Máy phát hiện gian lận thi cử của ĐH Tây Nguyên có gì lạ?

Cán bộ trường ĐH Tây Nguyên đã chế tạo thành công chiếc máy “khắc tinh” của những thí sinh gian lận. Nếu có thiết bị gian lận, máy sẽ truyền tín hiệu, càng đến gần thí sinh gian lận âm thanh phát ra càng lớn

Trước vấn nạn sinh viên thường sử dụng những thiết bị công nghệ cao có kích thước siêu nhỏ, hoạt động tinh vi, giám thị khó phát hiện bằng mắt để thực hiện gian lận trong thi cử. Cán bộ trường ĐH Tây Nguyên đã nghiên cứu, chế tạo thành công chiếc máy “khắc tinh” của những thí sinh gian lận. 

Sinh viên chịu khó “đầu tư” để gian lận trong kỳ thi

Máy phát hiện thiết bị công nghệ cao sử dụng gian lận trong thi cử là sản phẩm của đề tài cơ sở trọng điểm của trường ĐH Tây Nguyên do Phòng Thanh tra - Pháp chế của trường đặt hàng cho khoa Khoa học Tự nhiên và công nghệ.

Máy phát hiện gian lận thi cử của ĐH Tây Nguyên có gì lạ? ảnh 1 Anh Tôn Thất Trường Nam (bên phải) và thầy Trần Quốc Lâm bên cạnh chiếc máy phát hiện gian lận trong thi cử.

Anh Tôn Thất Trường Nam - kỹ thuật viên bộ môn Vật lý của khoa làm chủ nhiệm trực tiếp chế tạo máy. Hỗ trợ cùng anh còn có sự giúp đỡ của các cộng sự thuộc Bộ môn Vật lý, trong đó có thầy Trần Quốc Lâm - giảng viên bộ môn Vật lý của khoa.

Theo anh Nam, nhận “đơn đặt hàng”, nhóm đã mày mò nghiên cứu nguyên lý hoạt động của những thiết bị công nghệ cao sử dụng trong thi cử mà sinh viên thường sử dụng. Trong đó, nhận thấy các thiết bị gian lận có các dạng: Thiết bị kết nối điện thoại với vòng dây; Thiết bị tích hợp điện thoại và vòng dây; Thiết bị sử dụng kết nối Bluetooth.

Những thiết bị này được thiết kế nhỏ gọn như chiếc máy nghe nhạc hoặc ngụy trang điện thoại như chiếc thẻ ATM… và đều sử dụng tai nghe kích thức siêu nhỏ, tai nghe nam châm chỉ bằng nửa hạt gạo, hạt đậu nhỏ… bỏ sâu bên trong tai hoặc luồn sâu trong tay áo không dễ phát hiện ra.

Máy phát hiện gian lận thi cử của ĐH Tây Nguyên có gì lạ? ảnh 2 Một số thiết bị công nghệ cao sinh viên sử dụng trong gian lận bị phát hiện

“Các thiết bị này dùng sóng vô tuyến truyền thông tin, hình ảnh của đề thi ra bên ngoài phòng thi cho người hỗ trợ giải. Điện thoại được cài đặt chế độ tự động bắt máy khi có cuộc gọi đến, thí sinh có thể đọc đề thi ra bên ngoài hoặc để micro thu âm trong lúc giám thị đọc đề thi. Sau đó người ngoài truyền bài giải vào phòng thi và thí sinh nghe để làm bài” - anh Nam cho hay.

Còn thầy Lâm cho biết, ngày nay sinh viên dễ dàng tìm mua những thiết bị công nghệ cao để gian lận trong các kỳ thi, các thiết bị đủ loại giá từ vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng, các thí sinh rất “chịu chi” để vượt kỳ thi mà không phải bỏ công sức.

“Tôi còn được biết các sinh viên không cần mua mà còn có thể thuê máy gian lận giá 150 ngàn đồng/ngày. Thậm chí có sinh viên bỏ tai nghe siêu nhỏ trong tai khi về nhà không tự lấy ra được phải nhờ đến bác sĩ hỗ trợ gắp ra, bất chấp rủi ro những thí sinh này vẫn quyết thực hiện” -  thầy Lâm nói thêm.

Mong muốn sử dụng máy chống gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia

Từ khi bắt đầu nghiên cứu, máy chống gian lận đã được cải tiến qua 7 phiên bản nhằm tạo ra phiên bản mới, phù hợp với bản thương mại. Hiện tại, thiết bị này có cấu trúc gọn gàng trông như chiếc laptop, nặng 400g được sử dụng bằng pin tiện dụng. 

Máy phát hiện gian lận thi cử của ĐH Tây Nguyên có gì lạ? ảnh 3 Máy gian lận có kích thước nhỏ như máy nghe nhạc hoặc được ngụy trang như chiếc thẻ ATM

“Máy có thể phát hiện tín hiệu âm thanh phát ra từ các thiết bị công nghệ cao với khoảng cách 8 mét. Giám thị xách máy đi dọc hành lang phòng thi hoặc đi dọc giữa các dãy bàn, nếu có thiết bị gian lận máy sẽ truyền tín hiệu, càng đến gần thí sinh gian lận âm thanh phát lại càng lớn nên giám thị dễ dàng phát hiện, chỉ điểm chính xác những thí sinh này” - anh Nam chia sẻ thêm.

Theo TS Nguyễn Thanh Tân - Trưởng phòng Thanh tra – Pháp chế, trường ĐH Tây Nguyên, việc thí sinh gian lận bằng thiết bị công nghệ cao khiến các cán bộ coi thi rất “đau đầu” bởi sự tinh vi, ngụy trang rất khôn khéo và không thể biết chính xác thí sinh có đem thiết bị này trong người để mời ra ngoài kiểm tra.

“Từ khi có máy chống gian lận trong thi cử, chúng tôi đã phát hiện, lập biên bản trên 60 vụ thí sinh gian lận nhất là các kỳ thi có tính canh tranh cao như thi tuyển sinh liên thông Y đa khoa. Đến thời điểm hiện tại, số lượng gian lận đã giảm rõ rệt chỉ còn một vài vụ nhưng điều cốt lõi là thí sinh đã bỏ tư tưởng sẽ sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận” - thầy Tân cho hay.

Được biết, vào tháng 12/2018, đề tài máy chống gian lận đã bảo vệ thành công trước hội đồng nghiệm thu nhà trường. Hiện tường cũng đang tiến hành các thủ tục để đăng ký bản quyền cho chiếc máy này.

TS Nguyễn Thanh Trúc - Hiệu trưởng trường ĐH Tây Nguyên, cho biết, trường ghi nhận thành quả với sự đầu tư nghiêm túc của anh Nam và nhóm nghiên cứu đã tạo ra được sản phẩm mang tính ứng dụng và hiệu quả cao.

“Ngoài trường ĐH Tây Nguyên, máy chống gian lận đã được Học viện Y học cổ truyền Việt Nam và trường ĐH Thủy lợi đang sử dụng. Nhà trường mong muốn chiếc máy này sẽ được sử dụng rộng rãi trong các kỳ thi, nhất là những kỳ thi quan trọng như kỳ thi THPT quốc gia. Nhà trường sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ cho Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, cũng như các trường khác nhằm mục đích chống lại sự tiêu cực để các kỳ thi diễn ra công bằng, nghiêm túc” - TS Trúc nhấn mạnh.

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.