Miễn tiền học THCS: Cách nào đem lại hiệu quả?

Nhà nước nên lo học phí cho giáo dục phổ cập
Nhà nước nên lo học phí cho giáo dục phổ cập
Miễn phí cho giáo dục phổ cập là mong muốn của người dân, nhưng miễn phí cách nào để đem lại hiệu quả thực sự?

Trong khi dư luận còn tranh cãi gay gắt chuyện chuyển đổi “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo”, ngay trên diễn đàn Quốc hội khi bàn về sửa đổi Luật Giáo dục, nhiều đại biểu đã đưa ra quan điểm nên miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở. Bởi thu học phí cả năm đối với cấp này chỉ khoảng vài nghìn tỉ đồng, ngân sách có thể chịu đựng được.

Điển hình như ý kiến của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân: “Sửa Luật Giáo dục phải rõ đầu tư của Nhà nước với giáo dục. Cái nào phổ cập, Nhà nước phải lo; ai có điều kiện cho con học tư thục. Đặc biệt, với giáo dục công lập chất lượng cao Nhà nước đầu tư ra sao, vì chắc chắn học phí không thể bù chi phí. Vậy bài toán thế nào để người nghèo cũng được học giáo dục công lập chất lượng cao?”.

Theo quan điểm của GS. Nguyễn Thiện Nhân, việc miễn giảm học phí cho các cấp học từ trung học cơ sở trở xuống là rất cần thiết vì trong bối cảnh hiện nay phân bổ, sử dụng ngân sách trong giáo dục còn đang có quá nhiều điều bất hợp lý phải bàn.

Học sinh tiểu học được miễn học phí từ lâu, nhưng gánh nặng “phụ phí” vẫn đè nặng lên vai các bậc cha mẹ khi hàng trăm khoản tiền trông chờ vào phụ huynh, từ chuyện lắp điều hòa, quạt điện, rèm cửa, mua máy chiếu phục vụ dạy học đến tiền tưới cây, gửi xe, dọn vệ sinh, mua nước uống, photo tài liệu, quà cáp cho cán bộ giáo viên dịp lễ Tết, trao thưởng, thăm hỏi, tham quan, tổ chức hoạt động ngoại khóa…

Không “xin” phụ huynh thì lấy đâu ra khi tiền chi thường xuyên phân bổ về các nhà trường 90% chi lương. 10% còn lại có hàng trăm khoản phải lo. Có nơi Ban giám hiệu còn phải loay hoay lo tiền để giải quyết một cái cống nhà vệ sinh tắc - một hiệu trưởng chia sẻ với báo chí.

Miễn học phí THCS, thậm chí là cả mầm non là mục tiêu cần hướng tới, là điều mà nhiều quốc gia phát triển đã làm. Nhưng trong bối cảnh đất nước còn nghèo, việc lấy kinh phí từ đâu khó một, việc phân bổ thế nào, sử dụng và kiểm soát việc sử dụng ra sao để hiệu quả còn khó hơn nhiều, đáng nghĩ hơn nhiều.

Nếu trẻ em trong độ tuổi đi học là đối tượng thụ hưởng chính sách miễn học phí thì việc phân bổ kinh phí phải được tính trên đầu học sinh.

Các trường tư sau khi trừ đi kinh phí được cấp bù tính theo số lượng học sinh thực tế, phải tính toán lại mức học phí thu thêm dành cho dịch vụ giáo dục cao hơn chứ không thể đổ dồn tất cả chi phí lên người học như hiện nay.

Rồi bài toán kiểm soát phụ phí, kiểm soát việc thực hiện xã hội hóa giáo dục cần được ngành Giáo dục xây dựng kế hoạch, làm bằng được chứ không chỉ “làm cho có”. Còn như hiện nay, việc “miễn học phí” dù có được thực thi thì vẫn khiến phụ huynh “cười ra nước mắt”. Nó không khác gì việc tăng lương mới chỉ là tin đồn thì giá chợ đã tăng vùn vụt.

Theo Theo Báo giao thông
MỚI - NÓNG