Giải thưởng Fukuoka 2015 vinh danh NTK Minh Hạnh:

“Minh Hạnh làm thế giới biết đến vẻ đẹp Việt Nam”

Ngài Phó thị trưởng thành phố Fukuoka trao thông báo giải thưởng cho NTK Minh Hạnh.
Ngài Phó thị trưởng thành phố Fukuoka trao thông báo giải thưởng cho NTK Minh Hạnh.
TP - “Minh Hạnh đã làm thế giới biết đến vẻ đẹp của văn hóa và thời trang Việt Nam một cách rộng rãi. Chị rất xứng đáng nhận giải này”-Phó thị trưởng thành phố Fukuoka (Nhật Bản) đã phát biểu như vậy tại lễ công bố Giải thưởng Fukuoka 2015 hạng mục Nghệ thuật và Văn hóa, sáng 7/7 ở khách sạn Daewoo Hà Nội.

Giải thưởng danh giá

Giải thưởng Fukuoka được lập ra đã 26 năm; tính cả năm nay, đã vinh danh 102 người trên thế giới. Mỗi năm, hội đồng giải thưởng gồm 20 người uy tín ở mọi lĩnh vực chọn một người Nhật và ba người nước ngoài để trao ở ba hạng mục: Giải thưởng Lớn (Grand Prize); Giải thưởng Hàn lâm (Academic Prize); Giải thưởng Nghệ thuật và Văn hóa (Art and Culture Prize).

Năm nay, có 251 người thuộc 31 quốc gia được đề cử, cuối cùng ba người được chọn: Nhà sử học Thant Myint-U (người Myanmar, sinh 1966) vinh danh ở mục Giải thưởng Lớn; nhà sử học - xã hội học Ramachandra Guhu (người Ấn Độ, sinh 1958) nhận Giải Hàn lâm; nhà thiết kế Đặng Thị Minh Hạnh (sinh 1961) nhận Giải Nghệ thuật và Văn hóa. Minh Hạnh chính là nhà thiết kế thời trang đầu tiên được vinh danh ở giải Fukuoka.

Phó thị trưởng thành phố Fukuoka Sadakaria Atsuhito phát biểu trong buổi sáng 7/7 ở khách sạn Daewoo: “Những gương mặt đoạt giải Fukuoka trước nay đều là những người thực sự xuất sắc - đã thừa kế, phát triển và giới thiệu cho thế giới sự đa dạng và độc đáo của văn hóa châu Á”.

“Minh Hạnh, nhà thiết kế thời trang tiêu biểu của Việt Nam đã và đang sáng tạo những kiểu mẫu hiện đại, dung hòa - kết hợp phong phú tà áo dài với thổ cẩm, những kiểu mẫu thêu tay của người dân tộc thiểu số dựa trên quan sát sâu sắc nét đặc sắc riêng biệt của văn hóa Việt Nam. Chị nỗ lực tổ chức những sự kiện thời trang lớn trên thế giới như Âu Mỹ và châu Á, làm cho thế giới biết đến vẻ đẹp của thời trang và văn hóa Việt Nam một cách rộng rãi. Hơn thế nữa, chị góp phần tích cực phát triển văn hóa, thời trang thông qua việc  đào tạo các nhà thiết kế trẻ; khai thác mở rộng thị trường thời trang Việt Nam...”.

Phó Thị trưởng thành phố Fukuoka nêu lý do Minh Hạnh đoạt giải Nghệ thuật và Văn hóa, thuộc giải thưởng Fukuoka 2015

Trước Minh Hạnh, người Việt Nam duy nhất được giải Fukuoka là giáo sư sử học Phan Huy Lê - Giải Hàn lâm, năm 1996. Vài gương mặt Trung Quốc nổi tiếng từng nhận giải Fukuoka: Đạo diễn Trương Nghệ Mưu, nhà văn Mạc Ngôn. Cuộc sáng 7/7 mới chỉ là lễ công bố giải thưởng. Tháng 9 tới, ba người đoạt giải sẽ đến Fukuoka dự các sự kiện trao giải. Riêng Minh Hạnh được tổ chức một loạt hoạt động chủ đề: “Sự sáng tạo của châu Á thông qua thời trang”, “Sự hấp dẫn của Việt Nam thông qua đường kim mũi chỉ của Minh Hạnh”. Ngoài các cuộc tiếp xúc giao lưu với chuyên gia và giới văn hóa nghệ thuật, Minh Hạnh sẽ giới thiệu các hoạt động thời trang của mình tới người dân thành phố Fukuoka.

“Tôi hy vọng Minh Hạnh chinh phục được người dân thành phố”- ngài công sứ Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, đại diện Bộ VHTTDL nói trong buổi công bố trao giải: “Minh Hạnh không chỉ hoạt động thời trang mà còn đóng góp trong nhiều lĩnh vực khác của ngành chúng tôi. Chúng tôi rất tôn trọng và hoan nghênh chị không ngừng quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. Nhiều sự kiện ở nước ngoài, chị tự bỏ kinh phí để làm những việc rất lớn cho văn hóa và thời trang Việt Nam. Chị rất xứng đáng nhận giải này”.

