Minh bạch để phát triển

TP - “Người Việt thiếu sòng phẳng, không bằng chứng là cãi phăng”, “Chỗ nào có cảnh sát giao thông thì nghiêm túc chấp hành còn không lừa lừa là vọt tới bến”... những so sánh “bông đùa” nhưng khá đúng trên cả hai phương diện nghĩa đen và nghĩa bóng nếu áp vào người tham gia giao thông tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương trên cả nước hiện nay.

Kết quả một “nghiên cứu thực địa” bằng cách triển khai xử phạt hàng trăm trường hợp vi phạm tại 10 nút giao trọng điểm trong vòng một tháng của lực lượng CSGT Đà Nẵng cho thấy, những quy định về an toàn giao thông, an toàn cho sinh mạng của cá nhân và những người khác trong một bộ phận không nhỏ người dân vẫn bị phớt lờ.

Những hình ảnh về các nam thanh, nữ tú ăn mặc đẹp ngất trời hay những bóng người vội vã vượt đèn đỏ tại các nút giao trung tâm thành phố hoặc thốc ga, đánh võng, chạy quá tốc độ ở những khu vực xa trung tâm... luôn để lại những ấn tượng xấu xí khó phai trong ký ức của khách du lịch trong và ngoài nước. Với du khách trong nước, vốn có phần dễ tính và quá quen thuộc, đây là những hình ảnh cho thấy hành vi coi thường pháp luật. Với du khách nước ngoài, nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc, đây là những hành vi tội ác nếu như những người vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ gây tai nạn cho chính họ hay cho người khác.

Việc cảnh sát giao thông Đà Nẵng xử phạt trên cơ sở “bắt lỗi” tự động của camera cho thấy một bước tiến mới trong việc “hiện đại hóa” hình thức xử phạt các lỗi vi phạm. Cán bộ, chiến sĩ CSGT không còn phải nhọc công giải thích, tranh cãi về những lỗi vi phạm vốn chủ yếu xuất phát từ “lỗi không có ý thức, lỗi tư duy” của người tham gia giao thông. Người dân cũng khỏi phải lo bị “vòi vĩnh”, hay “mất tiền oan” khi bị cảnh sát giao thông tuýt còi dừng xe vì vi phạm.

Cũng từng có không ít cuộc tranh luận gay gắt trên các diễn đàn xung quanh việc có nên “nương tay” khi người dân vô tình hay vì lý do gấp gáp nào đó mà vi phạm giao thông hay cảnh sát giao thông phải làm đúng chức trách trong việc thể hiện sự công bằng, không bao che đối với tất cả các trường hợp vi phạm. Nhưng ở góc độ nào lẽ phải vẫn luôn chiến thắng.

Luật pháp bất vị thân được coi như một trong những nguyên lý cơ bản để xây dựng nhà nước pháp quyền. Khi mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm, người dân mới có lòng tin vào sự công bằng. Chừng nào những phản ánh của người dân về những vi phạm giao thông được xử lý dứt điểm, công khai, không có chuyện nể nang, bao che người vi phạm vì họ đi xe biển xanh, biển đỏ mà không xử phạt. Khi đó người dân mới duy trì lòng tin, tiếp tục cung cấp thêm những thông tin giá trị cho lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ.  Những phản ánh càng nhiều sẽ càng góp phần đẩy nhanh sự văn minh, ý thức của người tham gia giao thông được nâng cao.

Một xã hội sẽ được ghi nhận có nhiều tiến bộ trong thay đổi nhận thức tuân thủ pháp luật của người dân khi đáp ứng được những tiêu chí: ý thức tuân thủ pháp luật của người dân được nâng lên, tỷ lệ ứng dụng công nghệ trong điều hành, giám sát, xử lý vi phạm giao thông tăng lên, các ứng dụng công nghệ thuận tiện và thân thiện với người dùng gia tăng. Trong khi những thành phố thông minh chưa được xây dựng hoàn thiện, việc lập trang facebook để tiếp nhận phản ánh của người dân, như cách làm của Đà Nẵng, về những trường hợp vi phạm cũng là giải pháp đáng khuyến khích.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.