Miên man tùy bút - Kỳ III (tiếp)

Miên man tùy bút - Kỳ III (tiếp)
TP - John ghi vào sổ con của tôi tên tuổi và địa chỉ của mình. Tôi cũng ghi vào sổ con của anh tên tuổi và địa chỉ của tôi ở Hà Nội. Hẹn có ngày gặp lại nhau.
Miên man tùy bút - Kỳ III (tiếp) ảnh 1
Nhân dân thành phố Sài Gòn – Gia Định mít tinh mừng ngày Việt Nam thống nhất (1975) (Nguồn: Bảo tàng Cách mạng)

>> Kỳ III: Thăm thẳm bóng người

Tôi nói tôi cũng có mấy người bạn Mỹ đang sinh sống ở thành phố của anh, chẳng hạn như nhà văn Kevin Bowen. Tôi từng đã sống tại gia đình anh một thời gian và được anh chị cùng các cháu xem như khách quý từ Việt Nam sang.

Đấy là một nhà văn có thiên lương cao quý, tôi thường nhớ lại ngôi nhà xinh xắn và êm đềm của anh chị, nhớ những buổi chiều nước Mỹ thật xa vắng, có những cánh diều chao nghiêng trên nền trời nhiều nắng gió.

Và tôi ngồi trong mái hiên gỗ nhà Kevin Bowen hút thuốc lào vặt, nhìn ngó hai cháu nhỏ của anh chị, một trai một gái, chúng lẳng lặng rì rầm những câu chuyện gì với nhau nào ai rõ. Mảnh sân trước nhà  anh cỏ trải thảm xanh rờn, vài ba hôm lại một lần xén tỉa.

Hai anh em nó cứ ngồi trên cỏ như thế mà không thấy chán mỗi khi bố mẹ đi vắng, có lẽ chúng đang giấu những câu chuyện cổ tích của chúng xuống dưới thảm cỏ kia chăng.

Kevin Bowen là một nhà văn hiểu Việt Nam, rất yêu Việt Nam. Cũng như John, các anh là những người không đơn giản. Không đơn giản thì rất khó quên quá khứ.

Những người như thế mỗi ngày sống của họ đều đầy ắp kỷ niệm, thăm thẳm bóng người, là những người giàu có trên phương diện tinh thần. Mỗi ngày của họ là một dòng kinh thánh, là một hơi thở nhẹ của Phật trên đài sen.

Chúng tôi ngồi đến khuya trong tiệm “Lệ Trà” . Bây giờ thì im lặng, chốc chốc lại nhìn nhau. Ngoài đường khách khứa thưa thớt dần. Những rặng liễu soi bóng xuống lòng suối, trong ánh sáng chỗ mờ chỗ tỏ, màu xanh của liễu và của nước hắt lên lung linh như những khối ngọc phỉ thúy.

Vợ chồng người chủ tiệm vui vẻ mời chúng tôi vào sân trong cùng gia đình chụp mấy tấm ảnh lưu niệm. “Ô kê”, chúng tôi đứng dậy. Chụp ảnh xong John đứng lại hỏi tôi, những chậu trà đặt trong sân tên chúng là gì. Tôi nói đó là bạch trà, hồng trà và thâm hồng bát diện trà.

Trung Hoa là một nước biết hoa sớm, biết ngọc sớm. Trà có vài chục loại trà, đào có vài chục lại đào, cúc có vài trăm loại, mẫu đơn vài trăm loại. Ngọc thì có hàng ngàn loại, riêng ngọc hoàng thạch mang sắc vàng của hoàng gia thì được quí vô kể.

Hoàng thạch là ngọc lạ từ nham thạch trong lòng đất đùn lên, chúng nằm lăn lóc dưới các luống cày chứ không có ở trong núi cao. Người làm ruộng ai có phúc có phận thì ra đồng sẽ gặp được nó, có một cục hoàng thạch, giấu nó vào trong manh áo rách lặng lẽ mang tới các tiệm ngọc là sẽ có đủ đất đai nhà cửa, ai chưa có vợ sẽ có vợ đẹp.

