Miên man tùy bút (kỳ IV)

Miên man tùy bút (kỳ IV)
TP - Không thiếu những loài hoa vớ vẩn đang bò lan khắp bờ rào bờ dậu nhà ta. Những dây hoa mỏng manh yếu đuối tự trình bày thân phận của mình một cách kín đáo bằng những chùm hoa nhỏ li ti, màu sắc âm thầm càng nhìn càng dễ ưa.

Chúng có hương thơm không thì chỉ gió mới biết, những loài hoa dại khó lòng đã có hương thơm, nhưng sao vẫn thấy có đàn bướm bay lên đậu xuống, bướm hoa hoa bướm, hoa bướm lẫn lộn khiến rặng rào xao động hẳn lên.

Một sớm tôi bỗng dừng chân giữa con đường rải đất núi dẫn vào ngõ nhỏ nhà mình, nhòm lâu lâu vào mấy bụi gai vệ đường và bắt gặp những dây hoa đó. Tôi nhìn ngắm chúng và tự hỏi, chúng có mặt ở đây từ bao giờ, sao nay ta mới biết và chúng đang thì thầm những gì cùng ta.

Đã bao tháng bao năm ta đi về ríu ran chuyện trên trời dưới biển cũng chỉ một lối này vậy mà chẳng một lần ghé mắt để ý đến chúng, tên chúng gọi thế nào cũng không rõ, rất có thể chúng là loài hoa không tên, không ai thèm đặt tên. H

ãy nhìn cho kỹ, e ấp và dung dị làm sao, mà lại rất tự tin, chúng khác hẳn với loài hoa xấu hổ. Một vẻ đẹp nhũn nhặn không phô phang, một vẻ đẹp không hẹn mùa gặp, chính sự dung dị kia đã đưa nó bước lên một thềm sang trọng mà có lẽ rất nhiều loài hoa khác trên đời phải ao ước ghen tị cũng nên.

Tôi vội lộn trở lại quán nước bên kia đường để hỏi bà cụ đang co ro ngồi trong đó xem người đời gọi nó là thứ hoa gì. Bà cụ ngao ngán nhìn ngó tôi một hồi như không buồn bắt chuyện, lúc lâu bà mới lên tiếng, rõ chán chửa, bảnh mắt đã hỏi những chuyện chẳng đâu vào đâu.

Nó là hoa lăng nhăng, hoa bờ dậu chứ còn hoa gì nữa. Mình về gác tía lầu son, để ai bên dậu héo mòn cùng sương. Người vào nước Tấn nước Tần, bỏ em ở lại chịu thân leo rào.

Tôi lại chui vào quán, gọi một bát nước chè xanh cho bà già vui lòng. Tôi bưng bát nước nóng hôi hổi trong tay, đăm đăm ngắm nhìn mái đầu bạc của bà, làn tóc mai phơ phất trong gió lạnh cuối năm. Mùa đông nghe như còn dài, những ngày đông đêm cũng rất dài, tôi ái ngại cho tấm thân già nua hiu quạnh.

Bà góa chồng sớm, được hai mặt con thì lần lượt thành liệt sĩ cả rồi. Bây giờ bà sống lẻ loi giữa quê nhà, trong một mái ấm tình nghĩa ba gian trống trải, hàng xóm mỗi người một chân một tay xúm lại vẩy cái hiên rộng ra để mở một quán nước trà xanh.

Biết là bà lại sắp nói “rõ chán chửa”, tôi vẫn cứ đủng đỉnh, đến một lúc, cả hai bà cháu ta rồi cũng lần lượt biến mất, nghĩa là về cõi, nhưng những bờ dậu ngoài kia thì vẫn cứ dửng dưng trổ hoa như thường, bà bảo cháu nói thế liệu có phải là đốc chứng gở mồm gở miệng không?

 Bà cụ cười rung rinh, bà không mắng mỏ gì tôi mà còn lấy làm mừng như có ai sắp rủ đi hội làng Còng vậy, anh nói chả câu nào bỏ được, những giống mọc hoang đều bền, nó khỏe lắm, lội ra giữa đồng sâu vẫn gặp, ở nóc cổng làng, ở bậu tường đổ cũng thấy có, nó bò đến khắp cả.

Tôi lại nói, khéo bà nhầm với cây chua me đất cũng nên. Bà già gạt đi, có nhà anh mới nhầm, tôi là người ngồi bên những đám hoa bờ dậu cho đến lúc chết, hỏi nhầm sao được. Gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu nhời đắng cay.

Chuyện trò với bà cụ thật suốt ngày không chán, bà thường thích chêm vào câu chuyện những vần thơ dân gian, bà là một kho ca dao tục ngữ. Mà câu nào cũng có ý thở than, câu nào cũng buồn buồn cam chịu. Tôi nói với bà rằng tôi cũng chẳng sướng gì, thân tôi lam lũ từ bé, giống như một loài hoa bờ dậu vậy thôi chứ chẳng vương tướng như ai.

Bà già nhìn ra đường, ngẫm nghĩ hồi lâu rồi  nói, con người ta mỗi người một phúc một phận, chẳng nên so đọ với ai, mà cũng chẳng biết thế nào đã là sướng là khổ, cũng chả dám chắc đã là công hay lại là tội, nhiều khi tưởng là công mà hóa nên tội, tưởng vinh mà thành nhục, đến là lắm đa đoan. Liên hoan thợ cấy thợ cày, chúng ông cắt cỏ thì mày tính sao?...

Tôi đã quen ngồi ở những quán nước nhom nhem, đi đâu xa về là chỉ thèm được rủ bạn sà vào ngồi những chỗ ấy, ngồi vạ vật bên những người chẳng cần quen biết, thành thân thiết sau một tuần trà, sau một hơi thuốc lào.

Ngồi để nghe những chuyện vụn vặt, nói với nhau những chuyện vụn vặt. Thế thôi. Có lúc tôi lo lắng rồi ra khi phố phường đã thành khang trang thì mấy cái quán cóc kia sẽ phải mất đi. Nhiều thứ khác đến một lúc cũng còn phải dẹp đi huống hồ là mấy quán cóc.

Không biết ai đã đặt cho nó một cái tên nghe gợi làm vậy. Những chú cóc ngồi thu lu dưới gầm cầu thang các nhà tập thể, dưới một gốc cây, dưới chân bức tường, dưới hiên hoặc bên một lối đi trong ngõ vắng. Những con cóc ngồi ở khắp các làng quê và trong đủ ngóc ngách các thành phố lớn nhỏ. Âu đó cũng là một biểu tượng nặng kỷ niệm của một quá khứ đang lùi xa trông thấy.

Quán cóc không chỉ bán nước trà, khi người ta nói mời bác vào hàng uống nước thì không có nghĩa ở đây chỉ có nước mà còn có đủ hoa quả bánh trái, quả ổi quả hồng, bánh gai bánh gỏi. Cũng như khi người ta mời bác vào xơi nước thì lại còn có ý mời bác vào hàng tôi ăn bát cháo, bát bún măng hoặc nắm xôi. Cho nên chỉ có thể nói quán cóc là rất sinh động phong phú.

Nghe nói nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn trước lúc trở về mặt trận Nam Bộ sáng sáng vẫn hay tìm ra quán nước đầu đường Quán Thánh, ngồi đấy nhâm nha chén trà Thái đặc sánh và đọc cho bằng hết tờ báo vừa in.

Ông Tế Hanh của chúng ta cũng vậy, những năm còn khỏe rất hay ra ngồi ở một quán cóc trước cổng chùa Thiền Quang, ngồi đó uống đúng một chén trà Tân Cương, ăn đúng một cái kẹo vừng và ngậm đúng một điếu thuốc thủ công nhãn hiệu Con gà trống.

