Metro Bến Thành – Suối Tiên: Bê tông cầu cạn nứt, vỡ do rơi gối cao su

Metro Bến Thành – Suối Tiên: Bê tông cầu cạn nứt, vỡ do rơi gối cao su
TPO - Một gối cao su tại vị trí P14-10 thuộc đoạn cầu cạn VD14 của gói thầu CP 2 thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) bất ngờ mất ổn định và bị rơi khỏi đá kê gối sau khi đã lắp dầm đe dọa đến chất lượng công trình và sự an toàn trong quá trình vận hành, chạy tàu trong tương lai.

Tối 10/11, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) xác nhận vừa có văn bản "khẩn" gửi Giám đốc dự án Liên danh NJPT (tư vấn chung), Giám đốc dự án Liên danh Sumitomo - CIENCO6 (tổng thầu thi công) về sự việc rơi gối cao su khỏi đá kê gối sau khi lắp dầm tại vị trí P14-10 thuộc đoạn cầu cạn VD14 của gói thầu CP2 dự án tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên.

Đại diện MAUR cho biết sự việc được phát hiện vào ngày 30/10 khi tổ công tác kiểm tra hiện trường gồm MAUR, Liên danh Sumitomo - CIENCO6 (SCC), Liên danh NJPT kiểm tra thực tế tại vị trí P14-10 thuộc đoạn cầu cạn VD14 của tuyến metro số 1.

Tại thời điểm kiểm tra, gối cao su (gối trái theo hướng từ Bến Thành đi Suối Tiên) sử dụng cho dầm cầu cạn tại vị trí P14-10 (thuộc đoạn cầu cạn VD14) bị rơi khỏi đá kê gối không rõ nguyên nhân. Đoạn cầu cạn trên đã được lắp dầm vào năm 2016.

Metro Bến Thành – Suối Tiên: Bê tông cầu cạn nứt, vỡ do rơi gối cao su ảnh 1 Vị trí cầu cạn bị rơi gối cao su. Ảnh: CTV

Sự cố trên đã làm hư hỏng thanh ray đỡ bên dưới và gây hư hỏng, nứt vỡ bê tông đệm ray tại vị trí VD14. Theo đánh giá của tổ công tác, gối cao su sử dụng cho dầm cầu cạn bị mất ổn định rơi khỏi đá kê gối sau khi lắp dầm có thể làm giảm chất lượng công trình và an toàn vận hành chạy tàu trong quá trình khai thác tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên.

Theo đó, cả đoạn dầm hoàn thiện đã được lao lắp nếu gối cao su bị rơi khỏi đá kê gối sẽ bị uốn xoắn do phân bố lực không đồng đều, có khả năng làm bản đáy, thành dầm chữ U bị nứt khiến khả năng chịu lực bị giảm và ảnh hưởng đến chất lượng và tuổi thọ của công trình, gây nguy cơ mất an toàn chạy tàu trong tương lai khi công trình được đưa vào khai thác sử dụng.

MAUR đã yêu cầu Liên danh SCC khẩn trương tổ chức điều tra nguyên nhân xảy ra sự việc nhằm đánh giá đúng bản chất vấn đề, có báo cáo và trình phương án khắc phục, sửa chữa, đảm bảo chất lượng của công trình trước ngày 13/11. Việc thực hiện sửa chữa khắc phục tại vị trí trụ P14-10 hoàn thành trước ngày 30/11.

Bên cạnh đó, MAUR cũng yêu cầu Liên danh NJPT phối hợp với Liên danh SCC kiểm tra, xác nhận, ghi hình các công tác kiểm tra, xử lý hiện trường, ghi nhận nhật ký thi công đầy đủ. Cả hai liên danh nhà thầu phải rà soát toàn bộ thủ tục kiểm tra, lựa chọn nhà cung cấp, hồ sơ thí nghiệm đầu vào, tần suất thí nghiệm đối với vật liệu gối cao su Mageba có đảm bảo tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng và báo cáo chủ đầu tư trước ngày 13/11.

Metro Bến Thành – Suối Tiên: Bê tông cầu cạn nứt, vỡ do rơi gối cao su ảnh 2 Bê tông bị nứt, vỡ do rơi gối cao su khỏi vị trí đá kê gối. Ảnh: CTV

Ngoài ra, Liên danh SCC có trách nhiệm rà soát toàn bộ chất lượng, vị trí các gối cầu hiện trạng cho tất cả các kết cấu hiện hữu thuộc gói thầu, so sánh và đối chiếu cao độ gối, chuyển vị trí (nếu có) so với yêu cầu thiết kế đã được phê duyệt nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho dự án và báo cáo kết quả thực hiện cho Ban Quản lý đường sắt đô thị trước ngày 15/12.

Theo MAUR, các hư hỏng nói trên hoàn toàn thuộc trách nhiệm của Liên danh SCC với vai trò Tổng thầu. Do đó, SCC hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với chất lượng công trình, thực hiện các biện pháp kiểm tra, khắc phục, sửa chữa bằng chính kinh phí của nhà thầu SCC.

Sáng 11/11, Tiền Phong đã cố gắng liên lạc qua điện thoại để tìm hiểu thêm về nguyên nhân và hướng khắc phục sự cố nhưng ông Bùi Xuân Cường - Trưởng ban MAUR không bắt máy.

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên được khởi công từ năm 2012 với tổng kinh phí đầu tư sau khi điều chỉnh gần 2,5 tỷ USD. Toàn tuyến có chiều dài 19,7 km, trong đó có 2,6 km đi ngầm và 17,1 km trên cao với 14 nhà ga bao gồm ba ga ngầm, 11 ga trên cao và Depot tại phường Long Bình (quận 9, TP.HCM).

Dự án có 4 gói thầu chính, gồm: Gói thầu CP1a (Đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP), gói thầu CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát TP đến ga Ba Son), gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) và gói thầu CP3 (Mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng).

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.