John hỏi có nhiều người ra đồng gặp hoàng thạch không, tôi kể, lần tôi qua Triết Giang, gần cổng nhà ông Lỗ Tấn dưới Thiệu Hưng có một ông già thợ ngọc, tôi hỏi đời ông đã có mấy lần gặp người mang hoàng thạch tới nhà, ông cụ trả lời, tôi đã ngoài chín mươi, có tám chục năm làm nghề chế ngọc, nhưng chỉ có một lần thấy hoàng thạch do một người từ dưới Phúc Kiến mang lên. Dưới ấy mới có nhiều hoàng thạch chứ không phải trên này.

John cười sảng khoái, người ấy là tôi đấy, có một lần trong đời tôi cầm được ngọc quí nhưng đã đánh mất nó rồi. Tôi nói, không, có một viên hoàng thạch vẫn đang tỏa sáng trong lòng anh, John cảm ơn…

Dòng nước mát trong trẻo quanh năm được dẫn từ núi tuyết Ngọc Long về. Trên một chặng đường dài ba chục cây số dòng nước chảy đến cửa tây Lệ Giang thì tỏa thành trăm ngả, rồi lại tỏa tiếp thành hàng ngàn ngả, tìm đến từng nếp nhà trong toàn thành phố.

Có thể hiểu Lệ Giang là một thành phố gỗ, lại cũng có thể hiểu Lệ Giang là một thành phố đá. Cầu đá, tường đá, tượng đá, đường đá, kênh rãnh đều đá. Thành phố nhỏ mà sạch sẽ như mặt người vậy. Mặt người một khi chưa sạch thì cái nhà cái phố, cái đường, cái làng cũng không có phép mầu nào làm cho sang lên được.

Dù có đổ tiền đổ của cũng chịu, nhiều khi càng làm lại càng xấu. Thế mới khổ cho con người ta, không tiện cho con người ta nói thật nhưng trong lòng là rất ngao ngán, rất không muốn hẹn một ngày gặp lại. Là vì nhìn qua cách ăn cách ở, cách đối đãi với nhau cũng đủ để mà nhận ra.

***

Quá khứ của mỗi người đến một lúc sẽ hóa thành nội dung sống của đời người đó. Với John thì vậy, anh đi tìm lại cái tốt đẹp anh từng có ở thời trai trẻ và sự thật anh cũng chưa bao giờ đánh mất nó.

Còn với tôi thì sao, với tôi là những tháng năm tôi đã sống như mỗi người Việt Nam đã sống. Giờ đây tôi thấy một ngày sống của mình rất dài và thực không dễ dàng chút nào.

Con người ta có thể lang thang tứ xứ, nhưng lang thang mãi rồi cũng phải quay về nhà mình, nghĩ ngợi những chuyện viển vông đẩu đâu rồi cũng chẳng trốn khỏi những chuyện nhà mình.

Trong bóng những người thân có bóng ta, ta tìm thấy mình trong đó. Lũ trẻ lớn lên lại sẽ phải có buồn vui của riêng chúng, những bài hát của riêng chúng, còn ta vẫn đang có những bài hát của mình, một thời của mình, chẳng bàn có lý hay vô lý, chỉ biết nó là thế.

Người đi mà bóng vẫn còn, trông vào tấm ảnh anh chiến sĩ mất đã ngót nửa thế kỷ thấy hình hài lung linh mờ tỏ, nụ cười ấy, ánh mắt ấy, dáng đứng ấy cứ như vẫn đang trò chuyện. Mẹ già lâu lâu lại thắp nén hương, chả cần đợi đến ngày giỗ chạp mới thắp hương, cứ thấy trong lòng bồn chồn là thắp, bà hiểu là nó về.

Những tấm ảnh được lồng trong khung kính, được giữ gìn như giữ một sinh mệnh. Ở một góc khung có gài mảnh giấy báo tử nay chả chắc ai đã đọc nổi vì quá lâu rồi, chữ nghĩa mờ hết rồi.

Dán mắt dò dẫm đọc thấy có ghi đủ tên tuổi quê quán liệt sĩ, ngày tháng hy sinh, tại mặt trận phía tây nam, nghe vừa rõ ràng, lại vừa chưa có gì là rõ ràng.

