Mờ ám đấu thầu thiết bị y tế : Những cú 'bắt tay' đẩy giá

0:00 / 0:00
0:00
Gói thầu do Bệnh viện Nhân dân 115 được giao tổ chức đấu thầu bị cơ quan thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm. Ảnh L.N
Gói thầu do Bệnh viện Nhân dân 115 được giao tổ chức đấu thầu bị cơ quan thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm. Ảnh L.N
TP - Khi doanh nghiệp tham gia đấu thầu bắt tay với đơn vị thẩm định đẩy giá thiết bị y tế gấp nhiều lần giá trị thì giá trúng thầu sẽ rất cao. Theo đó, thiệt hại của nhà nước rất lớn và cơ quan đứng ra tổ chức đấu thầu với tư cách là người được nhà nước ủy quyền chi tiêu ngân sách cũng không thể vô can.

Lãi “khủng”

Ngày 25/12/2019, Công ty TNHH TM&DV kỹ thuật Tài Lộc có địa chỉ tại Hà Nội trúng thầu với giá gần 42 tỷ đồng của gói 70 máy thở cho 5 bệnh viện ở TPHCM gồm: Nguyễn Tri Phương, Trưng Vương, Nhân dân 115, Nhi đồng 1 và Nhi đồng. Bệnh viện Nhân dân 115 là đơn vị được Sở Y tế giao tổ chức đấu thầu trong gói mua sắm công này.

Thanh tra TPHCM cho biết, trong gói thầu 70 máy thở do Bệnh viện Nhân dân 115 tổ chức đấu thầu, ngoài giá máy bị đẩy lên cao nhiều lần khi trúng thầu, tổ thẩm định đã bỏ qua yêu cầu về xác minh nguồn gốc, chất lượng của hàng hóa; bỏ qua việc quản lý chất lượng hàng hóa đặc biệt là mặt hàng thiết bị y tế có tác động trực tiếp đến sức khỏe người bệnh và người sử dụng, là vi phạm quy định tại Ðiều 3, Nghị định 36/2016/NÐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế. Việc làm này giúp Công ty TNHH TM&DV kỹ thuật Tài Lộc mua nhiều thiết bị về lắp ráp thành máy thở tham gia trúng thầu để lời “khủng”.

5 ngày sau khi kết thúc phiên đấu thầu, đại diện Bệnh viện Nguyễn Tri Phương là giám đốc Võ Đức Chiến được ký nhận 6 máy thở, trong đó máy chính ký hiệu Puritan Bennett 840 do hãng Covidien sản xuất tại Ireland nhưng không có thông tin năm sản xuất. Các thiết bị khác kèm theo máy thở thì đều là hàng sản xuất trong nước gồm: xe đẩy hệ thống máy do Công ty TNHH TMDV Kỹ thuật Việt Thái sản xuất; dây và mặt nạ thở sử dụng nhiều lần, loại dùng cho người lớn và loại dùng cho trẻ em; Phổi giả người lớn và Phổi giả trẻ em; Cannula dùng cho trẻ sơ sinh… Những thiết bị y tế này thực tế không đáp ứng đúng về yêu cầu kỹ thuật của hàng hóa như chính đơn vị tổ chức thực hiện đấu thầu đã đặt ra khi mời thầu.

Tài liệu của phóng viên cho thấy, xuất xứ của hàng hóa là máy thở do Công ty TNHH TM&DV kỹ thuật Tài Lộc cung cấp không phải máy nhập khẩu nguyên chiếc. Nguồn gốc máy do công ty này lắp ráp từ 4 nguồn mua của các nhà nhập khẩu, đơn vị sản xuất và bán lẻ trong nước.

