Mờ ám những thương vụ đấu thầu thiết bị y tế: Có bịt được lỗ hổng?

0:00 / 0:00
0:00
Bản chất của giá trang thiết bị y tế bị đẩy lên cao trong các gói thầu là hình thức chiếm đoạt tài sản nhà nước tinh vi
Bản chất của giá trang thiết bị y tế bị đẩy lên cao trong các gói thầu là hình thức chiếm đoạt tài sản nhà nước tinh vi
TP - Trang thiết bị y tế là mặt hàng đặc thù nhưng lại được coi như hàng hóa thông thường khi tổ chức đấu thầu thực hiện mua sắm công. Điều này là cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia đấu thầu cùng với pháp nhân thẩm định cấu kết với chủ đầu tư tung hoành về giá.

Cứ kiểm tra là ra sai phạm

Kiểm tra 207 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, đấu thầu thuốc giai đoạn 2014-2019 do Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư với trị giá hơn 111 tỷ đồng, Thanh tra tỉnh này lại phát hiện nhiều sai phạm.

Theo đó, trong gần 6.200 chủng loại trang thiết bị y tế được nhập về, có 100 chủng loại với trị giá hơn 16,7 tỷ đồng nhưng sau khi nhận bàn giao từ Sở Y tế, các đơn vị đem cất kho và 3 năm nay “trùm mền”. Cụ thể, 100 trang thiết bị này được bàn giao cho 5 Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố và Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh này.

Kết luận cho thấy, các đơn vị trên sau khi được nhận bàn giao trang thiết bị y tế, nhưng đến thời điểm thanh tra vẫn chưa sử dụng, một số đơn vị không báo cáo lại với Sở Y tế. Lý do thiết bị đắp chiếu được các đơn vị giải trình là do thiếu đội ngũ y, bác sĩ vận hành. Đáng nói vào năm 2017, Sở Y tế đã phát hiện tình trạng này nhưng “chưa quyết liệt điều chuyển các thiết bị sang đơn vị khác có nhu cầu”.

Mờ ám những thương vụ đấu thầu thiết bị y tế: Có bịt được lỗ hổng? ảnh 1

Bệnh viện Bà Rịa ( tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu)- nơi được cung cấp gói thầu thuốc với nhiều sai phạm ảnh: Mạnh Thắng

Kết luận thanh tra đã xác định có dấu hiệu vi phạm trong đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế. Theo đó, mỗi gói thầu có số lượng thiết bị lớn, chủ yếu nhập từ nước ngoài. Các sản phẩm đều có chứng nhận xuất xứ, chất lượng. Tuy nhiên hồ sơ dự thầu không thể hiện giá nhập khẩu của từng thiết bị. Thanh tra tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đề nghị Hải quan các cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất và cửa khẩu Hải quan Cảng Sài Gòn cung cấp các chứng từ giá nhập khẩu 70 thiết bị thuộc các gói thầu do Sở Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư, song đến tháng 5/2020, chỉ có 2 đơn vị cung cấp 11/70 chứng từ. Qua đối chiếu, 10/11 thiết bị có tỷ lệ chênh lệch khá cao giữa giá trúng thầu và nhập khẩu.

Ngoài ra, Thanh tra tỉnh này còn phát hiện giá đề xuất thiết bị y tế của một số cơ sở y tế chưa sát với dự toán. Cụ thể, đối chiếu giá dự toán từng thiết bị y tế đã được Sở Y tế thẩm định là khá cao so với giá đề xuất của các đơn vị, như bệnh viện Lê Lợi có 7 thiết bị, Trung tâm Y tế dự phòng có 1 thiết bị. Tại gói thầu số 17- máy gây mê giúp thở mua năm 2014, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phê duyệt giá kế hoạch gói thầu là hơn 43 tỷ đồng nhưng sau đó Sở Y tế phê duyệt thiết kế cấu hình, thông số kỹ thuật dự toán cao hơn 3,1 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Thế Trung, Phó chánh văn phòng Sở Y tế Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, sau khi có kết luận thanh tra, Sở Y tế đã tiến hành xử lý làm rõ, yêu cầu các đơn vị báo cáo và kiểm điểm. “Kết quả thanh tra chủ yếu làm rõ việc không sử dụng các trang thiết bị để lãng phí. Đến nay, sở đã điều chuyển một số thiết bị cho các đơn vị có nhu cầu sử dụng, mà nhiều năm rồi thì thiết bị cũng lỗi thời”- ông Trung nói.