Thời gian không để bất cứ gì được yên ổn, nó đang gậm nhấm những tấm ảnh, nó đang làm nhòa ố mọi khuôn mặt, sờ vào mỗi tấm ảnh ấy nghe ram ráp như tự nó đang mủn ra.

Rất nhiều bức đã phải mang lên phố để vẽ lại, gọi là truyền thần. Quân hàm quân hiệu lấp lánh, huân chương huy chương đỏ rực, nhưng phàm những gì được tô vẽ thêm thắt thường hóa ngờ nghệch dài dại thế nào. Hôm mang tấm hình vẽ lại về tưởng bà mẹ mừng, nào ngờ bà òa khóc, bà kêu lên đau đớn, đây không phải thằng bé nhà tôi.

Anh thợ vẽ quát lên nghe trợn trạo, thế không phải con bà thì con hàng xóm à, bà định bắt đền ai bây giờ, tôi vẽ kể đã hàng nghìn bức có ai phàn nàn nổi một câu, bà lẫn mất rồi, quên quên nhớ nhớ mất rồi, bà hãy tập trung tư tưởng nhìn thật kỹ mới được, hội họa không phải là ảnh, nó là nghệ thuật bà có hiểu cho cháu không.

Bà mẹ vẫn chưa hiểu nhưng thấy anh họa sĩ có ánh mắt hơi dữ, hơi có giọng trấn áp nên bà sợ và đành bằng lòng nhận lại tấm hình. Cũng có khi ở dưới ấy, dưới âm, người ta mỗi năm một già đi, chả trẻ mãi được.

Dương sao âm vậy, bảo họ trẻ mãi tuổi hai mươi là nói xằng. Cho nên con bà cũng phải già đi, già đi thì phải khác đi, khác đi là khó nhận ra, anh họa sĩ của trung ương có khác, nóng tính thế nhưng bụng dạ chả có ý gì.

Buổi phát thanh quân đội nhân dân, truyền hình quân đội nhân dân tuần nào cũng có tiết mục đi tìm đồng đội, ai biết phần mộ liệt sĩ ở đâu? Nhắn dòng dã đã mấy chục năm trời, cô gái ngồi nhắn tin thuở nào hỏi thăm nay đã thành bà đại tá về nghỉ hưu, cô đã thành bà nội bà ngoại.

Có gần chục cô khác đã lần lượt thay nhau ngồi vào cái ghế của cô đã từng ngồi, và đều đã đọc những lời nhắn thiết tha như cô ngày nào đã đọc, nhưng nhắn thì cứ nhắn chứ chả hy vọng là mấy, niềm hy vọng trong lòng bà mẹ cứ ngày một vợi dần. Thời gian nó làm nguội lạnh nhiều thứ lắm.

Nói cho cùng thì đấy là nhắn cho người đang còn sống dễ sống, nhắn như để nhắc nhở những người sống liều liệu mà giữ gìn, mà ý tứ lễ phép, chớ có buông tuồng quá, tham lam nhặt nhạnh nhiều quá, vợ chồng con cái nghe chừng có phần ít nết na, có phần nỗng, rất nhiều dị nghị, khó nhìn. Cái cánh cửa quá khứ đang còn rất nặng nề, rất khó khép lại, mà ai dám khép lại.

Ngày tiến vào giải phóng Sài Gòn, nhạc sĩ Hoàng Tạo cùng đi với một đoàn pháo cao xạ, ngang qua vùng Quảng Ngãi họ dừng lại để ăn cơm trưa. Lính tráng từng tốp năm bảy anh ngồi thụp ngay vệ đường, bên bệ pháo, vây quanh một chậu cơm lẫn cát, một đĩa cá khô mặn mọt. Đấy là đất Bình Sơn, quê hương Hoàng Tạo. Hạt cơm lẫn cát, miếng cá mặn mòi lẫn cát chỉ ở quê anh mới nhiều.

Nhạc sĩ là một người nhuần nhị âm thầm, nghĩ ngợi nhiều hơn nói, lại vụng về trong giao tiếp, cho nên vừa ngồi nuốt những miếng cơm khô khốc cùng anh em, anh vừa đưa mắt ngầm nhìn lên con đường, nhìn lên những vườn cau, những dòng người từ các xóm xung quanh đang đổ ra vây lấy các anh.

