Từ một, hai địa phương ban đầu, nay dịch bệnh hiểm nghèo đã lan ra cộng đồng dân cư ở cả chục tỉnh, thành. Thống kê từ Bộ Y tế, cả nước mỗi ngày có tới vài ba chục ngàn ca phải cách ly y tế. Thiệt hại về vật chất, tinh thần tăng theo cấp số nhân. Các ca bệnh và số người phải cách ly xuất phát từ việc đi lại làm ăn thì ít, mà về quê đón Tết là chủ yếu.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo các địa phương phòng chống dịch trên cơ sở khoanh vùng dập dịch nhanh gọn nhất có thể, nhưng không được “ngăn sông cấm chợ” đối với bà con, cũng như việc vận chuyển hành khách, hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất,... Bởi thực tế đã có vài nơi có biện pháp thái quá trong việc ngăn chặn dịch bệnh.
Đây là chỉ đạo rất kịp thời và nhân văn của người đứng đầu Chính phủ. Tuy nhiên, nhân văn xét cho cùng đều phải xuất phát từ chính bản thân mỗi người. Trong trường hợp này là giữ an toàn trước dịch bệnh cho chính bản thân mình, gia đình mình, bà con họ hàng, chòm xóm địa phương mình. Khi phải chọn lựa, giữa việc về quê hương vui xuân đón Tết cùng gia đình, người thân sau cả năm trời xa cách, hay là “ngồi yên” tại chỗ, hy sinh một cái Tết sum vầy. Nhất là với những người đang sống và làm việc tại vùng có dịch.
Cô em gái tôi ở Hà Nội, vừa phải hủy vé máy bay về Đà Nẵng của ba mẹ con. Mẹ già đau ốm, con cháu chỉ mong mấy ngày nghỉ Tết để tranh thủ về chăm nom, đỡ đần. Dù thời điểm này vẫn có thể bay về, nhưng chấp nhận dừng. Bởi sẽ khó lường những hệ lụy tiếp theo.
Hiện Đà Nẵng chưa có dịch COVID-19, nhưng mỗi ngày hàng ngàn vé máy bay, tàu lửa, ô tô bị hủy. Đồng nghĩa với hàng ngàn người chấp nhận mất cái Tết với quê hương. Người các nơi khác có lẽ cũng vậy. Thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam vừa nhờ các Hội đồng hương người Quảng vận động bà con đang lao động, học tập, sinh sống tại các địa phương, nhất là các vùng có dịch hạn chế về quê ăn Tết. Đó là nghĩa cử đẹp, thân thương và trách nhiệm, với quê hương và người thân, cả lúc vui cũng như lúc lo.
Các sân bay, bến tàu, bến xe vốn là “mùa vàng” vào thời điểm này, nhưng giờ nhiều nơi mênh mông không một bóng khách là điều rất buồn cho các doanh nghiệp vận tải vốn đã liêu xiêu, khốn khó vì dịch bệnh, bão lũ lâu nay. Nhưng biết làm sao được! Sự hy sinh của các doanh nghiệp, cũng như mỗi người dân lúc này là điều rất đáng ghi nhận và khích lệ. Để giảm thiểu, hạn chế thiệt hại về vật chất, sức khỏe và cả nhân mạng cho toàn xã hội, vốn sẽ rất lớn nếu không khoanh vùng dập dịch nhanh chóng.
Đoàn viên ngày Tết là nét đẹp nhân văn, là giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc ta đã hàng ngàn năm qua. Đó là động lực, là sức mạnh khiến mỗi người chúng ta đủ sức vượt lên mọi gian khó, trở ngại, mọi xa xôi cách trở ngày thường.
Nhưng Tết này, một cái Tết sẽ đi vào lịch sử, khi mệnh lệnh tự thân của mỗi người chúng ta lúc này, đó là cần phải biết “hy sinh” ... T.Q