Tôi thường nhìn con người qua lăng kính thời trang
Thời trang là cuộc chơi riêng của những người có ngoại hình, có tiền bạc? Một số người nói với tôi rằng họ bị stress mỗi khi giở các tạp chí thời trang. Càng cao cấp, càng nhiều thông tin hình ảnh bắt mắt - càng stress nặng.
Thời trang không phải là cuộc chơi, nó là đời sống tinh thần và cũng là phần ngoại diện của chúng ta. Tôi nghĩ có thể có sự hiểu lầm hoặc bị những "thứ gọi là thời trang" chi phối làm rối loạn thôi.
Người ta thường hào hứng đi xem và đọc tạp chí thời trang vì nơi ấy không ít người có những ý tưởng mới, điều mới lạ. Còn ở ta, xem thời trang vì có người mẫu này, ca sĩ kia, diễn viên nọ... Cũng được thôi nhưng quan trọng nhất vẫn là phải biết thưởng thức cái mới. Nếu không, thời trang trở nên nặng nề và căng thẳng là đúng rồi!
Nếu nghĩ rằng phải có ngoại hình, nhiều tiền mới có thời trang thì sẽ bị khủng hoảng niềm tin. Nhiều người giàu lắm, cũng xinh đẹp lắm mà vẫn là nạn nhân của thời trang. Tôi muốn mọi người nhìn và hiểu thời trang như vốn có: Thời trang làm cuộc sống văn minh, tiến bộ hơn.
Nhớ lại lần họp báo sự kiện thời trang Minh Hạnh, ngài Đại sứ Italy nêu quan điểm: "Chúng ta thường nghe nói 'đừng quan tâm vẻ ngoài của tôi mà hãy để ý tâm hồn, tính cách của tôi'. Nhưng với người Ý chúng tôi, hình thức chính là nội dung." Còn chị, chị quan tâm điều gì về con người?
Quan điểm của người Ý là chuẩn vì trang phục chính là phần ngoại diện của nhân cách. Sâu xa hơn đó chính là sức mạnh tiềm tàng của mỗi con người.
Có một cuốn sách rất nổi tiếng của Mỹ đồng quan điểm này - "You are what you wear". Họ không quan tâm nhiều đến thời trang mà luôn tạo ra phong cách, bộc lộ bên trong ra bên ngoài để nhận diện được tư cách. Như vậy, trang phục chính là phương tiện hữu hiệu để xác định mình là ai! Điều đó rất thú vị vì bạn tạo ra hấp lực từ tính cách. Một con người có chiều sâu chắc chắn là người rất có phong cách.
Vậy phong cách là gì? Ngắn gọn thế này nhé: Khi bạn hiểu được mình một cách sâu sắc, trung thành với chính mình, chung thủy với chính mình thì mới có thể có phong cách bền vững.
Quan niệm của người Ý không hề mâu thuẫn với quan niệm của người Việt, chỉ có điều chúng ta hay nói về nội tâm, cái bên trong. Tôi nghĩ nếu bên trong trống rỗng thì không có khả năng thể hiện ra bên ngoài. Trong lĩnh vực thời trang, càng rõ rệt hơn nữa. Tôi cũng thường nhìn con người qua lăng kính thời trang
Nói đến Minh Hạnh là nói đến áo dài, thổ cẩm. Chị đã khiến thổ cẩm Việt Nam nổi tiếng thế giới - gần đây nhất là tại "Lễ hội quốc tế về dệt may đặc biệt" tổ chức ở Pháp. Còn áo dài thì như sắp thành di sản văn hóa phi vật thể đến nơi. Với người cho rằng “Minh Hạnh chẳng có gì ngoài áo dài và thổ cẩm”, chị nói gì?
Nếu được khẳng định Minh Hạnh chỉ có áo dài và thổ cẩm là tôi thấy hạnh phúc lắm rồi. Tôi nghĩ như thế là quá đủ cho một NTK thời trang Việt Nam.
Giám khảo của thi Hoa hậu: “Tôi thấy cần thiết để làm người khó tính!”
Càng ngày người ta càng dễ dãi trong vấn đề tôn vinh sắc đẹp? Những cuộc thi hoa hậu quanh năm, khắp nơi, cho thấy cả thế giới này nhảm nhí đâu chỉ Việt Nam ta?