Lâu dần thành quen, dịp nào thấy ông vắng mặt là bà chủ quán lại hỏi dò, ông ấy đi công tác hay có vấn đề sức khỏe.Bà chủ quán vốn là một giáo viên dạy văn học, gia cảnh gặp cơn túng quẫn phải bỏ nghề ra ngồi ở góc chùa, cho nên bà ấy rất rõ thơ ông.

Một lần Tế Hanh ngậm điếu thuốc toan rút mấy hào ra liền bị bà gắt, thôi từ nay trở đi ông cứ để tiền ở nhà, ra đây ông muốn uống muốn ăn muốn hút thế nào là tùy, tôi lo cho cả, Hà Nội ta nghèo nhưng không thể để một nhà thơ như ông phải vất vả mãi thế này. Nhà thơ nghe thế chỉ cười hiền lành, còn bà chủ quán thì rên lên xót xa như đang bị xát muối trong lòng.

Rất nhiều nhà văn, kể cả những người nổi tiếng nhất, ít nhiều đều đã từng ngồi bù khú với nhau trong các quán nước đâu đó, duy chỉ có ông Nguyễn Đình Thi là không, không khi nào.

Cụ Kim Lân bình luận, đấy là một ông quan. Cụ Nguyên Hồng thì bảo, không phải thằng nào cũng dám ngồi ăn cơm đầu ghế như tao. Còn cụ Tô Hoài thì chỉ vừa nhấm nháp vị trà vừa tủm tỉm cười giữa chúng bạn.

Một hôm cụ Nguyễn Công Hoan ngồi trong quán bực bội kể câu chuyện cụ đến trao gươm báu cho nhà Bảo tàng Lịch sử. Ông cụ về thăm Hải Dương, kiếm được ở nhà nào một thanh gươm cổ, từ đời Lý đời Trần gì đó.

Cụ  quyết định mang về trao cho Bảo tàng quốc gia giữ. Ấy vậy mà khi mang gươm tới thì cậu thường trực không đếm xỉa gì đến gươm quý, cậu ta gạt phắt nói là sắp đến giờ cơm trưa, chiều cơ quan bận họp công tác thi đua, vậy mai cụ nhớ phải mang gươm đến đúng giờ, còn phải lập biên bản, khai rõ xuất xứ bảo vật, lý lịch người có bảo vật, chứng nhận của địa phương, vân vân và vân vân. Ông cụ ức quá đành ôm gươm quay về.

Phải ngày xưa mà xem, ngày xưa gặp chuyện oái oăm như thế là ông đã có ngay một truyện ngắn bi hài chảy nước mắt, mang in báo lấy mấy đồng uống rượu. Ngày xưa cầm bút vui lắm ngồi vào bàn là chữ cứ tuôn tràn ra giấy.

Tôi vốn là một anh thất học cho nên đã xem những buổi ngồi như thế ở các quán nước là trường học của mình. Nói như M. Gorki thì đấy là “Trường đại học của tôi”. Cũng cụ Nguyễn Công Hoan đã kể, cụ Trần Trọng Kim vốn là một Thanh tra tiểu học thời Tây, sau đó ra làm Thủ tướng.

Lúc bãi chức có tờ báo đến phỏng vấn xin cụ kể cho một chuyện gì thật đặc biệt trong mấy tháng giữ chức thủ tướng, cụ nghĩ một tí rồi bảo, có chuyện này, tôi thấy lấp ló sau mỗi thằng quan An Nam đều có một tên ăn cắp vặt.

Ở một bài trước tôi từng đã nhắc đến ngôi đền Ngọc Liên với mấy cây lan cổ thụ, từ lâu rồi chỗ đó đã có một đôi vợ chồng mở quán nước. Trong chiến tranh tôi có đôi lần tạt vào đó ngồi chuyện trò với nhà chị chủ quán.

Chồng chị là bộ đội miền Nam tập kết, quê vùng Bình Định, chuyển ngành ra làm ở thương nghiệp thành phố. Còn chị vốn mồ côi cha mẹ, quê đâu giờ không nhớ nổi, chỉ biết là làng mình nằm ven một con sông đỏ nặng phù sa, trước làng có một cái cổng rõ lớn, trước cổng lớn là một cây gạo lớn, đêm đến hoa gạo rơi lụp bụp như có ma ném trộm.