Siết mua bán lòng vòng

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Phan Thanh Hải, chuyên gia về lĩnh vực trang thiết bị y tế tại TPHCM cho rằng, các quy định về đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế được thực hiện theo các quy định của Luật đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Trong quá trình triển khai công tác đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế còn một số khó khăn, bất cập vì mặt hàng trang thiết bị y tế là “mặt hàng đặc thù” nhưng đang quy định đầu thầu như hàng hóa thông thường. Ngày 10/7/2020, Bộ y tế bổ sung quy định và điều chỉnh những bất cập này tại Thông tư 14/2020/TT-BYT.

Ông Hải cho rằng, Thông tư 14 có thể “bịt” được lỗ hổng về giá khi quy định phân nhóm đối với trang thiết bị y tế và việc dự thầu vào các nhóm của gói thầu để các cơ sở y tế có thể thêm cơ sở lựa chọn phù hợp với yêu cầu chuyên môn, nhu cầu sử dụng và khả năng tài chính của đơn vị…

“Trên cơ sở đó, các đơn vị có thể tham khảo về giá trúng thầu được công bố để lập dự toán giá gói thầu và đồng bộ với việc tham khảo giá trên Cổng thông tin công khai giá trang thiết bị y tế để có thêm kênh tra cứu, tham khảo khi lập kế hoạch mua sắm, lựa chọn được trang thiết bị y tế có chất lượng, đáp ứng yêu cầu chuyên môn và có giá thành phù hợp”- ông Hải nói.

Trao đổi với Tiền Phong chiều 30/3, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế cho biết: đến nay, Cổng thông tin công khai giá trang thiết bị y tế đã giúp cho các doanh nghiệp cập nhật, công khai hơn 44.400 trang thiết bị y tế. Trong đó, có hơn 4.700 sản phẩm trong nhóm thiết bị y tế, hơn 30.300 sản phẩm thuộc nhóm vật tư sản phẩm; số còn lại gần 9.400 sản phẩm thuộc nhóm sinh phẩm chẩn đoán IVD các loại phổ biến trên thị trường.

“Hệ thống Cổng thông tin quản lý việc công khai giá trang thiết bị y tế cho phép người dân, cơ sở y tế tra cứu về giá và các thông tin về cấu hình, tính năng kỹ thuật, dịch vụ sau bán hàng tương ứng với thông tin dữ liệu được cập nhật theo thời gian thực”.

Thầu đâu trúng đó

Công ty cổ phần Công nghệ Y tế BMS liên quan đến vụ thổi giá thiết bị Robot phẫu thuật ở BV Bạch Mai từ 7,6 tỷ lên gần 40 tỷ còn trúng hàng loạt gói thầu mà đơn vị này tham gia. Theo đó, Công ty cổ phần Công nghệ Y tế BMS trúng gói thầu mua sắm bổ sung vật tư tiêu hao y tế của Bệnh viện đa khoa Đông Anh với giá trúng thầu hơn 3,2 tỷ đồng, trúng thầu gói bổ sung vật tư cho phẫu thuật của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 với giá trúng thầu là 1,8 tỷ đồng. Tại Thái Bình, công ty này trúng thầu gói vật tư y tế số 6 - loại vật tư y tế liên quan đến chấn thương chỉnh hình năm 2019 - 2020 với giá là 33 tỷ đồng. Tại Nghệ An, liên doanh của Công ty cổ phần Công nghệ Y tế BMS trúng hàng loạt gói thầu với tổng giá trị hơn 45 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn trúng gói thầu cung cấp và lắp đặt thiết bị phẫu thuật nội soi của Bệnh viện Ung bướu TPHCM với giá hơn 31 tỷ đồng.

Ông Tuấn cũng cho biết, Thông tư số 14/2020/TT-BYT quy định một số nội dung về đấu thầu trang thiết bị y tế để hướng dẫn các cơ sở y tế công lập thực hiện đầu thầu, mua sắm. “Quy định này đã khắc phục được vướng mắc trước đây do phải thực hiện đấu thầu như hàng hóa thông thường; chủ động phân loại, lựa chọn nhóm mặt hàng phù hợp với yêu cầu chuyên môn và kinh phí; lựa chọn đúng đơn vị cung cấp chính hãng, tránh việc mua bán lòng vòng, nâng khống giá bán”.

MỚI - NÓNG