Méo mặt tìm quán cơm sau tết

Quán ăn dùng báo che biển quảng cáo để “trốn khách”. Ảnh: Quỳnh Nga
Quán ăn dùng báo che biển quảng cáo để “trốn khách”. Ảnh: Quỳnh Nga
TPO - Tuần làm việc đầu tiên sau Tết nguyên đán, công nhân, nhân viên văn phòng “méo mặt” tìm quán ăn vì đa số “nghỉ tết”. Giá các loại thực phẩm, rau xanh ở mức cao, thậm chí cao hơn trước tết do tiểu thương nghỉ lễ du xuân, đi chùa cầu may. 

Quán ăn che biển “trốn khách”

Trưa 17/2, ngày làm việc thứ 3 sau kỳ nghỉ lễ, anh Nguyễn Tuấn Minh (nhân viên văn phòng tại Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đi lòng vòng 5 tuyến phố gần cơ quan nhưng không tìm được quán cơm. 

“Mấy ngày trước, tôi phải đi ăn bún, phở qua bữa dù rất thèm cơm văn phòng. Các cửa hàng quen treo biển thông báo qua rằm tháng Giêng mới mở cửa trở lại. Có cửa hàng mở cửa, đồ ăn không ngon, lại chặt chém, giá cao hơn ngày thường từ 10.000-15.000 đồng/suất cơm”, anh Tuấn Minh phàn nàn.

Theo khảo sát của PV Tiền Phong tại các tuyến phố ở Hà Nội như Cầu Giấy, Nguyễn Phong Sắc, Hồ Tùng Mậu, Hoàng Quốc Việt… đa số nhà hàng, quán ăn đều cửa đóng then cài. Hơn chục quán ăn trên phố Duy Tân (Cầu Giấy) chỉ duy nhất một cửa hàng mở cửa. Với các quận, huyện tập trung nhiều trường đại học, các quán ăn chờ ngày sinh viên quay lại trường mới mở cửa.

Anh Nguyễn Văn Đức, nhân viên quán cơm bình dân duy nhất trên đường Tôn Thất Thuyết (Cầu Giấy) tất bật tay chân bởi khách đông gấp 3 ngày thường. “Tôi mở hàng đầu năm từ ngày mùng 6, khách đông, vất vả hơn rất nhiều. Các loại thực phẩm như rau xanh, thịt.. hiếm hoi, không có nhiều sự lựa chọn, giá bán lại cao. Để giữ khách quen và lấy may đầu năm, tôi không tăng giá nên dù bán được nhiều suất cơm, cũng không được lời bao nhiêu”, anh Đức cho biết.

Tại phố Pháo Đài Láng (Đống Đa, Hà Nội), chủ quán cơm Tấn Đạt cho biết, rằm tháng Giêng mới mở cửa vì đầu năm đi chùa cầu may và nhân viên ở xa nên đi làm muộn. Để tránh tình trạng khách quen đến bấm chuông, gọi điện hỏi cơm, anh Đạt phải dán các tờ báo che biển quán ăn.

Theo nhiều chủ quán ăn, đầu năm nguồn thực phẩm chưa dồi dào, hay bị ép giá, lượng khách hàng chưa ổn định. Hơn nữa, với tâm lý “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, nhiều người đi chùa cầu may mắn, du xuân bù lại cả năm bận rộn.

Để đối phó với tình trạng quán ăn “cửa đóng, then cài”, nhiều nhân viên văn phòng mang theo cơm trưa từ nhà. Chị Nguyễn Nhung (Cao Bá Quát, Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Rút kinh nghiệm năm nào sau tết cũng vật vã tìm quán ăn trưa, trước tết, tôi mua sẵn hộp đựng cơm. Sáng đi làm mang cơm nhà đi, buổi trưa đặt cơm vào lò vi sóng cho nóng và ăn ở văn phòng luôn”.

“Săn” gà trống cúng lễ

Tại các chợ truyền thống ở Hà Nội như Chợ Hôm, chợ Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Thành Công… chỉ một nửa tiểu thương quay trở lại buôn bán. Trên các tuyến phố vắng bóng người bán hàng rong. Giá các loại thịt lợn, thịt bò, thịt gà giữ mức cao. Thịt lợn tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg. Với gia cầm, loại gà trống ta được nhiều người tìm mua nhất để cúng lễ đầu năm.

Méo mặt tìm quán cơm sau tết ảnh 1

Nhiều người săn gà trống cúng lễ đầu năm. Ảnh: Như Ý

“Đi lễ chùa, ai cũng muốn sắm mâm xôi gà cúng lễ, rồi cúng tại nhà riêng nên dù giá cao, nhiều người vẫn không mua được. Khách đặt nhiều nhưng tôi không dám hứa trước vì đa số người dân bán hết gà trống vào dịp tết. Khách quen đặt từ trước tết, tôi phải dặn các trang trại, mối quen để dành”, chị Trần Thị Mùi, chuyên bán gà ta tại chợ Khương Trung cho biết.

Tại chợ Khương Trung (quận Thanh Xuân), giá rau cao hơn trước Tết nguyên đán, cao gần gấp 3 ngày thường. Cà chua 35.000 đồng/kg; su hào 8.000- 12.000 đồng/củ; rau cải cúc 7.000 đồng/bó; bắp cải 25.000 đồng/kg…

Méo mặt tìm quán cơm sau tết ảnh 2

Giá các loại thực phẩm tăng cao. Ảnh: Như Ý

“Mọi năm, ra tết, giá rau củ quả sẽ dần ổn định nhưng năm nay, thời tiết thất thường, đợt rét đậm trước tết khiến rau không phát triển. Tranh thủ ngày nắng ấm sau Tết, các tiểu thương đi lễ chùa cầu may khiến nguồn cung rau càng khan hiếm hơn. 


Hơn nữa, lượng khách đông đảo là sinh viên vẫn chưa trở lại trường học nên nhiều người ở quê cùng gia đình đến qua rằm tháng Giêng mới ra bán hàng. Tôi không phải thuê nhà nên mở cửa bán sớm, cho người dân trong phố”, chị Lê Thị Bích, chủ quầy rau tại phố Pháo Đài Láng (Hà Nội) cho biết.

Rau xanh ngoài chợ khan hiếm, tăng giá cao, nhiều người tiêu dùng chuyển sang rau, củ quả của người quen chuyển từ các vùng ngoại thành Hà Nội như Đông Anh, Thường Tín, Hoài Đức, Quốc Oai… Theo chị Thu Hà (Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm), dịp tết về quê, gặp gia đình người quen trồng rau sạch ở huyện Quốc Oai, chị đặt vài chục bó rau. Ngày làm việc, có người vận chuyển đến tận nhà, vừa có rau an toàn, vừa không bị chặt chém và chia sẻ cho bạn bè, đồng nghiệp ngày đầu năm.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.