Cưới nhau xong anh đòi chị phải dẫn đi tìm quê, phải cố tìm về quê hương lấy một lần, dẫu sao cũng là đã lấy được một cô gái xứ Bắc, tự hào lắm chứ, từ thời Quang Trung tới giờ tính ra đã có mấy ai. Anh sắm một chiếc xe đạp mác Phavôrít, râu dài thì mặc râu dài, có phavôrít có đài sau lưng.

Còng lưng đèo vợ suốt mười ngày phép, tạt xuống làng này tạt vào xóm nọ, hỏi han khắp già đến trẻ nhưng xem ra càng đi càng thêm tù mù. Họ đi dọc đê sông Hồng, sông Thái Bình, rồi vòng vào sông Luộc, vòng lên sông Kinh Thầy. Bị bắt giữ một lần ở một làng cũng thấy có cây gạo trước cổng lớn, du kích làng ấy nghi hai vợ chồng là biệt kích trá hình, rủ nhau trinh sát vẽ địa đồ quân khu Tả Ngạn.

Đến lúc được thả ra thì ngoài trời đã sắp tối, hai vợ chồng giục nhau cứ đê lớn mà đạp tháo thân, lúc ấy mới nhớ là từ sáng vẫn chưa có gì lót dạ. Qua một điếm canh đê mừng quá vì thấy trong điếm đang có bà cụ ngồi bán hàng nước.

Bà cụ hiện ra như bụt hiện không bằng. Họ ngồi bóc trứng vịt luộc, mỗi người bóc năm, sáu quả, chấm muối ớt ngon hơn mọi cao hương mỹ vị. Hỏi ra mới biết sắp về đến đất Hưng Yên.

Bà cụ nghe hết nguồn cơn thì thở dài, tình cảnh hai người như thế là càng tìm càng xa xăm, thôi hãy bảo nhau mà quay lại thành phố từ nay đành lấy tổ quốc làm quê hương vậy, ngay tôi cũng vậy, bảy mươi có lẻ rồi mà nào rõ quê cha đất tổ là đâu, lạc đến đây thì bám lấy đây mà sống.

Sau ngày đất nước thống nhất lại đến lượt chị đòi anh đưa mình về thăm quê chồng lấy một lần. Thấy vợ giục mãi không đành, anh phải nói thực, chính anh cũng không còn cha mẹ, lang thang từ tấm bé, vùng quê anh những dừa là dừa, chỗ nào cũng dừa, vườn nọ liền vườn kia, trước ngày vào bộ đội anh là thằng bé hái dừa thuê, anh leo thoăn thoắt lên tít ngọn dừa cao, truyền nhảy từ ngọn cây này qua ngọn cây khác, một chiếc quần cộc mặc quanh năm suốt tháng và một con dao dài gài ở sau lưng, vậy đó.

Mỗi khi tưởng tượng đến quê hương là anh chỉ biết nghĩ đến những vườn dừa ấy mà thôi. Lấy nhau đã mấy mươi năm, đến hôm đó anh mới thấy chị khóc, chị ôm lấy anh mà khóc.

Ôi chao những chuyện quán xá, có mà kể cả ngày không hết, đã quá nửa đời người tôi ngồi đó nghe bàn dân thiên hạ nói, đủ thứ người sang có hèn có, nói suốt năm suốt tháng, nói từ buổi chiến tranh qua buổi hoà bình, nói từ thời tiến lên chủ nghĩa xã hội đến thời đổi mới lao vào kinh tế thị trường, từ thuở thế giới hai phe bốn mâu thuẫn đến thủa thế giới hội nhập phát triển, từ lúc tóc còn xanh nay tóc đã bạc, vậy mà câu chuyện vẫn chưa hết, chưa bao giờ hết, không thể nào ghi kịp và tôi vẫn cứ ngày ngày tìm ra các quán nước tiếp tục lắng nghe, tiếp tục nhớ lại và nghĩ ngợi mung lung. Tôi thấy đời mình xem ra vẫn còn may mắn hơn chán vạn người khác, đời mình chưa đến nỗi nào.

