Máy thở “nín thở”, lãng phí tiền tỷ

Khi báo chí vào cuộc, ngày 26/5, các máy thở thuộc gói thầu số 1 nằm trong kho Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương lại được đem ra kiểm tra, đánh giá? Ảnh: Quốc Ngọc.
Khi báo chí vào cuộc, ngày 26/5, các máy thở thuộc gói thầu số 1 nằm trong kho Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương lại được đem ra kiểm tra, đánh giá? Ảnh: Quốc Ngọc.
TP - Toàn bộ 20 máy giúp thở (máy thở) trang bị cho Bệnh viện tỉnh Bình Dương phục vụ công tác phòng chống dịch cúm gia cầm vừa đưa về đã hỏng. Hiện phần lớn thiết bị đang nằm “đắp chiếu” trong kho suốt gần 6 năm kể từ ngày mua về.

Từ phản ánh của bạn đọc, phóng viên Tiền Phong đã phát hiện nhiều khuất tất liên quan đến gói thầu số 1 thuộc dự án “Công trình mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống cúm gia cầm và đại dịch cúm A/H5N1 ở người” do Sở Y tế tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư năm 2010.

Máy Thụy Sỹ chưa dùng đã hỏng

Ban đầu, gói thầu số 1 bao gồm mua 20 máy thở đa năng hiệu Raphael Color để trang bị cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương. Khoảng tháng 8/2010, máy được chuyển về bệnh viện. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau khi tiếp nhận, 20 máy thở đều không vận hành.

Dù Công ty TNHH Kỹ thuật XIN (quận Tân Bình, TPHCM) - đơn vị trúng thầu - luôn “khẳng định” máy chính hãng Hamilton (Thụy Sỹ) mới 100%, nhưng thực tế tất cả các máy thường xuyên hỏng hóc. Một bác sĩ cho biết, khi cho bệnh nhân sử dụng khoảng 10-15 phút là máy báo động phải ngưng sử dụng, không bảo đảm an toàn cho tính mạng người bệnh. Nhiều lần công ty cho nhân viên đến khắc phục, sửa chữa nhưng các máy vẫn “nín thở”.

Chính vì thế, phải 8 tháng sau, ngày 8/4/2011, gói thầu số 1 mới được ký nghiệm thu. Và 20 máy thở mua từ kinh phí phòng chống dịch từ gói thầu này cũng nằm “đắp chiếu” trong kho bệnh viện. Cũng vì chuyện “lạ lùng” này, nên công an đã phải vào cuộc điều tra.

Tại buổi làm việc với Phòng cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế - Công an tỉnh Bình Dương và bệnh viện vào tháng 8/2014, phía Công ty CP Schmitd (đại diện chính thức của Hamilton khu vực phía Nam) xác nhận 20 máy thở hiệu Raphael Color của hãng bị hỏng van air, van xông khí dung, bẫy nước air, oxycell… 

Đáng lưu ý, đại diện của hãng khẳng định bộ nén khí đi kèm 20 máy của gói thầu số 1 không phải là hàng của hãng. Không thể xác định được nguồn gốc, xuất xứ của các thiết bị nén khí này bởi bên ngoài được đóng thùng bằng… ván ép. 

Bên trong chỉ có mô-tơ dán tem Thomas và được treo bằng 4 sợi dây dù vào khung sắt, kèm các bộ phận giải nhiệt. Chính vì sự không đồng bộ này, dẫn đến việc 20 máy thở Raphael Color không thể hoạt động.

Tiền ký quỹ sửa máy cũng “biến mất”?

Trao đổi với chúng tôi, đại diện ban giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương cho biết, sau nhiều cố gắng sửa chữa, đến nay mới chỉ có 5/20 máy thở nói trên sử dụng được.

Nhiều cán bộ trong ngành y đặt câu hỏi về việc có quá nhiều “bất thường” liên quan đến gói thầu số 1 do Sở Y tế Bình Dương làm chủ đầu tư, tổ chức đấu thầu và mua sắm cho công tác phòng chống dịch: mới mua về, cả 20 máy trong 1 gói thầu đều hỏng; sau nhiều năm “vật lộn” bệnh viện chỉ dùng được 5 máy; kết cấu máy không đồng bộ, bộ phận nén khí như hàng lạc-xoong, chợ trời…? 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá một máy thở Raphael Color vào khoảng 300 triệu đồng/máy. Mỗi bộ nén khí chính hãng Hamilton có giá từ 4.000-5.000 USD. Nhiều cán bộ ngành y đề nghị làm rõ 20 bộ nén khí “chợ trời” kia giá bao nhiêu và được ghi trong hợp đồng mua sắm cũng như biên bản bàn giao thiết bị thuộc “thương hiệu” nào, cấu hình ra sao?

Khi chúng tôi tìm đến Sở Y tế tỉnh Bình Dương để làm rõ những vấn đề trên, thì được hứa sẽ trả lời bằng văn bản. Tuy nhiên, đến nay đã gần 1 tháng trời, sở này vẫn im lặng và tiếp tục hứa.

Một vấn đề nữa, mỗi lần sửa máy thở Raphael Color bệnh viện phải trả tiền sửa từ 40-50 triệu đồng/máy. Thế nhưng, khoản tiền 5% ký quỹ thuộc dự án để sử dụng cho việc sửa chữa máy hiện cũng không biết “biến” đi đâu?

Một bác sĩ cho biết, khi cho bệnh nhân sử dụng khoảng 10-15 phút là máy báo động phải ngưng sử dụng, không bảo đảm an toàn cho tính mạng người bệnh. Nhiều lần công ty cho nhân viên đến khắc phục, sửa chữa nhưng các máy vẫn “nín thở”.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.