% GDP.

TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương kiến nghị, Chính phủ cần sớm xây dựng, thực hiện chương trình tổng thể phục hồi, phát triển kinh tế trong và sau dịch COVID-19.

Đề cập đến giải pháp, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, Chính phủ cần có khung hướng dẫn mô hình phòng chống dịch, nguồn cung lao động gắn với sự dịch chuyển và vấn đề dòng tiền, tài chính. Riêng về lao động, ông Thành nhấn mạnh, đây là vấn đề “đại sự” cho cả trước mắt và lâu dài.

“Ngay với đầu tàu kinh tế lớn là TP HCM, dịch chuyển lao động cũng phải mất khoảng 2 năm mới quay lại được nguồn lao động như khi trước dịch”, ông Thành nói và đề nghị, Chính phủ, Quốc hội đưa ra Nghị quyết thì cố gắng đưa ra giải pháp, thay vì phân cấp cho các bộ, ngành.

Cùng mối quan tâm, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường chính sách công và quản lý Fulbright đánh giá, tình trạng tạm dừng hoạt động, giải thể, lao động không tìm được việc làm rất nghiêm trọng. “Nếu chúng ta không mở cửa bán tự động nền kinh tế, cho phép giao thương và đi lại, nguy cơ nền kinh tế bị đứt gãy, sụp đổ là rất lớn”, ông Vũ Thành Tự Anh cảnh báo.

Phục hồi kinh tế bằng chuyển đổi mô hình chống dịch

Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, việc áp dụng mô hình “Zero COVID-19” vừa qua là quá dài. Mặc dù Chính phủ đã bắt đầu chuyển đổi mô hình chống dịch, nhưng ở các địa phương vẫn còn thực hiện rất khác nhau.

“Bây giờ một loạt chính sách tạo ra những khoản lợi nhuận khổng lồ. Ví dụ, TPHCM khóa cứng hết, không cho chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ đầu mối hoạt động, chỉ cho mỗi siêu thị. Như vậy, siêu thị lãi lớn như thế nào?”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng nói và cho rằng, chuyển đổi mô hình chống dịch, mở cửa lại chợ truyền thống, chợ đầu mối để hàng triệu người dân có thể tiếp cận được là điều rất quan trọng.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng cũng kiến nghị Quốc hội nên tham gia tích cực hơn trong quá trình quản trị quốc gia. Quốc hội họp mỗi năm hai lần, nhưng có những chính sách cần điều chỉnh gấp. Đặc biệt, các Ủy ban của Quốc hội cần tích cực tiến hành các phiên giải trình: Chuyển đổi cách thức phòng, chống dịch bệnh thì chuyển đổi như thế nào? Tiêm vắc-xin ra sao?

“Qua giải trình, các chính sách mới mạch lạc, minh bạch được. Đây là điều rất quan trọng để chúng ta vượt qua hoàn cảnh khó khăn này”, ông Dũng cho hay.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa cho biết, năm 2020 và đặc biệt 8 tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ còn 1,3%, còn khách nội địa giảm 80% so với cùng kỳ 2019. Trong tháng 3/2020, thực tế trên bầu trời của Việt Nam chỉ có 3 chuyến bay. Đến tháng 7 và tháng 8/2021, thậm chí không có chuyến bay nào. Đại diện Vietnam Airlines thông tin, với dịch COVID-19 đang diễn ra đã có 44 hãng hàng không khu vực và thế giới phá sản hoặc trong diện bảo hộ phá sản.

“Việc phục hồi phát triển kinh tế - xã hội hiện nay là rất quan trọng, đi cùng nó là việc tiêm vắc-xin, thay đổi chính sách “Zero COVID” sang an toàn, linh hoạt… là chính sách rất lớn”, ông Hoà cho hay.

“Hạ tầng số hiện đại cộng với niềm tin số là thời cơ để các nước bứt phá. Do đó, phải đẩy mạnh số hóa, xanh hóa nền kinh tế, hiện đại hóa nền y tế, cải thiện năng lực quản trị quốc gia, quản trị doanh nghiệp…".

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Tin tưởng những khó khăn hiện nay chỉ là trước mắt, tạm thời, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, chúng ta vẫn có những nền tảng tốt để có thể sớm trở lại trạng thái bình thường mới. Về giải pháp vắc-xin, Chủ tịch Quốc hội nhất trí với các chuyên gia về việc phải tập trung đẩy nhanh chiến lược tiêm chủng, đây là điều kiện tiên quyết để kiểm soát đại dịch, giảm thiểu thiệt hại kinh tế- xã hội.

Về mô hình phòng, chống dịch, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Tổ chức Y tế thế giới và nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới đều nhận định chưa thể khắc phục được ngay dịch bệnh. Ngày càng có nhiều nước chuyển sang mô hình thích ứng, sống chung an toàn với dịch COVID-19, chuyển từ các biện pháp đóng cửa biên giới, giãn cách, phong tỏa, truy vết sang các biện pháp đẩy nhanh tiêm chủng vắc-xin, giảm tỷ lệ tử vong. Trong đó, điều kiện tiên quyết là phải đạt tỷ lệ tiêm chủng từ 60 - 70%, hạ tầng y tế phát triển và sẵn sàng cao, ý thức của người dân và cộng đồng ứng phó với đại dịch.

MỚI - NÓNG