Miên man tùy bút (tiếp theo)

Miên man tùy bút (tiếp theo)
TP - Ngủ lại một đêm ở Đại Lý, sớm ra lại tiếp tục lên đường, đi thêm vài trăm cây số nữa để tới Lệ Giang. Đây là một thành phố du lịch nổi tiếng, đã được thế giới công nhận là một di tích văn hóa ngay từ sớm, cùng một lần với nhiều công trình khác trên khắp Trung Quốc.
Miên man tùy bút (tiếp theo) ảnh 1

Kỳ III: Thăm thẳm bóng người

Lệ Giang có trên mười vạn dân, mấy năm gần đây người các tỉnh xa mang tiền đến xây dựng cũng nhiều, họ xây nhà lớn, khách sạn lớn, hiệu buôn lớn, lập thành những phố lớn.

Nhưng tinh thần của dân tộc tự trị Naxi lại không nằm ở những đường phố hiện đại mà nằm trong các làng mạc Naxi và phố xá Naxi. Khu phố cổ đã có lịch sử sáu  trăm năm nằm ở giữa lòng thành phố Lệ Giang. Nó có mang đầy đủ những tố chất để ta có thể hiểu thêm con người Naxi.

Chính vùng phố cổ kính này mới là lý do chủ yếu hấp dẫn khách thập phương tìm đến ngày một nhiều. Cứ theo chữ viết mà dịch thì Naxi có nghĩa là Nạp Tây, tổ tiên họ phải là những người từ Tây vực tới.

Cuối xuân, đào mận nở hoa khắp các làng mạc. Mấy ông lão áo bông lụ sụ ngồi trước cửa nhà cầm tẩu dài hút thuốc, trầm ngâm nghĩ chuyện đời. Bên cạnh là những chú chó lông vàng, lông xám, những chiếc cối đá xay mạch, trên cánh cửa dán những tờ giấy đỏ, áng chừng là mấy chữ phúc chữ hỉ.

Con đường cao tốc nằm vắt theo sườn núi, nhìn xuống các làng mạc bên đường  thấy rõ mồn một từng mái nhà cũ kỹ. Đường sá trong làng vừa hẹp lại vừa quanh co bàn cờ.

Thảng hoặc mới bắt gặp vài ba bóng người đi lại trong làng, chưa kịp nhìn rõ thì họ đã khuất vào sau những bức tường đất. Thấy có những cột khói bốc lên từ các nhà. Mái ngói lô xô như những đàn chim núi đang phủ cánh ngủ bên nhau.

Trong khách sạn Cửu Long nơi chúng tôi nghỉ lại vài ngày, thấy ở  phòng khách có treo một bức ảnh lớn, chạy suốt một gian, bức ảnh được chụp từ trên máy bay do một nhà thám hiểm địa lý người Mỹ thực hiện từ những năm đầu thập kỷ hai mươi thế kỷ trước. Đó là toàn cảnh một vùng làng Naxi, một cộng đồng Naxi sầm uất và bình yên.

Càng ngắm bức ảnh càng thấy đẹp và không khỏi lạ lẫm. Những nhà là nhà, một huyện nhà, mái ngói nhấp nhô, cái nọ gối đầu vào cái kia làm thành một bức tranh lập thể có hạng. Tôi thấy những ấn tượng ban đầu của tôi khi nhìn vào những xóm nhỏ Naxi dọc đường là đúng. Và từ ngàn năm nay nó vẫn như thế, những đàn chim núi đang phủ cánh nằm bên nhau.

Có người Naxi làm ruộng, đi rừng, chăn nuôi nhưng không nhiều, đa số người Naxi làm nghề buôn bán. Họ mua tất cả và bán tất cả. Khách mua hàng cho người Naxi cũng lại là người bán hàng cho họ. Người Naxi thông thạo đường đất, người Naxi biết quần tụ bên nhau. Lệ Giang là một trung tâm buôn bán lớn của họ.

Trong mấy ngày nghỉ chân thăm thú Lệ Giang, tôi thường đến ngồi ở một cửa hiệu chuyên bán trà, cửa hiệu này có treo một tấm biển nho nhỏ với cả hai thứ chữ Naxi và Hán. Tất nhiên là tôi chỉ biết chữ Hán, “Lệ trà”.

Lệ trà là một quán trà ngon có tiếng, chủ quán người Naxi tuổi ngoài bốn mươi, vợ anh cũng người Naxi chừng ngoài ba mươi. Hai vợ chồng đều khôn ngoan mau mắn, họ nói được cả tiếng Hán và tiếng Anh, rất thành thạo. Cũng có lẽ bởi thế mà người Âu Mỹ kéo đến uống trà rất đông.

Tôi đến “Lệ trà” buổi chiều, uống hết một tuần trà thì gặp John. Tôi mới ngoài sáu mươi mà John đang sắp vào tuổi tám mươi. Anh là người Mỹ, bang Massachusetts, nhà ở ngoại ô thành phố Boston.

Chúng tôi làm quen với nhau bằng tiếng Hán. Mỗi người có một cuốn sổ con và một cái bút trong tay, nếu thấy chỗ nào bạn tỏ ra chưa hiểu thì lập tức mở sổ con ra ngoáy mấy nét, gọi là bút đàm.

Chuyện trò kiểu thế này đâu có gì là lạ, mỗi người một chân trời góc biển, gặp nhau đây muốn hiểu nhau thì phải tìm mọi cách để đập vỡ cái hàng rào bất đồng ngôn ngữ đi, nó là một việc bình thường thôi mà.

Ở Hội nhà văn chúng tôi có anh Bàng Sĩ Nguyên, đã học qua tú tài trường Tây, tiếng Pháp, tiếng Anh có thể hiểu là thông thạo, anh Nguyên lại là người ham đọc sách nước ngoài, đủ các thứ sách, ngoài làm thơ viết truyện ra anh còn nghiên cứu cả triết học phương Đông, phương Tây, viết ba ngàn trang triết học bàn tới Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo, Ky-tô giáo.

Viết để đấy chứ chả biết in ở đâu. Nhưng đã viết ra rồi thì không thể không tìm người biết để mà chia sẻ cùng nhau. “Nghe đâu đây đào sắp rụng quả đầu”. Vẫn chỉ là nghe đâu đây, đào sắp rụng, đã chín đâu mà hái, là chưa tới mùa hái quả.

Anh thường bàn đến thời gian, đến không gian. Một lần bố con anh dùng xe máy đưa nhau về thăm lại Phủ Lạng thương quê cũ, có tạt vào chơi nhà tôi. Tóc bạc, râu bạc, cái cằm vênh ra đầy cương nghị.

Anh dùng tiếng ta, tiếng Tàu, tiếng Pháp, tiếng Anh để diễn giải cho tôi nghe về Hê-ghen, hủy thể của hủy thể, tương phản của tương phản, đối thức của đối thức, tĩnh động động tĩnh. Chỉ biết hết sức là uyên bác.

Năm 1979 anh được Hội nhà văn mời đi nghỉ ở hồ Balaton bên Hunggari. Tại đó anh đã gặp họa sĩ nổi tiếng của Hung tên là Isvan. Ông này đã từng có lúc phải dạt qua Paris vẽ tranh bán trên hè phố. Trong Đại chiến thế giới II, dân Hung có ba triệu người đói quá phải đi ăn mày.

Isvan cũng lại còn là người thích triết học, cho nên họ mừng lắm, hai người rủ nhau ra chỗ có đặt bức tượng nhà thơ Tagor bên hồ. Nhiều thập niên trước Tagor đã từng tới thăm Hung, ông đã dừng chân tại đây ít ngày, người ta đã dựng tượng ông để ghi nhớ.

Hôm đầu hai người hãy còn bàn về hội họa, nói chung là rất tâm đầu ý hợp và suôn sẻ. Nhưng đến hôm sau chuyển qua triết học thì gay go hơn nhiều, là vì khi anh Nguyên bắt đầu bàn đến Kinh Dịch thì bạn anh đâm lúng túng, không thể hiểu hết ngôn từ của anh.

Gặp phải trường hợp ấy người khác ắt bó tay, nhưng với anh Nguyên thì không, anh nảy ra ý dùng hội họa để giúp bạn biết thế nào là Dịch. Và anh đã làm được điều đó. Anh lấy giấy lấy mực ra bôi liền năm bức tranh siêu thực và Isvan nói cảm ơn, tôi đã bước đầu nắm được tinh thần của Dịch lý.

Và như thế, tôi và anh bạn cao tuổi người Mỹ tên là John đã ngồi với nhau không chỉ một buổi mà là ba buổi. Mấy năm Đại chiến John là sĩ quan không lực Hoa kỳ, sau sự kiện Trân Châu cảng Mỹ - Nhật tuyên chiến, anh được điều lên Côn Minh bổ sung vào phi đội “Con Beo”, một phi đội nổi tiếng thời đó.

Đối tượng chiến đấu của họ là không quân Nhật Hoàng. Phạm vi hoạt động của phi đội “Con Beo” rất rộng, gồm vùng trời Hoa Nam, vùng trời Bắc Đông Dương, thêm cả Bắc Miến Điện và phía đông Tây tạng. Đầu năm 1944, John cất cánh tiêu diệt tại chỗ một chiếc khu trục Nhật trên bầu trời Trùng Khánh, anh được tặng huân chương ngợi khen lòng quả cảm.

Mấy tuần sau trong chuyến xuất kích cản một tốp phóng pháo Nhật kéo vào oanh tạc vùng Đại Hùng, anh bị trúng một loạt súng máy của đối phương. Máy bay bốc cháy, anh cố gắng bay thêm vài chục cây số rồi bật dù, lúc rơi ngang trời anh mới biết mình bị thương vào đùi trái.

Anh rơi xuống một cánh rừng cách vùng Lệ Giang này khoảng năm chục cây số đường chim bay, may mắn gặp một sườn núi thoai thoải, chỗ ấy là một bãi trống, cách một con suối nho nhỏ không bao xa.

Anh lấy dao cắt dây dù xong thì quay ra tự băng vết thương, sau đó cố sức bò xuống ven suối, anh lê giật lùi từng chút, từng chút, anh thấy khát, thèm được uống nước. Uống nước rồi anh nằm đó ngủ thiếp đi. Anh ngủ luôn hai ngày, không biết trời đất là gì.

Khi tỉnh dậy nhìn ra bốn bề rừng núi mà lo, không khéo thằng John chết đói ở xó rừng châu Á này rồi. Anh mở la bàn ra xem mình đang nằm ở hướng nào của Lệ Giang, anh muốn tìm về nơi ấy, nó là địa chỉ gần nhất, là hy vọng để anh có thể chữa chạy tạm vết thương rồi tìm đường trở lại Côn Minh.

Biết nằm lại ở đây cũng có nghĩa là tuyệt vọng, anh ngồi dậy dùng hai tay bò lết theo bờ suối, cứ theo con suối chảy mà ra. Anh lết giật lùi vì cái chân trái bị thương duỗi thẳng cẳng, phải kéo nó đi. Con suối dẫn anh vào sâu trong rừng rậm, đêm xuống, anh bắt đầu thấy váng vất sốt.

Anh nằm trong rừng, gần như suốt đêm không ngủ. Gói lương khô ăn dè cầm hơi đã hết quá nửa. Rồi sáng ngày hôm sau anh lại ngồi dậy cố lết đi, nhưng đường đi mỗi lúc một khó, lại thêm phải chuyển hướng vì con suối hình như đang muốn chảy vòng trở lại.

Gói lương khô mang theo đã hết nhẵn. Anh bắt đầu nghĩ đến chuyện phải tìm lá rừng mà nhai thì may mắn làm sao từ trong bụi cây lúp súp một cô gái Naxi hiện ra, cô đứng nhìn anh lúc lâu, anh chắp hai tay vái cô gái theo phong tục đã được đồng đội dạy từ nhà. Anh gập mình xuống mà vái mà lạy, bụng nghĩ nếu cô ấy quay đi thì có nghĩa là thằng John con trai bà Kent sẽ chết.

Cô gái tiến đến nhìn ngó anh một hồi rồi ngồi xuống ra hiệu cho anh ôm lấy hai vai cô. Anh cố gắng vịn cô mà đứng dậy, rồi anh đổ người vào lưng cô, để cô vừa cõng vừa kéo anh đi. Chính cái chân bị thương lúc này mới hành hạ anh dữ dội nhất, không sao nhấc nó lên được.

Do đó nó có quyền tha hồ va quệt. Dù sao, như thế vẫn là rất tốt, “okê”, anh chịu được tất, đau bao nhiêu cũng là còn được sống và anh yên trí ngất đi trên tấm lưng ấm áp của cô gái.

Khi anh tỉnh dậy mới biết mình còn sống. Cái chân đã được bó chặt trong một đống lá lẩu to đùng, bên ngoài nẹp bằng mấy thanh tre. Cô gái ngồi bên bón cho anh ăn những muôi cháo đại mạch nấu với muối mỏ đào ngoài núi.

Trong vòng hai tháng anh phải trải qua ba lần thay băng, ông già tự tay làm thuốc đắp cho anh. Khi vết thương lành lặn ông cụ trao lại mấy mảnh đạn gắp từ vết thương ra để anh giữ làm kỷ niệm. Ông cụ cũng đã sắp sẵn cho anh một đôi nạng tre để anh tập đi.

Tháng đầu anh tập đi trong nhà, ngoài sân. Cô gái vào núi vài ba ngày mới về một lần. Họ cười và nói chuyện với nhau bằng mắt, bằng hai bàn tay, bằng đầu và bằng cả sự im lặng.

Anh học được ít tiếng Naxi do bố con ông già dạy, trước hết là câu chào, rồi mời cơm, rồi cảm ơn. Những lúc muốn trở lại đơn vị thì anh chỉ tay về hướng đông bắc, “Côn Minh, Côn Minh”. Ông già lắc đầu còn cô gái thì xua tay rồi dí một ngón tay lên trán anh. Quân bạc, sắp muốn quên người ta rồi.

Lại một tháng nữa trôi qua, anh vẫn phải mang nạng nhưng sức khỏe đã hồi phục nhiều. Anh chống nạng lọc cọc đi khắp làng, nhiều hôm đứng ngẩn ngơ trước cổng làng cả buổi chiều, anh nhớ tụi bạn chiến đấu và nhớ cả cô bé.

Anh ngó nghiêng vào các mảnh sân nhà người ta gật đầu chào bằng tiếng Naxi, lũ trẻ con quấn lấy anh, chúng dạy anh nói những tiếng rất  tục tĩu, thoáng trông  thấy anh là chúng reo lên John, John.

Thế là vừa tròn bốn tháng kể từ ngày cô gái cõng anh về cái xóm hẻo lánh này. Cô dạy anh cách viết tên cô bằng cả hai thứ chữ, chữ Naxi và chữ Hán.

Sau này về nước anh đã vào làm sinh viên khoa Trung Quốc học tại Đại học Tổng hợp Massachusetts, còn phải học thêm nhiều, nhưng chữ Hán đầu tiên mà cô dạy anh chính là tên của cô. Xeo May. Một bông mai nhỏ bé.

Rồi một hôm, từ sáng sớm, có chiếc xe ngựa do hai người thanh niên mang đến đậu trước ngõ nhà. Ông già ngồi xuống cạnh anh hất hàm về hướng đông bắc mà bảo “Côn Minh”.

Anh hiểu và nói với ông bằng tiếng Naxi, cảm ơn ông nhiều, cảm ơn em Tiểu Mai nhiều, nhất định anh sẽ có ngày tìm về nơi này. Rồi anh bắt tay ông rất lâu. Với Tiểu Mai thì anh không nắm tay mà ôm choàng lấy cô bé một lần cuối.