Theo đó, máy chính và một số phụ kiện do hãng Covidien sản xuất tại Ireland do Công ty Việt Thái nhập khẩu, khung đặt máy có bánh xe do Công ty Việt Thái sản xuất tại Việt Nam; các loại phổi giả, mặt nạ, dây thở do hãng Galemed sản xuất tại Đài Loan. Bộ tạo ẩm điều nhiệt do Công ty ty TNHH TM&DV kỹ thuật Tài Lộc mua lẻ trong nước, sau đó thực hiện công đoạn cuối cùng là lắp ráp thành phẩm tại Việt Nam rồi tham gia đấu thầu vào gói thiết bị y tế do Bệnh viện Nhân dân 115 tổ chức.

Thông tin hồ sơ tham gia thầu cho thấy, 70 máy thở này do Công ty TNHH TM&DV kỹ thuật Việt Thái nhập khẩu từ đơn vị xuất khẩu là COVIDIEN PRIVATE LIMITED ở Singapore.

Tuy nhiên, ngày 28/12/2019 đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất kiểm tra thì thấy tờ khai không ghi giá theo hóa đơn, không ghi giá tính thuế và số thuế phải nộp.

Đáng nói, hóa đơn gốc của máy thở không có chi tiết Model và seri từng máy, không ghi đơn giá và tổng số tiền. Vậy nhưng, lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân 115 vẫn cho phép nhà thầu cung cấp hóa đơn nhập khẩu xóa giá là không đúng quy định.

Theo điều tra của Tiền Phong, vào giữa năm 2020, giá của một máy thở PB 840 tại Singapore mà Bệnh viện Nhân dân 115 trúng thầu chỉ 165 triệu đồng/chiếc. Thế nhưng, cả hai đơn vị nhập khẩu và tham gia đấu thầu đã xoá giá trên hoá đơn nhập khẩu để bán vào bệnh viện với giá hơn 580 triệu đồng/chiếc.

Trong khi đó, nhiều bệnh viện tham gia đấu thầu, mua máy thở cùng thiết bị trúng thầu với giá chưa tới 300 triệu đồng/chiếc.

Mờ ám đấu thầu thiết bị y tế : Những cú 'bắt tay' đẩy giá ảnh 1
Máy thở có giá ở Singapore chỉ 160 triệu đồng nhưng khi trúng thầu vào bệnh viện được thổi lên 580 triệu đồng. Ảnh L.N
Mờ ám đấu thầu thiết bị y tế : Những cú 'bắt tay' đẩy giá ảnh 2
Máy thở có giá ở Singapore chỉ 160 triệu đồng nhưng khi trúng thầu vào bệnh viện được thổi lên 580 triệu đồng. Ảnh L.N

Ai tiếp tay?

Câu chuyện Robot hỗ trợ Rosa trong phẫu thuật sọ não xuất xứ từ Pháp được Bệnh viện Bạch Mai ký hợp đồng liên doanh liên kết với Công ty cổ phần công nghệ y tế BMS có giá 7,6 tỷ đồng được thổi lên gần 40 tỷ đồng đều có sự giúp sức của nhiều cá nhân tổ chức, trong đó có đơn vị thẩm định giá là Công ty thẩm định giá VFS.

Theo quy định, khi tham gia thầu vào bệnh viện, các thiết bị y tế sẽ được thẩm định giá thông qua một công ty độc lập, đơn vị này giúp cho chủ đầu tư nắm rõ tổng giá, giá trị của thiết bị để so sánh, đối chiếu tính năng với các thiết bị trên thị trường…