Anh cứ lặng thinh chẳng nói năng gì, đồng đội cũng chẳng một ai biết đấy là anh đã về tới quê hương sau hai chục năm đi xa. Người đâu có người lại lù mù đến thế.

Trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong âm nhạc, chưa một lần người ta thấy Hoàng Tạo nói to, reo to lên những tiếng như là ôi quê hương, ôi Tổ quốc, âm nhạc anh dịu dàng sâu lắng, những giai điệu rất đẹp, khó nhọc tìm tòi và rất không dễ hát.

Buổi ấy đứng lẫn trong đám bà con vây quanh các anh để xem các anh ăn uống, có một nhà chị lặng lẽ đưa mắt lướt qua từng khuôn mặt rồi sau cùng chị dừng lại đăm đăm nhìn vào Hoàng Tạo.

Không có đôi mắt nào lại sắc và nghiêm như đôi mắt của người đàn bà Quảng Ngãi. Một nhà thơ cựu chiến binh Mỹ, nguyên là lính sư đoàn bộ binh số 23 Tia chớp nhiệt đới đã từng có lần nói với tôi như thế.

Rồi chị ta chen xấn vào, nắm lấy cổ áo Hoàng Tạo kéo anh dậy. Cậu Tạo về đây rồi, thằng em tôi nó đây rồi. Một người đàn bà gày xương xương, vành môi cắn chỉ nhai trầu, mái tóc có đường ngôi giữa, tóc mỏng chải ngược bó sau gáy, trán tròn xoe như quả dừa xiêm.

Nhác trông đã thấy hết sức gan góc, và rất bướng nữa, tất nhiên là đầy tháo vát và tự tin. Một người như thế sẽ không bao giờ chịu nhầm lẫn, không nhầm lẫn bởi vì không nhìn nhầm, không nghĩ nhầm. Cậu cứ đứng yên đây kẻo lạc mất, chị ra lệnh, đợi chị chạy về dẫn mẹ ra ngay, mấy ngày nay mẹ cũng đang quanh quẩn ở đây.

Nhà chị nằm ven con lộ một, gọi là chợ đường cái. Có lẽ không cần phải viết hoa tên chợ ấy vì ở đâu mà chẳng thấy có chợ đường cái, dọc những con đường tôi đi qua, trên khắp nước từ Nam ra Bắc chỗ nào cũng thấy có chợ đường cái. Họp quàng một lúc, nơi họp vào buổi sáng nơi họp vào buổi chiều, họp xong đường lại trả đường.

Chỉ mươi phút sau người chị đã dắt mẹ ra, họ vừa đi vừa chạy, anh em giục Hoàng Tạo mau ra đón bà cụ đi, kia rồi, bà cụ đã ra kia rồi, nhưng Hoàng Tạo vẫn cứ đứng đó như bị đóng đinh giữa đường, hai bàn tay nắm chặt để trước bụng như đang bị trói và anh khóc, ngày hôm đó chính người nhạc sĩ đã khóc chứ lại không phải hai người đàn bà.

Ôi những người đàn bà Quảng Ngãi, những người đàn bà lớn lao, có bao nhiêu yêu thương dịu dàng đều đã trút cả cho con em của họ. Họ đâu có cần biết con cái họ đã làm công việc cụ thể gì trong quân ngũ dù là cấp bậc gì, ông nọ bà kia gì thì tất cả vẫn mãi mãi chỉ là những đứa con, đứa em của họ mà thôi. Những đứa con, đứa em luôn luôn nhỏ bé, bao giờ cũng nhỏ bé.

Hoàng Tạo về nghỉ hưu sống với vợ con tại Sài Gòn đã trên mười năm, bỗng một hôm anh vùng dậy leo lên một chuyến tàu thủy để ra thăm các chiến sĩ ngoài Trường Sa.

Chả là anh vừa làm xong một bài hát có tên là “Lính đảo hát tình ca”, anh muốn ra đó một chuyến dối già, đứng cầm đàn hát cho đồng đội nghe trong tiếng sóng và tiếng gió đại dương.

Nào ngờ lúc đang đứng hát thì một cơn đau tim bất ngờ ập đến, anh qua đời trong một chuyến đi đầy lãng mạn. Người ấy có một cách sống đẹp, và cũng đã tìm được cho mình một cách đi đẹp, rất hiếm có.