GS Phan Huy Lê: “Tôi từng đề cử nhiều người nhưng không được”

Ở tuổi 81, GS sử học Phan Huy Lê xuất hiện trong buổi lễ trang trọng 7/7 với vẻ tươi tắn nhẹ nhàng thường thấy. Ông nồng nhiệt chúc mừng Minh Hạnh và phát biểu: “Sự kiện này khiến tôi rất mừng nhưng cũng rất tiếc vì phải chờ đợi lâu quá! 19 năm mới có người Việt Nam thứ hai được giải, rất xứng đáng, và lại là phụ nữ”.

“Tôi từng giới thiệu những người rất xứng đáng, phù hợp tiêu chí giải thưởng Fukuoka nhưng không được. Gần đây nhất tôi tiến cử GS Trần Văn Khê thì lại bị muộn, GS đã qua đời khi chưa kịp làm hồ sơ”.

Nhà sử học Phan Huy Lê, giải thưởng Fukuoka 1996   

GS Phan Huy Lê cho biết: “Hàng năm, tôi đều theo dõi giải thưởng Fukuoka, vì đây là một giải thưởng danh giá được tổ chức rất nghiêm túc. Lúc đầu giải thưởng mang ý nghĩa khu vực, chủ yếu trao cho người châu Á nhưng bây giờ đã lan ra toàn thế giới. Với tiêu chí của giải thưởng, tôi thấy có rất nhiều người Việt Nam xứng đáng. 

Nguyên tắc hàng năm giải trao cho bốn người nhưng có năm chỉ trao ba. Ở Việt Nam, tôi từng giới thiệu nhiều người (ông kể vài cái tên, toàn là đại danh giới sử học- DPV), nhưng không được. Theo tôi biết nhiều người cũng giới thiệu những người khác. Gần đây nhất tôi tiến cử GS Trần Văn Khê, một người vừa là nhà nghiên cứu,  nhạc sĩ lại vừa biểu diễn, có công lớn quảng bá văn hóa và âm nhạc truyền thống Việt Nam ra thế giới. GS Khê hoàn toàn phù hợp và rất xứng đáng với giải này, tiếc rằng  tôi giới thiệu muộn, GS làm hồ sơ quá chậm và đã ra đi”.

“Minh Hạnh làm thế giới biết đến vẻ đẹp Việt Nam” ảnh 1

GS sử học Phan Huy Lê.

Theo GS Phan Huy Lê, sở dĩ lâu nay Việt Nam không có người được nhận giải này bởi vì chúng ta nhiều người giỏi nhưng chỉ có thành tựu trong nước thì chưa đủ mà phải có hoạt động giao lưu, quảng bá được văn hóa Việt Nam ra thế giới.

“Mở đầu một câu chuyện khác

Nhà thiết kế Minh Hạnh có thể nói có duyên với nước Nhật. Trong câu chuyện trước nay, vẫn thấy chị đề cao văn hóa và thời trang Nhật. Năm 1997, chị từng đoạt giải Đặc biệt tại cuộc thi Asia Collection tổ chức ở Makuhari, Nhật Bản.

Trong sự kiện, Minh Hạnh nói chị cảm thấy tự hào bởi “Giải thưởng này không chỉ dành cho riêng tôi mà chính là văn hóa Việt Nam đã có dấu ấn ở châu Á”. Và: “Giải thưởng này là sự mở đầu một câu chuyện khác liên quan đến văn hóa và thời trang”, là cơ hội để chị bước tiếp trên con đường sự nghiệp, sự nghiệp đó chắc chắn sẽ liên quan nhiều đến nước Nhật. “Nhiều năm qua tôi đặc biệt thiết tha với một số đất nước như Pháp, Ý và bây giờ với nguyên cớ mới này, tôi nghĩ những năm tháng còn lại, tôi sẽ cùng những nhà thiết kế trẻ nỗ lực sáng tạo để Việt Nam có được thành tựu văn hóa và thời trang đi ra thế giới”.

Những ngày cuối tháng 6 đầu tháng 7, Minh Hạnh có chuyến đi tiền trạm theo lời mời của phía Nhật, để tìm hiểu thêm về tầm cỡ giải thưởng mà mình sẽ nhận, đồng thời khảo sát địa điểm diễn ra cuộc trình diễn thời trang Việt Nam tháng 9 tới, trong khuôn khổ các hoạt động trao giải Fukuoka. Cuối cùng, chị chọn được một địa điểm “không thể tốt hơn”, đó là một ngôi đền cổ 800 năm tuổi, thật bất ngờ,  thờ những cái kim chuyên dùng để may kimono! Theo Minh Hạnh, đây là cơ duyên lớn của chị.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.