Ở các nước phát triển cũng có bộ phận rất nhảm nhí. Cái khác giữa chúng ta và họ là số đông công chúng ở nước họ phân biệt được ranh giới chạm đến nhảm nhí, còn ta thường mụ mị vì sự nhảm nhí mang hình "chân lý". Đáng lo là số đông lại không hiểu được bản chất của những hoạt động này. Và đáng buồn hơn, những người đủ hiểu biết thì vẻ như bàng quan.
Những năm gần đây, các nước phát triển dường như không muốn đăng cai thi sắc đẹp nữa. Số còn hào hứng thường ở Châu Á và Châu Phi. Những cuộc thi toàn cầu lúng túng chọn quốc gia đăng cai. Nhàm chán và đôi khi kết quả chỉ là cuộc chơi xa xỉ không mang lại hiệu quả thiết thực cho đất nước thì mạnh dạn từ chối cũng phải thôi.
Trưởng Ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam 2010 gọi Minh Hạnh - Trưởng Ban giám khảo là người “đạn bắn không thủng”. Điều đó cũng khiến chị trở nên khó chịu trong mắt nhiều người?
Cuộc thi sắc đẹp của những đứa trẻ đang ở tuổi hồn nhiên thường nhiều ước mơ lẫn tham vọng. Việc của giám khảo - những người có uy tín xã hội, là phải truyền đạt cho các em bài học trước tiên về sự công bằng.
Cuộc thi cũng không phải là cuộc chơi của những tiểu thư nhà giàu cần tiếng tăm, càng không thể biến thành hội chợ phù hoa của những cô gái chân dài tham vọng, lười suy nghĩ, lười làm việc, đến với hội chợ phù hoa này để tìm kiếm những mục tiêu mù mờ trong cuộc đời.
Tôi đã nhiều năm làm giám khảo mà mỗi lần chấm vẫn không khỏi bất ngờ với những chuyển biến khôn lường của thí sinh, và kể cả giám khảo. Nó bộc lộ bản chất của con người một cách tận cùng. Điều này làm tôi hiểu thêm về những thế lực không tên, và tôi cảm thấy rất cần thiết để làm người khó tính!
Có cô gái chưa đầy 18 tuổi, trên tay 2 điện thoại khoảng 35 ngàn đô la, túi xách mỗi cái khoảng 7-10 ngàn, giày 1-5 ngàn. Tôi không đồng ý cho vào sâu. Đó là quan điểm của tôi và cũng là kinh nghiệm khi một cô bé chưa tốt nghiệp phổ thông mà đã biết xài đến như thế thì cũng dễ dàng hiểu cô ấy làm gì. Nếu gia đình quá giàu có mà mua sắm cho con cái như thế cũng cần xem lại quan điểm giáo dục của gia đình ấy.
Bây giờ có những hoa hậu không làm gì, sau thời gian ngắn đăng quang mặc thật đẹp, thật sexy đi sự kiện, bỗng một ngày là chủ nhân chiếc xe hơi chục tỷ hoặc căn hộ triệu đô. Không phải tôi mà tất cả đều hiểu rằng cô gái ấy làm gì (?!). Mà làm gì cũng không sao, miễn đừng làm cho giá trị thật biến mất đi, để những người có tấm lòng với nghề nghiệp còn hy vọng để sống.
Gần đây tôi xem "Gatsby vĩ đại" phiên bản mới, có Leonardo DiCaprio đóng rất tuyệt vai Gatsby một người trẻ tuổi, giàu có, không phải là không tử tế, làm tất cả để có được người phụ nữ anh ta yêu nhưng rồi mất tất - kể cả tính mạng vì người đó. Xem phim này và một số phim khác, tôi nghĩ: Giá trị của phụ nữ ở mức nào là vừa? Có những người không hay, không tốt mà chỉ có sắc đẹp, hoặc thậm chí còn không đẹp lắm, nhưng lại có tất cả.
Tôi không có tiêu chuẩn nào để định vị giá trị của phụ nữ vì mỗi phụ nữ đều có giá trị như nhau, không phân biệt đẹp xấu giàu nghèo. Điều đáng để chúng ta suy ngẫm là họ có biết sử dụng giá trị đó cho đúng hay không?
