Được sự hỗ trợ của Viện Goethe tại Hà Nội lần này bộ sưu tập được đưa từ CHLB Đức về trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Huế, từ 18/5 đến 12/6/2016. Nghệ sĩ sắp đặt Veronika Witte, cũng từ CHLB Đức, trực tiếp thực hiện trong một không gian vô cùng lý tưởng. Tại phòng trưng bày chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhanh chủ nhân bộ sưu tập.
Là người của công việc, bề bộn với công việc nghiên cứu, giảng dạy, dịch thuật, hoạt động xã hội... chị lấy đâu ra thời gian đuổi hình bắt bóng với đồ cổ, một thú chơi đòi hỏi phải rất đam mê và rất kỳ công?
Đã cho là đam mê thì dù không có thời gian cũng phải kiếm cho ra được thời gian, và hiển nhiên nó ở trong mọi tình huống thường xuyên, ngay cả những bất ngờ, và tất cả lại nằm trong chữ duyên, lắm lúc không tìm mà gặp. Từ khi “mê” những chiếc áo dài của bà và mẹ, thì chính tiềm thức mình sục sạo chứ không phải ý thức. Tôi lớn lên trong không gian “đồ cổ” của bà cô, nên vô tình hay hữu ý, cái nhìn của tôi luôn nghiêng về cái cổ. Có một thời ngay tại Huế sau năm 1975, tôi bị nghi ngờ là “buôn” đồ cổ trong khi sục sạo đi tìm. Có lần tôi bị báo chí ở đây lên án là tay buôn làm chảy máu đồ cổ. Nhưng họ không biết đồ cổ vào tay Thái Kim Lan thì chúng khó mà thoát ra ngoài, dù ai có năn nỉ cũng không lay chuyển như nhiều trường hợp ở nước ngoài, bị năn nỉ bán cho cái này cái nọ vẫn không là không. Không chỉ sưu tập đồ cổ Việt Nam, tôi còn sưu tập đồ cổ trên thế giới, như một thú vui thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Tôi thường đi… dạo ở các chợ cổ, đọc lịch sử của đời sống con người nơi những thứ nhân dụng…và để trí tưởng tượng gặp lại con người thời trước.
Chị có thể bật mí lý lịch trích ngang vài món trong bộ sưu tập này?
Thứ nhất là áo dài mệnh phụ phu nhân của bà cô Thượng mà chúng tôi cả gia tộc họ Thái nói chung và riêng gia đình mẹ con chúng tôi rất nhớ ơn. Lấy chồng ở tuổi 16, ngoài việc thờ phụng gia đình chồng rất nghiêm khắc đặt nặng chữ “hiếu” lên hàng đầu, bà nêu tấm gương thuận thảo trong gia đình, cho nên về sau bà được vua ban khen bảng vàng “tiết hạnh khả phong”. Không những thế bà còn là người bảo trợ và làm vẻ vang gia tộc họ Thái với tấm lòng bao dung. Dưới mái nhà của bà, chúng tôi, mẹ góa con côi đã được bảo bọc. Và chúng tôi từ đó có cơ hội cắp sách đến trường. Tôi rất nhớ ơn bà đã giúp chúng tôi có một quãng đời niên thiếu an bình, khuôn phép và nề nếp. Bà lại là một phụ nữ có vẻ đẹp nhu mì thuần hậu – một trong những cô gái đẹp của miệt vườn Kim Long thời vua Thành Thái. Bà rất chú trọng đến cách đi đứng ăn mặc của con cháu trong nhà. Bà thường đưa ra những nhận xét phê phán cách ăn mặc của giới trẻ. Tôi nhớ mãi nhận xét của bà về đầu tóc uốn, kiểu mới của thời ấy, “tóc loăn xoăn như vành lá đu đủ, không đẹp!!!”. Có lẽ đó là một trong những lí do vì sao tôi có đầu tóc bối theo kiểu xưa, ngoài lí do thứ hai là người Âu châu ngưỡng mộ mái tóc dài đen mướt của tôi, nhất là cái búi tóc mà họ cho là rất đông phương, rất exotique!
Cái áo thứ hai là của bà Từ Cung, mẹ vua Khải Định, tự tay mở rương đưa cho mẹ tôi là quà khen tặng riêng cho người phụ nữ có đức hi sinh cả đời mình để nuôi con khôn lớn. Đức Từ cũng đã sống đời sống góa bụa, cô đơn nên rất thông cảm với những người phụ nữ đồng cảnh ngộ.
Câu chuyện của cuộc đời một vị hoàng hậu, sau là mẫu hậu, trong giai đoạn thăng trầm nhất của lịch sử Việt nam, vẫn giữ vững đức hạnh chính chuyên một lòng thờ phụng gia nương là một câu chuyện bất tận của số phận người phụ nữ Việt Nam. Chính sự thông cảm với kẻ dưới mình lại nâng bà lên thật cao trong nhân phẩm của một vị mẫu nghi thiên hạ. Trông áo như thấy người nên chiếc áo này đối với tôi rất quý giá.
