Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu

Minh Khuê và mẹ Hải Âu tại thị trấn Concord (Massachusetts, USA)
Minh Khuê và mẹ Hải Âu tại thị trấn Concord (Massachusetts, USA)
TP - Niềm hạnh phúc lớn nhất của người mẹ là nuôi dạy con thành công. Điều này, người mẹ nào cũng biết, nhưng không phải ai cũng làm được. Tôi có quen biết một người mẹ không những nuôi dạy con gái thành công mà còn viết được một cuốn sách về chính kinh nghiệm dạy con của mình, một cuốn sách mà theo tôi những người làm cha, làm mẹ nên đọc.
Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu ảnh 1
 

Đó là cuốn sách của nhà văn, nhà báo Hồ Thị Hải Âu, một tác phẩm dày trên 700 trang, nhưng hấp dẫn từ trang đầu đến trang cuối cùng.

Không phải chuyện ngôn tình, cũng không phải những chuyện giật gân câu khách mà là một công trình nghiên cứu nghiêm túc, với nhiều ý tưởng mới mẻ, sâu sắc, kết hợp hài hòa giữa truyền thống giáo dục của Việt Nam, của phương Đông với nhiều phương pháp giáo dục hiện đại, tiên tiến của thế giới ngày nay. Và, tôi thiển nghĩ đó thực sự là một cuốn sách có ích cho nhiều người...

Tôi đã xuất bản cuốn “Chuyện gia đình những người nổi tiếng” (Nhà xuất bản Văn Học 2015), bởi vậy, tôi biết giáo dục gia đình là rất quan trọng, bởi gia đình là nền tảng của xã hội. Những gia đình nổi tiếng ở Việt Nam đều coi trọng truyền thống mà ta gọi là GIA GIÁO. Ấy là giáo dục con cái ngay trong gia đình, ngay từ khi còn rất nhỏ.

“Đứa trẻ là một tiểu vũ trụ kỳ diệu và toàn vẹn, là tổng hòa của mọi mối quan hệ tự nhiên và xã hội. Do đó, để dẫn dắt đứa trẻ đến trưởng thành, vững vàng và hoan lạc, chúng ta cần học cách tư duy khoa học - nhân học toàn vẹn”, đó chính là quan điểm nhất quán của tác giả Hồ Thị Hải Âu. Quan điểm này soi chiếu mọi luận cứ, mọi dẫn dụ, mọi sự phân tích rất sinh động trong cuốn “Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu”.

Từ “Con đường tuệ giác để đồng hành cùng con”, đến “Quy luật sinh tồn tự nhiên - Hệ xương sống của triết lý dạy con sáng suốt”, những chương đầu tiên này đã soi rọi cho chúng ta sự bắt đầu bằng  “Tình mẫu tử tuệ giác - cơn mưa bất tận”, ấy là sự bắt đầu từ người mẹ “Mẹ trở nên thông minh, mẹ trở nên sáng tạo, mẹ trở nên can đảm và gan góc lạ thường. Và quan trọng hơn,  mẹ trở nên biết yêu thương rộng lớn. Bởi, chính con là nguồn cảm hứng yêu thương bất tận...”.

Thực ra, người mẹ nào chẳng yêu thương hết mình, tất cả vì con. Nhưng, để trở thành một người mẹ thông minh, biết yêu thương con, người mẹ phải biết được những quy luật của tự nhiên và xã hội tác động đến con mình. Bởi vậy “Nỗ lực giúp trẻ hợp thông với thiên nhiên, nhận diện những quy luật của tự nhiên ấy là bạn đang được MẸ THIÊN NHIÊN dẫn dắt, cho bạn những gợi ý sáng suốt, để hành trình đồng hành của bạn cùng đứa trẻ luôn tràn đầy tuệ giác, hoan hỉ”(trang 92). Đó thực sự là một quan điểm chuẩn mực, mới mẻ, hiện đại, quan điểm giáo dục tiên tiến của thế giới hiện nay; Nó khác hẳn với quan điểm áp đặt sự mong muốn chủ quan của những bậc làm cha, làm mẹ lên con mình, dù đó là những mong muốn tốt đẹp nhất.

Bây giờ, nhiều bậc làm cha, làm mẹ nhất là những người trẻ, những nhóm cha mẹ có tư tưởng cách tân, lại có quan điểm gần như ngược lại với lối tư duy áp đặt trên. Đó là quan điểm giáo dục nói như tác giả Hồ Thị Hải Âu là “4 không”: Không áp lực, không cạnh tranh, không kỷ luật, không tổn thương.

Mới nghe qua, ta thấy hay, nhưng thực ra, cuộc sống vô cùng khắc nghiệt, luôn đầy áp lực, luôn có sự cạnh tranh cho nên những bậc làm cha làm mẹ dù muốn hay không cũng không thể đặt con mình ra ngoài môi trường xã hội, và quan điểm giáo dục theo kiểu mà tác giả cuốn sách gọi là “Kỷ luật không nước mắt” chính là “Cơn hoang tưởng trả giá bằng nước mắt”. Với những phân tích, dẫn dụ cụ thể, sinh động Hồ Thị Hải Âu thuyết phục người đọc, trong đó có tôi.

