Mở cánh cửa sắt ra, lỗi lầm chung tay xóa

TP - Hàng trăm người mặc quần áo sọc phạm nhân lặng lẽ lắng nghe những câu chuyện, những sẻ chia, lâu lâu lại đưa tay quệt vội giọt nước mắt. Có cả những nụ cười cảm ơn, xúc động.
Tọa đàm “Vì tương lai tươi đẹp và tuyên dương thanh niên hoàn lương” diễn ra ngày 10/10 tại Bình Định. Ảnh: H. Văn

Ngày 10/10, Hội LHTN tỉnh Bình Định phối hợp Trại giam Kim Sơn (xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, Bình Định) tổ chức Tọa đàm “Vì tương lai tươi đẹp và tuyên dương thanh niên hoàn lương”.

Ước mơ phía sau song sắt

Bùi Hoài Thanh T. (35 tuổi, quê Đức Phổ, Quảng Ngãi) phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, đang trong thời gian thụ án. Những ngày đầu trong trại, ám ảnh về những tội lỗi mình gây ra khiến T. cảm thấy bế tắc, nhiều lúc muốn buông xuôi tất cả. Thậm chí, có lần T. nhảy từ trên lầu xuống khiến hai chân bị thương nặng.

Nhưng chính trong lúc cùng quẫn nhất, sự quan tâm từ giám thị trại giam, cán bộ trực tiếp thăm hỏi, động viên khiến anh bất ngờ và thức tỉnh. “Anh không thương bản thân thì cũng phải thương gia đình. Ba mẹ, vợ con còn đang chờ anh ngoài kia, chẳng nhẽ anh không còn muốn gặp lại họ để bù đắp cho những người mình yêu thương”. Câu nói của giám thị trại giam cứ vang mãi trong những đêm anh trằn trọc.

Ban giám thị chấp nhận đề nghị của T. xin được gặp gia đình. Anh chứng kiến dòng nước mắt lăn trên gò má nhăn nheo của ba mẹ, ánh nhìn rưng rưng yêu thương cùng động viên của người vợ. Con gái ngây thơ hờn trách: “Con mang bánh cho ba đây, ba đừng giận con nha! Ba không giận con, sao hai năm nay sinh nhật con, ba không về?”. Anh trào nước mắt, hơn lúc nào hết, anh khao khát được làm việc, cải tạo tốt để sớm có ngày đoàn tụ gia đình.

Năm 2013, trại giam thông báo có cuộc thi vẽ tranh cổ động. Niềm đam mê bấy lâu trỗi dậy sau lời động viên, ủng hộ của Ban giám thị, anh gửi tâm tư qua từng nét cọ. “Sau này mãn hạn, tôi sẽ mở một xưởng vẽ nho nhỏ, rồi làm thêm trang trí rạp đám cưới… để trang trải, lo cho gia đình, nuôi dạy con cái đàng hoàng, trả nợ ân tình những người thầy đã uốn nắn mình trong lúc mình lầm lỡ”, anh T. chia sẻ.

Trần Thanh Tr. (27 tuổi, quê An Khê, Gia Lai) đang chịu án 18 năm tù với tội danh giết người, cướp tài sản. Tr. nói rằng, do ít học, ham chơi, thiếu hiểu biết nên phạm tội trong một phút bồng bột. Ba mất sớm, mẹ làm nông, Tr. là anh cả trong gia đình có ba anh em. Ngày Tr. nhận án, mẹ và các em khóc ròng. Rồi mỗi lần vào thăm, mẹ đều an ủi, động viên Tr. cố gắng cải tạo tốt. Đến nay, Tr. chịu án được 10 năm 8 tháng. “Nếu không có những chương trình giao lưu, gặp gỡ thế này thì em không thể biết những phạm nhân như bọn em lại được quan tâm đến như vậy. Mẹ và hai em vẫn đang chờ, em bỏ lỡ quá nhiều thời gian thanh xuân của mình rồi”, Tr. nói. Những ngày trong tù, Tr. có thói quen đọc sách. “Em đọc đủ cả, nhưng đọc nhiều hơn là những cuốn sách viết về hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, các mô hình kinh tế”, Tr. tâm sự.

Mềm hóa trại giam

Đại tá Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám thị Trại giam Kim Sơn, chia sẻ, vấn đề giáo dục phạm nhân rất cần sự chung tay của các cấp, ngành giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, đặc biệt là phạm nhân trẻ. Hằng năm, đơn vị phối hợp Bệnh viện Hoài Ân khám và chăm sóc sức khỏe cho phạm nhân, phối hợp công an tuyên truyền, giáo dục về luật pháp, phối hợp trung tâm dạy nghề tư vấn kỹ năng tìm kiếm việc làm và dạy nghề cơ khí hàn cho 30 phạm nhân. “Sự chung tay của các cấp, ngành và chia sẻ của xã hội là hết sức cần thiết và có  tác động lớn đến quá trình cải tạo, tái hòa nhập trở lại cộng đồng, tránh tái phạm”, đại tá Kỳ nói.

Theo Thiếu tướng Đỗ Tá Hảo, Cục trưởng Cục Giáo dục cải tạo và hoà nhập cộng đồng, Tổng cục VIII (Bộ Công an), số phạm nhân trong trại chiếm tỷ lệ lớn (70-75%). Giáo dục phạm nhân là công việc rất đặc thù, không nằm trong hệ thống giáo dục quốc gia, không có một giáo trình nào cụ thể mà phải cảm hóa bằng lương tâm và trách nhiệm.

Bằng sự kiên trì, dựa trên cơ sở pháp luật và tình người, nhân văn, nhân đạo để họ nhận ra lầm lỗi, nỗ lực làm lại cuộc đời. Các hoạt động phối hợp giáo dục phạm nhân hướng tới 4 mục tiêu: cung cấp thông tin làm thay đổi nhận thức; tư vấn giáo dục pháp luật, kỹ năng sống; giáo dục, dạy nghề tạo việc làm, chỗ dựa khi mãn hạn trở về hòa nhập; giao lưu thanh niên với các phạm nhân.

Trại giam không chỉ là tường rào, dây thép gai mà phải được mềm hóa, mở cánh cửa sắt để các tổ chức, nguồn lực xã hội phối hợp đạt nhiều kết quả, đặc biệt giải tỏa tâm lý tự ti của phạm nhân. Cả xã hội chung tay để phạm nhân sau khi mãn hạn tù không tái phạm, được tiếp cận vốn dạy nghề, có việc làm ổn định…

Anh Lương Đình Tiên, Phó Bí thư tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Bình Định, khẳng định: “Giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên có phần trách nhiệm chung tay của Đoàn và của cả cộng đồng xã hội. Chúng tôi quan tâm nhiều tới việc động viên, giải tỏa về tâm lý tự ti, kết nối, dạy nghề và tiếp cận vốn để khi chấp hành án phạt xong, họ có một công việc ổn định”. 

Dịp này, Hội LHTN Việt Nam tỉnh Bình Định tặng 20 suất quà cho phạm nhân đang cải tạo tại Trại giam Kim Sơn; tuyên dương và tặng áo Đoàn Thanh niên cho 38 gương thanh niên hoàn lương tiêu biểu, tái hòa nhập tốt với cộng đồng.