Những cựu binh bảo vệ rừng thiêng

Máu vẫn đổ giữa thời bình

Anh Phan Văn Trí đang mở đường để dẫn chúng tôi vào thăm thú một cây bằng lăng cổ thụ trên 100 năm tuổi
Anh Phan Văn Trí đang mở đường để dẫn chúng tôi vào thăm thú một cây bằng lăng cổ thụ trên 100 năm tuổi
TP - Chỉ vỏn vẹn hơn 30 công nhân, bao gồm cả những cựu chiến binh già và thanh niên trẻ phân chia nhau vừa bảo tồn vừa phát triển 512 hecta rừng nguyên sinh Mã Ðã trước những kẻ “ăn của rừng”. Không ít lần những con người ấy bị lâm tặc tấn công, nhưng với tinh thần được tôi luyện từ những cuộc chiến, họ vẫn giữ vững cho Chiến khu D tốt tươi, nguyên vẹn...

Tiếp nối duyên phận rừng xanh

Cùng dẫn chúng tôi thăm thú cánh rừng nguyên sinh B58 hôm ấy là anh Phan Văn Trí. Vừa đi, anh Trí vừa dặn “Các anh đi theo bước chân tôi, chỉ đi chệch đường sẽ rất nguy hiểm bởi có rất nhiều hố sâu, hầm ngầm”. Rồi với thân thủ nhanh nhẹn, thoăn thoắt, quen thuộc, anh vạch lối mòn “dợm” bước.

Anh Trí sinh ra và lớn lên ở Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Năm 2008, sau khi xây dựng gia đình, anh theo bạn bè vào Nam lập nghiệp. Duyên số run rủi thế nào lại đưa anh về với những cánh rừng bạt ngàn cây cối như quê anh một thủa. “Tình cờ, tôi gặp những người cựu chiến binh đang bảo vệ rừng. Nghe chuyện ăn ở rừng, ngủ ở rừng tôi quyết định bỏ mọi công việc để theo bước chân các cô, các chú” - anh Trí tâm sự. Năm 2014, anh đưa cả vợ con vào sinh sống và tiếp tục với công việc giữ rừng cùng đơn vị.

Càng dợm bước vào sâu, chúng tôi càng lạc vào những thảm thực vật nguyên sinh đến khó tin. Cứ một đoạn ngắn lại bắt gặp những thân cây lớn bằng vài người ôm. Đây là cây bằng lăng, kia là gõ mật, kơ nia, sồi, huỳnh đường, da, trường mật... Phía dưới là những thảm thực vật nguyên sơ tựa như chưa được con người khám phá.

Vừa xua những bầy muỗi ngửi thấy hơi người bám lại, anh Trí vừa tự hào: “Kia là cây bằng lăng cao khoảng 35-37 mét, đường kính 3-4 mét, phía tay trái là cây Kơ nia cao 50 mét đường kính 8 mét... Những cây to như thế đếm cả ngày không hết. Từ những năm đầu tôi làm việc ở đây, những cây này đã to lớn như vậy rồi”  - anh Trí nói.

Vừa dang tay ôm một cây bằng lăng để ướm thử chu vi của gốc, anh Trí vừa giới thiệu, đây là một trong hàng trăm cây bằng lăng ở khu rừng này, nó có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi. “Cả rừng có 54 cây được Hội bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản năm 2014 đấy” - anh Trí nói.

Sâu vào lõi rừng, bên cạnh những thảm thực vật nguyên sinh, chúng tôi càng cảm nhận được sự linh thiêng khi rừng mang trong mình những dấu tích của những năm tháng chiến tranh. Dưới những tán lá xanh, xen lẫn với chằng chịt những cây gai là dấu tích của những bệnh viện, căn hầm, trận địa… Càng vào sâu trong rừng, những lối mòn nhỏ dần biến mất nên ai ai cũng phải tự túc, người dùng rựa, người dùng dao hoặc gậy để tự bạt đường mà đi.

Đi chừng hơn một tiếng, thấy chúng tôi mồ hôi đẫm áo, anh Trí khích lệ: “Mỗi ngày, tôi đi hàng chục cây số xuyên rừng. Có khi đi từ sáng sớm đến chiều tối, khi thì từ nửa đêm tới sáng sớm, không có giờ giấc cụ thể nào. Trước khi đi ăn thật no, đi mấy ngày, khi đói, khát đã có cây rừng”, anh Trí nói và cho biết thêm, sở dĩ không đi theo giờ giấc cố định như vậy để lâm tặc không thể căn ngày giờ để phá rừng.