Vẻ đẹp của phụ nữ là một lợi thế, nhưng đôi khi cũng là sự yếm thế. Bởi vẻ đẹp theo năm tháng sẽ qua đi, nếu chỉ sống và tận dụng mọi cơ hội bằng vẻ đẹp hình thức thì đến ngày sẽ chìm đắm trong bế tắc. Một vẻ đẹp khác chế ngự được cái đẹp dễ úa tàn chính là phong cách. Phong cách chính là vẻ đẹp mang tính bền vững.
Tôi không cho rằng mọi phụ nữ đều giá trị như nhau. Con người sinh ra đã không bình đẳng. Có người khôn người khó. Có người hạnh phúc bẩm sinh trong khi người khác "họa vô đơn chí". Có thiên thần và ác quỷ…
Cần phải hiểu chữ giá trị mang tính nhân văn. Có câu "Nhân chi sơ tính bổn thiện". Nếu là định mệnh thì cũng rất khó khăn nhưng tôi đã thấy rất nhiều người vượt qua số phận bởi tính cách của mình và họ trở nên cao quý. Đó là vẻ đẹp cao quý.
Đa số phụ nữ Việt Nam hình như có khuynh hướng không hài lòng về đàn ông Việt Nam, nhất là giới phụ nữ trí thức? Những nhà văn như Lê Minh Khuê, Nguyễn Thị Thu Huệ cho rằng nếu phụ nữ có hỏng, cũng tại đàn ông. Chị có điều gì biện minh cho phụ nữ hoặc đàn ông Việt Nam?
Tôi không bình luận gì về khuynh hướng này, tôi chỉ biết rằng trong nhà tôi có hai người đàn ông, đôi khi tôi bị đồng hóa luôn vì tôi rất giống đàn ông. Tôi độc lập đến mức đàn ông khó chịu, tôi cương quyết đến độ đàn ông mệt mỏi, tôi mạnh mẽ đến nỗi đàn ông cũng chịu thua. Nhưng cuối cùng dù có thế nào thì tôi vẫn phải là một phụ nữ như những phụ nữ khác trong gia đình của mình.
Tiên phong chính là số phận
Từ khi nào chị quyết tâm trở thành NTK tiên phong?
Khi chọn làm NTK, tôi chỉ có quyết tâm trở thành một NTK chuyên nghiệp. Còn tiên phong chính là số phận.
Nguyễn Bảo Sinh có câu thơ: "Không tưới cho hoa ni-lông/Không tâm sự với người không hợp mình". Người như Minh Hạnh chắc ai cũng nghĩ rất quảng giao?
Tôi thích câu này lắm đấy. Tôi là một người khó chịu.
Chị là một Hiệp sĩ Văn hóa Nghệ thuật được Pháp phong tước và được nhiều người đánh giá như một đại sứ văn hóa Việt Nam. Chị thấy mình còn chưa làm được điều gì?
Tôi mong rằng những vẻ đẹp đích thực của Việt Nam luôn là hình tượng cho sự văn minh. Vẻ đẹp này phải được thế giới ngưỡng mộ và kính trọng. Việc này chỉ riêng cá nhân tôi thì chưa thể làm được.
Hình tượng, biểu tượng văn minh - cụ thể thế nào thưa chị? Có phải chị muốn nói, mong người Việt sẽ được đánh giá như những công dân của đất nước có bề dày văn hóa, bông-gu, "cung thương làu bậc ngũ âm" (Kiều), giàu có nhiều phương diện?
Sự văn minh bộc lộ rất rõ ở hành vi, ngôn ngữ và hình thức của con người. Thời trang cũng là một loại ngôn ngữ diễn đạt được cái bên trong. Vậy sao ta không tận dụng phương tiện này để thể hiện chính mình.
Sự ngưỡng mộ chỉ có được khi ta có một vẻ đẹp riêng biệt, duy nhất, không lai căng, không pha tạp. Sự kính trọng có được khi ta chạm đến tâm hồn người khác bằng sự thanh cao của tâm hồn mình.
Chị có cho rằng thiếu văn hóa tức là thiếu tất cả?
Đó là chân lý. Đó là sự vĩnh cửu.
Một số mẫu thiết kế của NTK Minh Hạnh
Theo Dương Phương Vinh