Chiếc áo thứ ba là của bà cô con út của ông bà Cố, hoa khôi của vùng đất Kim Long một thời. Bà đẹp đến nỗi vua Thành Thái quên ăn mất ngủ, lại gặp ông cố tôi nghiêm khắc, nên rơi vào số phận “tài tình chi lắm cho trời đất ghen”, cuối đời bà nương náu cửa Thiền. Chiếc áo gợi cho tôi gương mặt ngọc của một thời “tại hà chi châu, yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” đã qua đi.
Áo mệnh phụ.
Áo bà Hoàng Thái hậu Từ Cung.
Áo lụa vàng.
Tại sao triển lãm lần thứ nhất chị lại chọn Hà Nội mà không phải là Huế?
Trước đây tôi đã nuôi ý định làm triển lãm áo dài xưa, lại cũng do cái duyên gặp bà Viện trưởng viện văn hóa Đức, nên Hà Nội được chọn. Cũng như bây giờ đến Huế cũng là duyên gặp chị Quỳnh Dao, nguyên Giám đốc Bảo tàng Văn hóa Huế, vào dịp Tết năm nay. Khi Quỳnh Dao ngỏ ý muốn trưng bày bộ sưu tập áo dài xưa, tôi hầu như bị thuyết phục bởi sự năng động và tận tâm của chị. Điểm thứ hai là nhà bảo tàng lại nằm trong tổ hợp kiến trúc thời xưa bên cạnh bờ sông Hương rất đẹp. Tôi nghĩ đây là nơi rất thích hợp cho những cuộc triển lãm các cổ vật.
Gồng gồng gánh gánh bộ sưu tập trở lại Huế chị có sợ bị "đụng hàng" ?
Không bởi vì tôi biết rõ giá trị có một không hai của những bộ áo dài trong sưu tập của tôi.
Theo chị, đâu là lợi thế của Huế khi triển lãm bộ sưu tập này?
Lợi thế của Huế qua triển lãm bộ sưu tập này là minh chứng hơn một lần Huế đã là trung tâm của một nền văn hóa Việt Nam độc sáng và đầy sáng tạo. Ngay cả trên phương diện thời trang, để dùng một chữ đang “mode”, đang “thời trang”, những người Huế xưa đã để lại cho ta một thí dụ điển hình về thị hiếu thẩm mỹ đặc thù của người Việt, phụ nữ Việt, nghệ nhân Việt, “không đụng hàng” không những trên đất nước Việt nam mà còn trên trường quốc tế, chứng tỏ Huế là nơi hội tụ, gặp gỡ những tài hoa yêu chuộng vẻ đẹp sáng tạo của con người trên trái đất.
Vì sao chị lại lấy cảm hứng từ một tứ thơ hiện đại để đặt tên cho bộ sưu tập áo dài xưa - “Màu vàng lồng lộng chảy tràn lá xanh”.
Đó là một câu thơ trong bài thơ tôi sáng tác bằng tiếng Đức có tựa đề “Die Zeit” (Thời gian) trong tập thơ song ngữ “Lạnh hơn xứ mình”. Bà Veronika Witte đã đọc và lấy cảm hứng từ đó trong khi chiêm ngưỡng lần đầu tiên những chiếc áo dài. Tôi thấy đề tài ấy rất thích hợp với vẻ đẹp của những chiếc áo, nó giúp người nhìn như bay bổng vào một quá khứ, vào một thế giới lồng lộng chất sáng tạo nhân bản.
Xin hỏi câu cuối cùng: Chị gửi gắm điều gì ở bộ sưu tập này?
Giới trẻ hôm nay cần có một phản tư sâu sắc về quá khứ và hiện đại, về đạo đức và thẩm mỹ, về cách thể hiện lối sống của mình trong xã hội, biết quý trọng truyền thống và lịch sử chân chính, như tôi đã phát biểu: Vẻ đẹp của chúng có thể gợi cho chúng ta những cảm hứng nghệ thuật chính nơi những khoảnh khắc đồng thời hiện đại của xã hội đang đổi thay từng giờ, rằng cái xưa vẫn còn nhiệm vụ nhắc nhở chúng ta về một truyền thống văn hóa Việt sâu xa và nồng hơi ấm con người, rằng nếu không có quá khứ thì những gì hiện đại sẽ ly tán, vụn vặt hư hao ý nghĩa, rằng cái hiện nay cần được chiếu sáng hơn từ cái xưa kia để sáng tạo nên hiện tại sẽ là quá khứ độc sáng cho mai sau, rằng bảo tồn văn hóa chính là nuôi dưỡng mạch sống không ngừng cho thế hệ kế tiếp…