Tuy nhiên, giá tờ khai của thiết bị Robot Rosa 7,6 tỷ đồng đã được đơn vị thẩm định giá đẩy lên gần 40 tỷ đồng là điều không thể chấp nhận.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, trong gói thầu cung cấp thiết bị hồi sức cấp cứu, phòng mổ, xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh ở Bệnh viện đa khoa Ðắk Glong của tỉnh Ðắk Nông, Công ty thẩm định giá BTC và Công ty thẩm định giá PIV thẩm định giá bằng cách lấy các báo giá của các đơn vị kinh doanh thiết bị y tế để làm cơ sở so sánh và xác định “giá thị trường” khiến cho thẩm định giá không sát thực tế; giá thẩm định cao hơn giá nhập khẩu, thậm chí giá thiết bị không đúng giá thị trường, cao hơn nhiều lần giá giao dịch thực tế trên thị trường . Ðiều này làm ảnh hưởng đến kết quả trúng thầu, giá trúng thầu cao hơn giá trị thực tế. Ðơn cử, Công ty CP thẩm định giá PIV thực hiện thẩm định giá 28 thiết bị y tế chênh nhau hơn 9,5 tỷ đồng. Còn Công ty thẩm định giá miền Nam thẩm định 18 thiết bị y tế chênh lệch hơn 3,3 tỷ đồng; Công ty CP thẩm định giá BTC định giá 45 thiết bị chênh lệch hơn 6,3 tỷ đồng. Chỉ với vài gói thầu, hậu quả của việc thẩm định giá đã khiến nhà nước thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Tại nhiều dự án thầu khác, phóng viên phát hiện các thiết bị trúng thầu giá cao đều có “bàn tay” của các công ty thẩm định giá. Trong thương vụ đấu thầu 70 máy thở do Bệnh viện Nhân dân 115 tổ chức thực hiện cho thấy, Công ty TNHH Thẩm định giá Chuẩn Việt ở TPHCM được thuê để thẩm định giá.

Ngày 4/11/2019, Công ty TNHH Thẩm định giá Chuẩn Việt bàn giao cho đơn vị tổ chức đấu thầu kết quả thẩm định gồm 11 bộ chứng thư thẩm định giá của lô hàng 70 máy giúp thở Puritan Bennett 840 với giá trị là 41.860.000.000 đồng, tương đương 598 triệu đồng/máy. Kèm theo đó còn là Chứng thư thẩm định giá số 4091/19/CER.VVALUES ngày 22/10/2019 do thẩm định viên Nguyễn Thị Hồng Thu và ông Trần Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Cty TNHH Thẩm định giá Chuẩn Việt ký.

Tuy nhiên, sau khi Công ty TNHH TM&DV kỹ thuật Tài Lộc trúng thầu mới phơi lộ nhiều sai phạm. Thanh tra TPHCM cho biết ngoài giá máy bị đẩy lên cao nhiều lần khi trúng thầu, tổ thẩm định đã bỏ qua yêu cầu về xác minh nguồn gốc, chất lượng của hàng hóa; bỏ qua việc quản lý chất lượng hàng hóa đặc biệt là mặt hàng thiết bị y tế có tác động trực tiếp đến sức khỏe người bệnh và người sử dụng, là vi phạm quy định tại Điều 3, Nghị định 36/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế.

Mới đây, cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố nhiều nguyên lãnh đạo Sở Y tế cùng đơn vị trúng thầu và thẩm định ở gói thầu mua hệ thống chụp cắt lớp vi tính 128 lát cắt cho Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ và hệ thống DSA hai bình diện tại Bệnh viện Tim mạch TP.Cần Thơ. Qua điều tra xác minh ban đầu cho thấy sai phạm trong những thương vụ đấu thầu mờ ám nói trên đều có sự can thiệp của công ty thẩm định giá.

Trong gói thầu ở hai bệnh viện này, các thẩm định viên của Công ty cổ phần thẩm định giá BTC Value ở Hà Nội đã thẩm định giá không chính xác. Theo đó, hệ thống chụp cắt lớp vi tính 128 lát cắt cho Bệnh viện Nhi đồng TP.Cần Thơ có giá phê duyệt hơn 26 tỷ đồng, còn DSA hai bình diện tại Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ có giá trúng thầu gần 26 tỷ đồng, cao hơn với giá kế hoạch và cao gấp nhiều lần so với giá nhập khẩu thiết bị.

Cả 2 gói mua sắm công nói trên, Công ty TNHH NSJ đều là doanh nghiệp trúng thầu và Bùi Thị Lệ Phi, khi đó là Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ là người ký phê duyệt kết quả.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG