Miệng quan VFF 'có gang có thép'
> Bóng đá Việt sắp mất một ‘bao công’ vì thiếu bằng cấp
> Bóng đá: 25 tuổi mới được chuyển nhượng
Nhiều cầu thủ đã thật sự choáng với việc VFF tán đồng đề xuất của nhiều ông bầu trong việc nâng độ tuổi “trẻ” lên 25. Nếu mọi chuyện được thông qua thành điều lệ bắt đầu từ mùa giải 2013, có lẽ Việt Nam là nước hiếm hoi có cầu thủ trẻ cao tuổi nhất thế giới.
Cách đây vài năm, ở nhiều hội nghị người làm bóng đá cũng được nghe đại diện VFF là ông tổng thư ký Dương Nghiệp Khôi ra rả “FIFA bảo thế”, như một lệnh bài buộc mọi người phải tuân theo để bóng đá Việt Nam đủ chuẩn chuyên nghiệp!
Mới hồi năm trước thôi người ta còn thấy các đội bóng vật vã chạy đua để lập ngay một công ty điều hành đội bóng, nếu không sẽ không được thăng hạng. Thậm chí, trước năm 2000 tất cả các sân bóng đá có đồng hồ báo giờ đều phải ngưng hoạt động, vì VFF tuyên bố “FIFA cấm”.
Đến khi việc ra nước ngoài nhiều, xem bóng đá quốc tế cũng dễ dàng hơn, người ta mới phát hiện ra FIFA không cấm nhưng liên đoàn bóng đá thuở ấy muốn tắt đồng hồ để trọng tài điều hành dễ dàng hơn, muốn cộng thêm hay trừ bớt giờ khán giả cũng không biết đâu mà lần. Từ đó, những chiếc đồng hồ mới được phép sống lại.
Xem ra, FIFA luôn được các quan chức VFF lẫn những người điều hành bóng đá dùng đến như một chuẩn mực, thậm chí có khi như “ông kẹ” doạ trẻ con, khi VFF cần. Còn khi không cần, với VFF, FIFA “chỉ để tham khảo” bởi “có những dị biệt nhất định”, như trong chuyện nâng độ tuổi “trẻ” của cầu thủ.
Chuyện bắt đầu khi nhiều đội bóng kêu khó khăn trong việc chuyển nhượng cầu thủ vì giá bây giờ khá cao, vì công đào tạo nhiều nhưng thời gian sử dụng họ chẳng được bao nhiêu. (Nhưng các ông chủ đội bóng quên rằng chính họ là người đã đẩy giá cầu thủ lên cao ngất, cũng chính họ tìm mọi cách chèo kéo các cầu thủ phá vỡ hợp đồng để ra đi về những “miền đất hứa”).
Vì thế, dù FIFA quy định độ tuổi trẻ thi đấu ở Olympic là U23, thậm chí ngay cả SEA Games cũng quy định lứa tuổi U23 mới được coi là trẻ thì những người làm bóng đá Việt vẫn mạnh dạn đề xuất từ nay các cầu thủ phải chịu ràng buộc về quy định đào tạo trẻ đến 25 tuổi, độ tuổi mà ở các giải đấu đỉnh cao không ít người đã nghỉ hoặc chấn thương đến độ không còn mạnh mẽ được như xưa, trường hợp Minh Chiến, Minh Chuyên là ví dụ.
Và với đề xuất mới này, các cầu thủ muốn đi khỏi câu lạc bộ trước 25 tuổi sẽ phải đền bù số tiền đào tạo những năm còn lại theo ước tính của các đội bóng.
Đề nghị nói trên của các đội bóng nhận được sự tán đồng, thậm chí ông Phạm Ngọc Viễn, phó chủ tịch VFF, tổng giám đốc VPF, còn phụ hoạ rằng: “Việc đưa ra quy định mới về độ tuổi đào tạo sẽ giúp các đội bóng duy trì được bản sắc hơn, thay vì cầu thủ chuyển nhượng liên tục như hiện nay khiến khán giả không còn nhận ra yếu tố truyền thống của từng địa phương”.
Trước đây, cũng chính những người làm bóng đá yêu cầu phải để thị trường chuyển nhượng được lưu thông theo quy định FIFA cho đúng chuẩn.
Giờ, cũng lại chính họ ngó lơ những tiêu chí của FIFA về độ tuổi trẻ và chuyển nhượng với lý do “truyền thống”, “bản sắc”. Họ cũng lơ luôn quyền lợi chính đáng của hàng trăm cầu thủ — những người lao động để chọn cửa dễ hơn, làm hài lòng hơn các ông chủ đội bóng.
Thiệt, hổng biết có xứ nào “miệng nhà quan” gang thép hơn xứ mình?
Theo Tất Đạt
Sài Gòn Tiếp Thị