Miền Trung chống bão, lũ: Người xuống hầm, gia cầm lên gác

Bà Huỳnh Thị Phương đầu tư gần 100 triệu đồng để xây nhà 2 tầng để nuôi heo và tránh lũ. Ảnh: Nguyễn Thành.
Bà Huỳnh Thị Phương đầu tư gần 100 triệu đồng để xây nhà 2 tầng để nuôi heo và tránh lũ. Ảnh: Nguyễn Thành.
TP - Bỏ ra hàng chục triệu đồng để xây dựng những căn hầm tránh trú bão, xây nhà lầu cho gia súc, gia cầm ở, hàng trăm hộ dân ở Quảng Nam vơi đi nỗi lo, an tâm hơn mỗi khi mùa bão lũ đến.

Rủ nhau xây hầm tránh bão

Còn nhớ, tháng 11 năm ngoái, trước khi siêu bão Haiyan dự báo đổ bộ vào đất liền, chạy dọc các xã ven biển ở Quảng Nam là cảnh tượng người dân nghèo với “sáng kiến” tháo nhà, đào hầm chuần bị đón bão như thời chiến tranh. Với người dân nghèo đó là cách duy nhất họ đương đầu với cuồng phong. Hơn một năm sau quay lại, đã thấy những căn hầm dã chiến ngày ấy nay được thay thế bằng những hầm tránh bão kiên cố, khang trang. Tất cả được làm bằng những đồng tiền chắt bóp của người dân.

Làng Hà My Đông, xã Điện Dương (Điện Bàn, Quảng Nam) nghèo xơ xác nhìn ra phía biển. Bao quanh làng là những dự án du lịch “treo” gần chục năm nay. Người dân nhẩm tính, làng có đến 5 - 6 dự án “treo”, người dân chờ mãi không thấy động tĩnh gì. Vì sống giữa những dự án, lại sát biển, nên mỗi lần có bão người dân ở đây “treo” tính mạng mình trước cuồng phong vì nhà cửa không được cơi nới, nâng cấp, sửa sang. Người dân không còn cách nào khác phải bỏ tiền xây hầm tránh bão khi mùa mưa bão cận kề.

Ông Nguyễn Tự là một trong số người đi đầu trong phong trào xây hầm tránh bão ở làng Hà My Đông. Bên căn nhà cấp bốn loang lổ, nứt toác của gia đình ông Tự là căn hầm kiên cố. Ông Tư kể: Nhà cửa xuống cấp, muốn xây mới, sửa chữa cũng không được vì dính phải dự án quy hoạch. Mỗi mùa mưa bão tới, vợ chồng ông phải chạy bão để bảo toàn tính mạng. Năm 2012, ông Tự quyết định đào đất xây căn hầm tránh bão cho gia đình mình. Căn hầm được đào sâu xuống đất 1m, rộng 7m2, cao 1,5m, 4 trụ được chằng thép đổ bê tông chắc chắn. Mùa mưa bão năm 2013, căn hầm được “kiểm nghiệm” bằng những trận siêu bão và phát huy hiệu quả. Nhờ căn hầm mà hai vợ chồng ông Tự và bà con chòm xóm trú bão an toàn. Thấy hầm ông Tự xây phát huy hiệu quả thiết thực, người dân Hà My Đông cũng làm theo. Đến nay riêng thôn Hà My Đông B đã có hơn 20 căn hầm như vậy.

Ông Tự cười nói: “Giờ bão vào không sợ nữa. Vào hầm, ngồi rung đùi nghe gió rít, chờ bão qua. Sau bão, nhà cửa nứt nhưng hầm này không hư hỏng gì hết”.

“Giờ bão vào không sợ nữa. Vào hầm, ngồi rung đùi nghe gió rít, chờ bão qua. Sau bão, nhà cửa nứt nhưng hầm này không hư hỏng gì hết”. 

Ông Nguyễn Tự, một trong những người tiên phong xây hầm tránh bão ở làng Hà My Đông

Trong số hơn 20 căn hầm tránh bão được xây dựng trong vòng hai năm trở lại  đây ở làng Hà My Đông, căn hầm của gia đình ông  Lê Tư (45 tuổi) xếp hạng “khủng” nhất. Căn hầm vừa được hoàn thành đầu năm 2014, rộng 9m2, cao 2,5 m, tường dày đến 25 cm, có sức chứa khoảng 15 người. Ông Tư cho biết: Vì mạng sống của mình nên dân làng bấm bụng vay mượn làm hầm tránh bão. “Hầm này làm hết 15 triệu đồng. Toàn bộ đi vay đi mượn hết. Ở trong vùng quy hoạch cấm làm nhà chứ có cấm làm hầm đâu. Ngồi chờ dự án thì biết có còn sống hay không?”, ông Tư nói.

Trước tin siêu bão Hagupit đang hướng vào biển Đông người dân làng Hà My Đông lại tất bật lau dọn hầm tránh bão, chuẩn bị nhu yếu phẩm sẵn sàng cho trường hợp bão đổ bộ vào đất liền. Hàng chục hầm tránh bão sẽ giúp người dân miền biển này chống chọi với cơn cuồng phong của đất trời.

“Cầu cho bão tan, nếu siêu bão vào, tôi e làng này sẽ bị xóa sổ vì nhà cửa dân làng xuống cấp hết cả rồi. Trận bão Haiyan năm ngoái, chỉ nằm ở vùng rìa của tâm bão, nhưng hàng chục căn nhà của dân làng bị tốc mái, xiêu vẹo, 4 nhà đổ sập hoàn toàn”, ông Tư lo sợ.