Ðể vang mãi khúc ca đại ngàn

Trong đoàn đi rừng cùng chúng tôi hôm ấy có cựu binh Nguyễn Công Trường, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm, một trong những chứng nhân cho những thăng trầm, biến cố của việc giữ rừng. Ông Nguyễn Công Trường kể: “Trước kia, lâm tặc vào rừng chặt phá, săn thú. Khi bị chúng tôi phát hiện, chúng chống trả quyết liệt. Có lần, vì không cho chúng chặt hạ cây, chúng đã dùng súng, dùng dao đe dọa. Nhiều anh em đã phải đổ máu mới giữ được rừng như bây giờ”.

Không chỉ vượt qua khó khăn, nguy hiểm, những người cựu binh còn phải vượt qua cả cám dỗ của đồng tiền. Có lần khi đi tuần, phát hiện một số gốc cây bị cạo sạch vỏ, biết là lâm tặc đánh dấu, nên nhóm của ông Trường động viên nhau mắc võng ngay tại gốc cây để bảo vệ. Không chặt được cây, chúng quay ra mua chuộc, đe dọa, hay thậm chí đốt các lán trại để làm nhụt ý chí của những người bảo vệ rừng. Tuy nhiên, mọi cám dỗ đời thường không làm lay động được ý chí của những con người quả cảm nơi đây. “Thấy chúng tôi làm căng, cánh lâm tặc cũng phải chùn bước. Quyết tâm và ý chí ấy nên rừng vẫn giữ được đến bây giờ” - ông Trường nói, giọng chắc nịch.

Xuyên rừng được chừng hơn 3 cây số, bỗng ông Trường với những bước chân thoăn thoắt bước xuống một lối đi rất thấp. Và đây là những chứng tích của một thời kháng chiến năm nào. Những ngóc ngách còn sót lại của một bệnh viện dã chiến được đặt tại đây. Vừa chỉ tay, ông Trường vừa giới thiệu: Đây là hầm bệnh xá của Bệnh viện K72 tiền thân là trạm xá của Cục II miền Đông Nam bộ từ những năm 1962 - 1975. “Sau này, khi hòa bình lập lại, đất nước đi lên, chính vị Giám đốc Bệnh viện Đại tá, bác sỹ Nguyễn Chí Lợi thường trực ban liên lạc Quân y viện K2 thời bấy giờ đã về dựng lại những thước phim tài liệu thời kháng chiến tại đây” - ông Trường
cho hay.

Cựu chiến binh Đàm Quang Dần, nguyên là Trưởng Công an, Chủ tịch UBMTTQ xã Tân Hưng (Đồng Phú), là thành viên của Công ty B58, cho biết, để khu rừng được bảo vệ an toàn, lãnh đạo Công ty B58 thành lập 5 chốt với 30 bảo vệ, hầu hết là những cựu chiến binh, con em gia đình có công với cách mạng, thay nhau gác rừng cả ngày lẫn đêm. Công ty cũng ký hợp đồng phối hợp tuần tra với huyện đội Đồng Phú tại các điểm xung yếu.

“Ngoài những chốt giữ rừng, công ty còn xây dựng được mạng lưới “tai mắt” tại địa phương giáp ranh, kịp thời phát hiện những người “manh nha” ý đồ vào rừng chặt phá. Hàng năm, chúng tôi phải chi hơn 1 tỷ đồng cho việc tuần tra, bảo vệ rừng. Việc giữ lại rừng xuất phát từ bảo vệ tài nguyên rừng tự nhiên, giữ lại dấu ấn chiến khu D. Tôi mong muốn nơi đây trở thành nơi cựu chiến binh gặp gỡ, ôn lại truyền thống lịch sử và là địa chỉ đỏ giáo dục lịch sử cho thế hệ sau”, ông Dần chia sẻ.   

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước, ông Trần Xuân Huệ khẳng định, toàn bộ diện tích rừng thuộc tiểu khu 379 (Nông lâm trường Tân Lập, huyện Ðồng Phú, tỉnh Bình Phước) được Công ty B58 quản lý, bảo vệ tốt, không bị tác động, chặt phá. Ðây là khu rừng nguyên sinh hiếm hoi, đúng nghĩa.

Ông Nguyễn Công Trường kể: “Trước kia, lâm tặc vào rừng chặt phá, săn thú. Khi bị chúng tôi phát hiện, chúng chống trả quyết liệt. Có lần, vì không cho chúng chặt hạ cây, chúng đã dùng súng, dùng dao đe dọa. Nhiều anh em đã phải đổ máu mới giữ được rừng như bây giờ”.

Máu vẫn đổ giữa thời bình ảnh 2

Cựu chiến binh Phạm Công Trường đang giới thiệu những dấu tích còn sót lại của Bệnh viện dã chiến

MỚI - NÓNG