Vừa rồi nghe tin Hoàng Tạo được trao giải thưởng Nhà nước vì có những đóng góp xuất sắc cho nền âm nhạc nước nhà, tôi nghĩ bụng người ấy mà chưa được thì liệu còn ai được.

Rồi tôi lại nhớ đến bóng dáng những người đàn bà Quảng Ngãi, bóng dáng mẹ anh chị gái anh đang tất tả chạy lên đón anh trên con đường ngày nào anh về qua quê nhà.

Mà đâu phải chỉ có bóng dáng các bà các chị ở Quảng Ngãi và đâu phải chỉ mình Hoàng Tạo mới có những bóng dáng ấy, bóng dáng người thân, bóng dáng đất nước, với những ai có lương tri, có thiện căn đều đã mang nó suốt đời, đó chính là đôi cánh tinh thần dẫn dắt ta bước qua mọi cám dỗ, mọi thử thách trong mỗi bước đi, mỗi ngày sống.

Cũng vào những ngày ấy, những ngày chúng ta ào ạt tiến về giải phóng Sài Gòn, có một người lính tuổi ngoài ba mươi đã một mình đứng ở sau chiếc xe Gát hậu cần của bộ đội xe tăng, đứng đấy khóc anh mình, khóc thương người anh đã ra đi ở chính mảnh đất mà hôm nay mình đang qua.

Đứng đấy khóc trong khi anh em đồng đội đang lố nhố chạy đi chạy lại rất đông ở xung quanh. Người lính đứng khóc buổi trưa hôm ấy là nhà thơ Hữu Thỉnh.

“Trưa một ngày Phan Thiết có anh tôi,  biển thì mặn mà anh tôi thì khát... Em đã qua những cơn sốt anh qua, em đã gặp trận mưa rào anh gặp, vẫn không ngờ có một trưa Phan Thiết, em một mình đứng khóc ở sau xe”.

Sẽ không thể có những câu thơ như thế nếu không có những trưa như thế, và có thể cũng sẽ không có một Hữu Thỉnh hôm nay nếu trưa ấy anh vẫn có mặt ở nơi ấy nhưng không biết khóc.

Một ngày tưởng chỉ có vui, ấy vậy mà Hoàng Tạo đã khóc, Hữu Thỉnh đã khóc và tôi nghĩ mỗi chúng ta đều đã khóc. Chúng ta khóc vì bóng dáng những người thân, dù còn sống hay đã mất tất cả đều đã dồn về, cùng chúng ta bước lên một ngả mới mà lịch sử dân tộc đang mở ra.

Bằng cách nhìn minh mẫn giàu trí tuệ, bằng trái tim người chiến sĩ rộng lớn yêu thương và kiêu hãnh, vị tướng chỉ huy cuộc mít tinh mừng ngày đất nước hoàn toàn giải phóng tổ chức giữa Sài Gòn ngày 15 tháng 5 năm 1975, đã nói, “Tổ quốc đã chiến thắng, Việt Nam đã chiến thắng, không có người Việt Nam nào thua trong cuộc chiến tranh này!”.

Đó là ngày hội tưng bừng của một Sài Gòn chính thức bước vào kỷ nguyên mới. Một Sài Gòn kiên trung bất khuất và hết sức sang trọng. Người ta ngẩng lên nhìn kỳ đài cờ hoa rợp trời, dàn kèn đồng thổi những bài hành khúc có từ ngày 23/9/1945.

Và người ta lên tiếng hỏi nhau, ai đang nói mà nghe hay vậy, vị đó tên chi vậy? Tổ quốc Việt Nam chiến thắng, không người Việt Nam nào thua trong cuộc chiến này. Trời ơi nghe ông ấy nói mà tôi cay mắt muốn khóc đó.

Vị tướng ấy có tên là Trần Văn Trà, ngày đó ông làm Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố. Và cũng xin nói thêm, ông còn là một người con của mảnh đất nghèo Quảng Ngãi.

Tháng 4 năm 2007

(Còn nữa)

Nhà văn Đỗ Chu

MỚI - NÓNG