Năm ấy tôi tròn hai chục tuổi, đã có hai tuổi quân, một đêm theo đơn vị kéo pháo ra ga Vĩnh Yên chuẩn bị lên tàu vào bảo vệ cầu Hàm Rồng thì được lệnh ở lại, về Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Người cán bộ được cấp trên cử đi tìm tôi hôm đó là một sỹ quan làm công tác tổ chức, đến lúc đó anh đã sắp có hai chục tuổi quân. Gặp tôi là anh lôi đi ngay, không cho tôi kịp chào bạn bè một câu.

Anh hỏi, chú đói không? Tôi nói, tuổi em lúc nào chả đói. Anh lại hỏi, bà cụ chú đang sống bên Bắc Ninh? Tôi vâng. Được, bây giờ ta ra phố kiếm cái gì cho vào bụng, vừa ăn vừa bàn công việc.

Lúc bấy giờ tìm một hàng ăn vào ban ngày đã khó nói gì là đêm, loanh quanh hồi lâu trong mấy phố vắng không đâu có ánh đèn, bảo nhau mò ra một xóm ngoại ô. Đến đấy thì gặp một bà cụ ngồi bán cháo gà. Anh rút tiền mua hai bát cháo có rắc nhúm thịt gà xé tơi như bông.

Húp xong bát cháo, uống vội hớp nước vối anh dặn tôi, cho chú về qua nhà ba ngày, sau đó phải có mặt ở trạm khách quân chủng, nhớ đấy. Tôi sẽ ra đón chú. Bây giờ ta tạm chia tay, tôi tranh thủ đạp xe về thăm vợ con ở Tuyên Quang, chú nhận lệnh về Hà Nội còn tôi đã nhận lệnh phải đi tuyến trong.

Chúng tôi cùng đứng dậy chào bà cụ đang ngồi ôm nồi cháo bên ngọn đèn hạt đỗ gọi là đèn chai. Một cái chai được cắt đít chụp vào ngọn lửa. Một túp lều cóc che bằng mấy tấm liếp sơ sài, mái lợp mấy vỉ lá mía khô. Một rặng tre um tùm kẽo kẹt kêu trong đêm.

Ba hôm sau tôi có mặt đúng hẹn ở Hà Nội, người ra đón tôi về đơn vị mới lại không phải là anh mà là một người khác. Anh ấy đã vào mặt trận. Ngày tôi vào công tác trong Trường Sơn thì biết anh có mấy năm làm chính ủy một trung đoàn pháo phòng không bảo vệ tuyến đường 20, nhưng anh đã hy sinh trong một trận đánh gần ngầm Cà Roòng.

Tôi chưa bao giờ quên anh, chưa bao giờ quên cái đêm hai anh em đã ngồi trong quán nghèo sau lũy tre già của một thị xã trung du. Một mái lá xa xa gần gần trong một đêm xa xa gần gần. Những bóng người thấp thoáng, những bóng tháng năm thấp thoáng tôi gặp tôi đi.

Càng sống càng mang nặng cảm giác mắc nợ. Nợ đời, nhìn ra tất cả đều đã lấm láp. Đêm nằm trằn trọc khó ngủ, tôi mong sẽ có một lần được trở lại giấc mơ của tuổi thơ. Bà lão ngồi trong một mái lều dưới bóng cây đa cổ tích, mau mắn xếp những trái thị chín vàng lên mặt chõng, vó ngựa gõ dập dồn và chị Tấm từ sau khung cửa khoan thai bước ra trong xiêm áo ngày hội. Rồi bàn chân con gái ngượng ngùng ướm lên chiếc hài vương giả. Bóng chị đi ẩn hiện sau bờ dậu đầy bướm hoa, mùi thị chín ngào ngạt một vùng non nước.

5/2007
Nhà văn Đỗ Chu

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.