Miền Trung sau bão số 9: Những ngôi làng điêu tàn trong lũ

Miền Trung sau bão số 9: Những ngôi làng điêu tàn trong lũ
TPO - Có mặt trên 2 chuyến bay dài đi Lý Sơn (Quảng Ngãi) và Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An, Thăng Bình… (Quảng Nam), chúng tôi cận cảnh những làng mạc miền Trung điêu tàn trong lũ dữ.

“Cứu trợ, cứu trợ khẩn cấp”  – ga hàng không sân bay Đà Nẵng hôm qua hối hả bởi những chuyến bay đi tới những miền bị lũ cô lập ở Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Miền Trung sau bão số 9: Những ngôi làng điêu tàn trong lũ ảnh 1

Siêu bão Ketsana khiến miền Trung hứng chịu đợt lũ lụt khủng khiếp nhất từ hơn 10 năm trở lại đây.

Từ sáng sớm, nhiệm vụ bay tiếp tế mỳ tôm, nước ngọt cho dân vùng lũ của Sư đoàn 372 đã được san sẻ bởi 2 chiếc trực thăng bay thẳng từ Hà Nội vào theo chỉ đạo của Quân chủng phòng không không quân.

Hai chiếc MI 171 – 01 và MI 1 – 831 một chiếc đi Lý Sơn, chiếc còn lại bay sau đó ít giờ, trực chỉ những ngôi làng bị cô lập.

Miền Trung sau bão số 9: Những ngôi làng điêu tàn trong lũ ảnh 2

Hơn 800 thùng mì tôm khiến chiếc MI 171 – 381 lặc lè cất cánh hướng về Lý Sơn.

Ngày 29/9, qua điện thoại trong gió rít quay cuồng, ông Võ Xuân Huyện – Chủ tịch UBND huyện cho hay, bão số 9 đã khiến gần 2.000 ngôi nhà bị tốc mái, hư hại.

Hàng trăm ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Có 27 tàu của ngư dân bị nhấn chìm. Hiện Lý Sơn đã bị cô lập hoàn toàn với đất liền.

Khi những thùng mỳ tôm hối hả được chuyển xuống huyện đảo, ngay lập tức, chiếc trực thăng lại phải quay về.

Miền Trung sau bão số 9: Những ngôi làng điêu tàn trong lũ ảnh 3

Ông Mai Đình Bảo (An Hải – Lý Sơn), rưng rưng: "Thiệt cảm ơn các anh lắm. Bão đã đánh tan hoang đảo nghèo này rồi. Chờ hàng tiếp tế bằng đường biển ra chẳng biết lúc nào”.

Báo cáo nhanh của ông Võ Xuân Huyện khi trực thăng sắp cất cánh là những số liệu thay đổi, đã mang màu tang thương, chết chóc:

“Toàn huyện có 2 người chết, 14 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 2.300 nhà tốc mái. Đặc biệt, 2 con tàu của ông Nguyễn Thành Công và Nguyễn Lộc (cùng xã An Hải – Lý Sơn) đã bị mất tích, trên cả 2 tàu có 30 người hiện không còn dấu vết".

Lên trực thăng rời Lý Sơn trong hối hả, mây trời vần vũ, những tiếng khóc tang thương của dân Lý Sơn không thôi nỉ non.

Miền Trung sau bão số 9: Những ngôi làng điêu tàn trong lũ ảnh 4

Chuyến bay thứ hai của Trung đoàn 916 hướng vùng Điện Bàn, Đại Lộc, Thăng Bình, những nơi đang oằn mình dưới lũ dữ.

Thượng tá Nghiêm Quang Khải – phi cơ trưởng chiếc MI 171 – 01 từ trên máy bay nhìn xuống vùng Đại Lộc, kinh hãi: “Thật không thể tin nổi, đã bay nhiều chuyến cứu trợ lên vùng Tây Bắc, nhưng bay về miền Trung lần này, mới thấy được sự kinh hoàng của lũ”.

Miền Trung sau bão số 9: Những ngôi làng điêu tàn trong lũ ảnh 5

Từng thùng mỳ tôm được vứt xuống những làng mạc đang chìm sâu trong nước. Từng cánh tay, từng ánh mắt nhìn lên, vui mừng và hy vọng. Không còn chỗ nào có thể đáp máy bay xuống, tất cả đều chìm ngập trong biển nước mêng mông.

Nhiều ngôi làng ở một số xã giáp ranh giữa Đà Nẵng và Quảng Nam đã bị cô lập hoàn toàn. Những thùng mỳ ít ỏi tất nhiên chỉ giúp được người dân cầm cự thời gian ngắn dưới dòng nước xiết.

Miền Trung sau bão số 9: Những ngôi làng điêu tàn trong lũ ảnh 6

Tôi đọc được ánh mắt lo lắng, kinh hãi từ những chiến sĩ ở Trung đoàn 916 trước cảnh lũ dữ. Các anh đã biết thế nào là đại hồng thủy ở miền Trung.

Trung tướng Nguyễn Sơn Hà – Cục trưởng Cục cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cùng ngồi trên chuyến bay cứu hộ, cho hay:

“Việc cốt yếu bây giờ là cứu hộ cho đồng bào ở vùng bị cô lập bằng cách dùng trực thăng chở mỳ tôm, nước ngọt đến cho dân. Ngoài ra, lực lượng chiến sĩ cũng khẩn trương đến tận những nơi bị bao vây bởi lũ, sẵn sàng giúp dân, cứu nạn”.

Tại Quảng Nam, tất cả các lực lượng như quân đội, CSGT… cũng đang hối hả chuyển mỳ tôm đến các huyện.

Miền Trung sau bão số 9: Những ngôi làng điêu tàn trong lũ ảnh 7

Trao đổi nhanh với Tiền phong – ông Đinh Hài – GĐ Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Quảng Nam, cho hay:

“Nội thành Hội An giờ đã ngập chìm trong biển nước. Nguy cơ tổn hại các nhà cổ là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa thể thống kê thiệt hại”.

Theo ông Hài, người dân Hội An đã có kinh nghiệm giữ gìn nhà cổ trong những cơn bão lụt nên đã có phòng bị từ trước, chính điều này góp phần  làm giảm thiệt hại.

Đà Nẵng mất một tuần để dọn hơn 5.000 tấn rác

Ảnh hưởng của cơn bão Ketsana khiến Đà Nẵng sáng hôm qua ngập tràn trong rác. Theo thống kê, sau bão, Đà Nẵng có khoảng hơn 5000 tấn rác và phải mất 1 tuần, các công nhân dọn rác mới có thể dọn hết số rác trên.

Ông Lê Đỡ - Phó Giám đốc Cty Môi trường đô thị, cho biết: Ngay từ chiều 29/9, Cty đã huy động 600 công nhân đi dọn đường ưu tiên cho việc lưu thông của người dân.

Đến 5 giờ sáng ngày 30, tất cả các ngã đường và khu dân cư đã có mặt hơn 1.000 công nhân và lực lượng gián tiếp.

Đến sáng hôm qua, UBND TP đã huy động thêm 530 đoàn viên thanh niên phân bổ về các quận, BCH Quân sự TP cũng đã điều động 200 chiến sỹ tăng cường cho 8 xí nghiệp môi trường và các xí nghiệp vận chuyển.

Nếu có điện, phương án làm cả ngày lẫn đêm sẽ được triển khai. Khoảng 5.000 tấn rác sau bão mới mong được dọn sạch trong khoảng 1 tuần tới”.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.