Mịt mờ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hồi tháng 11/2017 Ảnh: Getty Images
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hồi tháng 11/2017 Ảnh: Getty Images
TP - Xoay quanh cuộc chiến thương mại Mỹ Trung, nhiều cuộc đối đầu nảy lửa cũng như tiếp xúc linh hoạt đã diễn ra trong năm 2018. Bước sang năm 2019, chưa có dấu hiệu cho thấy hai nền kinh tế lớn nhất hành tinh sẽ đi đến thỏa thuận “ngừng chiến”.

Đòn đánh nảy lửa

 Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra ngày 22/3/2018 sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp dụng tăng thuế nhập khẩu đối với 50 tỷ USD hàng Trung Quốc, nhằm ngăn chặn phía Trung Quốc thực hiện các hành vi thương mại không công bằng và đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ. Ngày 6/7/2018, ông Trump chính thức áp đặt thuế quan đối với hàng hóa trị giá 34 tỷ USD của Trung Quốc. Đáp lại, Trung Quốc áp các mức thuế tương tự đối với nhiều sản phẩm Mỹ.

Sau các hành động thăm dò đầu tiên, một loạt đòn đáp trả lẫn nhau được cả Bắc Kinh và Washington đưa ra.Chính quyền Trump cho rằng, việc tăng thuế là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia và sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Mỹ và giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc. Mới đây, Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro tuyên bố, Trung Quốc phải giải quyết rốt ráo vấn đề “đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ”. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, người vừa được Tổng thống Trump chỉ định dẫn đầu đoàn đàm phán phía Mỹ, cũng khẳng định, nếu đàm phán thương mại Mỹ-Trung không có tiến triển trước ngày 1/3/2019, Washington sẽ tăng thuế các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong khi đó, thông qua việc lần đầu công bố Sách Trắng “Sự thật tranh chấp thương mại Trung - Mỹ và lập trường của Trung Quốc”, Bắc Kinh cho rằng, từ khi ông Trump lên nắm quyền, với chính sách “Nước Mỹ trên hết”, chính quyền Mỹ đã vứt bỏ những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế như tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng, đồng thời áp dụng chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, đưa ra những chỉ trích không đúng nhằm vào Trung Quốc, áp dụng các biện pháp thuế quan gây tổn hại lợi ích của Trung Quốc.

Đỉnh điểm là cuộc khẩu chiến nhằm vào nhau giữa lãnh đạo hai nước hồi giữa tháng 11/2018 khi tham dự các sự kiện tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 26 tại Papua New Guinea. Trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của Mỹ, cho rằng điều này gây ra những yếu tố bất định cho kinh tế thế giới, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tập trung chỉ trích chính sách thương mại chỉ mang lại lợi ích cho bản thân Trung Quốc.

Cuộc khẩu chiến được đẩy lên cao trào khi ngày 18/12/2018, đại diện của Mỹ và Trung Quốc đấu khẩu kịch liệt tại cuộc họp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ở Geneva, Thụy Sĩ. Đại sứ thương mại Mỹ tại WTO Dennis Shea lên án “các hành xử cạnh tranh không công bằng” của Bắc Kinh làm tổn hại các công ty và lao động nước ngoài, vi phạm các quy định của WTO. Ngay lập tức, Đại sứ Trung Quốc tại WTO Trương Hướng Thần chỉ trích các mức thuế mà Washington áp lên mặt hàng thép và nhôm là biểu hiện của chủ nghĩa bảo hộ dưới vỏ bọc lo ngại an ninh quốc gia.

Thương lượng bế tắc

 Bên cạnh những đòn đáp trả mạnh mẽ nhằm vào nhau, Trung - Mỹ không quên thúc đẩy các cuộc thương lượng để tìm giải pháp cho vấn đề. Động thái nổi bật nhất trong vấn đề này là tại buổi tiệc tối bên lề Hội nghị G-20 ở Argentina hôm 1/12/2018, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình nhất trí về một thỏa thuận “đình chiến” 90 ngày, tạm thời không tăng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc vào ngày 1/1/2019 như kế hoạch ban đầu.

Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người trực tiếp phụ trách đàm phán với Mỹ, sau đó điện đàm với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, trao đổi quan điểm để thực thi thỏa thuận mà hai nhà lãnh đạo cấp cao đạt được tại Argentina, cũng như thúc đẩy lộ trình và khung thời gian cho giai đoạn tiếp theo của công tác tham vấn kinh tế và thương mại. 

Trước đó, để tìm hướng giải quyết xung đột thương mại, Trung Quốc và Mỹ đã cử nhiều đoàn đàm phán cấp cao thăm viếng lẫn nhau. Tháng 8/2018, Thứ trưởng Tài chính Mỹ David Malpass và Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn đã gặp mặt, nhưng sau hai ngày đàm phán, hai bên không đạt được đột phá nào.

Tháng 11/2018, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gặp mặt 7 thành viên đoàn nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ thăm Bắc Kinh để thương thảo giải quyết các bất đồng về thương mại.Nội dung chú thích, diễn giải...

Mịt mờ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh 1 Photo: ..

“Người ta nói không ai chiến thắng chiến tranh thương mại. Điều này đúng trong ngắn hạn. Nhưng về dài hạn, Mỹ sẽ ở thế thượng phong… Trung Quốc sẽ nhập thêm hàng Mỹ, sẽ nới lỏng quy định về chuyển giao công nghệ bắt buộc, sẽ giảm đánh cắp sở hữu trí tuệ”. 
Nhà kinh tế học người Mỹ 
Gary Shilling

Cuộc chiến kéo dài
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, GS kinh tế Zheng Xinye, Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng, chiến tranh thương mại Trung - Mỹ đúng ra chỉ là chiến tranh thuế quan. Nhưng xét rộng ra, đó là sự cạnh tranh giữa hai nền văn minh và giữa hai hệ thống giá trị.
Lo sợ mô hình phát triển của Trung Quốc chiếm thế thượng phong, Mỹ tìm mọi cách để bảo vệ giá trị chủ nghĩa tự do mà họ theo đuổi, ông Zheng nói.Trong khi đó, Bắc Kinh tìm mọi cách để phản đối, xóa bỏ chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương theo quan điểm của Mỹ. Trước những khác biệt về hệ thống giá trị và cuộc chiến thương mại đang leo thang, cục diện “Chiến tranh Lạnh kiểu mới” có thể sẽ hình thành với một bên là những giá trị do Mỹ đóng vai trò chủ đạo, còn bên kia là những giá trị do Trung Quốc chi phối. Cuộc chiến này được dự báo tiếp tục căng thẳng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong thời gian tới. 

Ông Sudhir Shetty, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Đông Á và Thái Bình Dương, cho rằng, về ngắn hạn, khi hàng hóa Trung Quốc gặp khó khi xuất khẩu sang Mỹ sẽ là cơ hội để hàng hóa Việt Nam “chen chân”. Ngoài ra, một số nhà đầu tư có thể dịch chuyển dòng vốn từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đối mặt rủi ro vì Mỹ có thể tăng thuế lên hàng Việt Nam xuất khẩu bị nghi có nguồn gốc Trung Quốc, GS Carlyle Thayer, Đại học New South Wales (Úc), trao đổi với PV Tiền Phong.

Các học giả Trung Quốc cho rằng, Washington định tận dụng vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính kiêm Phó chủ tịch tập đoàn Huawei, để làm con bài mặc cả trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh nếu cần thiết, bởi Huawei là “con cưng” trong kế hoạch đầy tham vọng “Made in China 2025” của Trung Quốc.

Mịt mờ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh 2 Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung được dự đoán kéo dàiẢnh: Adobe Stock
MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.