Mây Podcast là địa điểm “chữa lành” quen thuộc của giới trẻ với những nội dung chia sẻ, chiêm nghiệm về những câu chuyện thường ngày gửi gắm giá trị tích cực trong cuộc sống. Cùng giọng nói truyền cảm, ấm áp cùng các nội dung chia sẻ, chiêm nghiệm, Khánh Vân nhanh chóng thu về nhiều thành tích đáng nể chỉ trong chưa đầy một năm hoạt động: Đạt top 1 bảng xếp hạng (BXH) Spotify và được nghe trên gần 50 quốc gia, top 6 BXH Apple Podcasts, đạt gần 900 nghìn lượt nghe trên nền tảng Spotify, kênh Tik Tok Mây Podcast sở hữu hơn 140 nghìn lượt follow,...
Lý giải về tên gọi, cô nàng cho biết: “Mây là đám mây hoặc May trong tiếng Anh là tháng 5. Có thể là tháng 5 trong 12 tháng hoặc là 'tháng năm' của thời gian. Tất cả tuỳ theo cách bạn hiểu, theo góc nhìn của bạn".
Mây Podcast đạt top 1 BXH Spotify và được nghe trên gần 50 quốc gia; top 6 BXH Apple Podcasts, đạt gần 900 nghìn lượt nghe trên nền tảng Spotify; kênh Tik Tok Mây Podcast sở hữu hơn 140 nghìn lượt follow,...
Các nội dung đến từ Mây Podcast phần lớn đều mang màu sắc tươi sáng, cổ vũ, lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đến thính giả. “Hãy lắng nghe lời nhắc nhở thầm lặng của trái tim sau một ngày dài tất bật bạn đã bỏ quên nó. Ở đây là một thế giới của riêng bạn, chỉ bạn có quyền chiêm nghiệm, định đoạt, tưởng tượng ra những điều 'điên rồ' của bạn.”
Thế nhưng ít ai biết rằng khả năng chữa lành cho mọi người ngày hôm nay là cả một hành trình dài Khánh Vân vật lộn với những mất mát. Đó là hành trình thức tỉnh của cá nhân cô bạn với những giá trị cuộc sống.
Mình muốn chúng ta trân quý giây phút hiện tại, trân trọng sự tồn tại mình.
“Mây Podcast ra đời bắt nguồn từ một lý do khá buồn. Có một khoảng thời gian mình cảm thấy mình gần như 'chết' ở tâm hồn khi mình biết tin người yêu mình mất. Mình nhận thức được họ thật sự rời khỏi thế giới này như một lời cảnh tỉnh khiến mình phải sống khác, trân trọng giây phút hiện tại và những người mình yêu thương hơn. Mình nhận ra mỗi người chúng ta còn đang có quá nhiều thứ nhưng họ không biết trân trọng. Đặc biệt, họ quên mất sự hiện diện của bản thân là một điều quý giá. Vậy nên, đó là lí do mình làm Podcast, mình muốn chúng ta trân quý giây phút hiện tại, trân trọng sự tồn tại mình và mình muốn chữa lành cho mọi người vì mình còn vượt qua được mà. Trên đời này, ngoài chuyện sinh - tử, mọi thứ đều là chuyện nhỏ”.
Khánh Vân lựa chọn podcast là hình thức thể hiện những tâm tư, suy nghĩ của mình bắt nguồn từ nhu cầu muốn tâm sự, trò chuyện để tự chữa lành. “Khi ngồi trong căn phòng nhỏ thân thuộc của mình và chia sẻ thông qua chiếc micro, mình cảm thấy thoải mái, tự tin, có thể thể hiện được những cảm xúc chân thật nhất. Lúc đó mình cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Hơn nữa, hình thức Podcast lúc đó còn rất mới nên mình muốn thử sức với những điều mới mẻ”.
Cô nàng cho biết việc lắng nghe bản thân là nguồn cảm hứng lớn lao cho mình. Việc tự thấu hiểu giúp giải quyết những nỗi đau sâu xa, một cách gốc rễ thay vì trông chờ ở một điều gì bên ngoài.