Miền Trung chống bão, lũ: Người xuống hầm, gia cầm lên gác ảnh 1

Ông Nghi bên hệ thống chuồng trại trên cao vừa được gia cố. Ảnh: Nguyễn Thành.

Xây nhà lầu cho trâu bò,  gà, lợn…

Xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên nằm bên dòng sông Thu Bồn và là vùng rốn lũ của Quảng Nam. Mỗi năm Duy Phước gánh chịu 2 - 3 trận lũ lụt lớn do việc thủy điện xả lũ phía thượng nguồn. Mấy năm trước, mỗi trận lũ đi qua, để lại thiệt hại nặng nề cho người dân. Hoa màu mất trắng, gia súc, gia cầm bị nước lũ cuốn trôi, nổi lềnh bềnh dọc bờ sông, trôi dạt khắp bãi bồi. Nay, người dân vùng rốn lũ này an tâm và giảm thiệt hại cho gia đình mình bằng những căn nhà vượt lũ chỉ dành cho gia súc, gia cầm.

Gia đình bà Huỳnh Thị Phương ở thôn Mỹ Phước chăn nuôi gia súc từng điêu đứng sau trận lũ lịch sử năm 2009. Năm đó, lũ lên nhanh, cả đàn heo gần 50 con của gia đình bà không kịp di tản đã bị nước lũ cuốn trôi trong đêm. Sau trận lũ đó, bà Phương quyết định bỏ ra gần 100 triệu đồng để xây nhà 2 tầng để chăn nuôi. Khu chuồng trại của gia đình bà cao hơn hẳn ngôi nhà cấp bốn của gia đình bà đang ở. Gần 100 con heo của bà được chăn nuôi trên cao, sạch sẽ và thoáng mát vào mùa hè. An toàn vào mùa mưa lũ.

“Từ khi xây nhà lầu cho heo, mỗi năm lũ về không còn lo nữa. Nước lũ lên ngập hết ruộng đồng, nhà cửa nhưng heo vẫn không ướt chân”, bà Phương cho biết.

Trong số hơn 20 căn hầm tránh bão ở làng Hà My Đông, thì  hầm của gia đình ông Lê Tư là “khủng” nhất. Hầm vừa hoàn thành đầu năm 2014, rộng 9m2, cao 2,5m, tường dày đến 25 cm, có sức chứa khoảng 15 người, xây dựng hết 15 triệu đồng…

Bà Phương kể rằng, từ khi gia đình bà xây dựng nhà 2 tầng cho heo, mỗi năm vào mùa mưa lũ, bà con chăn nuôi nhỏ lẻ trong làng đều mang heo đến gửi. Có đợt gần 200 con heo của dân làng chen chúc tránh lũ tại nhà bà. Ngoài ra, chuồng heo cũng trở thành nơi trú ngụ an toàn cho gia đình bà mỗi lúc nước lũ dâng cao “Lũ ngày càng bất thường, lên nhanh xuống chậm. Xây nhà này vừa tránh lũ cho heo, vừa tránh lũ cho người, giảm được thiệt hại khi lũ về”, bà Phương nói.

Ông Nguyễn Nghi năm nay đã 82 tuổi là thương binh hạng 4 nhưng vẫn còn khỏe mạnh và chăn nuôi nổi tiếng xã Duy Phước. Hiện tại, mình ông đang chăn nuôi hơn 20 con trâu và bò lai, trị giá hơn 500 triệu đồng. Ông Nghi đang đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại vượt đỉnh lũ thay thế chuồng trại đã xuống cấp. Ông Nghi cho biết, vì là vùng trũng, thường xuyên có lũ nên người dân phải xây nhà, đắp nền thật cao để tránh lũ cho gia súc. Mỗi một công trình có giá cả trăm triệu đồng vì tiền vật tư, nhiên liệu và nhân công ngày càng đắt đỏ.

“Nhà người ở xập xệ, nhưng nhà cho trâu bò phải hoành tráng, cao ráo mới an tâm. Lũ về, người còn tìm được chỗ tránh, chứ trâu bò chạy đi đâu. Nếu không có nhà cửa  vượt lũ thì trâu bò, lợn gà sẽ bị nước lũ cuốn phăng. Từ khi có chuồng trại, nuôi trâu bò trên đầu, người dân vùng nay an tâm hơn mỗi khi lũ về”, ông Nghi nói.

Ông Nguyễn Thận, Chủ tịch UBND xã Duy Phước, cho biết: Trong vòng 2 năm trở lại đây, toàn xã có gần 100 hộ dân đầu tư làm hệ thống chuồng trại trên cao, vượt lũ để chăn nuôi. Từ khi việc chăn nuôi được đưa lên cao đã hạn chế được thiệt hại vào mùa mưa lũ. Đây là sáng kiến rất hữu ích của người dân trong điều kiện mưu bão thất thường và ngày càng phức tạp.

“Việc xây nhà, chuồng trại tránh lũ đều do người dân tự phát, tự thiết kế, không theo một quy chuẩn nào hết. Chúng tôi mong muốn ngành chức năng nghiên cứu, có các mẫu nhà chăn nuôi vượt lũ đế người dân xây dựng, vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường”, ông Thận nói.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.