Minh bạch công - tư

TP - Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được Quốc hội thảo luận trong sáng 11/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vừa để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, vừa ngăn ngừa những nguy cơ “biến tướng”, trục lợi dựa trên những hợp đồng BOT, BT thiếu minh bạch.

Trực tiếp cho ý kiến trong phiên thảo luận tại tổ sáng qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Các nhà đầu tư họ tin luật. Phải có luật thì họ mới làm vì luật mới bảo vệ cho nhà đầu tư”.

Thực tế cho thấy, hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã xuất hiện ở nước ta hàng chục năm qua. Trong đó nở rộ và phát triển mạnh nhất là giai đoạn 2011- 2016, với hàng trăm nghìn tỷ đồng được đầu tư vào các dự án BOT, BT, trong đó riêng Bộ GTVT đã huy động được khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Nhờ BOT, BT mà rất nhiều công trình có ý nghĩa quan trọng đã ra đời, có những đóng góp lớn vào sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước.

Tuy nhiên, do thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, nhất là hài hòa lợi ích giữa nhà nước – doanh nghiệp và người dân nên sau thời kỳ “nở rộ”, từ năm 2016 đến nay các dự án BOT, BT đã bắt đầu xuất hiện những trục trặc. Ở một số dự án do nghi ngờ chủ đầu tư “ăn gian” lưu lượng phương tiện, người dân còn tự quay phim, ghi nhận số lượng xe qua các trạm để đối chiếu với số liệu của các đơn vị quản lý tuyến đường. Có những dự án do chưa bảo đảm sự công bằng dẫn đến mâu thuẫn, đối đầu gay gắt giữa chủ đầu tư và chủ phương tiện như ở BOT Cai Lậy, Bắc Thăng Long – Nội Bài, BOT T2 Quốc lộ 91.

Bên cạnh đó nhiều vụ việc làm trái, làm sai trong việc thực hiện các dự án BT cũng bị phanh phui, xử lý như ở Khánh Hòa, Thủ Thiêm - TPHCM… Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến gần đây, nhiều nhà đầu tư bắt đầu e ngại, không dám bỏ tiền ra để đầu tư theo hình thức BOT, BT. 

Trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp mà nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng lại rất lớn thì việc huy động đầu tư theo hình thức PPP là rất quan trọng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, để người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước an tâm bỏ tiền ra đầu tư thì phải có luật như khẳng định của Thủ tướng: “Nếu không có pháp luật bảo vệ thì người dân không đầu tư. Hiến pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền công dân rất lớn. Nhưng phải có luật pháp cụ thể, không có luật pháp thì làm sao người ta bỏ tiền ra được?”, Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng xây dựng Luật Đầu tư theo phương thức PPP là rất cấp bách.

 Ngoài tính cấp thiết của việc ban hành luật thì một vấn đề cũng được nhiều đại biểu lưu ý là việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP cần phải được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế. Làm được như vậy sẽ tránh rủi ro về lợi ích nhóm, lãng phí, thất thoát và lựa chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, cũng phải xây dựng luật chơi hài hòa theo hướng, doanh nghiệp tham gia đầu tư, kinh doanh, ngoài những kỳ vọng về lợi nhuận thì cũng phải chấp nhận rủi ro, thậm chí thua lỗ. Có như thế mới chấm dứt được hiện tượng “lời ăn, lỗ dọa trả nhà nước” như ở một số dự án BOT thời gian qua.

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.