Hà Nội:

Mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5

Mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5
TP - Sáng ngày 28/5, tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) và Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá thành phố Hà Nội đã tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ ngày 25/5 - 31/5/2019.  

Phát biểu tại Lễ mít tinh, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá thành phố Hà Nội cho biết: Sử dụng thuốc lá gây ra hơn 25 căn bệnh như: Ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản… 

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 90% người mắc ung thư phổi và 75% người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là do sử dụng thuốc lá gây ra. Với gần 6 triệu ca tử vong hằng năm trên thế giới do các căn bệnh liên quan đến thuốc lá, trong đó gần 5 triệu ca là ở các nước có thu nhập trung bình và thấp. Nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời thì trong thế kỷ XXI, tổng số ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá sẽ lên tới 1 tỷ người.

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch phòng, chống tác hại của thuốc lá giai đoạn 2019 - 2020 và triển khai thực hiện đến các sở, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và UBND các quận, huyện, thị xã nhằm tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tác hại của việc hút thuốc, xây dựng môi trường không khói thuốc, đẩy mạnh các hoạt động nhằm ngăn ngừa hút thuốc trong thanh, thiếu niên, bảo vệ các thế hệ tương lai của đất nước khỏi các tổn thất về sức khỏe do việc sử dụng thuốc lá gây ra.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá vẫn gặp nhiều khó khăn, bởi thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, tỷ lệ người dân sử dụng thuốc lá hiện vẫn còn cao. Việc mọi người có thể dễ dàng mua thuốc lá ở nơi công cộng đang gây ra những khó khăn trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ duy trì và nhân rộng mô hình “Môi trường không khói thuốc” tại các nhà hàng, khách sạn, trường học, bệnh viện và xây dựng mô hình “Điểm du lịch không khói thuốc” tại các điểm du lịch trên địa bàn thành phố; các đơn vị trong ngành y tế tiếp tục thực hiện quy định cấm hút thuốc trong bệnh viện, cơ sở y tế.

Các đợt thanh, kiểm tra và xử phạt vi phạm về buôn bán, kinh doanh, sử dụng thuốc lá trên địa bàn thành phố sẽ được đẩy mạnh, song song với việc tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu thuốc lá, buôn bán thuốc lá giả, thuốc lá nhái nhãn mác và kinh doanh trái phép các sản phẩm thuốc lá.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá mong muốn Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá thành phố Hà Nội đẩy mạnh những hoạt động thiết thực để nhiều nơi, trong đó có phố đi bộ, hồ Hoàn Kiếm, những địa chỉ người dân Việt Nam mong muốn đến thăm, sẽ là nơi không khói thuốc.
Sau buổi lễ, các đại biểu và đông đảo sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội đã đạp xe diễu hành nhằm lan tỏa ý nghĩa của chương trình và tuyên truyền về tác hại của thuốc lá. 

Năm 2018, quận Hoàn Kiếm thành phố Hà Nội thực hiện 10 tiêu chí an toàn thực phẩm và 8 tiêu chí môi trường không khói thuốc lá đối với các khách sạn, nhà hàng. Cũng trong năm 2018, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm đã công nhận và gắn biển “Nhà hàng, khách sạn an toàn thực phẩm và không khói thuốc lá” cho 109 nhà hàng, khách sạn trên địa bàn.

MỚI - NÓNG