“Mình chọn hướng vào tâm thức, lắng nghe chính bản thân mình và cố gắng thấu hiểu những gì trái tim vẫn luôn cố gắng truyền tải cho mình. Mình trò chuyện với chính bản thân để hiểu hơn về chính mình. Lúc đó mình cảm thấy rất thanh thản, rất nhiều vấn đề, những nỗi đau sâu xa được giải quyết khi ta thực sự hướng vào tâm thức. Từ đó mình cho ra đời được những số podcast chạm đến cảm xúc người nghe, bởi nó thật, nó gần nên nhiều bạn phản hồi với mình rằng các bạn ấy đã khóc khi nghe podcast của Mây.”
Thông qua việc xác định rõ ràng mục tiêu của podcast, Mây nhanh chóng giành được thành công lớn với series đầu tiên “Sau 11 giờ đêm”. Mây Podcast hiện đang đứng vị trí top 1 trên bảng xếp hạng Spotify với hơn 900.000 nghìn lượt nghe trên các nền tảng nghe podcast trên hơn 40 quốc gia. Cô nàng “hạnh phúc đến bất ngờ”, đồng thời cảm thấy biết ơn khi có thể lan tỏa sự tích cực đến thật nhiều bạn trẻ.
“Bạn biết không? Thời gian đầu làm podcast hầu như chẳng có ai tin tưởng mình cả. Nhưng mình luôn tin vào chính bản thân mình rằng mình sẽ làm mọi thứ cho ra trò. Mình quan niệm rằng: Nếu thật sự có mật, ong chắc chắn sẽ tìm đến. Nếu là một bản thể có giá trị, ắt hẳn sẽ chạm đến trái tim. Thế nên mình cứ tin vào chính bản thân và làm thôi. Cuối cùng thì mọi cố gắng của mình đã được đền đáp xứng đáng".
Sau thành công của “Sau 11 giờ đêm”, Mây tiếp tục cho ra mắt series “Tôi là ai?”. Mây cho biết series này ra đời để cùng đồng hành với thính giả trong quá trình loay hoay đi tìm chính mình, chữa lành những tổn thương bên trong, bóc tách các lớp vỏ bọc để tìm về nguyên bản ngây thơ nhất, trò chuyện với bản thân...
Trước “cái bóng” quá lớn của “Sau 11 giờ đêm”, Mây cho biết bản thân luôn cố gắng giữ vững niềm tin vào chính bản thân mình để xây dựng “Tôi là ai?” với tâm thế hết lòng tạo ra thật nhiều giá trị cho cuộc sống. Và quả đúng là như vậy, “Tôi là ai?” thu về thành tích ấn tượng với lượt nghe series #2 đã tăng lên gấp đôi so với series “Sau 11 giờ đêm" luôn.
Khánh Vân chia sẻ thêm về tập podcast ý nghĩa nhất với cô này. “Tập 4 khá dài nhưng lại thu về lượt nghe lớn. Tập này không chỉ có Mây làm nội dung mà còn có rất nhiều bạn fan của Mây đã tâm huyết viết để cùng chữa lành cho người khác - những người đang rơi vào trạng thái cùng cực, muốn rời bỏ cuộc sống, Đặc biệt, sau tập này có rất nhiều bạn phản hồi và cảm ơn mình vì đã sản xuất một tập ý nghĩa như vậy. Sau khi nghe tập 4 nhiều người đã khóc và cảm thấy trân trọng những điều mà mình có hơn. Mình thực sự biết ơn điều đó và hạnh phúc".
Chia sẻ góc nhìn của mình về podcast Việt, cô bạn nhận định đây còn là mảnh đất màu mỡ, tiềm năng. “Theo mình sắp tới podcast sẽ rất phát triển tại Việt Nam vì ngày càng có nhiều người nghe và người làm podcast hơn. Người ta cứ nói là 'Ngành phát thanh đang chết dần' nhưng thực sự podcast chính là một điểm sáng, một quãng nghỉ giữa cuộc đời vội vã, giúp mọi người quay trở lại với thói quen nghe giống như nghe đài radio, nghe đài phát thanh ngày trước. Chỉ khác là podcast có nhiều chủ đề đa dạng, cởi mở và bất cứ cá nhân nào cũng có thể làm được".
Trong tương lai, Vân chia sẻ mong muốn tiếp tục theo đuổi con đường trở thành podcaster chuyên nghiệp cùng cơ hội lấn sân sang các nền tảng khác với sứ mệnh chữa lành và lan tỏa những năng lượng tích cực.