Anh dúi vội vào tay cô một mảnh giấy đã viết sẵn từ mấy tuần trước, trong đó ghi bằng tiếng Anh tên tuổi, số lính và tên mẹ mình cùng địa chỉ của bà, bà Kent thành phố Boston. Cô gái nhìn theo anh ngồi trên thùng xe có lót đệm cỏ cho ấm mà không nói gì.

Họ đi theo đường rừng, phải một tháng sau mới ra đến đường lớn, đi thêm một đoạn nữa, cho đến lúc đã nhìn thấy thành phố ở xa xa thì dừng ngựa lại.

Bấy giờ John đã biết họ là hai bố con, người bố cùng đứa con trai có trách nhiệm chỉ đưa anh tới chỗ này là có thể quay về. John muốn mời họ tới chỗ mình để nghỉ ngơi nhưng họ vội vã bắt tay rồi dắt ngựa đi luôn, chẳng mấy chốc bóng họ đã khuất sau núi.

Hết chiến tranh John được giải ngũ, anh về học đại học rồi cưới vợ, như tất cả bạn bè còn sống. Nhưng chỉ được một năm ăn ở với nhau, chưa kịp có con cái gì thì người vợ một hôm bảo là em muốn ly hôn. Anh ngạc nhiên hỏi tại sao, cô ấy bảo anh rất tốt nhưng hình như anh không biết yêu, anh sẽ không thể yêu ai cả. Em cũng không hiểu tại sao. Và họ dắt nhau ra tòa.

Chỉ có bà Kent là hiểu tại sao. Mẹ anh thọ ngoài tám mươi tuổi, lúc sắp mất bà gọi con trai đến vuốt tóc anh như thể anh còn rất bé bỏng, bà dặn, con cố gắng hy vọng, mẹ mong sẽ có một ngày con được trở lại nơi ấy tìm gặp cô bé. Mẹ tiếc là không được sống đến ngày đó. Nếu tìm được cô ta con cho mẹ gửi lời cảm ơn, chao ôi, mẹ mong chờ điều đó biết nhường nào.

*

Những năm gần đây thế giới đã có nhiều thay đổi đáng vui mừng, du lịch tràn lan, Trung Quốc bắt đầu mở cửa rộng rãi. John là người có mặt trong chuyến du lịch đầu tiên của người Mỹ đến Lệ Giang. Lần này là lần thứ ba anh trở lại đây. Mỗi lần đi xa là một lần khóa trái cửa nhà, báo cho bảo hiểm biết, vì cũng không rõ bao giờ sẽ về.

Ba lần đến Lệ Giang là để có ba lần được trở lại ngôi làng xưa, anh gọi nó là thâm sơn cố hương. Làng xưa trong núi sâu. Lần nào anh cũng hỏi tin về gia đình Tiểu Mai nhưng tất cả vẫn chỉ lắc đầu không biết.

Đám trẻ sau này không biết đã đành, nhưng những người ngang tuổi anh sao cũng nói không biết. Hỏi đến bố con người đánh xe ngựa họ cũng nói như thế. Một vài ông già trên tuổi anh thì ờ ờ một lúc rồi bảo, có, tôi có nghe chuyện ấy, hóa ra là anh đấy à, nhưng họ chết hết cả rồi, còn tìm sao nổi.

Cô bé Xeo May lấy chồng xa mãi Tây Tạng, có bao giờ mang chồng con về thăm làng đâu, mà có khi giờ cũng chết già trên đó rồi. Còn như mấy người đánh xe ngựa thì tìm sao nổi, họ không phải người vùng chúng tôi đâu.

Ai ở đây mà không biết cưỡi ngựa, đánh xe cơ chứ, có con ngựa đi mấy tháng dòng đưa xác chủ về tận sân nhà. Anh ta bị ốm, nằm chết khô ở thùng xe.

Với người khác Lệ Giang là dòng sông đẹp còn với John, đó là dòng lệ…  

--------------------------

 (Còn nữa)

MỚI - NÓNG