Bắt đầu từ người mẹ, tác giả Hồ Thị Hải Âu đã dẫn dụ những tình huống sinh động có sự so sánh, phân tích, khi cùng một tình huống cách nghĩ, cách xử sự của ba người mẹ ở ba đất nước khác nhau: Người mẹ Trung Quốc; Người mẹ Mỹ và người mẹ Việt Nam để từ đó có cái nhìn khách quan, chân thật, đầy sức thuyết phục về quan điểm của mình.

Tôi hoàn toàn đồng tình với tác giả cuốn sách này khi tác giả cho rằng: Dạy con, nghệ thuật dẫn dắt chứ không chỉ là phương pháp. Sự dẫn dắt thông minh, hợp với quy luật tự nhiên và xã hội, dẫn dắt toàn diện và hài hòa như tác giả đã trình bày trong “Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu”.

Từ thực đơn buổi sáng, đến toàn bộ thực dưỡng cho con trẻ: “Thực dưỡng là nguồn nước sạch và thực phẩm hữu cơ, thực phẩm ít chế biến, giầu chất xơ”. Thực dưỡng không chỉ cho cái dạ dày mà còn tạo nên sự “Cưng chiều bộ não”.

Từ thực dưỡng, đến: Tìm thấy cơ chế “Hứng thú” bí quyết của thành tựu trong học tập của trẻ...Rồi cách tìm gia sư, nguyên tắc chọn trường cho con, cơ chế hoàn hảo để hợp thu kiến thức  là sự hứng thú và tin cậy giữa thầy và trò vv...

Điều tôi thích thú nhất trong cuốn sách là sự kết hợp giữa những nguyên lý cơ bản trong giáo dục con trẻ và những dẫn dụ sinh động. Đó là những câu chuyện cụ thể, những câu chuyện của chính con gái tác giả, cháu Minh Khuê, những chuyện do chính tác giả chứng kiến hay của chính tác giả khi hồi tưởng lại thời thơ ấu của mình. Là một nhà văn, một nhà báo, nên Hồ Thị Hải Âu có thế mạnh trong những dẫn dụ sinh động, giàu sức thuyết phục.

Cứ sau mỗi chương, mỗi vấn đề đặt ra, tác giả thường đúc kết thành những nguyên lý mà theo tôi là rất chuẩn.

“Thành công đích thực của cuộc đời là được sống hoan hỷ với giới tính đích thực của cá nhân ấy. Thành công đích thực của hành trình dẫn dắt con cái là được thấy đứa trẻ lớn lên mơn mởn, hài hòa với giới tính tràn đầy của nó. Đứa trẻ hợp thông với bản thể, với tự nhiên và hãnh diện với giới tính của nó - phải được coi là mục tiêu để mẹ Việt nỗ lực dẫn dắt đứa trẻ của mình...” (trang 604).

Một trong những đặc tính, hay thuộc tính của người mẹ là nói nhiều. Nhất là với các con. Điều này có làm cho con “Chán ngán”, dẫn đến vô tác dụng và phản tác dụng hay không? Bằng chính những tâm sự với con gái Minh Khuê, Minh Khuê đề nghị mẹ viết sách “Mắng con thế nào cho có hiệu quả”, tác giả đã dẫn dụ và đúc rút ra những điều mà theo tôi là có ích: “Tuệ giác và tình yêu vô điều kiện của bạn dành cho đứa trẻ sẽ khiến cho điều bạn thuyết phục nó có trọng lượng và có động lực để đứa trẻ thay đổi. Nếu ngược lại thì sự “nói nhiều” sẽ khiến  “mất uy tín trầm trọng” trước đứa trẻ của mình ...

Xưa nay, người ta vẫn cho rằng những người viết hay, nói hay dành cho người khác, nhưng với các con của mình, trong gia đình mình thì  nhiều khi là ngược lại! Thực tế, không phải là không có điều đó. Với tác giả Hồ Thị Hải Âu khi viết cuốn “Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu” chính là bằng kinh nghiệm, bằng thực tế dạy con gái mình.

Hiện giờ con gái Minh Khuê của chị thực sự đã trưởng thành. Hồ Thị Hải Âu cho biết, Minh Khuê đã tốt nghiệp Harvard, trường đại học danh tiếng thế giới hôm 25/5/2018,  đã nhận được thẻ làm việc 3 năm của chính phủ Mỹ tại một hãng luật lớn tại thành phố xinh đẹp San Francisco.

Ngoài giờ làm việc, Minh Khuê còn tham gia học các khóa nâng cao về hội họa và âm nhạc. Minh Khuê thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp.

Có lẽ, đó cũng là một ví dụ đầy thuyết phục cho bạn đọc khi đọc cuốn sách này .

Hiện giờ con gái Minh Khuê của chị thực sự đã trưởng thành. Hồ Thị Hải Âu cho biết, Minh Khuê đã tốt nghiệp Harvard, trường đại học danh tiếng thế giới hôm 25/5/2018,  đã nhận được thẻ làm việc 3 năm của chính phủ Mỹ tại một hãng luật lớn tại thành phố xinh đẹp San Francisco.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.